TTVH Online

Quang Phùng – Nhà nhiếp ảnh của đường phố Hà Nội

08/03/2010 08:20 GMT+7

Từ khi cầm máy, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chỉ chụp Hà Nội. Mọi ngóc ngách về Hà Nội. Ông có ký ức để so sánh, và ống kính của ông đã chứng kiến mọi sự đổi thay. Ông có hàng chục ngàn tấm ảnh chính luận đã tráng về Hà Nội.

NSNA Quang Phùng

Nghệ sĩ Quang Phùng sinh năm 1932 tại Hà Đông, là con của một viên quan đầu tỉnh với một người con gái đẹp của Hà Nội xưa. Ông thần tượng cha của mình bởi cốt cách Nho giáo và tinh thần chống đế quốc của cha. Năm 1955, ông trở thành thành viên của Ủy ban Quốc tế, gồm Việt Nam và một số nước liên quan đến việc giải giáp quân Pháp. Năm 1970, Ủy ban này giải thể, ông về làm việc tại Bộ Ngoại giao và thời gian công tác dài lâu đã giúp ông trở thành một nhân viên ngoại giao kỳ cựu, với lối ứng xử bặt thiệp, nhã nhặn và phía sau đó là một khả năng quan sát, phán đoán tình huống nhanh nhạy cùng bản lĩnh và sự kiên nhẫn ít có. Tất cả những phẩm chất ấy ông đưa vào nhiếp ảnh, tình yêu và niềm đam mê của cả đời ông.



Hai cha con người bán mía (ảnh: Quang Phùng)

Quang Phùng chụp ảnh từ năm 1954, và 1955 ông đã có bộ ảnh đầu tiên về giải phóng thủ đô. Từ đó, ông chỉ chụp về Hà Nội. Mọi ngóc ngách về Hà Nội. Ông có ký ức để so sánh, và ống kính của ông đã chứng kiến mọi sự đổi thay. Ông có hàng chục ngàn tấm ảnh chính luận đã tráng về Hà Nội. Ảnh khiến ông tiêu tốn khủng khiếp, nhất là vợ ông lại đẻ sinh đôi trong thời buổi quá đỗi khó khăn và đến nay, ông sống chẳng dư giả gì. Cuộc đời ông chưa từng một lần đặt chân vào bất cứ siêu thị nào. Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh của đường phố Hà Nội.
 
Bước trong mưa (ảnh: Quang Phùng)

 
Ông thuộc lòng từng nhân vật trong các tác phẩm của mình. Ông trò chuyện với họ, quan sát họ và bầu bạn cùng họ. Ông biết một bà bán bỏng một ngày ăn tám khẩu trầu. Biết một bà bán hàng rong từng đào hầm nuôi cán bộ, mà cửa hầm ở dưới đáy ao. Biết một người gánh hàng hoa có thói quen vừa tưới hoa vừa uống chung nguồn nước trong chai nước khoáng. Biết một người bán cam đắt hàng vì bà ấy bón cam bằng bã dầu lạc. Biết một bà cụ thân thiết với chiếc đòn gánh cũ, bởi dùng gánh đòn gánh mới sẽ bị đau vai. Biết bí mật của bát phở dành cho khách quen nằm ở đầu mẩu miếng thịt ngâm lâu trong nồi nước dùng nóng bỏng. Biết một người bán bánh mì không có sữa cho con bú. Biết ăn sắn, ăn khoai cùng với khế sẽ rất ngon. Biết cả những người nghiện, bọn đầu gấu cũng như cho vay nặng lãi…
 
Người đàn bà vác cặp mía (ảnh: Quang Phùng)
 

Sự thách đố của một nhà nhiếp ảnh là phải có ý tưởng và kiên trì. Anh ta phải biết giấu mình khi săn ảnh, vì phản ứng tự vệ trời cho khiến người được chụp trở nên khác hẳn nếu phát hiện thấy ống kính. Chính vì thế, những con người trong ảnh của ông trở nên sống động như vốn có trên phố phường Hà Nội. Ông yêu thương những thân phận người bé nhỏ của Hà Nội, và ông hiểu rằng, muốn đặc tả sự vất vả của gánh hàng rong tốt nhất thì phải chụp trong mưa. Mưa càng to ông càng đi. Nhân vật chính trong các tác phẩm của ông là lực lượng lao động đông đảo tham gia vào nền kinh tế phi chính thức, với việc làm cũng như thu nhập không ổn định, và đã có mặt ở đây từ khi đô thị Hà Nội mới hình thành.

Xem ảnh của ông, có nhà Xã hội học người Pháp nhận xét: “Tôi quen sống trong bê tông hóa, giờ nhìn thấy gánh hàng hoa Hà Nội thì mọi tâm tư đều được giải tỏa. Tôi muốn nhìn thấy xã hội lao động chứ không phải xã hội tiêu dùng thừa mứa”. Bán hàng rong chỉ còn có ở Việt Nam, ở một số nước châu Á khác cũng có, nhưng không hề có quang gánh. Những người nước ngoài mê quang gánh và xe thồ – chiếc xe tay ngai từng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, xuất hiện ngay ở trong lòng Hà Nội. Họ coi gánh hàng rong như những bản nhạc sống của phố phường.

Theo nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, chức năng xã hội của nhiếp ảnh đầy đủ có hai dạng. Thứ nhất là ảnh “nóng”. Dạng ảnh này đòi hỏi người chụp phải có khả năng phán đoán tình huống rất nhanh nhạy để có được bức ảnh đúng thời điểm, trong khi phải cạnh tranh chỗ đứng với các đồng nghiệp khác. Thứ hai là ảnh dấn thân, phản ánh những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện tại. Dạng ảnh này còn chính là một tư liệu về xã hội nên người chụp ảnh còn phải có khả năng cũng như thời gian ghi chép nữa, ảnh chỉ nói được 50% vấn đề, 50% còn lại phải nhờ vào thông tin phía sau về nhân vật, hoàn cảnh, bối cảnh sống… Và trong hàng chục ngàn mét ảnh của ông, những thân phận là nạn nhân chiếm phần nhiều.

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vừa trải qua một cơn nguy kịch. Ông nói vui, trong đầu ông hiện có 4 chỗ sẵn sàng tắc, 3 chỗ sẵn sàng vỡ, và đang phải ở trong giai đoạn bình thường hóa huyết áp. Mà huyết áp liên quan đến cảm xúc rất nhiều. Ông mới bị chảy máu dưới nhện vùng liên bán cầu thùy trán trên bệnh nhân tăng huyết áp và gút cấp. Thời tiết thay đổi thế này hành hạ ông ghê lắm. Ông có đợt bất tỉnh tới 20 ngày, hai người mới xoay vần lật được lên. Vợ ông đã vô cùng vất vả. Khi sẵn sàng hi sinh tính mạng để có một tấm ảnh, khi lấy hết tiền vợ để sắm thêm đồ nghề nhiếp ảnh, ông chưa thấy. Chính cái khi nằm trên giường bệnh nửa tỉnh nửa mê ấy là lúc ông thấm thía nhất cái nghĩa vợ chồng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã đi gần hết một vòng đời, và di sản hình ảnh ông để lại cho Hà Nội là rất giá trị. Có người nói ông chỉ chụp những tấm ảnh làm một số người thích sang trọng cảm thấy xấu hổ, nhưng đó là họ không biết về những tấm ảnh tuyệt vời về Hà Nội mà ông chụp được trong mấy chục năm cầm máy của mình.

T. Vinh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN