TTVH Online

Việt Nam nhiều “sư tử” nhất thế giới!?

26/03/2010 15:28 GMT+7

Sư tử - đành rằng là Chúa sơn lâm nhưng ở Việt Nam sư tử không phải linh vật. Hà cớ chi khắp nơi ở xứ mình như công sở, di tích, tư dinh, thậm chí cả chốn chùa chiền lại nhan nhan tượng sư tử.

(TT&VH) - Trong lúc các nhà họat dộng bảo vệ động vật hoang dã kêu gào đến khản cổ “Cần phải bảo vệ đàn hổ”, bảo vệ cái anh họ hàng rất gần của loài sư tử, cùng thuộc giống “Phe lít” (Felis) đang chết dần chết mòn, thì ở xứ ta, cái nhà anh Sư tử cùng giống cùng họ ấy, sao mà sinh sôi nẩy nở lắm thế hả giời? Chỉ có điều là sư tử Việt Nam không phải là sư tử giời sinh bằng xương bằng thịt mà là sư tử nhân tạo. Sư tử ngọc, sư tử đá, sư tử vôi vữa... Đâu đâu cũng nhan nhản những sư tử!

Từ đôi sư tử đầu tiên ở Hà Nội

Có lẽ anh sư tử đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội chính là cặp sư tử gang đúc tại Công ty Tusey miền Nam nước Pháp được kiến trúc sư, nhà thiết kế và quy họach nổi tiếng Đông Dương và thế giới có tên Busy rước về trang trí cho tòa nhà chính của khu Đấu Xảo Hà Nội từ trước cái ngày khai mạc 6-2-1902.


“Chú sử tử” đầu tiên được rước về Hà Nội năm 1902
(nay đặt ở trước cửa rạp Xiếc Trung ương)

Cái công trình kiến trúc kiểu Tây đẹp như thiên đường này đã bị bom Đồng Minh phá hủy vào những năm cuối của đại chiến thế giới. Không hiểu sao bom Mỹ phá hủy toàn bộ cái công trình đồ sộ và tuyệt mỹ này nhưng riêng đôi sư tử thì vẫn còn “sống sót”.

Sau này, khi tiếp quản Thủ Đô, người ta dựng lên tại khu đất rộng lớn ấy một công trình nhà hát ngoài trời bằng gỗ đồ sộ nhất Việt Nam. Đó là “Nhà hát Nhân Dân”. Biết bao sự kiện lịch sử, biết bao cuộc biểu diễn nghệ thuật thực sự phục vụ Nhân Dân đã diễn ra tại cái nhà hát ngòai trời này. Cũng ở đây, lần đầu tiên tôi được thấy đôi sư tử gang của nhà Đấu Xảo xưa được “tái sử dụng” đặt oai nghiêm trước mặt tiền sân khấu của nhà hát này.

Liệu có ai còn lưu giữ dược những bức ảnh của khu nhà hát này không nhưng suốt đợt rầm rộ kỉ niệm nghìn năm Thăng Long này cho đến giờ tôi chẳng thấy báo chí nào nói đến cái Nhà hát ngoài trời có đôi sư tử hoành tráng của một thời.

Bây giờ, nếu bạn muốn chiêm ngưỡng đôi cổ vật sư tử xưa, xin cứ đến cửa rạp xiếc Trưng Ương trên đường Trần Nhân Tông (cạnh Công viên Thống Nhất) là thấy. Khi xây rạp xiếc, người ta đã rước đôi sư tử ấy về.

Đến sư tử nơi công sở

Sở dĩ tôi phải nói kĩ về đôi sư tử này là bởi đồ rằng chính nó là ‘tổ tiên” của nhiều đôi sử tử khác đang chễm chệ ngự trên nhiều công trình kiến trúc ở xứ ta trong thời dổi mới sau này.

Ngày nay, nếu có việc phải đến chốn công quyền hay nhiều trụ sở của các tập đoàn đại gia khắp cả nước, bạn có thể thấy những đôi sư tử hệt như đôi sư tử hiện ở rạp xiếc Trung ương. Chỉ khác ở chỗ người ta làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, cỡ kích thì lớn hơn bội phần.

Xuống đến các địa phương, không thiếu gì cơ quan hành chính cấp Tỉnh mà đồ sộ hoành tráng gấp nhiều lần cái Phủ Toàn Quyền xưa nhưng khác ở chỗ ngay ngoài cửa chính thường đặt hai ông sư tử rõ là to, rõ oai vệ đang xù bờm, nhe răng thè lưỡi như muốn xé xác, ăn sống nuốt tươi những kẻ nào dám xâm phạm vào cái lãnh địa này.

Đồn rằng mấy năm trước, ở một trụ sở cơ quan nọ có đôi sư tử đá không lồ được đặt ngay trước cửa. Chẳng hiểu nghe thầy địa lí, thầy phong thủy nào mà bộ phận Hành chính lại cho rước cái của nợ ấy đặt chềnh ềnh giữa cửa chính của cơ quan. Chẳng may, năm ấy trong cơ quan xảy ra lắm chuyện tày đình…Thế là họ lại đi hỏi thầy. Ông thầy địa lí phán “Cái hạn của cơ quan này chính là đôi sư tử. Đời thủa nhà ai lại đặt hai ông sư tử đực cạnh nhau như thế? Nó đánh nhau thì cả lũ chết là đáng đời! Đặt sư tử thì phải có đôi mới “âm dương hài hòa” chứ”?

Vào một đêm cuối năm, tối trời, người ta đã bí mật cho xe cẩu “lưỡng vị” sư tử đi biệt tích. Nghe đồn các vị sư tử đá này hiện đang nằm ở một thị xã cổ trong Thủ đô Hà Nội mở rộng bây giờ.

Biết được chuyện trên, từ ấy, khi đặt tạc sư tử cho công sở, người ta luôn chú ý nhắc nhở nhau phải có đực có cái mới yên. Thế là ở cổng trụ sở lại xuất hiện những giống sư tử mới. Bên phải là một sư tử xù bờm có kèm con nhỏ dưới chân. Bên trái là một sư tử đơn độc cũng xù bờm nhe răng.

Cứ tưởng thế là ổn. Có ai hay? Chỉ có sư tử đực mới có bờm. Sư tử cái thì làm gì có bờm? Vậy mà khắp nơi người ta vẫn để cả hai vệ sỹ sư tử đực kèm một sư tử non xù bờm nghênh ngang. Liệu có tai họa nào sẽ ập xuống cho các công sở với đôi ba sư tử đực kiểu ấy nữa không?


Đôi sư tử đang “giỡn cầu” dưới chân hai cô gái múa và thổi sáo.
Ảnh chụp tại Nha Trang

Sư tử trong di tích

Thủa xưa, theo Bà nội đi đền, chùa, tôi chưa bao giờ nhìn thấy sư tử ở chùa cả. Ngoài đình, chùa, chỉ thấy nghê chầu chứ làm gì có sư tử. Có người cho rằng con nghê chính là biến dạng của một giống chó thờ chứ chẳng phải sư tử. Họa hoằn ở một số di tích, người ta tạc cả những cẩu tượng lớn để canh thờ. Những pho tượng chó này nghe nói cũng linh thiêng lắm.


Đôi sư tử chầu trước đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh)
Có nhiều dịp công tác phải đi các tỉnh, do tham gia nghiên cứu cả các di tích đền chùa, tôi thật ngỡ ngàng khi thấy ở rất nhiều đình nhiều chùa nguời ta rước về bày đặt không biết bao nhiêu loài sư tử khác nhau. Nơi thì bầy sư tử Tây không khác gì sư tử đúc ở Tusey bên Pháp. Nơi thì rập khuôn theo đúng như sư tử ở Bắc Kinh bên Tàu. Chỗ thì đặt cả sư tử theo mẫu của đền thờ của đồng bào Chăm ở miền Trung…

Xem kĩ ra thì ra đấy là những sư tử được các các cá nhân, tổ chức cung tiến. Cũng có cả những sư tử do chính các nhà Kiến trúc sư tầm cỡ, hiện đại bê vào trong những ngôi chùa mới to đùng.

Tôi hỏi một vị quản trị ở một khu di tích: “Sao lại đặt hai con sư tử Tây ở đây? Đặt để làm gì? Có nghĩa lí gì không? Vị ấy phán: “Đấy là của công đức ông ạ! Của công đức thì có gì bầy nấy”.

Di tích là chốn linh thiêng không thể cung tiến gì thì đặt nấy được. Lẽ đương nhiên, có một số người cúng tiến vừa ham cái lộc ảo lại hiếu cái danh thực nên bao giờ cũng khắc tên người tặng, đơn vị hiến vào đấy. Cứ nhìn tên khắc dưới chân sư tử thì hiểu được cái trình độ hiểu biết của kẻ biếu, người dâng.

Và sư tử nhà

Chẳng phải nói mà chắc ai cũng thấy. Cái nhà chứ có phải là que tăm đút túi đâu. Ai xây nhà cũng muốn khoe cái mặt tiền của nhà mình. Không biết bao nhiêu giống loài sư tử đã hiện diện ở đây mà ta không thể đếm xuể, không thể tả hết. Nào là sư tử hí cầu, sư tử vờn nhau trên đỉnh nóc, sư tử nhe răng ườn mình gác cửa, sư tử chồm hỗm thu mình. Eo ôi sao mà kinh mà ghớm ghiếc đến thế?

Kẻ thì khen sang, khen đẹp! Người thì chê là “lai căng”!

Thôi mặc họ. Nhà của ai người nấy xây. Họ đúc sư tử kiểu gì, xếp đặt kiểu gì, tô vẽ ra sao là quyền của họ miễn là đừng phạm pháp là được. Chỉ khi nào có luật quy định muốn trang trí nhà cửa phải xin phép thì hãy bàn.

Mong sao sớm chấm dứt nạn “sư tử” đang xảy ra tràn lan đến phát khiếp ở xứ này.

Vũ Thế Long
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN