TTVH Online

Lê Quang Châu – người thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm

03/02/2010 23:21 GMT+7

Hình ảnh một ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi bên Hồ Hoàn Kiếm thong dong thổi những nhạc phẩm của Văn Cao, Tân Huyền vào mỗi sáng thứ 7 đã không còn xa lạ với du khách đến Hà Nội nhiều năm qua.


Cụ Lê Quang Châu, 80 tuổi

Những cung bậc trầm bổng của tiếng tiêu đã làm say mê biết bao người đi dạo. Và hình ảnh này đã níu chân không ít du khách nước ngoài về một thủ đô cổ kính và đầy quyến rũ.

Người nghệ sỹ nghiệp dư ấy là Lê Quang Châu, một nhà giáo già đã về hưu, và cũng là một người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hà thành. Căn nhà nhỏ của cụ Châu nằm nép mình phố Kim Ngưu - Hà Nội. Nài mãi, cụ mới hé lộ: "Cha tôi quê Đại Định, là cháu 10 đời của cụ Hoàng Năm, tức con vua Lê Thần Tông, em thứ năm của Vua Hy Tông. Còn mẹ tôi thì quê Nhị Khê, là cháu 14 đời của cụ Nguyễn Trãi". Có lẽ, điều ấy cho cụ một tư chất hơn người.

Sinh trưởng trong một gia đình kinh doanh đồ cổ và các nhạc cụ truyền thống trên phố Hàng Gai, lại thêm gần nhà là hiệu đàn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nên từ bé Lê Quang Châu cũng đã có tình yêu với âm nhạc khi học piano và tiêu từ năm 9 tuổi. Cái chất phiêu lãng, sự quyện hồn của âm thanh như đã thẩm thấu vào trong huyết quản kể từ tấm bé. Chẳng thế mà khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ (năm 1946), thứ mà cậu bé tuổi trung học Lê Quang Châu mang theo chỉ là cây sáo cổ truyền và cây đàn banjo alto.


Cụ đã thành công khi cải tiến chiếc tiêu mục đồng thành tiêu 8 lỗ, 10 lỗ, và rồi 11 lỗ. Lí do thúc đẩy cụ cải tiến tiêu chính là dòng nhã nhạc lắt léo, đảo phách nhiều cũng như những nhạc phẩm nổi tiếng của thế giới, mà tiêu 6 lỗ không thể hiện được. Năm 1950, sau bao công tìm tòi, cây tiêu 11 lỗ đầu tiên được tạo ra, là loại tiêu bán cung - tiêu cromatic.
Trong năm 1954, Lê Quang Châu vừa tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Pháp; vừa tốt nghiệp CĐ Sư phạm Hà Nội, do GS Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng, người đã giữ ông lại làm giảng viên. Năm 1955, ông xin chuyển về dạy toán Trường Chu Văn An rồi mấy năm sau lại chuyển về CĐSP Hà Nội chuyên ngành toán hiện đại và vật lý lý thuyết.

Từ năm 1986 - 1990, ông được cử làm chuyên gia sang Châu Phi giúp đỡ các nước bạn. Ông giáo già giờ có thể sử dụng 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hoa; trong đó đặc biệt thông thuộc tiếng Pháp, tiếng Bồ.

Bức thư từ Pháp gửi về cho người thổi tiêu
Không có ý định trở thành một nghệ sỹ thực thụ, cụ Châu chỉ coi cây tiêu như người bạn tri kỉ và mong muốn được thả hồn mình vào những bản nhạc trong một không gian yên tĩnh, để đắm say cùng với đầt trời và thiên nhiên Hà Thành. Khi có những bạn trẻ tỏ tình cảm đặc biệt với cây tiêu và tiếng tiêu, cụ Châu đã rất vui. Cụ tâm sự với chúng tôi rằng: “Ngày nay còn ít những bạn trẻ say mê với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Có những bạn hâm hộ như thế tôi rất trân trọng”. Và nếu như muốn được học thổi tiêu, cụ cũng không ngần ngại chỉ dẫn các bạn rất tận tình. Tiếng tiêu của cụ Châu không những làm say mê người Việt trẻ mà còn khiến những Việt kiều xa quê một lần ghé Hà Nội không khỏi thổn thức, khiến những du khách nước ngoài ngưỡng mộ và thêm yêu Hà Nội hơn.

Râu tóc bạc phơ, tóc búi củ hành, cụ Châu kể cho chúng tôi nghe về một người Việt kiều ở Mỹ đã khóc như đứa trẻ khi nghe tiếng tiêu của cụ. Và một câu chuyện xúc động từ đôi vợ chồng người Pháp. Khi nghe tiếng tiêu của cụ Châu mà cảm mến, khi về nước đã gửi về một bức thư với đại ý: Tôi xin gửi tặng tới anh những bức ảnh mà tôi đã chụp và cảm ơn anh vì nụ cười, sự tốt bụng và cả giai điệu đẹp mà anh đã thể hiện trong khu vườn bên bờ hồ, một giai điệu mà tôi thực sự nuối tiếc vì không kịp lưu lại được. Những tình cảm đó, được cụ Châu lưu giữ và gói ghém cẩn thận. Cụ tin rằng, mình đã giúp Hà Nội ngày nay đẹp hơn trong mắt du khách nước ngoài.

Là một người con của Hà Nội, cụ Châu luôn trăn trở về một Hà Nội xưa cũ với những nét thanh lịch của người Tràng An và những giá trị truyền thống về mặt tinh thần. Nhẩn nha kể chuyện đời mình, Hà Nội xưa cũ của cụ theo đó, cũng hiện ra. Một Hà Nội leng keng tiếng tàu điện, thong thả người đi xe đạp. Hà Nội khi ấy chỉ khoảng vài chục vạn người, loanh quanh trong mấy phố cổ, đường phố không ùn tắc như bây giờ vì chỉ toàn xe đạp và người đi bộ. Thế nên, người ta sống êm đềm lắm chứ không xô bồ, vội vã, ào ào như nước chảy thời nay. Và người Tràng An nhã nhặn, thanh lịch từ cung cách ăn mặc đi lại đến lời ăn tiếng nói.

Ngồi nghe chuyện cụ Châu kể, kim đồng hồ như xoay ngược lại đưa ta về một thế giới khác, một Hà Nội êm đềm, bình lặng như trong những thước phim tài liệu chỉ có hai màu đen trắng. Ngày nào rảnh rỗi, cụ Châu thường đến những thắng cảnh Hà thành mong tìm được một khoảng lặng cho riêng mình trong cuộc sống ồn ào tiếng còi xe thay vì tiếng xe điện leng keng như ngày trước. Rồi bên Hồ Gươm, với tiếng tiêu đong đầy hoài niệm, tiếc nhớ, ông cụ lại cất lên những giai điệu xưa cũ đưa tâm hồn người nghe về với một Hà Nội đã phủ bụi thời gian.

Linh Hương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN