TTVH Online

Nhạc sĩ Trần Đức: “Cha đẻ” của Những bông hoa nhỏ

07/03/2010 14:03 GMT+7

Nhạc sĩ Trần Đức vốn quen thuộc với thính giả thông qua những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: Khi tóc thầy bạc trắng, Mơ ước ngày mai... Và chính nhạc sĩ này là người khai sinh ý tưởng chương trình 'vang bóng một thời' Những bông hoa nhỏ.

(TT&VH) - Nhạc sĩ Trần Đức vốn quen thuộc với thính giả thông qua những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: Khi tóc thầy bạc trắng, Mơ ước ngày mai được tuyển chọn trong tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX và được hát thường xuyên trong nhà trường. Ông còn được biết đến với tư cách là một nhà báo, đạo diễn truyền hình với những chương trình “ăn khách” như Sổ tay nghệ thuật, Cây cao bóng cả và đặc biệt, chương trình truyền hình cho thiếu nhi “vang bóng một thời” Những bông hoa nhỏ chính là ý tưởng của ông sau khi du học từ Cu Ba trở về…

Từ Những gương mặt nhỏ đến Những bông hoa nhỏ

Sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, nhạc sĩ Trần Đức cùng gia đình quay lại sống ở Hà Nội. Ông theo học Trường Địa chất, sáng tác nhạc, làm thơ, viết báo cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Thấy ông thường xuyên cộng tác nên đài đã xin ông về làm phóng viên.

Năm 1968, nhạc sĩ Trần Đức cùng 15 người khác được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi học ngành đạo diễn và biên kịch truyền hình tại Cu Ba nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt để tiến tới xây dựng ngành truyền hình Việt Nam. Khóa học kéo dài 3 năm nhưng mới chỉ học được gần 2 năm, cả nhóm đã lại phải về nước theo “lệnh” của đài để bắt tay vào sản xuất chương trình truyền hình và phát sóng lần đầu tiên vào ngày 7/9/1970, trong đó có chương trình Những bông hoa nhỏ do chính nhạc sĩ Trần Đức khởi xướng.

Nhạc sĩ Trần Đức kể: Ngày tôi cùng với các bạn đồng nghiệp du học ở Cu Ba, tôi có tham gia viết kịch bản và bài hát cho chương trình Những gương mặt nhỏ của Đài Truyền hình Cu Ba. Tôi rất thích chương trình này và sau khi về nước, với mong muốn mang lại cho các em nhỏ của nước mình một chương trình hấp dẫn, ngộ nghĩnh như chương trình mà nước bạn đã làm được nên xây dựng chương trình Những bông hoa nhỏ trình lên lãnh đạo đài xin ý kiến. Không những đồng ý mà các đồng chí còn khuyến khích chúng tôi sản xuất ngay chương trình để phát sóng trong ngày khai sinh đài.

Khi được hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất về chính chương trình mà ông “đẻ” ra là gì thì nhạc sĩ Trần Đức cho biết đó chính là chương trình thiếu nhi đặc biệt nhân ngày sinh nhật Bác Hồ có tên Hoa trong vườn Bác. Đây là chương trình gần như phát sóng trực tiếp đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam với số lượng các em thiếu nhi tham gia đông đảo và đặc biệt trong chương trình đó nhạc sĩ Trần Đức vừa trong vai trò đạo diễn, vừa biên kịch vừa lo khâu âm nhạc. Sau lần phát sóng này, “thương hiệu” Những bông hoa nhỏ đã được khẳng định trong lòng công chúng xem truyền hình, đặc biệt là với những khán giả nhỏ tuổi.

Sau 25 năm đồng hành cùng với “đứa con tinh thần” đến năm 1995, do yêu cầu đổi mới của chương trình, đích thân “cha đẻ” của Những bông hoa nhỏ lên sóng truyền hình thông báo “tin sốc”: Chương trình Những bông hoa nhỏ từ nay sẽ đổi tên thành chương trình Thiếu nhi để phù hợp với hoàn cảnh mới. Tuy vậy, trong thâm tâm của ông Những bông hoa nhỏ luôn là niềm vui lớn, chương trình lớn không chỉ đối với cá nhân, đội ngũ những người làm chương trình mà còn lớn đối với nhiều thế hệ công chúng nhỏ tuổi cho đến tận ngày hôm nay...

Được sáng tác cho trẻ em, tôi như trẻ lại

Bây giờ, tuy đã nghỉ hưu nhưng nhạc sĩ Trần Đức vẫn còn đầy tâm huyết với âm nhạc, với những sáng tác cho các em. Ông kể về nguồn gốc ra đời bài hát Mơ ước ngày mai - một bài hát giáo dục lý tưởng ngắn gọn, sâu sắc được các em yêu mến: “Một lần đi qua tòa soạn báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương (HN), tôi trông thấy các em thiếu niên mặt mày tươi tắn, tay ôm hoa, vai đeo khăn quàng đỏ, hình như là đang chuẩn bị cho đại hội Đoàn hay nhân dịp gì đó, rất tự nhiên tôi “hát lên trong đầu”:

Em mang trên vai màu khăn tươi thắm
Bao niềm mơ ước tươi sáng ngày mai
Ngọn cờ trao tay, theo Đoàn em tiến bước

Lẩm nhẩm đến đây thì nhạc sĩ bị tắc mạch cảm xúc, không biết “cờ trao tay theo Đoàn em tiến bước” là bước đi đâu? Ngẫm ngợi mãi, cuối cùng ông cũng “nối lại” được mạch cảm xúc:

Thành người chiến sĩ cho ngày hôm nay
Thành người chiến sĩ xây cuộc đời trong tương lai
Trong bài học mới là những dòng sông
Ruộng đồng mênh mông êm đềm bao câu hát
Niềm tin bát ngát cho ngày hôm nay
Niềm tin bát ngát cho cuộc đời bao mê say.

Nhạc sĩ Trần Đức còn cho biết: Rất nhiều trường học, nhiều thế hệ học sinh đã thuộc và yêu quý bài hát này. Trước đây, chương trình Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của của Đài Tiếng nói Việt Nam, một năm liền đã sử dụng bài hát làm nhạc hiệu mỗi khi kết thúc chương trình. Với tôi, đó là một thành công nhỏ nhỏ trên chặng đường dài sáng tác cho các em. Được làm việc, sáng tạo cho các em khiến tôi như trẻ ra nếu không muốn nói là phải trẻ con hóa, phải sống hai cuộc đời, vừa một như con trẻ vừa như chính hiện tại cuộc đời mình là một người đã lớn tuổi. Và chỉ khi hóa thân thành trẻ con mới hiểu được trẻ con và sáng tạo không trượt xa khỏi mong muốn của chúng.

Yên Khương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN