TTVH Online

Người Mỹ trong Cánh đồng bất tận

03/04/2010 14:17 GMT+7

Người Mỹ này đã từng làm cho các 'ông lớn' như NBC, HBO, Paramount, Colombia, Twentieth Century Fox. Ông đã quyết định gác công việc ở Mỹ để tới Việt Nam tham gia bộ phim 'Cánh đồng bất tận' với tư cách người dựng phim.


(TT&VH) - Tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dĩ nhiên không có nhân vật ngoại quốc nào. Chuyện xảy ra nơi vùng sâu vùng xa của đồng bằng Nam bộ, lấy đâu ra Tây với Tàu. Nhưng trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (nhà sản xuất Hãng phim Việt thuộc Công ty BHD) được dựng từ tác phẩm nổi tiếng nói trên, thì lại có một người Mỹ!

Bỏ ngay công việc ở Mỹ vì Cánh đồng bất tận

Folmer M. Wiesinger
Thực tế thì người Mỹ ấy, Folmer, không xuất hiện trong bất cứ một cảnh quay nào của phim Cánh đồng bất tận, nhưng ông lại tham gia vào tất cả các cảnh quay của phim. Bởi vì ông chính là người dựng phim, mà nói theo ngôn ngữ những người làm điện ảnh, ông chính là “người kể câu chuyện lần thứ hai” từ đống chất liệu của đoàn làm phim, và đó chính là câu chuyện sẽ hiện lên trên màn ảnh. Và quan trọng hơn, Folmer là một “người Mỹ đặc biệt”, hay ít nhất là đặc biệt trong giới làm phim ở Việt Nam. Folmer M. Wiesinger đã từng làm việc với nhiều hãng phim danh tiếng như NBC, HBO, Paramount, Colombia, Twentieth Century Fox... Bộ phim nhựa Tears Of The Black Tiger mà Wiesinger dựng lọt vào vòng bầu chọn chính thức của LHP Cannes 2001 và Sundance 2002, còn Devils On The Doorstep đoạt giải Grand Jury của LHP Cannes vào năm 2000.


Nghe nói Folmer dựng Cánh đồng bất tận (CĐBT) ở TP.HCM, nhiều người trong giới điện ảnh Việt Nam còn bán tín bán nghi. Nhưng sự thực thì ông đã đến và đã có cuộc trò chuyện cởi mở với TT&VH.

* Đây là lần đầu tiên ông đến VN?

- Không, tôi đến VN lần đầu tiên vào năm 1995 để dạy tiếng Anh và đi du lịch. Sau khi làm phim ở Mỹ xong, tôi bỏ ra hơn 2 năm đi du lịch vòng quanh VN,  Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... mỗi nước tôi đều dạy tiếng Anh vài tháng. Tôi tới Hà Nội nhiều lần rồi vì tôi có bạn gái ở Hà Nội. Đây là lần thứ ba tôi đến TP.HCM, nhưng đến để làm việc thì là lần đầu tiên. Tôi gặp Bích Hạnh - vợ Quang Bình lần đầu tiên ở Hà Nội cách đây 3-4 năm, Hạnh đã từng mời tôi làm việc nhưng là cho một show truyền hình, tôi không hứng thú nên không làm. Sau đó chúng tôi vẫn email qua lại. Đến giờ được mời làm phim nhựa, thể loại tôi thích nhất nên tôi đồng ý. Tôi bỏ ngang việc dựng một chương trình truyền hình thực tế ở Mỹ để đến đây là vì vậy.

* Vì cơ hội dựng phim nhựa ở Mỹ không nhiều?

- Tôi cũng thích đi du lịch, vì thế tôi đã dựng phim nhựa ở Ireland, 2 phim truyền hình ở Thượng Hải, trailer phim của Vương Gia Vệ ở Hong Kong (Trung Quốc)...

* Với phim này, ông có đưa ra điều kiện gì không, hay chỉ đơn giản là ông muốn sang VN làm việc?

- Trước khi nhận lời, tôi đã xem phim Vũ khúc con cò của Nguyễn Phan Quang Bình, coi một số đoạn đã quay của CĐBT được tải trên mạng và đọc kịch bản qua email.

Lúc đầu đọc kịch bản CĐBT được dịch sang tiếng Anh, tôi thấy rất khó hiểu, do sự khác biệt về văn hóa, nhưng khi qua đây đọc lại và được giải thích, tôi đã hiểu rõ hơn. Sang VN tôi mới biết đây là một tác phẩm rất nổi tiếng. Khi đã hiểu những chi tiết trong đó, tôi thấy nó rất hay, rất khác biệt.

* Ông đã yêu một cô gái Việt, có gì làm ông ngạc nhiên, bất ngờ với câu chuyện của người VN trong CĐBT?

- Tôi đến VN nhiều nhưng chưa từng đến vùng quê sông nước như nơi diễn ra câu chuyện trong phim nên rất ngạc nhiên với những điều tôi thấy ở đây. Còn cảm nhận về con người thì tôi không thể so sánh vì hầu như không có sự liên hệ nào giữa bạn gái tôi với những nhân vật trong phim này (cười).

Chưa bao giờ thấy cảnh đẹp như vậy


* Trước đây ông đã từng xem phim VN chưa?

- Tôi xem Vũ khúc con cò, Xích lô - tôi đặc biệt thích phim này - ngoài ra là các phim: Ba mùa, Đông Dương, Người tình.


Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
* Những bộ phim ông kể không hoàn toàn là phim VN, khác hẳn với CĐBT...

- Tôi biết chứ, đó chỉ là những phim được quay ở VN. Tôi không có cơ hội xem những phim 100% VN vì chúng hầu như không được phát hành bên Mỹ.

 * Vậy ông có so sánh những phim đó với CĐBT?

- Phim này thật sự rất khác vì nó mang tính chất VN rõ ràng và không quay tại Sài Gòn mà quay tại miền sông nước với những cảnh quan tôi chưa bao giờ thấy, với những sự vật sự việc tôi chưa hề biết đến. Chẳng hạn cách ăn mặc, rồi cảnh chăn vịt, trước đây khi đi du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi chỉ thấy người ta lùa đàn vịt, nhưng giờ tôi biết tường tận chăn vịt là như thế nào.

* Trong quá trình dựng, có những chi tiết nào mà do sự khác biệt về văn hóa, ông và đạo diễn phải tranh luận và khi tranh luận thì ai thắng?

- Có chứ. Có những lúc đạo diễn muốn để lại một cảnh nhưng tôi kiên quyết cắt đi, tôi thường chờ đạo diễn đi ra chỗ khác để thực hiện công việc, lồng nhạc vào rồi sau đó đưa lại cho đạo diễn xem sản phẩm hoàn chỉnh, lúc ấy anh ta không có ý kiến gì nữa. Như vậy có thể nói là tôi thắng (cười).

Thường thì các đạo diễn rất hay tiếc những cảnh mà họ đã làm, họ cho rằng đó là những cảnh mình đã phải cực khổ, tốn nhiều tiền... nhưng người dựng phim thì không quan tâm đến điều đó, họ chỉ quan tâm đến bộ phim khi dựng xong sẽ như thế nào.

Ví dụ cụ thể, khi tôi dựng một cảnh nối: cảnh nhân vật Sương bỏ đi. Người đàn ông và các con ông ta rất buồn, đạo diễn quay cảnh đó nối nhau cho cảm giác rất buồn thảm, nhưng tôi lại thấy cảnh đó lê thê quá nên tôi lấy những cảnh quay khác không liên quan nối vào, sản phẩm cuối cùng rất ổn, đạo diễn hài lòng.

* Xin ông nhận xét thẳng thắn về chất lượng hình ảnh, âm nhạc... của phim, ông ấn tượng với cái gì nhất?

- Bối cảnh phim cực kỳ đẹp, tôi đã đến nhiều nơi ở VN nhưng chưa bao giờ thấy cảnh đẹp như vậy, nó mang dáng vẻ hoàn toàn khác. Dustin Nguyễn diễn rất tốt, Hải Yến và Tăng Thanh Hà cũng vậy. Về quay phim, có những động tác máy khá tốt, chẳng hạn những động tác máy đưa lên cao. Tôi hài lòng với sản phẩm của đạo diễn.

Thổi sự khác lạ vào một bộ phim Việt


* Theo ông phim này chiếu cho người nước ngoài xem thì họ có dễ cảm nhận?

- Tôi nghĩ một bộ phim nói về sự mất mát và tình yêu thương thì dù có khác biệt về văn hóa, người ta vẫn có thể cảm nhận được.

* Khi làm với BHD, ông có biết rất nhiều phim VN phải mời người dựng phim từ nước ngoài hoặc gửi phim ra nước ngoài dựng?

- Ô, thật vậy hả? Tôi không hề biết điều đó!


Nữ diễn viên Hải Yến trong phim Cánh đồng bất tận
* Còn tôi thì cho rằng đó là lý do ông được mời về đây.

- Tôi chỉ nghĩ là họ mời tôi vì muốn có một cái nhìn khác lạ từ một nhà dựng phim quốc tế cho bộ phim của họ. Có thể do cách tiếp xúc dữ liệu của tôi chắc sẽ khác với người trong nước nên vì thế tôi được mời. Trước khi bắt tay dựng, tôi đã làm những trailer và Dustin Nguyễn nói rằng tôi đã thổi một sự mới mẻ, khác lạ vào một bộ phim Việt.

* Câu hỏi cuối, thù lao ông nhận được từ bộ phim này so với những phim khác ông đã làm như thế nào?

- Thù lao tùy thuộc vào quy mô sản xuất phim, phim này tôi được trả cao hơn bộ phim tôi đã dựng ở Ireland nhưng thấp hơn những phim ở Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)... Quan trọng là tôi thích làm phim nhựa và thích được đi du lịch, vì thế tôi chấp nhận.

Thủy Vân (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN