TTVH Online

Đẹp đến sững sờ, đến… hóa đá!

13/02/2010 07:15 GMT+7

Ở miền đá khô khát, miên man bất tận đó, cuộc sống khắc nghiệt như ở một hành tinh chết xa xôi, nhưng cũng vì thế mà vẻ đẹp của những rừng hoa đá, rừng thú đá, hoang mạc đá, các hẻm vực đệ nhất hùng quan... của nó trở nên quyến rũ lạ thường.

(TT&VH) - Ở miền đá khô khát, miên man bất tận đó, cuộc sống khắc nghiệt như ở một hành tinh chết xa xôi, nhưng cũng vì thế mà vẻ đẹp của những rừng hoa đá, rừng thú đá, hoang mạc đá, các hẻm vực đệ nhất hùng quan... của nó trở nên quyến rũ lạ thường. Và, dù là Công viên địa chất toàn cầu hay không, dù người sống trên đá chết vùi trong đá có làm giàu được nhờ đá hữu tình kia không, thì ta vẫn phải công nhận rằng: đá, với vẻ gợi cảm mê hồn của mình, đang phô diễn một vũ điệu tạ ơn đất trời đã sinh ra... đá.

Ai bảo rằng những rừng hoa đá không tỏa sắc hương? Ai bảo đá vô tri không biết kiêu hãnh đi thẳng đến bàn nghị sự của UNESCO tận bên Paris để đòi nhân loại tiến bộ xưng tụng mình là báu vật của thế gian?

Đó là chuyện của miền đá rộng gần 600 km2 ở tỉnh Hà Giang.

Miền đất nghèo khó và quật cường bậc nhất

Có rất nhiều cái kỷ lục ở một sự kiện: trên bàn vinh danh di sản địa chất của UNESCO, hiện nay, đang có đề án Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn - Việt Nam. Với diện tích gần 600km2, miền đá thuộc 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang là cao nguyên cao nhất nước ta. Đó cũng là nơi duy nhất của Việt Nam được nể vì, xưng tôn là: “cao nguyên đá”. Một miền đá ngút ngàn, chất ngất, rợn ngợp, đẹp sởn gai ốc. Chỉ cần một cú đi bổ dọc qua cao nguyên đó, bạn đã tiêu tốn mất 200km đường đèo dốc vừa kinh khủng hãi hùng, vừa ngoạn mục nhất Việt Nam.


Những đứa trẻ trên cao nguyên đá
Tôi cứ nghĩ: ở hai đầu mút Nam - Bắc tổ quốc, chúng ta đã có miền sông nước cuối trời Tây Nam Bộ chằng chịt kênh rạch, cứ 2 km lại có một cái... cầu; thì nhất định trời phải sinh ra một miền đá khô khốc và độc chỉ có đá là đá ở tột đỉnh phía Bắc kia để cho nó “cân bằng phong thủy”. Thế mới là sơn thủy hữu tình chứ. Miền đá đó chính là cao nguyên cao vọi và khô khát nhất, với những con đèo hung hiểm đến độ danh bất hư truyền nhất xứ sở. Cách nay 50 năm, để mở được con đường Hạnh Phúc xuyên qua miền đá liên tu bất tận kia, tuổi trẻ Việt Nam lại có thêm một loạt các kỷ lục: đó là con đường tiêu tốn nhiều ngày lao động thủ công nhất trong lịch sử làm đường nước ta - 2,2 triệu ngày (nếu chỉ một người khoét núi mở đèo, thì phải hơn 6.000 năm mới xong); đường vượt đèo Mã Pí Lèng (đỉnh của cao nguyên đá, hơn 2.000m so với mực nước biển) những người thợ phải treo mình trên vách đá suốt 11 tháng ròng rã với không ít hy sinh (chuyện chưa từng có này đã được nhà văn Nguyên Ngọc gọi là xây Kim Tự Tháp ở Việt Nam, đã được một số trường Đại học, cao đẳng cho vào giáo trình dạy cho sinh viên, đã được khắc vào bia đá dựng trên đỉnh dốc Mã).

Với 250.000 dân đang sinh sống, thuộc 17 dân tộc thiểu số còn quá nhiều khó khăn hiện nay, cao nguyên đá Đồng Văn còn giữ ngôi “quán quân”: là miền đất nghèo khó và quật cường bậc nhất Việt Nam. Có một “nền văn minh” đẽo đá dựng tường, dựng nhà, xây mồ mả bằng đá; vốc từng vốc đất nhểu vào các trận địa đá mênh mông để gieo từng hạt ngô răng ngựa. Ở đây cũng chứng kiến các cuộc trường chinh đẫm máu của người Pháp qua các “cửa ải đá” một người cố thủ có sức địch đủ thiên binh vạn mã hòng đoạt đất và chiếm vùng đất này - đó là những trang sử miệt rừng vô cùng ám ảnh.

Ai cũng biết, tất cả những điều đó, chung quy đều bởi vì sự dữ dằn, kỳ vĩ, độc nhất vô nhị của cao nguyên đá Đồng Văn mà ra.

Giấc mơ của ông tiến sĩ địa chất

Nhóm nhà địa chất đang bạc mặt ngồi nghĩ kế lập hồ treo trữ nước “giải” cơn khát truyền kiếp cho cao nguyên đá bỗng thấy một vị tiến sĩ mơ màng: Ấy, đừng đẽo đá đi bán, hãy giữ lấy đá, ta làm công viên tuyệt đẹp để nhân loại đến đây xem các kỳ quan của đá. Xem đá vô tri đang xưng tụng, hàm ơn trời đất đã sinh ra đá như thế nào!” - TSKH Vũ Cao Minh (Viện Địa chất), người đi tiên phong và đã rất thành công trong phương án táo bạo lập “hồ treo giải khát”, cũng như trong hồ sơ tôn vinh cao nguyên đá Đồng Văn kể lại. Phải rồi, hôm đó ông Minh và cộng sự đang cao hứng uống rượu ngô với dân bản thì nói “mộng mơ” thế thôi, chứ hồi đó Việt Nam làm gì đã biết đến khái niệm “Công viên địa chất toàn cầu”! Nhưng, câu chuyện đó cũng cho thấy từ rất lâu vẻ đẹp của cao nguyên đá đã hớp hồn du khách.


Dốc chữ M ngược (chữ W) - một thắng cảnh nổi tiếng của cao nguyên đá Hà Giang
Loài người, tính đến năm 2009, có khoảng 50 công viên địa chất toàn cầu, cả Đông Nam Á duy nhất Malaysia có một cái. Tháng 4/ 2010, UNESCO sẽ tổ chức họp tại Malaysia và có thể nhân loại văn minh sẽ cùng “nện búa”, “đóng dấu” công nhận miền đá Đồng Văn công viên địa chất toàn cầu đầu tiên cho Việt Nam.

Lắng nghe tiếng nói của đá

Bạn muốn trò chuyện với tạo hóa, muốn biết sự trồi lên thụt xuống, sự vỡ òa, đứt gãy và bóp nắn tài tình của Bà Bụt đã nặn ra bề mặt trái đất này không? Xin hãy lên với “công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn”.

Tôi lên Đồng Văn, Mèo Vạc đến thuộc lòng từng khúc cua, từng mỏm núi ven đường, đến mức người ta dùng tư liệu của tôi để “viết sử” cho đường Hạnh Phúc, để lập hồ sơ cho Mã Pí Lèng được công nhận di sản. Người ta dùng ảnh tôi chụp để “phóng” thành pa-nô, áp-phích “quảng bá” cho Công viên địa chất toàn cầu ở đỉnh Mã Pí Lèng.

Lần nào bị đá dụ dỗ lên với mây gió Đồng Văn, Mèo Vạc, tôi cũng tự hỏi: bằng sự tài hoa và những ngụ ý nào, mà ông trời đã ban cho muôn đời dân Việt ta một thắng cảnh, kỳ quan lạ lùng đến thế. Có phải 600 triệu năm qua, các hoang mạc đá, tường thành đá, rừng đá và biển đá nơi này đã tự gọt dũa mình, tự trang điểm để làm chúng ta ngỡ ngàng?

Thắng cảnh Núi Đôi ở Quản Bạ thật sự là một kỳ quan hy hữu của đất trời. Không hiểu, trong vận động tạo sơn, vô tình hay hữu ý, mà thiên nhiên lại tạo ra hai đỉnh núi tròn giống nhau đến thế, và lại giống hai bầu ngực tiên nữ đến vậy.


Núi đôi Quản Bạ
Hà Giang là xứ sở của rất nhiều cái cổng trời, nhưng có lẽ chỉ có một mình Quản Bạ được ghi danh là “heaven gate” (cổng thiên đường) bằng tiếng Anh hẳn hoi, du khách trong và ngoài nước đến đó, chợt hiểu, ở Tây không có khái niệm trời, trời là thiên đàng, và thế là sự hội nhập đã biến cổng trời dữ dằn từng chứng kiến bao nhiêu tai nạn thảm khốc, bao nhiêu “binh lửa” đau lòng (như nạn đóng cổng trời, xưng vương, làm phản của thế lực xấu năm 1959) thành một cái nơi êm đềm, gợi mở: Thiên đàng! Thơ của ai đó viết: “Đứng trên cổng trời Quản Bạ/ Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian”. Nếu không có cổng trời, không có điểm nhìn cao vời để con đường rải nhựa vút lên, thì dĩ nhiên sẽ không thể có thắng cảnh mơn mở Xuân thì, mơn mởn gợi tình mang tên Vú Cô Tiên Quản Bạ. Bởi, cảnh quan địa mạo đẹp, nó chỉ đẹp, khi người ta có một điểm ngoạn mục để phóng tầm mắt thưởng lãm.

Đá miên man, đá chất ngất, kéo dài hàng trăm cây số thì quả là khốc liệt rồi, nhưng phải đến “hoang mạc đá Sảng Tủng”, bạn mới cảm nhận hết sự cằn cỗi, chết chóc của xứ sở “sống trên đá chết vùi trong đá”. “Vườn thú đá Lũng Pù” nhấp nhổm hàng nghìn con thú hoặc to hoặc nhỏ, hoặc nhẵn thín trơn mượt như lông hươu nai lúc ở trong rừng giàu, hoặc có khi xù xì gai góc như lũ nhím rừng. Rồi “bãi đá Hải cẩu” ở Vần Chải, “vườn hoa Đá Khâu Vai”, “rừng đá Sà Phìn - Lủng Táo”, “tháp kim Pả Vi” , “rừng măng đá tự nhiên”, “rừng đá Phong hóa”... đều là những kỳ quan.

Độc đáo nhất trong số này, có lẽ là các vách đá vôi ở Tu Sản với các hẻm vực ven sông Nho Quế ở đoạn chảy qua nóc nhà cao nguyên cao nhất Việt Nam - đỉnh Mã Pí Lèng. Đây là một trong những vách đá vôi vào loại cao nhất thế giới. Đứng ở đây, tôi lại nhớ chữ của nhà văn Nguyên Ngọc khi ông xúc cảm trước Mã Pí Lèng: “Và bây giờ hãy vịn chắc tảng đá bên bờ vực này mà cố nhìn xuống con sông Nho Quế dưới kia. Hàng nghìn thước sâu có thừa. Ngọn núi lớn có lẽ từ hàng triệu năm trước, một hôm nào đó, đột ngột bị một nhát rìu khổng lồ chém đứt làm đôi, nhát chém dữ dội và sắc lẹm quá, cả trái núi đá hàng vạn ki-lô-mét khối bị bổ dọc, nứt toác ra, hai bờ thẳng đứng, bên này là Mã Pí Lèng, bên kia là Sam Pun, ở giữa dưới nghìn mét sâu là con sông Nho Quế leo lẻo xanh đến rợn người” (Bút ký Trở lại Mèo Vạc).

Bà con bản xứ, bao đời nay vẫn đóng cọc trên đỉnh Mã Pí Lèng để bấu víu lúc buộc phải vượt qua, kẻo sợ khi bò qua chín khoanh đèo ven mép vực nghìn mét lồng lộng gió kia, họ sẽ bị... bay xuống sông Nho Quế. Họ gọi đó là Dốc Chín Khoanh, Con Dốc Của Giàng (Trời).

CÁC HẺM VỰC SÔNG NHO QUẾ LÀ NHỮNG KỲ QUAN CỦA LOÀI NGƯỜI

Đặc biệt độc đáo là các hẻm vực sông Nho Quế với mặt cắt địa hình từ khu dân cư ở, xuống đến lòng sông Nho Quế khoảng 1.000m, đây là một đặc thù mà ít có vùng đá nào trên thế giới có được. Các hẻm vực sông Nho Quế là những kỳ quan của loài người, những vách đá vôi cao bậc nhất trên thế giới. Các “cường quốc” về công viên địa chất như Trung Quốc cũng không có được. Nhiều chuyên gia người Pháp, xưa kia đã kỳ công nghiên cứu khu vực đèo Mã Pì Lèng, người ta gọi đó là những “tượng đài địa chất” tuyệt vời. Người Việt Nam gọi đây là một đệ nhất hùng quan, đứng ở đó, chúng ta mới cảm nhận hết được sự hùng vĩ của cao nguyên đá, cao nguyên cao nhất Việt Nam” (TSKH Vũ Cao Minh).

Thật khó để diễn tả hết vẻ đẹp của Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, xin được nhường lời cho những tấm ảnh.

Đỗ Doãn Hoàng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN