TTVH Online

Kỳ 3: “Cao bồi” vùng cao

11/06/2010 07:15 GMT+7

Ngựa bé, người nhỏ nhưng sức bền bỉ dẻo dai thì vô cùng. Những kị sĩ vùng cao Bắc Hà có thể vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng. Đã có những cuộc đua hồi hộp và đầy mạo hiểm như thế vào những năm 80.

(TT&VH Online) - Ngựa bé, người nhỏ nhưng sức bền bỉ dẻo dai thì vô cùng. Những kị sĩ vùng cao Bắc Hà có thể vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng. Đã có những cuộc đua hồi hộp và đầy hứng khởi như thế vào những năm 80.

Qua giới thiệu của đội đua xã Na Hối, chúng tôi đến gia đình anh Vàng Văn Rởi, 48 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối. Anh Rởi được mệnh danh là kỵ sỹ đua ngựa giỏi nhất ở Bắc Hà - người đã giành giải nhì cuộc thi vừa đua ngựa, vừa bắn súng năm 1980. Trong cuộc thi đó, anh Rởi đứng thứ nhất đua ngựa và đứng thứ 4 về bắn súng và tính tổng điểm lúc trao giải, anh Rởi đạt giải nhì.

Từ trò chơi của trai bản

Gặp tôi anh Rởi vui lắm, ngồi nhâm nhi chén rượu nhạt, chàng kỵ sỹ “chân đất” một thời kể cho tôi về nguồn gốc của đua ngựa và kỷ niệm giải đua ngựa và bắn súng năm 1980. Đó là giải cuối cùng, vì sau đó ở Bắc Hà không tổ chức giải nào nữa, mãi đến năm 2007 mới phục hồi.


Đua ngựa - môn thể thao dân tộc độc đáo mới được phục hồi tổ chức 3 năm nay ở Bắc Hà
Theo lời kể của anh Rởi, ngày xưa, vào mùa xuân, ở các thôn, bản vùng cao xã, Bản Phố, Hoàng Thu Phố, Lùng Phình, Bản Già, Lùng Cải, Tả Chải, Na Hối, Thải Giàng Phố, Bản Phố… (Bắc Hà), Cán Cấu, Sín Chéng (Si Ma Cai) thanh niên trai tráng người Mông, Tày, Nùng, Dao… rủ nhau đi chơi tết, đi hội xuân - hội gầu tào, hội xuống đồng… thường rủ nhau đi thành từng đoàn. Vì đi đường xa hàng chục cây số nên họ mang theo ngựa. Khi sắp đến nơi, họ thường rủ nhau đua ngựa, ai đến đích trước thì bữa tiệc hôm đó được ngồi mâm trên, được thưởng rượu và các chàng trai khác nhường cho người về nhất tăm tia, chọn cô thôn nữ Mông, Tày, Nùng, Dao xinh đẹp nào đó tán tỉnh, kéo về làm vợ. Đua kiểu này không mang tính ăn thua nên hầu như không có ai bị chết do ngã ngựa, chỉ thỉnh thoảng có người bị thương.  Còn trước Cách mạng, giải đua ngựa ở Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân thì nguy hiểm hơn vì có tính chất quy mô toàn vùng. Chuyện thắng, thua có ảnh hưởng đến danh dự dân tộc, dòng họ, vùng miền.

Trở thành ngày hội của người vùng cao

Theo lời anh Rởi, hồi đó đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng (một dinh thự cổ rất đẹp nằm ở thị trấn Bắc Hà - PV). Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn 5 phát súng vào bia sau đó lên cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi quay lại điểm xuất phát. Giải nhất thuộc về người nào phi nhanh nhất, bắn giỏi nhất. Con đường đua hồi đó có nhiều chỗ dốc, chỗ cua gấp, rất nguy hiểm nên gần như trong cuộc đua nào cũng có ngựa và người bị thương và thậm chí có người bị chết.

Còn sau cách mạng, vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức đúng một buổi diễu hành với 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, sau đó thì không tổ chức nữa. Đến mùa xuân năm 1980, huyền đội Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Lúc đó, Bắc Hà không có nhiều ngựa nên hầu hết nhà nào có thanh niên, có ngựa đều tham gia.


Anh Rởi bên con ngựa đua con
Anh Rởi kể: “Năm đó tôi vừa bước vào tuổi 18. Bình thường, đi chợ, đi nương, đi hội thanh niên rủ nhau đua, tôi luôn về đích nhanh nhất nên được coi là tay đua ngựa giỏi số một ở địa phương lúc đó. Tôi được bà con tín nhiệm cử đi thi”.

Giải năm đó có hơn 50 kỵ sỹ người Tày, Nùng, Dao, nhiều nhất là người Mông tham gia đua ngựa, bắn súng. Chia làm 22 lượt, mỗi lượt 3 kỵ sỹ tranh tài, đua ngựa từ ngã 5 huyện, khu vực chợ Bắc Hà hiện nay, lúc đó chưa có đường cai, chạy 1,5 km theo đường đồi, ruộng đến trước dinh Hoàng A Tưởng. Sau đó các kỵ sỹ phải nhảy xuống ngựa và sau 10 giây phải rút súng bắn 3 viên ngay sang khu vực bia được treo bên khu rừng cấm đối diện nhà Hoàng A Tưởng.

Anh Rởi uống cạn ly rượu và cười bảo: Súng để bắn là loại súng CKC do huyền đội chuẩn bị chứ không phải là súng săn nên hầu hết do không quen súng và vừa đua ngựa mệt mỏi, nhảy xuống ngựa là phải bắn ngay nên nhiều người bắn không trúng. Trong hơn 60 người thì chỉ có 7 hay 8 người bắn trúng bia, không có ai trúng cả 3 phát. Tất cả chỉ trúng 1/3. Dù đua ngựa về nhất, nhưng tính thêm điểm bắn súng, anh Rởi chỉ về nhì và được nhận phần thưởng là 1 chiếc khăn mặt và 1 lít rượu ngô đặc sản… Đại úy  Lý Seo Thống - Đội trưởng đội quân lương - Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà lúc bấy giờ (nay đã 69 tuổi) về nhất nhờ hơn điểm bắn súng. Anh Rởi vẫn còn hơi tiếc, nếu là bắn súng săn của dân tự làm lúc đó thì chắc chắn anh sẽ về nhất vì qua các giải thanh niên trong huyện rủ nhau đi hội, vừa đua vừa bắn súng anh luôn nhất. Bây giờ điều lệ giải quy định từ 18 - 40 tuổi mới được đăng ký thi, nếu mở rộng cho cả người 50 tuổi thì anh Rởi khẳng định sẽ tham gia.

Nhưng ngày nay giải đua ngựa Bắc Hà chỉ đơn thuần đua ngựa, không còn nội dung thi bắn súng.

Kỳ cuối: Bí quyết trở thành nhà vô địch
Tráng Xuân Cường
Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bắc Hà, Lào Cai
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN