TTVH Online

Chu Lai: Nhà văn - người lính

06/05/2010 16:35 GMT+7

Đã qua cái tuổi 60, nhưng nét gồ ghề, hầm hố và mái tóc xoăn bồng bềnh vẫn không có gì thay đổi như hơn 30 năm trước ở người lính đặc công, và bây giờ là đại tá nhà văn Chu Lai - người có những tác phẩm viết về chiến tranh xuất sắc.

(TT&VH) - Đã qua cái tuổi 60, nhưng nét gồ ghề, hầm hố và mái tóc xoăn bồng bềnh vẫn không có gì thay đổi như hơn 30 năm trước ở người lính đặc công, và bây giờ là đại tá nhà văn Chu Lai - người có những tác phẩm viết về chiến tranh xuất sắc.

1. Khi được hỏi "không làm nhà văn thì anh làm gì?", Chu Lai trả lời anh thích làm ngư phủ, để được lênh đênh trên đại dương.

Cả cuộc đời Chu Lai là những chuyến lãng du và trận mạc. Chu Lai đã tham gia cuộc chiến tranh giải phóng, mà theo anh là khốc liệt, bi hùng nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với tư cách một người lính trận.

Vốn là một chiến sĩ đặc công vùng Rừng Sác - miền Đông Nam Bộ, sau 10 năm cầm súng, Chu Lai lại lao vào cầm bút. Người đã từng kinh qua trận mạc có khác, trang viết sống động, tươi rói, như cuộc chiến đang hiện diện có khói lửa, có tiếng bom đạn, có mùi thuốc súng và đặc biệt mùi “tử sĩ” … Thấm thoắt thế mà nghiệp cầm bút cũng đã hơn 30 năm. Chu Lai thích cô đơn, muốn tách ra khỏi nhịp điệu xã hội đầy tạp âm, vẫn luôn vận bộ quân phục (thường là xuân hè) sẫm màu, vai đeo túi mìn Clay-mo đựng bản thảo, một điện thoại di động, một thẻ ATM, một xe hơi (do tiền viết văn mà mua được)... và rong ruổi viết, đâu cũng là nhà… 

Chu Lai nói rằng anh chưa bao giờ giấu điều gì, ngại điều gì, đã viết rất “bạo” ngay từ cuốn “Nắng đồng bằng” cách đây hơn 30 năm, khi “để” cả tiểu đoàn đặc công hy sinh hết. Sự thật trong cuộc chiến đấu vào ngày 29.4.1975 tại Cầu Rạch Miễu, cây cầu cửa ngõ vào Sài Gòn, để giữ cầu không bị bọn lính Sài Gòn đánh sập hòng chặn đường tiến của xe tăng ta vào thành phố, gần như cả tiểu đoàn đặc công đã hy sinh. Cũng có nhiều ý kiến từ trên, nhưng cuối cùng chi tiết đó vẫn không bị “cắt” trong tác phẩm khi phát hành.

Nhà văn Chu Lai

Chu Lai là một cựu binh của Nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội), ngôi nhà đã ghi dấu ấn của những thế hệ vàng những nhà văn mặc áo lính. Bản thân anh cũng rất biết ơn và rất yêu ngôi nhà đó, một khoảng trời, một quãng đời không thể quên được. Mỗi lần chậm bước đi qua đó, nhìn hai cây đại già chứng nhân, nhìn từng ô cửa sổ hé mở mà như còn nhìn thấy tất cả những hình bóng, những tên tuổi văn nhân mặc áo lính đã từng sống, viết, ra đi, trở về, khổ đau, quậy quã, ngọt ngào và cả cay đắng trong cái Văn Khuê Các mang dáng dấp kiến trúc cổ kính thâm nghiêm này. Đó là nhà thơ Thanh Tịnh, Thu Bồn, Vũ Cao, Xuân Sách, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa là nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu… là Hồ Phương, là Dũng Hà, hai vị tướng văn chương.

2. Chẳng hiểu cụ thân sinh ra anh, nhà văn Học Phi ngẫu hứng thế nào lại đặt tên con trai trùng tên với vị thủ tướng lừng danh trong lịch sử cách mạng Trung Quốc: Chu Ân Lai.

Ngẫu nhiên thôi, Chu Lai sinh năm 1946 thì mãi năm 1949 cách mạng Trung Quốc mới thành công để vị thủ tướng kia ra mắt bàn dân thiên hạ. Vì cái sự trùng tên danh nhân mà Chu Lai cũng gặp khá nhiều phiền toái. Lớn lên, Chu Lai bỏ đệm “Ân” rồi gọi chệch thành Chu Văn Lai. Vẫn không ổn vì nó cứ ngang ngang, xương xương thế nào ấy, rút cục anh bỏ nốt đệm cho gọn.

Chu Lai khởi nghiệp lính bằng suất diễn viên ở đoàn kịch Tổng cục Chính trị. Được một dạo thì chán, có lẽ những tố chất nhà văn đang ươm nhú trong tâm hồn đã thôi thúc Chu Lai bỏ nghề diễn để nằng nặc xin được làm lính chiến. Quãng đời mười năm lính chiến kia hơn cả nỗi ám ảnh đã trở thành một phần quan trọng thường trực chi phối toàn bộ cuộc sống của Chu Lai. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, Chu Lai đã nằm trong số rất ít người lấy được “lãi” từ chiến trận. Chỉ có những người lính chân chính dù là cầm súng hay cầm bút mới có quyền được hưởng những gì tốt đẹp nhất được chắt của quá khứ họ đã từng sống. Nếu coi đấy là lãi thì đấy chính là một cái lãi vô giá vì ông và cả thế hệ ông đã sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình.

Chu Lai đã có một danh sách tác phẩm đồ sộ. Tiểu thuyết: Nắng đồng bằng (1978), Đêm tháng hai (1979), Sông xa (1986), Gió không thổi từ biển (1984), Vòng tròn bội bạc (1987), Bãi bờ hoang lạnh (1990), Ăn mày dĩ vãng (1991), Phố (1992), Ba lần và một lần (1999), Cuộc đời dài lắm (2001), Chỉ còn một lần (2006)… Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn) cho tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1993). Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994. Giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà Nội với tiểu thuyết Phố 1993; Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007. Không nhiều như những nhà thơ, nhà văn “tốp 100” tức là cho in ấn hàng trăm đầu sách, tác phẩm của Chu Lai dẫu chỉ đếm quanh, đếm quẩn đủ đốt ngón trên hai bàn tay nhưng nó đồ sộ ở sự xuất hiện liên tục trên giá hiệu sách, ở tiếng vang trong dư luận, ở “tia-ra” phát hành (chưa kể số kịch bản sân khấu, điện ảnh truyền hình đã được dàn dựng, sản xuất).

Có rất ít nhà văn sống được bằng nghề và Chu Lai là một trong số rất ít ấy. Không chỉ sống được, ông nhà văn lính này sống dư dả đàng hoàng, chẳng dám nói là giàu có tột đỉnh, nhưng viết văn mà được như vậy âu cũng là điều sung sướng.

3. Mối tình đầu của Chu Lai nghe nói là buồn lắm. Cô gái ngày ấy bây giờ đã trở thành một mệnh phụ ở ngõ Liên Trì. Ngày trước, cô gái ấy từng được mệnh danh là hoa khôi của trường Trương Vương II, Hà Nội. Khi sắp đi chiến đấu, hai người sống với nhau trong một gian nhà hoang 3 ngày, 3 đêm, cả Hà Nội sơ tán, vậy mà một điều kỳ lạ xảy ra, cô gái còn lại vẫn còn nguyên là con gái. Câu nói của nàng nâng bước Chu Lai đi suốt các cánh rừng: ''Sau này anh có què quặt chân tay, em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời''. 10 năm sau trở lại, chân tay còn nguyên vẹn, thế mà nàng lại mang con người khác đến thăm. Hình ảnh ấy đã vào văn, rất nhiều văn của Chu Lai.

Mỗi nhà văn có một thế mạnh, Chu Lai là một nhà văn thiên về tiểu thuyết, dù anh viết nhiều thể loại thậm chí còn “liều mạng” làm cả thơ. Có lẽ không ai không biết ca khúc nổi tiếng "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài. Nguyên đây là ca khúc viết nền cho vở kịch nói cùng tên mà Chu Lai là tác giả kịch bản "Hà Nội ơi tươi xanh màu áo học trò, những con đường thân quen còn đó, tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm, Hồng Hà ơi, buồm ai khe khẽ thuyền về, cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng...".

Nhạc hay đương nhiên rồi nhưng nếu không phải ca từ tuyệt vời cộng hưởng vào thì chưa chắc ca khúc đã đạt tới tầm cao như thế. Cho đến tận bây giờ, ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” vẫn đặc biệt ăn khách, thậm chí nó còn chui vào từng hang cùng, ngõ hẻm, đến tận từng gia đình khi đời sống tăng cao, nhà nhà nô nức sắm sanh dàn karaoke để hưởng thụ. Không thể phủ nhận thành tựu "thơ" của Chu Lai dù chỉ bằng đoạn ca từ ngăn ngắn kia về Hà Nội.

Phố là một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai nói về cuộc sống của những người Hà Nội giai đoạn đầu đổi mới (đầu những năm 1990). Anh đã dựa trên truyện ngắn Phố nhà binh viết năm 1991 để viết tiểu thuyết Phố một năm sau đó. Phố được coi là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Chu Lai viết về cuộc sống của những người bộ đội thời hậu chiến. Phố Lý Nam Đế, Hà Nội bây giờ người ta ít gọi tên như theo tên tác phẩm mà thay vào đó gọi nó là ''phố nhà binh''. Đó là một phần thưởng của Chu Lai. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tên Rue des soldats (Phố nhà binh) và được chuyển thể thành bộ phim truyền hình được yêu thích Người Hà Nội. Vai Nam được giao cho diễn viên Hồng Sơn, NSND Lê Khanh là người đảm nhận vai Thảo, còn Lãm được giao cho diễn viên miền Nam là Quyền Linh. Bộ phim được đánh giá là thành công khi được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Bài hát chủ đề của phim, Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài, phổ thơ Đoàn Thị Tảo, do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện cũng là bài hát được ưa thích.

Chu Lai đã làm được một việc mà ít người trong giới nhà văn làm được: thoát khỏi cái luận đề: văn sĩ là hàn sĩ. Khi có một cuộc sống ung dung như bất kỳ một công dân nào, anh đã dừng lại. Sống và viết thong thả giữa một Hà Nội thanh bình.

Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do báo TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)


Vũ Trung
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN