TTVH Online

Dương Phú Hiến: Nhà sưu tập bí ẩn

26/04/2010 20:19 GMT+7

Được biết tới là người đàn ông “triệu đô” với hàng vạn cổ vật quý hiếm, nhưng người đàn ông mà chúng tôi vẫn thường tiếp xúc lại có phong thái giản dị đến lạ thường.

 Ông đã “giấu mình” trước báo chí nhiều năm nay bởi không muốn ai biết mình là người giàu có. Ông chỉ mong con cái mình khôn lớn và trưởng thành mà không dựa vào tài sản của bố.


Ông Dương Phú Hiến

“Ông vua” cổ vật ẩn danh

Ngay cả giới chơi đồ cổ cũng không phải ai cũng biết về ông Dương Phú Hiến. Người đàn ông này cũng hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mỗi lần ông cho ra mắt một bộ sưu tập cổ vật thì dường như đều tạo nên một “cú sốc” nào đó, bởi những món đồ của ông đều thuộc hàng quý hiếm, có những món được cho là có một không hai trên thế giới. Thực ra tính cách của ông Hiến lại khá trái ngược với những gì một số người nghĩ về ông. Ông cho biết, việc không công bố về các cổ vật vào những năm trước đây là một phần do các chính sách về sưu tầm cổ vật chưa thông thoáng. Còn sau đó, khi đã có cơ chế thì ông bắt đầu giới thiệu những món đồ tuyệt mỹ của mình cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Ông cho biết, điều ông tâm đắc nhất là muốn giới thiệu được những món cổ vật độc đáo của mình với bạn bè quốc tế để họ có cái nhìn ngày càng thay đổi về Việt Nam. Ông vẫn băn khoăn nhiều về điều này bởi chưa thể xác định được việc mình giới thiệu các cổ vật ấy sẽ được đón nhận thế nào và gây ra những hiệu ứng gì. Chỉ đến dịp Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam, ông Hiến mới bắt đầu mạnh dạn đưa bộ sưu tập tượng phật cổ của mình đến đây trưng bày. Bộ sưu tập này của ông có khá nhiều pho bằng vàng ròng nguyên khối, to như người thật.

Sức thu hút của triển lãm Vesak thành công ngoài mong đợi. Ông Hiến kể, nhóm trông xe cho triển lãm này thu được quá nhiều tiền đã ngỏ ý chia lại cho ông một số tiền lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng ông xin được từ chối. Với ông, điều quan trọng hơn cả là những cổ vật của ông được công chúng đón nhận một cách hồ hởi. Cũng từ triển lãm Vesak mà ông Hiến mới quyết định “bung” mình ra. Ông dần dần cho xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng những bộ cổ vật mà trị giá của nó lên tới hàng triệu USD.

Một người giàu giản dị

Không chỉ bắt đầu công bố các bộ sưu tập cổ vật thông qua các kênh truyền thông mà ông Hiến còn mở rộng việc giới thiệu cổ vật của mình cho nhiều bạn bè, người quen... và mở rộng dần cho các đối tượng là cán bộ tham quan, nghiên cứu.


                                                                               Một số tượng Phật cổ trong bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến

Ông Hiến quan niệm, mỗi cổ vật cũng giống như một cuốn sách, nếu cuốn sách ấy chỉ được một người đọc thì chỉ một người hiểu nhưng nếu được nhân ra thì nó sẽ giúp cho nhiều người được biết đến. Hơn nữa, ông cũng muốn cuộc sống của chính mình được hòa nhập cùng xã hội. Ông tâm sự: “Tôi già rồi, cũng không biết sống chết khi nào. Tôi muốn các con mình có ý thức giữ gìn những gì mà nhiều đời nay gia đình đã dày công sưu tầm, với điều kiện những thứ đó có phát huy được tác dụng với xã hội”. Có lẽ, chính những quan điểm dẫn đường ấy mà ông Hiến đã không ngần ngại khi đưa bộ sưu tập của mình ra giới thiệu. Có nhiều đoàn đã đến tư gia của ông để được chiêm ngưỡng tận mắt những cổ vật mà ở các bảo tàng tại Việt Nam không có. Với đoàn nào ông cũng nhiệt tình dẫn đi từ tầng hầm cho đến tầng năm của ngôi nhà ken kín cổ vật. Ở từng tầng, ông lại say sưa nói về từng cổ vật với lịch sử, xuất xứ và tác dụng của nó. Thi thoảng cao hứng ông còn mang đàn guitar ra vừa đệm đàn vừa hát cùng cả đoàn khách.

Ngoài việc giới thiệu cổ vật và tự làm “hướng dẫn viên” tại nhà, ông Hiến còn cho nhiều bảo tàng mượn cổ vật, hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, có những đợt trưng bày ông còn hỗ trợ thêm kinh phí cho các bảo tàng được thuận lợi trong việc giới thiệu với công chúng.

Chơi cổ vật nhờ bán đất

Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: “Ông Hiến lấy đâu ra nhiều tiền như thế?”. Có người còn tỏ ra hồ nghi với khối tài sản của ông. Ông thường không bao giờ tự ái về điều đó. Ông cho biết, việc chơi cổ vật là việc của những người cần có nhiều tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Bản thân việc chơi cổ vật của ông được bắt đầu từ truyền thống của gia đình. Ông nội của ông Hiến là cụ Dương Lương Quang - một nhà tư sản kinh doanh ô tô. Cụ Quang đã từng hiến tặng 154 chiếc ô tô cho cách mạng. Cụ Quang đã có sở thích sưu tập đồ cổ và truyền lại cho con trai và sau đó là ông Hiến tiếp tục kế nghiệp.

Ông Hiến cho biết, việc sưu tập cổ vật của ông cũng chỉ thực sự mạnh mẽ khoảng 30 năm nay. Và tiền dành cho thú chơi này chính là nhờ ông bán đất. Ông cho biết, có thời gian ông sinh sống tại nước ngoài, dành dụm được ít tiền ông về nước mua hết đất trồng rừng. Thực tình, khi mua đất ông chỉ nghĩ sẽ thu được lợi từ việc trồng cây. Ông cũng không thể ngờ rằng, chỉ một thời gian sau, số đất ấy tăng vọt, giá thị trường cao gấp cả trăm lần so với số tiền ông bỏ ra mua.

Trước khi có nhiều tiền để sưu tầm cổ vật, xuất phát là một sinh viên sử học nên ông Hiến đã có ý thức nghiên cứu về các cổ vật. Trong thời gian chiến tranh, ông tham gia vào nhiều trận chiến từ Bắc vào Nam, nơi nào đi qua ông cũng để ý đến các cổ vật đang được lưu trữ trong dân. Ông ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ tay và hy vọng có ngày trở lại và mua được nó. Chính bởi lòng say mê cổ vật mà sau này khi trở lại, có khi ông được gia chủ tặng hoặc bán rẻ gần như cho. Tuy nhiên cũng không ít người thấy ông quá ham mê mà bắt chẹt với giá cao hàng chục lần giá trị thực của cổ vật. Với sự ham mê cổ vật, dường như ông đều mua cho bằng được những món đồ ưng ý, chỉ trừ khi gia chủ không có ý định bán.

Điều đặc biệt khác của nhà sưu tập Dương Phú Hiến là ông chỉ sưu tầm chứ không bán cổ vật. Chính vì thế mà căn nhà 5 tầng của ông cứ ngày càng chật kín. Ông cho biết, hiện ông đang dồn tâm sức cho việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới. Dịp này ông sẽ phối hợp với Bảo tàng Hà Nội đưa ra nhiều cổ vật đặc sắc giới thiệu với công chúng.

Ông Dương Phú Hiến sinh năm 1943 tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc trong một gia đình có 5 anh em. Gia đình ông có truyền thống làm nghề thuốc Bắc và dạy chữ nho. Ông nội và cha ông Hiến đều là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, còn mẹ ông là một nông dân thuần túy. Bản thân ông Hiến từng học khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV. Ông Hiến nhập ngũ năm 1965 và tham gia nhiều chiến trường như Quảng Trị, Trị Thiên, Đồng Tháp, Tây Ninh...Ông trở thành một cán bộ cấp cao trong quân đội và nay đã về hưu với nhiều chứng tích của chiến tranh đang mang trong mình. Ông hiện sở hữu trên 4 vạn cổ vật đặc sắc.

 

Hoàng Phương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN