TTVH Online

Đức Chính – Ca sĩ của “Tuổi thơ Hà Nội”

10/05/2010 10:52 GMT+7

Đức Chính sinh ra ở phố Hàng Ngang, tuổi thơ gắn bó với phố Hàng Đường, lúc trưởng thành lại ở phố Hàng Bạc. Nhưng dù ở đâu thì Chính vẫn là dân Hà Nội “gốc”, các phố đều bắt đầu có chữ “Hàng” nằm trong “36 phố phường” xưa của Thăng Long - Hà Nội.


“Mãi mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội”

Dù Đức Chính đã bước vào lứa tuổi “Tri thiên mệnh”, bàn chân người nghệ sĩ đã in dấu nhiều nơi trong và ngoài nước, song như lời một ca khúc mà Chính thường hát rất có “hồn”: “Dù đi khắp bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Trong bài hát “Xa Hà Nội” anh thổ lộ: “Khi anh vui, anh không quên Hà Nội/ Khi anh buồn Hà Nội ở bên anh/ Hà Nội của anh là cả mùa Xuân/ Sưởi nắng ấm, khi cõi lòng anh lạnh”.

Chính nặng lòng với Hà Nội, tiếng leng keng của chuyến tầu điện tinh mơ buổi sớm mai đưa các bà buôn chuyến rời Ga Bờ Hồ lên mạn chợ Bưởi, đồng thời cũng đánh thức Chính và bàn bè dậy sớm ôn bài, rủ nhau chạy ra vỉa hè đầu phố tập thể dục theo Đài phát thanh, rồi cùng nhau cắp sách đến ngôi trường Thanh Quan cổ kính ở phố Hàng Cót. Cây cầu Long Biên cũ kỹ cứ hun hút dài trong trí nhớ của Chính, với tiếng còi tầu kéo dài băng qua bãi ngô non ở giữa sông Hồng mà cứ vào chiều thứ 7 được nghỉ học, lũ học trò lại rủ nhau ra đây thỏa sức khám phá  con sông Cái chở nặng phù sa.

Tôi và Chính thường rủ nhau tản bộ ra tiệm café “Nhân”, một tiệm café lâu đời của Hà Nội cổ nằm trên phố Hàng Hành, bây giờ cánh trẻ đặt một tên mới “Phố Sành Điệu”. Nhìn những giọt café rơi tý tách vào chiếc ly cổ, Chính tâm sự: “Hà Nội của Lê Vinh là “Phố nhỏ, ngõ nhỏ nhà tôi ở đó”. Hà Nội trong tôi tĩnh lặng như ngày mồng Một Tết, thời điểm người dân ngoại tỉnh về quê đón tết, lúc đó mình mới mang máng cảm nhận hơi thở thân thuộc của Hà Nội xưa cũ”. Chính là con người hoài cổ, cổ từ kiểu cách, màu sắc bộ áo quần anh đang mặc, đến “tiếng nói Hà Nội” chuẩn xác “tròn vành rõ chữ”, yếu tố cơ bản tạo nên một Đức Chính, ca sĩ của “Tuổi thơ Hà Nội”.

Đức Chính thân với Nguyễn Cường. Một duyên may đã đưa hai con người đẫm chất Hà Nội đến với nhau. Họ chỉ ở cách nhau vài số nhà, cùng dân nghệ sĩ, họ quen nhau, thân nhau lúc nào cũng không biết nữa. Người lớn tuổi có bộ ria kiêu hãnh, lúc nào trên đầu cũng đội chiếc mũ “bất ly thân” rộng vành, kiểu “cao bồi” rất cá tính. Hai người đồng cảm với nhau không phải chỉ có âm nhạc, kể cả sở thích riêng như sáng nào cũng dậy sớm cùng nhau chạy bộ quanh Hồ Gươm vài vòng, ngắm Tháp Rùa huyền ảo, cây lộc vừng trổ hoa, liễu rủ ven hồ. Có hôm hai người đi sâu hút vào các ngõ ngách Phố cũ, họ trầm ngâm trước Ô Quan Chưởng cổ kính, những mái ngói lô xô. Tối tối, họ khoác vai nhau đi dưới tán lá cây phượng vĩ đường Ngô Quyền, hoặc thưởng thức mùi thơm hăng hắc hoa sữa đường Nguyễn Du khi mùa thu về “nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Mỏi chân, anh em sà vào hàng ngô nướng của một cụ già hay chuyện cuối phố Cầu Gỗ, vừa ăn ngô vừa nghe cụ kể lai lịch đường phố Hà Nội, mà cụ thuộc như trong lòng bàn tay.

Chị gái nhạc sĩ Nguyễn Cường sang Pháp sinh sống từ nhỏ, ngoài 50 tuổi, bà về thăm Hà Nội. Bà đưa cậu em, nhạc sĩ tài hoa đến những nơi gắn bó với ký ức “tuổi ô mai” của mình. Hiệu kem Long Vân- Hồng Vân ở Ngã 5 Hàng Đào lúc nào cũng đông cánh học trò đến ăn, rẻ mà ngon. Đối diện với Thủy Tọa (không phải Thủy Tạ) là hiệu phở bà Tộ Béo ngon nhất nhì Hà Nội. Càfe Nhân thời chị còn ở nhà tọa lạc tại lầu 2, số 100 phố Cầu Gỗ kia…”. Đêm về, khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ, nhạc sĩ Nguyễn Cường ngồi bên cây đàn nhớ lại những câu chuyện chị kể về Hà Nội từ cái ngày xửa, ngày xưa ấy cộng hưởng với Hà Nội Cường đã sống, gắn bó từ tuổi ấu thơ. Tình yêu Hà Nội ập đến: “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/ Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ/ Đất Thăng Long người ơi, mái nhà nào chờ tôi”, nốt nhạc trước “gọi” nốt nhạc sau tạo lên một suối âm thanh da diết của người nghệ sĩ nặng tình, nặng nghĩa với Hà Nội: “Những tháng ngày tuổi thơ tôi - Hà Nội, những chiều chiều đội mưa/ lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ, Trái tim tôi mộng mơ…”.

Hôm chia tay, Nguyễn Cường mời anh bạn ca sĩ “tâm đầu ý hợp” cùng phố đến hát tặng chị. Nngười viết, người thể hiện, người nghe đều là Người Tràng An- Hà Nội, tuổi thơ gắn bó máu thịt với Hà Nội: “Mãi mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội/ Dáng hiền từ, bà tôi, dắt tôi trong chiều nghiêng/ Mãi mãi truyện thần tiên/ Đất Thăng Long hùng thiêng/ Còn đó tuổi thơ, còn mãi ngày xưa…”. Bà chị ôm vào lòng cả 2 cậu em nức nở: “Cám ơn hai em đã cho chị sống lại kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hà Nội. Chị sẽ mang “tuổi thơ Hà Nội” đi nốt quãng đời còn lại”.

Con mắt “xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Cường phát hiện, “chọn mặt gửi vàng”, anh giao đứa con tinh thần cho Chính, Chính đã không phụ lòng tin ấy, cuộc đời ca sĩ của anh “đóng đinh” với ca khúc “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”. Và cho tới bây giờ, cũng có nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường đánh giá: “Đến giờ phút này không ai hát “Mãi mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội hay như Đức Chính”. Người hâm mộ gọi Đức Chính “Ca sĩ của tuổi thơ Hà Nội”, đó là phần thưởng xứng đáng công chúng dành cho Đức Chính. Chính chất giọng Tenor trữ tình, nhẹ nhàng, mang âm hưởng dân gian truyền cảm, cùng những lời ca buồn, hoài niệm, với bề dày tri thức am hiếu Hà Nội là chất “xúc tác” giúp Chính “cháy” hết mình khi hát về Hà Nội.

“Nợ Hà Nội, trả cả đời không hết!” 


“Con đường âm nhạc” của ca sĩ- nhạc sĩ Đức Chính, bắt đầu từ một kỷ niệm vui năm Chính học lớp 10, trường PT cấp 3 Trưng Vương, Hà Nội (bây giờ là lớp 12 THPT). Lớp 10C tổ chức sinh nhật Chính 17 tuổi, cảm động trước tấm lòng chân thành của bạn bè, Chính hát tặng các bạn liền một mạch… 17 bài hát, toàn những bài nói về Hà Nội, kể cả bài “Bé bé bằng bông/ Hai má hồng hồng/ Bé đi sơ tán/ Bế em theo cùng…”  Cả lớp vỗ tay thán phục. Chính khám phá thêm một khả năng nữa của mình. 

Năm 1975, Chính 18 tuổi, tốt nghiệp cấp 3, cũng như thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”, Chính “xếp bút nghiên”, tạm chia tay với ước mơ Đại học, lên đường nhập ngũ. Chính được phân về Sư 361, bộ đội phòng không, bảo vệ bầu trời Hà Nội. Được đơn vị tiến cử, động viên, Chính tham gia hội diễn văn nghệ toàn quân (1979). Bài hát Chính chọn dự thi là bài “Tiếng nói Hà Nội” (nhạc: Vân An, lời thơ: Cảnh Trà). Chất giọng Hà Nội sang trọng, mượt mà, Chính đã chinh phục Ban giám khảo và người nghe. Chính giành Huy chương vàng. Năm 1980, tham gia Hội diễn ca khúc chính trị toàn quốc, lại một bài hát nữa về Hà Nội, bài “Nhớ mùa Thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), và Chính giành thêm một Huy chương vàng. Năm 1980, Chính được nhận về Đoàn nghệ thuật Phòng không, Không quân và người lính bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

 Chính vừa hát, vừa bắt đầu sáng tác, bài “Kỉ niêm không quên” là một thành công ban đầu. Chính đi thăm nhà truyền thống của sư đoàn, được nghe kể câu chuyện Bác Hồ về thăm đơn vị. Bác hỏi các chiến sĩ: “Đội mũ sắt giữa ngày hè có nóng không?”. Bác dặn, bắn trúng mục tiêu, càng ít đạn càng tốt, mỗi quả đạn là mấy tạ thóc của nhân dân. Chính mở đấu ca khúc “Giữa trời Thủ đô hôm nay, Bác như vẫn còn đâu đây…”. Bài hát đã trở thành bài hát truyền thống của quân chủng. Năm 1988, tai hội diễn đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ I, Chính giành giải người hát hay nhất bài hát về Hà Nội với bài “Hoa Sữa” (Hồng Đăng).

Chính được mời về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, được hợp tác với các nghệ sĩ lớn tại một nhà hát “đầu ngành”, với Chính là một thư thách lớn. Muốn có chỗ đứng bên cạnh những tên tuổi lớn như NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Thúy Quỳnh… chỉ có lòng đam mê ca hát thôi chưa đủ. Chính thi đỗ vào khoa thanh nhạc, Đại học âm nhạc. Sau 4 năm miệt mài, năm 1986 anh tốt nghiệp “bằng đỏ”, sau đó Chính tốt nghiệp thêm khoac Lý luận sánh tác và Chỉ huy.

       Giờ đây, khi mái tóc đã phai chút mầu xanh, Đức Chính trở thành Đoàn trưởng Đoàn ca nhạc, quản lý cả trăm nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tác của anh phần lớn dành cho Hà Nội. Anh bảo, anh nợ Hà Nội, trả cả đời cũng không hết. Viết về Hà Nội, Chính đi vào đề gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là lòng biết ơn người thấy giáo Hà Nội thời bao cấp, thầy đã vượt lên mọi thử thách, bệnh tật để làm tròn nhiệm vụ “trồng người” như bài Thầy tôi. Đọc báo bắt gặp bài thơ “Xa Hà Nội”, anh tìm bằng được tác giả trao đổi, tìm hiểu. Té ra đó là một bài thơ làm từ năm 1965 miêu tả tâm trạng của một anh chàng sinh viên Hà Nội, chia tay Hà Nội để “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”, có một chút lãng mạn tiểu tư sản “ Hà Nội ơi! Xa rồi!/ Còn đâu nữa những buổi chiều êm đẹp/ Anh và em đi dưới hàng me? Thủ thỉ bên nhau những buổi trưa hè…Chính đã đưa vào bài hát chất liệu của cuộc sống đương đại, nên bài hát sinh động, dễ đi vào lòng người, đủ mọi lứa tuổi.

Lê Sĩ Tứ

ảnh 1: Đức Chính hát “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” bên chân cầu Long Biên

ảnh 2: Chiến sĩ, ca sĩ Đức Chính

ảnh 2: Đức Chính bên thành cổ Hà Nội

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN