TTVH Online

Đào Trọng Cường: Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng

28/03/2010 14:47 GMT+7

Gần đây, người dân cả nước đặc biệt chú ý đến sự kiện một doanh nhân Việt Nam đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua khối ngọc bích Jadeite lớn nhất mọi thời đại từ xứ sở đá quý Myanmar.

Ông là nghệ nhân Đào Trọng Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Đá quý Nữ trang Thần Châu Ngọc Việt. Người đời biết đến ông như một đại gia tiền “nhiều như nước”, nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời của doanh nhân này cũng có không ít thăng trầm và nước mắt.
 
Từ lâm tặc, vàng tặc, đá tặc…
 

Nghệ nhân Đào Trọng Cường thường vui chuyện kể rằng, mấy lần đi xe máy, toàn bị nhầm tưởng là lão xe ôm; còn khi tự lái xe con đi làm việc, thường bị bảo vệ chặn ở cổng, vì tưởng là lái xe cho sếp. Dáng người gầy còm, cao lòng khòng, khuôn mặt gầy sọp, tóc rễ tre muối tiêu, ăn mặc tuềnh toàng, trông ông Cường giống phong thái của một nghệ sĩ, hơn là một doanh nhân thành đạt. Bản thân ông thích được gọi là nghệ nhân, chứ không thích được gọi là doanh nhân, đại gia. Con người đi lên từ đôi bàn tay tài hoa chai sạn thường vẫn giản dị như vậy.

Tôi gặp nghệ nhân Đào Trọng Cường vào năm 2002, khi mà xã hội rộng lớn chưa biết ông là ai. Đó là lần đầu tiên ở nước ta, tại khách sạn Melia Hà Nội, xuất hiện một triển lãm đặc biệt. Có tới 600 bức tranh làm từ đá quý được trưng bày, thu hút sự chú ý của hàng vạn người trong và ngoài nước tới thưởng lãm vẻ đẹp rực rỡ của chúng. Ngày đó, tranh đá quý là một thứ xa lạ, thậm chí chưa từng được nói tới.

Ông Cường tâm sự: “Đời tôi bôn ba tới hơn 20 nghề, từ tay trống, nghệ sĩ đàn ghi ta, công nhân may, làm mì sợi, xà phòng, sửa chữa tủ lạnh, tivi, ôtô, đến đào đãi vàng, đá quý thổ phỉ… rồi cuối cùng mới là một nghệ nhân làm tranh đá quý”.

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, đôi khi nghệ nhân Đào Trọng Cường rưng rưng xúc động. Nhưng ông cũng cám ơn đoạn đời gian khổ, đã đào luyện ông thành người có nghị lực mạnh mẽ và bản lĩnh để làm được những điều khác người.

Cha ông là người mê nghệ thuật, nên âm nhạc đã sớm ngấm vào chàng trai Đào Trọng Cường. Được cha mẹ đưa về Hà Nội nuôi dạy từ năm mới 2 tuổi, đến 19 tuổi, ông đã là tay trống lừng danh đất Hà thành và là một tay chơi ghi-ta có hạng. Nhưng rồi, con đường nghệ thuật không giúp cho việc mưu sinh, nên ông xin vào Nhà máy chỉ khâu Hà Nội làm công nhân. Làm việc tăng ca tăng kíp, suốt mấy năm trời ông mới dành dụm được một khoản tiền, đủ mua đôi dép tông Trung Quốc. Ông vẫn nhớ rõ cảm giác sung sướng, hãnh diện như thế nào khi đi đôi tông ấy.

Nhưng rồi, khi đôi dép tông chưa kịp mòn, Đào Trọng Cường đã trở thành kẻ thất nghiệp vì nhà máy làm ăn thua lỗ. Không có việc làm, Cường dạt vào Nam, làm đủ nghề kiếm sống. Với trí thông minh, óc sáng tạo, Cường đã sáng chế ra “dây chuyền công nghệ” sản xuất mỳ sợi. Tuy nhiên, bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư cuối cùng đổ ra sông ra biển, vì cơ sở mua công nghệ đã lỗi thời, không có tiền chi trả. Cũng may, khi đó có bạn gái từ Hà Nội vào thăm, nên mới có tiền mua vé trở ra Hà Nội. Không nhụt chí, Cường lại vào Sài Gòn tìm cách học lỏm công nghệ làm xà phòng từ một gia đình người bạn. Ra Hà Nội, ông mở cơ sở làm xà phòng bánh, rồi mang đi bán khắp phố phường. Có vốn, ông mở gara sửa chữa ôtô, quyết làm ăn lớn. Những năm cuối cùng của thời bao cấp, Đào Trọng Cường đã đi Mercedes. Tuy nhiên, cơn lốc tín dụng năm 1989 đã cuốn trôi tất cả. Các chủ nợ đến siết, thu hết gia sản. Thứ giá trị nhất trong nhà là chiếc đầu video mà ông mua tặng con gái, cũng bị người ta tịch thu. Ký ức đau lòng đó ám ảnh ông đến tận ngày nay, bởi vợ chồng, con cái khi đó phải sống nhờ thúng xôi của mẹ.

Gian khổ nhất là những ngày làm… “lâm tặc”. Sau khi trải qua đủ các loại nghề đều thất bại, chán nản, ông cùng một nhóm người cơm nắm, muối vừng, vác theo cưa, xẻng, xà beng lang thang xuyên qua hàng chục cánh rừng để tìm gỗ hoàng đàn, bán cho những người tạc tượng. Gỗ hoàng đàn cạn kiệt thì đi theo bạn bè khai thác vàng thổ phỉ. Đã không ít lần ông suýt bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Bệnh tật, đói ăn, sốt rét rừng, bị cướp dí súng vào gáy, kề dao vào cổ, thậm chí bị đánh gãy cả chân. Nhưng chính những ngày đi làm vàng thổ phỉ đã đẩy cuộc đời ông vào ngã rẽ khác. Màu sắc lung linh kỳ ảo của những viên đá quý trong các mỏ đá ở Yên Bái đã hút hồn ông.

 

Trở thành Nghệ nhân có bàn tay vàng
 

Hồi khai thác đá quý, ông Cường để ý thấy người Thái Lan thường xuyên sang tận các mỏ đá ở Yên Bái để xem xét, rồi mua những viên đá mà theo sự đánh giá của giới khai thác, nó chẳng có giá trị gì. Người Thái mua hàng trăm tấn đá bỏ đi đó để làm gì? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu ông Cường.

Sau nhiều năm làm “vàng tặc”, rồi “đá tặc”, có được chút vốn trong tay, ông Cường đã mua vé máy bay sang tận Thái Lan để quyết tìm câu trả lời. Hóa ra, người Thái mua những khối đá bỏ đi ấy để làm tranh đá quý, mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn lao động. Thế rồi, hễ tích được đồng nào, ông lại sang Thái Lan, đến các làng nghề chế tác tranh đá quý, gặp các nghệ nhân để học nghề. Tuy nhiên, các nghệ nhân Thái Lan đều từ chối truyền nghề. Thậm chí, biết ý định học lỏm nghề tranh đá quý, họ không cho ông vào thăm xưởng chế tác. Không học được nghề, ông mua hàng loạt tranh đá quý về ngắm nghía, tìm hiểu. Ông đục những bức tranh này ra để xem người Thái dùng chất keo gì mà gắn chắc vĩnh viễn được những viên đá dù nhỏ li ti, mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên của đá. Sau đúng 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng.

Nhưng để làm được tranh đâu phải là chuyện đơn giản. Xưa nay, ông chỉ giỏi sửa chữa tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy, ôtô, rồi đào vàng, đãi đá, phá rừng, chứ đâu có biết vẽ tranh, nạm đá? Thế là lại bắt đầu công cuộc trang bị kiến thức hội họa. Một anh thợ sửa ôtô, sau một đêm thức dậy thành họa sĩ chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Quá trình học tập để trở thành một nghệ nhân làm tranh đá quý của ông Cường là một hành trình gian khổ không thể kể hết bằng lời. Trong quá trình học hỏi người Thái, ông nảy ra sáng kiến, thay vì làm tranh kiểu “điểm ngọc”, ông đã làm ra những bức tranh toàn bằng đá quý. Và, để có được buổi triển lãm tranh hoành tráng ở khách sạn Melia Hà Nội, ông đã phải dồn hết trí lực trong suốt 6 năm trời.

Không thầy dạy, không phải truyền nhân, chỉ tự mày mò sáng tạo, thế nhưng, với khát vọng sáng tạo kỳ lạ, Đào Trọng Cường đã tạo ra những tác phẩm bất hủ. Nói tới dòng tranh đá quý Việt Nam, dù sau này có rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp tham gia chế tác, song Đào Trọng Cường chính là người đã khai sinh ra dòng tranh ấy. Những tác phẩm như: Bác Hồ kính yêu, Bình minh, Ba miền, Khát vọng, Chùa Một Cột, Tranh Đông Hồ… đã làm nên tên tuổi và mang lại cho ông rất nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu “Nghệ nhân bàn tay vàng”. Với ông, hai từ “nghệ nhân” danh giá hơn hai chữ “doanh nhân” rất nhiều.

Tên tuổi nghệ nhân Đào Trọng Cường nổi đình nổi đám kể từ ngày ông làm tranh chân dung tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam. Qua những bức tranh đó, nghề làm tranh đá quý của Việt Nam, dù vừa mới ra đời, song đã được thế giới biết đến. Đó là cách truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới cực kỳ sáng tạo của một người có tinh thần dân tộc cao độ.

Với những bức tranh đẹp, được tạo ra bằng tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo của ông, ông thường đem bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ cho các hoạt động mang tính cộng đồng. Chẳng hạn, tác phẩm “Bình minh” bán được 21.400 USD, ông đem ủng hộ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; Bức tranh “Ngày nay” bán được 9.000 USD, ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam. Đặc biệt là tác phẩm “Ba miền” bán được tới 1,83 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này ông đem ủng hộ Quỹ Vì người nghèo…

Có thể nói, nghệ nhân Đào Trọng Cường đã nghiễm nhiên trở thành “báu vật sống” của dòng tranh đá quý trong nước. Danh tiếng nhiều, tiền của cũng nhiều, song khát vọng làm những việc động trời lúc nào cũng ám ảnh ông. Và, một sự kiện gây chú ý không những cả nước, mà cả thế giới, ấy là việc một nghệ nhân, ở một đất nước nghèo, đã dám bán phần lớn gia sản của mình đi để mua về khối ngọc Jadeite nặng 35 tấn, lớn nhất thế giới, để tạc pho tượng Phật Ngọc khổng lồ. Nghệ nhân Đào Trọng Cường luôn tâm niệm rằng, ông mua khối ngọc khổng lồ này là mua báu vật về cho đất nước, chứ không phải cho riêng ông. Khát vọng của ông là thông qua pho tượng Phật Ngọc, sẽ quảng bá được hình ảnh đất nước ra thế giới, quảng bá được nghề làm ngọc và đặc biệt, ông muốn con người Việt Nam đều thành tâm hướng Phật.

Với khát vọng và nghĩa cử cao đẹp, ông đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, và GS. Vũ Khiêu đề tặng ông hai câu đối: “Dồn hết tinh hoa tâm trí lại/ Bừng lên châu ngọc nước non này”.
 
Làm “Chiếu dời đô” bằng ngọc bích
 

 Đầu xuân Canh Dần, dòng họ Đào đã lần đầu tiên họp mặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tại cuộc gặp mặt này, nghệ nhân Đào Trọng Cường phát biểu: “Ơn nhờ Phúc ấm, Đức dày của tiên tổ họ Đào chúng ta đã dày công cày cấy ruộng Phúc, bồi đắp nền Nhân hàng ngàn năm nay đã để lại cho con cháu chúng ta… Họ Đào có tới 47 vị Tiến sĩ được ghi tên trong Quốc Tử Giám này”.

Nghệ nhân Đào Trọng Cường đang chuẩn bị để hoàn tất “Chiếu dời đô” bằng ngọc bích, tác phẩm đầu tiên viết về Hà Nội của Lý Thái Tổ sau khi đi thị sát đất Đại La cùng Đào Cam Mộc, người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và được triều Lý phong Thái sư Á vương sau khi ông mất.


Phạm Ngọc Dương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN