TTVH Online

Đi tìm vùng đất chấn long chính mạch của Sài Gòn

26/03/2010 15:47 GMT+7

Sài Gòn nhận về mình vẻ hài hòa của núi non, sông nước tạo nên bản sắc phong thủy hữu vận lai niên.

Ngày xưa, cách đây đúng 1000 năm, vào mùa thu tháng Bảy năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã đưa ra quyết định quan trọng làm thay đổi toàn bộ bản đồ đất nước cũng như vận mệnh của dân tộc: dời đô từ Hoa Lư ra phủ thành Đại La, rồi nhân đó đổi tên Đại La thành Thăng Long.  

Sau 1000 năm, trải qua rất nhiều nạn binh biến can qua hỏa khốc, thành Thăng Long vẫn vững chãi với vị thế của vùng đất tổ văn hiến cũng như một trung tâm kinh tế văn hóa quan trọng của cả nước.  

Quyết định “an cư” của vua Lý Thái Tổ là tiền đề cho mọi vượng đạt “lạc nghiệp” về sau của hồng vận đất nước. Câu chuyện “an cư, lạc nghiệp”, việc mong mỏi tìm được một chốn đất dung hợp được Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân), do vậy, chẳng phải là ước muốn riêng của thời đại nào, cá nhân nào, mà chính là khát vọng chung của con người trên con đường mưu cầu sự nghiệp, hạnh phúc.

Sài Gòn – đất “rồng chầu, hổ phục”

Ở phía Bắc, Việt Nam có thành Thăng Long giữ lấy thế đất vượng niên cho mệnh nước; còn ở phương Nam, khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh của chúa Nguyễn đem quân đi mở cõi và định danh cho đất Sài Gòn – Gia Định, thì lịch sử cũng bước qua một trang mới. Không đầy 300 năm sau, Sài Gòn trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông của cả khu vực Đông Nam Á, và nay là trung tâm kinh tế đầu não năng động và phát triển nhất nước.

Xét theo phong thủy mà bàn vận, Sài Gòn ngày xưa, hay Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, có được sự hưng thịnh ấy chính là do ở địa thế trời cho của mình. Ở phía Bắc, Sài Gòn dựa lưng vào chân của long mạch là dãy Trường Sơn tạo nên thế Huyền Vũ vững chãi. Phía Tây Bắc có dãy núi Bà Đen, phía Đông Nam có khu núi Vũng Tàu hợp thành thế Tả Thanh Long – Hữu Bạch Hổ tạo thành thế quân bình, thu nạp vượng khí của toàn bộ vùng đất. Phía Nam và Tây Nam Sài Gòn là hệ thống các sông Vàm Cỏ, xa hơn nữa là vùng đồng bằng sông Cửu Long phù sa với hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, tạo thành thế Chu Tước nuôi dưỡng và lưu chuyển cho mạch khí của vùng.


Thế đất Sài Gòn, theo phong thủy, là thế đất sinh vượng. Ngoài ra, dòng sông Sài Gòn chảy uốn lượn phía hữu ngạn của thành phố đã tạo nên luồng ngoại khí, tiếp dẫn cho nội khí của địa thế Thanh Long – Bạch Hổ, khiến vượng khí liên tục được sinh ra không dứt. Sách xưa viết rằng: sinh khí là khí sinh ra do sự kết hợp của ngũ hành, là khí sinh ra vạn vật. Sài Gòn được thừa hưởng sinh khí ấy là do sự có mặt của dòng sông Sài Gòn uốn lượn, gấp khúc nhiều lần rất đẹp trước khi hội với sông Đồng Nai để đổ ra biển.

Sài Gòn nhận về mình vẻ hài hòa của núi non, sông nước tạo nên bản sắc phong thủy hữu vận lai niên. Nơi vượng khí hội tụ nhiều nhất, không phải nằm bên hữu ngạn dòng sông, tức là trung tâm thành phố bây giờ, mà chính là nơi sông ngòi uốn khúc giao nhau, như sách “Sơn thủy trung can tập” viết: “Núi hướng về không bằng có dòng nước hướng về, dòng nước hướng về không bằng có dòng nước vây quanh, dòng nước vây quanh không bằng có dòng nước tụ. Dòng nước tụ thì long hội, long hội thì đất lớn”. Vậy nên, vùng đất hiệp lộ như ý nhất theo phong thủy chính là vùng đất Thủ Thiêm ngày nay.

Đất Thủ Thiêm: chân long chính mạch

Vùng đất Thủ Thiêm được các nhà phong thủy gọi là chân long, nơi hội tụ sinh khí dồi dào nhất của cả vùng Đông Nam Bộ. Trước khi giao nhau với sông Đồng Nai để đổ ra biển, sông Sài Gòn đã uốn lượn rất đẹp và ôm lấy đất vùng Thủ Thiêm, dáng sông thế này gọi là đại cát, rất tốt đẹp cho cơ nghiệp và vinh hiển cho công danh. Sau khi uốn khúc ở Thủ Thiêm, sông Sài Gòn đổ ra giao với sông Đồng Nai, tạo ra vượng khí cho vùng đất trù phú này. Thủ Thiêm được sinh ra để ưu ái lĩnh nhận trọn vẹn tất cả sinh khí hưng vương của dòng chảy ấy.

Ngày xưa, những nơi thủy địa đẹp như vậy được dùng làm nơi xây cất thành trì cũng như định đặt lăng mộ của các vua chúa. Sách Thủy Long Kinh (NXB Hải Phòng, 2007) chép: “Cần long quẩn quanh, ôm ba mặt, hình dáng giống như kim thành, đến đi có tình, khí thế lớn, có thể chọn làm lăng của đế vương”. Xét ra trong lịch sử Trung Hoa, minh chứng cho điều này có thể tìm thấy chẳng mấy khó khăn. Khu táng mộ của vua chúa đời Ân Thương nằm ở đoạn uốn khúc của sông Hoàng Hà, khu phủ Liễu Châu ở Quảng Tây cũng nằm trong thế hồi hoàn ba mặt của nhánh Liễu Giang (Giang Tây), khu Lang Trung Cực ở Tứ Xuyên cũng được dòng nhánh Gia Lăng Giang của Trường Giang quấn lấy… Những triều đại và phủ thành được kể trên đều được đặt trong những nơi đại cát về phong thủy, thế nên, lịch sử tồn tại đều trên dưới 1000 năm, hưng thịnh lưu truyền đến cả các đời hậu thế.

Cần nói thêm là dáng khúc của sông Sài Gòn khi đến gần thành phố đã uốn khúc rất nhiều lần, khi chảy đi lại quay đầu thêm hai lần nữa (hai lần khúc sông uốn cong trở lại), tạo ra hình dáng cát nhất trong thủy pháp. Sách xưa viết: “Làm quan thanh quý, thường là vì dòng nước vây quanh Thanh Long; được phúc dài lâu, nhất định là dòng nước quẩn Huyền Vũ”. Nếp sông uốn khúc đem lại cho Sài Gòn sự phồn thịnh, hưng túc hiếm có. Nhưng để hưởng được vượng khí lưu niên của toàn cõi Đông Nam Bộ này, không đâu có thể hơn được khu vực Thủ Thiêm – nơi chính mạch của dòng nước đại cát, đem lại phồn thịnh, phú quý, sung túc và an lạc đời đời cho cư dân trong vùng.  

Thế đất Thủ Thiêm là thế đất đẹp hiếm có theo phong thủy. Vùng Thủ Thiêm rất đắc địa để cư dân có thể lạc nghiệp an cư bởi thế đất lớn sẽ đem lại phúc lộc dồi dào, cơ nghiệp thịnh đạt, và sinh khí cát lợi do dòng sông mang đến hứa hẹn nhiều thành đạt trong công danh và cử nghiệp cho con cháu. Tóm lại, gia thế hưng thịnh, lộc tồn bền lâu, an lành phước thọ… có lẽ là lời chúc phúc trọn vẹn mà phong thủy dành tặng cho con người nơi đây. 

Ngày xưa, vua Lý khi dời đô về Đại La là bởi địa thế vượng niên của vùng đất ấy “ở giữa trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuốn hổ ngồi, chính giữa đông tây nam bắc, tiện núi sông sau trước, rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân không khổ về ngập  lụt tối tăm, muôn vật tốt tươi phồn thịnh”(Chiếu dời đô). Ngày nay, lãnh thổ đã mở rộng ra phía nam, đất đai sông ngòi lại ưu ái tặng cho người Nam vùng đất đẹp như Sài Gòn, nhất là vùng cát lợi Thủ Thiêm, thì ấy là mệnh phước của cả dân tộc được phát triển phồn thịnh và lạc nghiệp lâu bền. 

Hoàng Thu

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN