TTVH Online

Hoàng Dzự ba tôi – một người Hà Nội

13/05/2010 18:54 GMT+7

Họa sĩ Hoàng Dzự nổi tiếng trong làng biếm họa Việt Nam với bút danh DZÍM, ông vừa đoạt giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ II do báo TT&VH tổ chức. Hưởng ứng chương trình “Người Hà Nội”, chị Diệu Huân, con gái họa sĩ đã gửi tới bài viết xúc động về ba mình.

1. Nỗi nhớ phố cũ Hà Nội của ba tôi thật lạ lùng! Có thể vào một tối mùa đông nào đó, ông bất chợt đạp xe (sau này là đi xe máy) vượt hơn 12 cây số vào nội thành, đến phố Tạ Hiện chỉ để ăn một bát bánh trôi tầu rồi về. Những mùa hàng cây cơm nguội thay lá nõn nà, hoặc mấy cây sưa trổ hoa trắng xốp như bông ở đường Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, ông lại lang thang mấy sáng tinh mơ ở đó.

Những năm tháng ở chiến trường miền Nam nhớ Hà Nội da diết, trung đội ba tôi thường đố nhau mô tả mặt tiền và cửa hàng của từng ngôi nhà trên các con phố thủ đô.

Ba tôi là người Hà Nội gốc, con một gia đình tư sản trí thức giầu có ở phố Hàng Đậu, nhưng ông ít được hưởng sự giầu sang bởi cả gia đình ông, bà tôi đã theo “Chính phủ Cụ Hồ” tản cư lên Việt Bắc, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1965, ba tôi trúng tuyển đại học nhưng cũng như một số thanh niên Thủ đô ở tuổi hai mươi khi ấy, đã xung phong nhập ngũ, vào Nam đánh Mỹ. Tôi không hiểu rõ chiến tranh gian khổ, ác liệt như thế nào bởi đến tận năm 1990 tôi mới được sinh ra; tuy nhiên đồng đội của ba cho biết, cả trung đoàn gồm 3.200 người vượt Trường Sơn, nhưng ngày hoà bình chỉ còn chưa tới 300 người còn sống. Các bác, các chú khen ba tôi dáng vóc thư sinh nhưng rất “lì”, rất liều, trung đội của ông đã nhiều lần “chọi nhau” với các đơn vị lính Mỹ, lính Nam Hàn đông gấp nhiều lần… và ông đã được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” khi chặn đánh các đoàn xe quân sự của địch trên đường quốc lộ 19 (An Khê – Pleiku).

2. Gần 30 năm (1977 - 2004) làm công tác nghiên cứu khoa học ở Viện Kinh tế nông nghiệp (nay là Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), ba tôi chưa bao giờ cân nặng quá 50 kg, ông thường làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày. Để có tư liệu thời chưa có máy tính, máy phô tô, ba tôi đã phải lập nhiều cuốn sổ ghi chép cập nhật các thông tin liên quan theo từng chuyên đề và theo từng tỉnh thành. Cuối những năm 1980, ba tôi đã có tủ sách gia đình trên dưới 800 đầu sách được mua bằng tiền tiết kiệm và nhuận bút viết vẽ cho báo chí và một số nhà xuất bản.

Suốt những năm 80, 90, phần lớn đời sống cán bộ của các cơ quan khoa học nghiên cứu KTXH đều khó khăn, thiếu thốn; với ba tôi, mặc dù được nhiều địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh ưu ái, sẵn sàng cho đất, cho của cải nhưng ông đều từ chối. Không ít người chê ba dại, suốt đời làm việc tới mức kiệt quệ sức khoẻ mà hưởng thụ thì quá ít, nhưng ba lại bảo với chúng tôi: “Ba được hưởng nhiều thứ mà họ không biết, đó là được tới nhiều vùng của đất nước để có cơ hội làm việc thiết thực có ích cho dân, được thăm thú nhiều cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống của đồng bào nhiều dân tộc, được mọi người yêu mến, quý trọng…”

3. Ba tôi còn ham mê vẽ tranh, viết truyện, làm thơ, viết báo. Với bút danh DZÍM, ba đã có tranh biếm hoạ đăng báo hơn 50 năm qua kể từ khi còn là học sinh trường Chu Văn An-Nguyễn Trãi (Trường Bưởi). Tôi không hiểu lắm giá trị loại tranh này nhưng được nghe các bạn hoạ sỹ và nhà báo của ba có lần bình phẩm: “Biếm hoạ thể hiện trí tuệ và bản lĩnh cao thì trong Nam có CHOÉ (hoạ sỹ Nguyễn Hải Chí (1943-2003), ngoài Bắc có DZÍM”!. Cũng ở tuổi 14, ba tôi đã nhận được giải thưởng cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi quốc tế tổ chức tại Ấn Độ và “nghiệp vẽ” từ đó cứ theo ông mãi, kể cả những năm ở chiến trường mà ba cho biết, phải tạo bút vẽ từ các thanh tre, nứa, dùng thuốc sát trùng xanh, đỏ, thuốc sốt rét ký ninh màu vàng và nhọ nồi… làm màu vẽ, nhưng vẫn tạo được khá nhiều tranh cổ động và các tập tranh biếm hoạ tạo niềm vui cho đồng đội và đồng bào vùng căn cứ.

Qua năm tháng, ba tôi đã có khá nhiều các bức tranh mỹ thuật với các chất liệu khác nhau, nhưng mãi tận tháng 8-2002, nhờ sự hỗ trợ tài chính của một tổ chức phi chính phủ và mấy bạn chiến đấu cũ làm ăn phát đạt, ba mới có triển lãm mỹ thuật cá nhân trưng bày 26 bức tranh sơn dầu khổ lớn tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên trong các loại tranh tôi vẫn thích những tập truyện tranh vừa viết, vừa vẽ của ba. Từ năm 1980 đến 1993 ba tôi đã có gần 50 tập truyện tranh được xuất bản và phần lớn thuộc đề tài lịch sử dân tộc. Ngày 3/6/1994, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã gửi thiếp khen ngợi và khuyến khích ba tôi tiếp tục sáng tác nhiều tập sách như trên để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Theo mẹ tôi và một số bác ở cơ quan kể lại thì ba tôi là người rất nhiệt thành, ông luôn tranh thủ mọi cơ hội để cảnh báo những nguy cơ tiêu cực, cũng như đề xuất những giải pháp nhằm góp phần vào công cuộc phát triển lành mạnh bền vững cho xã hội. Năm 1983, ba tôi đã viết thư lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng phản ánh tình hình thực tế của đơn vị và một số cơ quan khoa học xã hội khác mà ba cho rằng, quản lý mang nặng tính hành chính, hình thức và hầu hết cán bộ khoa học chỉ làm một việc là minh hoạ, phù hoạ các chủ trương, chính sách đã ban hành! Ba đề nghị Nhà nước cần tin tưởng đội ngũ khoa học, coi họ là đội quân trinh sát, đội quân xung kích mở đường, tìm ra những cơ sở khoa học thật sự để từ đó hoạch định chính sách phù hợp với yêu cầu của cuộc sống!

Ba tôi là Hoàng Dzự, tôi tự hào có cha là MỘT NGƯỜI HÀ NỘI trí tuệ, tài hoa và chính trực!

DIỆU HUÂN
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN