TTVH Online

Hôm nay, khai hội Tịch Điền 2010: Phải tìm cách dựng thêm "trò"

19/02/2010 09:25 GMT+7

Lễ hội Tịch Điền 2010 (tại Đọi Sơn, Hà Nam) đã khai mạc vào 18/2, trong đó các nội dung chính sẽ diễn ra vào hôm nay và ngày mai.

(TT&VH) - Căn cứ vào vài dòng trong sử liệu để dựng nên một lễ hội quy mô lớn, kéo dài suốt 3 ngày với lượng khách ước tính cả chục vạn người, đó là công việc mà những người phục dựng lễ hội Tịch Điền 2010 thực hiện. Và cũng bởi sự thiếu vắng về tư liệu ấy, lễ Tịch Điền đã phải trải qua một năm dàn dựng “thử nghiệm”: dựa trên các yếu tố chung của lễ hội để phát triển trí tưởng tượng, vừa làm vừa thử và điều chỉnh những gì chưa hợp lý để lễ hội có chỗ đứng trong đời sống hiện đại.

Lễ hội Tịch Điền 2010 (tại Đọi Sơn, Hà Nam) đã khai mạc vào 18/2, trong đó các nội dung chính sẽ diễn ra vào hôm nay và ngày mai (19, 20/2 – tức mùng 6, mùng 7 tết Bính Dần).

“Một tí bột, gột... cả thúng hồ”

Diễn ra từ năm 987 thời vua Lê Đại Hành nhưng trên thực tế, lễ hội Tịch Điền đã bị xóa bỏ vào thời vua Khải Định (cách đây khoảng 100 năm). Sự đứt quãng này đã tạo ra một “khoảng trắng” về tư liệu với Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật VN – đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam để phục dựng lại lễ hội. Bởi vậy, trước khi ra mắt chính thức vào Tết âm lịch năm nay, lễ hội Tịch Điền đã được phục dựng và tổ chức thử nghiệm một lần vào Tết Ất Sửu 2009. Về cơ bản, lễ hội Tịch Điền cũng là những màn nghi thức thường thấy trong lễ hội miền Bắc như rước kiệu, rước nước lên chùa, dâng hương, tổ chức các trò chơi dân gian... Hai điểm riêng của lễ hội là việc tổ chức lễ cày tịch điền và màn sơn, vẽ hình lên 30 chú trâu tại lễ hội.


Lễ hội Tịch điền “thử nghiệm” đã thu hút đông đảo người dân tham gia
"Để thành “lễ” trước sự chứng kiến của cả vạn người xem mà chỉ có một người xuống cày vài đường cho khán giả... vỗ tay thì khá đơn điệu và không thu hút. Vậy thì chúng tôi phải tìm cách dựng thêm trò". - TS Bùi Quang Thắng, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: "Và chuyện “dựng” ấy phải dựa trên nguyên tắc “hướng thần” vốn là điểm chung của văn hóa lễ hội VN".

Tại lễ Tịch Điền “thử nghiệm” năm ngoái, một cụ già cao tuổi tại Đọi Sơn được mời tham gia màn diễn xướng cày ruộng. Trước khi cày những luống đầu tiên, nghi thức “đưa thêm” được đặt ra: cụ ông nhằm hướng đình vái lạy, mặc áo long bào, đeo mặt nạ rồi bước xuống sân cày. Để rồi, hết nghi thức, người diễn xướng này lại quay về đình, vái lạy để cởi long bào và mặt nạ. TS Thắng giải thích: nôm na, theo ngôn ngữ truyền thống, người xem lễ hội sẽ hiểu ngay rằng khi đó cụ ông trong làng chỉ là... “cái xác”. Vua Lê Đại Hành, người khai sinh ra lễ cày tịch điền, đã được... mời về “nhập” vào cụ để thực hiện luống cày này. Nghi thức ấy sẽ tạo thêm tính thiêng cho màn diễn xướng.

 
Cũng theo lời ông Thắng, việc một số đồng chí lãnh đạo về dự và tham gia vào lễ Tịch Điền này cũng không ảnh hưởng tới màn diễn xướng trên. Cụ thể, sau khi mời “vua Lê Đại Hành” về cày, các lãnh đạo cao nhất cũng sẽ xuống sân thực hiện nghi lễ cày tượng trưng trong vai trò “khách mời danh dự”. Theo kịch bản, vị lãnh đạo cao nhất sẽ cày 3 xá, có một người dắt trâu, hai người đỡ chuôi cày, hai cô gái đi sau rắc hạt. Lãnh đạo Bộ và tỉnh cày 5 xá với đủ “ê kíp” trên. 3 người dân đại diện dân làng tự cày 7 xá cuối cùng.

Trong buổi tổng duyệt diễn ra cách đây 15 ngày, cái lo nhất với những người dàn dựng chương trình là việc các chú trâu được chọn tham gia vào lễ Tịch Điền đều... không quen cày. Hóa ra, số trâu tại địa phương hiện nay chủ yếu được nuôi để bán lấy thịt, bởi người dân đã bắt đầu dừng việc sử dụng trâu và sử dụng máy cày để cày ruộng. Do đó, những người được chọn để đỡ chuôi cày cho người cày đại diện đều được lấy từ những người cày giỏi, để có thể xử lý sự cố trong trường hợp vai cày tuột ra.

Về việc “phóng tác” nên màn sơn vẽ màu trên mình trâu, ông Thắng cho biết: tôi đã phải nghiên cứu rất kĩ tư liệu về các lễ cày Tịch Điền của Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar. Chuyện sơn vẽ lên mình trâu không phải là điều chưa tồn tại. Chí ít, số trâu này cũng phải được tắm rửa sạch sẽ, khoác vải đỏ trước khi tham gia lễ Tịch Điền. Từ hạt nhân ấy, việc mở rộng thành màn sơn, vẽ lên mình trâu là điều có thể chấp nhận.

Kêu gọi “xã hội hóa” để duy trì lễ Tịch Điền

Theo kế hoạch của tỉnh Hà Nam, kể từ năm 2011, lễ hội Tịch Điền sẽ được tổ chức với quy mô lớn 5 năm/ lần. Có nghĩa, trong 4 năm tới, lễ hội này sẽ không còn được đầu tư kinh phí từ tỉnh và do địa phương (huyện Duy Tiên) tự tổ chức.

Các chuyên gia của Viện NCVHNTVN cho biết: trong quá trình dàn dựng lễ hội Tịch Điền, các cán bộ văn hóa cấp huyện đã cùng tham gia dàn dựng và đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, các trang thiết bị về quần áo, máy móc cũng được giao cho phòng văn hóa tự quản lý, đặc biệt là các băng tư liệu về tập, nghi lễ, tiến hành... được thực hiện khá đầy đủ trong hai năm qua. Bởi vậy, cái quan trọng nhất gần như chỉ còn thuộc về phạm vi .. tập luyện và thực hiện của người dân.

“Cái tôi lo nhất là việc khi không có kinh phí đầu tư thì làm sao tạo được sự nhiệt tình từ phía nhân dân? Bởi với người dân ở đây, một ngày tập của họ dù có được trả tiền tập thì cũng chưa bằng đi làm thợ xây hay chạy xe ôm. Đó cũng là vấn đề mà lễ hội thời kinh tế thị trường đặt ra" - ông Thắng cho biết. Theo như lời ông, để duy trì lễ hội như hiện nay, mỗi năm tỉnh chỉ có cách kêu gọi các nguồn tài trợ theo phương thức xã hội hóa. Và để làm tốt lễ hội này trong những năm lẻ thì chỉ cần một nguồn kinh phí ước chừng 300 triệu, nghĩa là bằng khoảng 1/6 so với những năm tổ chức hội chính.

Minh Châu
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN