TTVH Online

Hậu duệ Lương Văn Can hành nghề sửa kính

16/01/2010 12:47 GMT+7

Ít ai biết rằng Phong là người thợ duy nhất có thể hàn kính bằng phương pháp thủ công tốt nhất với tất cả các loại chất liệu: nhựa, sừng, titan, mạ vàng…

20 năm hành nghề trên một mét vuông

Phố Lương Văn Can không dài, trong đó có hai mảng mà các cửa hàng buôn bán chính đó là đồ chơi dành cho trẻ em và kính.

Đoạn bán kính rất ngắn, chỉ chừng dăm chục mét nhưng lại là nơi hội tụ đủ các loại thương hiệu kính và khá tiếng tăm. Những cửa hàng kính bé xíu chỉ vài mét vuông nhưng nó lại là nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình.

Ngồi khiêm tốn ở một góc vỉa hè, cạnh số nhà 51, trên diện tích chưa đầy một mét vuông là người đàn ông có mái tóc bắt đầu điểm những sợi bạc, hàm răng vàng vì khói thuốc, dáng người gầy gò cùng một chiếc cơi đựng kính. Một máy mài lắp kính và một số dụng cụ đồ nghề. Phía trên bức tường có một tấm biển mica chừng hơn ba chục phân vuông có mấy chữ màu đỏ: “Phong, hàn sửa chữa kính”. Chỉ chừng ấy và với thời gian gắn bó với vị trí ấy đã 20 năm đủ để làm nên uy tín một người thợ sửa kính lành nghề.

Kiệm lời, cần mẫn và cắm cúi làm việc, không muốn nói gì về mình là những gì mà tôi nhận thấy ở anh Lương Phong. Nhiều hôm tôi đến chỉ để xem anh hàn kính. Anh vẫn cần mẫn làm việc, chiếc máy mài kính chạy seo seo, mồ hôi rịn ra bết cả tóc trên trán. Phong cắm cúi làm việc như không hề biết đến sự hiện diện của tôi.

“Tôi bắt đầu học nghề từ năm học lớp 7. Bố tôi cũng là thợ sửa kính, ông phụ trách về kĩ thuật. Tôi học nghề vì là nghề của bố mình và mình phải kiếm tiền để nuôi bản thân và sau này nuôi vợ, nuôi con”

Buổi thứ 2 tôi tìm đến chỗ Phong còn khá sớm, chừng 2 giờ chiều. Hôm ấy trời nắng nóng nên có thêm một chiếc dù che nắng. Phong vẫn cần mẫn làm việc và bên cạnh là một người phụ nữ hơi mập mạp và dễ bắt chuyện mà anh giới thiệu: vợ tôi.

Vợ Phong kể: trước khi về đây chúng tôi có cửa hàng trên Hàng Bồ, vốn là nơi ông cụ thân sinh ra anh Phong thuê để làm thợ sửa chữa kính. Nhưng làm ở đó được 10 năm thì người ta đòi, vậy nên đành phải về phố Lương Văn Can ngồi trên vỉa hè mà hành nghề.

“Bố tôi tên là Lương Bá Sâm, là thợ của nhà ông Lương Ngọc Quang. Ông Lương Ngọc Quang có nghề sửa chữa và bán kính từ thời Pháp thuộc nhưng sau này cửa hàng của ông Quang trở thành hợp tác xã kính. Ông Quang chỉ còn lại gian bếp phía sau tận dụng lại để giữ nghề. Bố tôi phụ trách về kĩ thuật. Sau này ông Quang mất đi, các con cháu tiếp nghề, bố tôi thì nghỉ mở một tiệm nhỏ trên phố Hàng Bồ. Tôi làm cùng bố ở đó, đến năm 1988 thì người ta đòi cửa hàng, tôi chuyển về đây, ngồi chẵn 20 năm” – anh Phong kể.


Người duy nhất sửa kính gọng vàng

Trong khi Phong trò chuỵện với tôi, chị vợ thong thả khoe: Tháng trước một tạp chí về du lịch của Nhật Bản viết bài và giới thiệu về Phong, nên có những người Nhật đến Hà Nội du lịch đã tìm đến đúng cửa hàng để sửa kính. Người phiên dịch nói rằng, sở dĩ họ tìm Phong vì không tin rằng anh là thợ lành nghề mà chỉ lấy có 1 đô la cho 1 lần sửa kính (không đắt hơn so với người Việt). Ít ai biết rằng Phong là người thợ duy nhất có thể hàn kính bằng phương pháp thủ công tốt nhất với tất cả các loại chất liệu: nhựa, sừng, titan, mạ vàng…

Hàn gọng mạ vàng là khó nhất, vì lớp vàng rất mỏng, nếu không cẩn thận sẽ thổi bay mất vàng ngay. Bí quyết hàn kính ấy anh học được từ ông cụ thân sinh ra mình.

Trong khi Phong cặm cụi làm việc cho những khách lẻ thì có một cậu thanh niên mang đến 5 chiếc kính của các hãng nổi tiếng đến với đề nghị: “chú sửa luôn cho cháu nhé, chiều cháu lấy”. Chị vợ Phong bảo: Cửa hàng của cậu này ở Cầu Gỗ, nó chỉ bán kính chứ không sửa. Thỉnh thoảng có khách mang kính đến sửa thì cậu ấy lại mang lại chỗ tôi, thường mỗi ngày ít nhất một lần. Vợ chồng tôi ngồi vỉa hè nhưng không khi nào hết việc.

Hậu duệ chí sĩ yêu nước

Một buổi chiều nắng, xem chừng thấm mệt, ngồi bên cốc trà đá, Phong than: Cụ Lương Văn Can là chí sỹ yêu nước, chính là người viết ra cuốn sách dạy về nghề buôn đầu tiên ở Việt Nam, cụ sẽ chẳng bao giờ ngờ, con cháu cụ, giờ lại ngồi ở vỉa hè sửa kính.

Tôi khá bàng hoàng về thông tin mà Phong vừa nói. Có giỏi tưởng tượng tới mấy tôi cũng thấy thật khó tin rằng Phong chính là hậu duệ của cụ cử Can. Hỏi thêm, mới biết, chẳng riêng gì Phong mà cả ông Lương Ngọc Quang, một trong những doanh nghiệp kính đầu tiên ở Hà Nội cũng chính là cháu của cụ Lương. Ông Ngọc Quang có mấy người con hiện nay cũng đều bán kính ngay phía trên chỗ Phong ngồi. Cụ Cử Can, đã viết hơn chục đầu sách trong đó có cuốn sách đầu tiên viết về nghề buôn đó là cuốn Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn. Cụ cũng là tác giả của hàng chục cuốn sách có giá trị khác nhưng hiện nay chả ai biết đã lưu lạc phương nào.

Cả cuộc đời cụ Cử Can đã đóng góp cho cách mạng. Đến con cháu của cụ Cử cũng đi theo cách mạng. Ở thủ đô Hà Nội dòng họ của cụ thực hiếm hoi vì có đến 2 người được vinh dự mang tên hai đường phố lớn, ấy là Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, đỗ cử nhân nhưng cụ lại lấy việc dạy học làm trọng nên cụ mở trường dạy học. Tên tuổi của cụ gắn liền với trường Đông Kinh nghĩa thục, với phong trào Duy Tân, Đông Du… Không những thế, người con xuất sắc nhất của cụ là nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến cũng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên lịch sử.

Những tác phẩm cụ viết bao gồm rất nhiều thể loại: Hán học, Hán tự, giáo dục nhân cách, giáo dục gia đình, địa dư, địa lý, lịch sử và kinh doanh thương mại.

Anh Lương Phong có 2 người con, đứa lớn đang học đại học. Nó chắc chắn sẽ không muốn ngồi ở vỉa hè để làm nghề của bố; nó muốn trở thành một người làm việc trong những toà nhà sang trọng có cửa kính và máy lạnh. Tôi hỏi Phong, liệu sau này có tiếc nghề sửa kính mà chính nhờ nó anh đã nuôi sống cả gia đình anh không. Phong bảo, tiếc thì có tiếc, nhưng cũng phải theo xu thế của xã hội và không thể buộc con mình phải đi theo nghề của mình, nếu nó không thích, hơn nữa, lại là nghề ngồi ở vỉa hè. Chẳng qua vì miếng cơm manh áo chứ dù có “nhất nghệ tinh” đi chăng nữa thì nghề sửa kính vỉa hè của Phong cũng chả bao giờ “nhất thân vinh” được.

 
Hoàng Điệp
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN