TTVH Online

Ca nương Nguyễn Thanh Thảo: Người thừa kế một di sản ca trù

18/03/2010 15:46 GMT+7

Thảo có một vẻ đẹp đủ sang trọng để tạo sức hút với người đối diện, đây là lợi thế lớn của một đào nương. Nhưng lớn hơn nữa là em được thừa kế những kỹ nghệ và cả truyền thống của một trong những dòng ca trù danh giá nhất trên đất Hà thành: Giáo phường Khâm Thiên mà đại diện là nghệ nhân Phó Thị Kim Đức.

    (Đệ nhất ca nương Phó Thị Kim Đức và ca nương chưa đến tuổi trăng rằm Nguyễn Thanh Thảo - ảnh Trần Việt Đức)


Chắc chắn với sự chỉ bảo của bà và mẹ, Nguyễn Thanh Thảo sẽ là thế hệ tiếp theo gìn giữ lại những chuẩn mực cho “dòng ca trù” nức tiếng một thời này.

Câu chuyện phải bắt đầu bằng sự kỹ tính của Đệ nhất ca nương đương thời Phó Thị Kim Đức. Bà vốn là con cụ Phó Đình Ổn, quản giáo của Giáo phường Khâm Thiên. Ngay từ nhỏ bà đã được rèn rũa trong một môi trường làm nghề rất khắt khe. Ít ai biết mẹ bà, con gái của một đào nương nổi tiếng với một kép đàn cũng vang danh một thời từng được đi vào truyện của nhà văn Nguyễn Tuân, cụ ông và cụ bà Trường Bảy. Cụ bà Trường Bảy có giọng ca được đánh giá là huyền thoại của làng ca trù về sự mẫu mực, và bà Kim Đức được chính bà ngoại uốn nắn từ nhỏ. Thời bấy giờ, lớp của bà Đức còn có một vài cái tên cũng được biết đến sau này như nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, nghệ nhân Hồ Điệp (người sau này là giọng ngâm thơ nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn của chế độ cũ).

Chính sự khắt khe của những năm tháng học cầm phách trên mà bà Đức vô cùng kỹ tính trong việc làm nghề.  Sau hòa bình lập lại (1954), vì những quan niệm khắt khe của xã hội thời bấy giờ mà ca trù bị lãng quên, bản thân bà Đức cũng chuyển về Đài tiếng nói Việt Nam hát chèo sau vài năm theo học lớp giáo sinh chèo đầu tiên ở trường Sân khấu điện ảnh. Dù không có cơ hội biểu diễn nhưng bà vẫn âm thầm tập luyện cho ngày trở lại. Năm 1986, khi đã về hưu hơn 30 năm, bà mới mang cỗ phách và giọng hát “cất giấu” bao năm trở lại. Lúc này bà bắt đầu nghĩ tới việc truyền nghề, điều tiếc nhất là bà chỉ có hai người con trai, không có con gái. Bà cũng tính cách truyền cho cô cháu nội, năm ấy lên 9, nhưng rồi cô bé ham học văn hoá hơn. Cái nghề ca trù nó khó, cần nhất là cái tâm, bởi không có tâm thì không thể theo suốt một quãng đường dài đằng đẵng 7 – 8 năm trời.

Cái duyên đôi khi đến bất ngờ, có những lúc bà tưởng rằng những kỹ nghệ mà bà đã mất mấy chục năm hun đúc rồi đây sẽ không có ai nối nghiệp, khi năm 1999, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bạch Dương theo lời mời của một người bạn đến nghe một đêm hát thuyền trên Hồ Tây. Có đủ thể loại hát dân tộc trong đêm đó: hát chèo, hò Quảng, ca Huế, và tất nhiên là có cả ca trù. Trước đấy bản thân chị Dương không có khái niệm gì về ca trù. Khi thấy một bà cụ đẹp sang trọng, mặc áo dài nhung, bên ngoài khoác áo dạ đen tay gõ phách, chị mê mẩn hỏi chồng, “Bà cụ đang hát gì đấy?”, anh Hải, chồng chị nói: “Ca trù”. Anh Hải chồng chị vốn là một tay mê hát chèo và các loại hình ca hát dân tộc, cả hai vợ chồng quyết định sẽ tới gặp bà Kim Đức để xin bà dạy cho con gái, bé Nguyễn Thanh Thảo.

Không phải đơn giản mà bà Đức nhận ngay, ngoài mối thân tình, mẹ chị Dương vốn là bạn cùng làm ở Đài tiếng nói với bà Đức, bà cũng hỏi han rất cặn kẽ cả hai vợ chồng. Nếu học chỉ để cho vui thì bà không dạy. Bởi trước đó Quỹ Ford có lời mời bà ra dạy một lớp cho các ca nương trẻ trong 3 tháng. Bà bảo, 3 tháng cầm lá phách còn không nổi nữa là, nói gì đến hát hò. Bản thân chị Dương lúc đầu cũng không nghĩ mình sẽ học hát. Bởi lúc bấy giờ chị cũng đã quá cứng tuổi, hơn nữa thực lòng mà nói, chị là người không có giọng. Mà ca trù vốn là bộ môn âm nhạc tính thì nhẹ mà thanh nhạc tính thì rất cao. Ca nương muốn hát được trước tiên phải có một giọng hát đẹp.

Nhận thấy sự nghiêm túc trong mong muốn của hai vợ chồng chị Dương, bà Kim Đức bảo: “Đưa con bé tới đây!”. Năm ấy, bé Nguyễn Thanh Thảo mới 5 tuổi. Từ đấy, hai vợ chồng chị cứ sau giờ làm việc, cơm nước xong là cả nhà lại lên xe máy chạy từ phố Hồng Hà xuống nhà bà Kim Đức ở Ngã Tư Sở để bà dạy bảo cho đứa con gái yêu. Thoạt đầu, định chỉ học một tuần hai buổi, sau học dần thấy ham nên anh chị đến nhà bà học luôn một tuần bảy buổi.

Lúc đầu, chỉ định nhờ bà Kim Đức dạy cho bé Thảo, nhưng, trẻ con mà, cứ học được một lúc bé Thảo lại mệt quá, ngủ thiếp đi. Vẫn biết ca trù tốt nhất là uốn nắn từ nhỏ, độ tuổi của Thảo là thích hợp lắm, nhưng khổ nỗi không như ngày xưa, trẻ con bây giờ ngày học bán trú, tối về làm bài tập đến đêm vẫn chưa xong, nên thời gian học ca trù của bé Thảo cũng eo hẹp. Lúc này bà Kim Đức đã nhận chị Dương làm con gái. Tuổi thì cũng nhiều bà lo lắm nên bảo với chị Dương: “Cứ thế này đến khi cái Thảo lớn thì bà yếu mất, thôi thì vợ chồng mày học”. Thấy cô con gái vất vả quá, ngày đi làm, tối lại lục đục chạy xuống học hát, thương chị Dương, bà lại bảo: “Để bà lên ở với vợ chồng mày, rảnh lúc nào, bà dạy cho lúc ấy”.

Mà đâu chỉ có chuyện học hát, một người kỹ càng như bà Kim Đức thì từ cách đi đứng đến cách ngồi… đều phải dạy. Đầu tiên, bà dạy cách ngồi. Suốt nhiều tuần, bà sửa từng tý để làm sao ngồi đúng như một ca nương. Tiếp theo là học phách. Bởi để thành đào nương không phải cứ biết hát là đã thành tài. Người đầu tiên phải chịu sự uốn nắn khắt khe này là chị Bạch Dương. Lắm lúc cũng cực, nhưng vì quá yêu ca trù và cũng không muốn phụ lòng của mẹ nên chị Dương nhất nhất tuân theo những lời dạy. Nguyễn Thanh Thảo cũng được đưa vào khuôn phép ngay từ đó. Được sự uốn nắn từ bé của bà và của mẹ, Nguyễn Thanh Thảo ngày càng trưởng thành hơn. Nhìn Thảo hát người ta nhìn thấy một phong thái mẫu mực của một ca nương, điều này rất quý bởi giờ trong sự “bình dân hóa ca trù” người ta không còn để ý nhiều đến chuyện phong thái thế nào mới là chuẩn mực nữa. Hơn nữa thuận lợi cho Thảo là em được sống trong một môi trường hoạt động nghề chân chính. Những canh hát ca trù của nhóm Tràng An thường được tổ chức định kỳ ở nhà của em: hát thì có chị Bạch Dương, NSƯT  Đoàn Thanh Bình, bên cạnh luôn có bà Đức uốn nắn, trống chầu có anh Hải chồng chị Dương, đàn đáy có NS Đặng Công Hưng, một tay chơi đàn đáy có hạng do bà Đức chỉ bảo.

Nguyễn Thanh Thảo có vẻ nghiêm chỉnh hơn những bạn cùng trang lứa. Đó là điều mà bất cứ một ca nương nào cũng phải có, bởi đến với nghề này, người ta phải lớn trước tuổi. Tiếng phách của Thảo tuy chưa được chuẩn mực như chị Bạch Dương, giọng hát cũng chưa phải là xuất sắc, nhưng thời gian còn, chắc chắn với sự chỉ bảo của bà Kim Đức cũng như chị Bạch Dương, ca nương chưa đến tuổi trăng tròn Nguyễn Thanh Thảo sẽ là thế hệ tiếp theo gìn giữ lại những chuẩn mực cho một “dòng ca trù” nức tiếng một thời.

 

Việt Linh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN