TTVH Online

Thăm mùa xuân thứ 88 của Hoàng Cầm

19/02/2010 13:56 GMT+7

Năm Canh Dần này, thi sĩ Hoàng Cầm – tác giả của Bên kia sông Đuống - bước sang tuổi 88. Ngần ấy thời gian cũng là đủ để ông hoàng của thơ tình Việt Nam đi gần trọn chặng đường sinh - lão – bệnh – tử của mình...

(TT&VH) - Năm Canh Dần này, thi sĩ Hoàng Cầm – tác giả của Bên kia sông Đuống - bước sang tuổi 88. Ngần ấy thời gian cũng là đủ để ông hoàng của thơ tình Việt Nam đi gần trọn chặng đường sinh - lão – bệnh – tử của mình...

1. Căn nhà ông đang sống nằm giữa phố Lý Quốc Sư. Cầu thang hẹp và dài hun hút. Căn phòng nhỏ của nhà thơ ở tận tầng 5, như tổ chim chót vót trên cành. Giữa không gian gần chục mét vuông ấy, Hoàng Cầm bất động và nhỏ thó với nước da trắng xanh. Bốn phía là tường. Từ tấm nệm đang nằm, thảng hoặc, nhà thơ chỉ có thể lơ đãng nhìn ra bầu trời qua khung cửa sổ nhỏ xíu. 6 năm nay, cú ngã gãy xương đùi đã giữ ông lại với căn phòng này như thế.

Người thân đi vắng thường xuyên, ngôi nhà thường xuyên trong tình trạng khóa cửa. Bạn bè tới thăm Hoàng Cầm trước đây nếu không may chỉ còn cách đứng ngoài, nói chuyện với ông qua chiếc điện thoại ở góc phòng. Còn bây giờ, nhà thơ cũng không còn sức để nâng chiếc điện thoại lên tay. Chẳng phải căn bệnh gì cụ thể mà đơn giản, độ dài của thời gian đã làm cạn kiệt dần tinh lực của con người.

Thật lòng, ở độ tuổi và sức khỏe như vậy, gia đình cũng không muốn báo chí và khách khứa làm phiền ông quá nhiều. Bản thân người viết cũng chỉ có thể tới thăm ông bằng cách đi cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Mấy chục năm trời, đôi bạn vong niên ấy gắn bó với nhau qua từng bức ảnh, từng chuyến đi, từng bài thơ tết mà ông Toán vẫn giục Hoàng Cầm viết rồi tới nhà lấy và gửi lên các báo trong dịp Tết...


Tác giả Bên kia sông Đuống bên bờ sông Đuống năm 2000
Nâng ông dậy, kê một chiếc gối vào lưng, ông Toán khẽ hỏi từng câu thong thả. Ông nhớ ai tặng bức tượng này không? Ảnh ai chụp? Thơ ai đây? Có nhớ ảnh này chụp lúc nào không, lúc mà Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi bộ xuyên Việt, bọn ta tà tà chạy xe máy tiễn tới tận Ninh Bình? Những câu hỏi ấy lần lượt rơi vào thinh không. Có lẽ, khi bắt đầu tiếp cận với cõi hư vô, trong trí nhà thơ không còn chỗ cho những gì thuộc về cuộc đời thật nữa rồi...

Rồi, giữa những câu hỏi, chợt bắt gặp chút ký ức mỏng manh, Hoàng Cầm khẽ buông ra từng chữ, như một lời kể lạc vần: Sau Tết, Loan nó về.


Với con gái Kiều Loan, chụp 1997 bên sông Đuống
Kiều Loan, tên cô con gái đang ở Mỹ, cũng là cái tên xâu chuỗi những gì gần gũi nhất trong cuộc đời nhà thơ, từ mối tình câm với cô gái cũng là mỏ neo xâu chuỗi nhiều sự kiện trong cuộc đời nhà thơ, từ câu chuyện bi thương của cô thiếu nữ Minh Loan mà ông thầm yêu 60 năm trước cho tới người vợ từng vào vai Kiều Loan trong vở kịch thơ mà ông chấp bút. Và còn nữa, năm 2005, khi Kiều Loan được dựng lại tại Nhà hát kịch Tuổi Trẻ, Hoàng Cầm cũng lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng trên chiếc xe lăn.

Khi ấy cụ còn minh mẫn lắm. Tôi xin phép dựng Kiều Loan, cụ bảo cứ làm. Xin cắt vài đoạn khi dàn dựng, cụ cười ha hả: cứ cắt, đạo diễn là phải thế. Vậy mà... Khi nghe người viết kể về sức khỏe nhà thơ, NSƯT Anh Tú thở dài.  


Đạo diễn và dàn diễn viên vở kịch thơ Kiều Loan bên nhà thơ Hoàng Cầm
2. Bốn năm trở lại đây, chiếc xe lăn ấy được xếp lại ở xó nhà. Thi sĩ quê Kinh Bắc không còn sức khỏe để ra đường nữa. Kể cả vào năm 2007, khi ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật như một món quà mà số phận đưa lại cho nghiệp văn quá nhiều lận đận của mình. Kể cả năm 2008, khi nhà thơ Lê Đạt, người bạn văn cùng ông vĩnh viễn ra đi. Người nhà kể rằng không tới viếng Lê Đạt được, ông khóc rất nhiều. Rồi than: hắn trẻ hơn tôi 7 tuổi, lẽ ra tôi mới phải là người đi trước.

Những câu hỏi của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán vẫn rơi vào thinh không. Thảng hoặc, nhà thơ khó nhọc đáp lại bằng một cái lắc đầu nhè nhẹ. Rồi, chậm và buồn, nhà thơ lặng lẽ ngước mắt lên bốn bức tường. Trên tường, rất nhiều và rất nhiều bức ảnh chân dung của ông, đa phần đều có chén rượu trên tay. Khuôn mặt ấy, người ta chủ yếu biết tới với cái tên Hoàng Cầm mà quên đi cái tên thật Bùi Tằng Việt. Một lời là một vận vào. Dù là vị thuốc đắng hoàng cầm, dù là cây đàn vàng hay... chiếc lồng vàng như nhà thơ từng nửa thật nửa đùa giải thích, ngần ấy tầng nghĩa cũng đều không sai, khi ông đi gần hết hành trình vất vả trong nghiệp thơ của mình.

Dù trẻ dù già, người đọc thơ Hoàng Cầm đều dễ có nhận định chung: lãng mạn, tình tứ, thiết tha mà thiếu đi chút phần cứng rắn. Giống như sự tài hoa và đa đoan của ông đã được phát lộ từ rất sớm với những Lá diêu bông, Cây tam cúc...Trong làng văn, người ta vẫn thường vui chuyện đặt ông trong sự tương đồng về tính cách với một nhà thơ hậu sinh là Hoàng Nhuận Cầm bằng lời nhận xét: Hoàng Cầm chơi cây tam cúc còn Hoàng Nhuận Cầm chơi xúc xắc mùa thu...


Trong một chuyến về quê năm 2004
3. Những năm gần đây, khi không còn viết được thơ, thi sĩ đã dành thời gian để... nói. Nói một mình, nói vào hàng chục cuốn băng ghi âm mà Hãng phim Phương Nam đã mua bản quyền. Kho tư liệu bằng lời ấy là một cuốn nhật ký vô tận về cuộc đời nhà thơ, từ những mối tình chị - em, những năm trai trẻ, tham gia kháng chiến, quãng đời gặp nạn văn chương và cả những suy tư sau này.

88 tuổi, đôi mắt Hoàng Cầm tuy đã mờ nhưng khuôn mặt ông lại toát nên vẻ bình thản, nhẹ nhàng. Thời gian như chiếc đồng hồ đếm ngược. Năm 2010, phút chia xa hẳn không còn lâu nữa. Ngậm ngùi và chờ đợi, cho dù vẫn còn một niềm an ủi lớn: những tập thơ Hoàng Cầm còn ở kia, được nhà thơ xếp rất cẩn thận trên chiếc bàn nhỏ đặt cạnh giường.

Xin giới thiệu những khoảnh khắc đẹp về Hoàng Cầm qua ống kính máy ảnh của Nguyễn Đình Toán.


Trong đám giỗ nhà văn Phùng Quán, năm 1995, ảnh từ trái sang phải:
Phan Tại, Phan Vũ, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Thu Bồn

Nhà thơ Hoàng Cầm (bên phải) và nhà văn Kim Lân - ảnh chụp năm 2003

Chân dung nhà thơ Hoàng Cầm


Hoàng Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN