TTVH Online

Kẻ thua cuộc vĩ đại nhất trong lịch sử Oscar

12/01/2010 08:40 GMT+7

Một mùa Oscar đang về. Theo lẽ thường, sẽ là những dự đoán về người chiến thắng. Song có những kẻ thua cuộc vĩ đại, mà việc để tuột mất tượng vàng của họ mãi mãi là sự tiếc nuối của những người yêu điện ảnh.

(TT&VH Cuối tuần) - Một mùa Oscar đang về. Theo lẽ thường, sẽ là những dự đoán về người chiến thắng. Song có những kẻ thua cuộc vĩ đại, mà việc để tuột mất tượng vàng của họ mãi mãi là sự tiếc nuối của những người yêu điện ảnh. Kẻ thua cuộc vĩ đại nhất trong số ấy là The Showshank Redemption.

Đi ngược với mọi chuẩn mực phim ăn khách
 
Nước Mỹ luôn đi tiên phong trong việc đưa ra mọi chuẩn mực và công thức làm phim nhằm hướng đến khán giả. Nhưng ở The Shawshank Redemption (tạm dịch: Nhà tù Shawshank) lại “hội tụ” gần như đầy đủ những yếu tố… nhằm đẩy khán giả ra xa phòng vé!

Phim dài (142 phút), hầu như toàn là đối thoại. Tiết tấu trung bình, không kỹ xảo, không hành động. Thủ pháp dàn dựng không có gì đột phá, đã vậy dẫn dắt bộ phim còn có người dẫn chuyện. Bối cảnh thì chật hẹp bức bối, bởi 80% câu chuyện xảy ra… trong nhà tù!

Không những vắng bóng các diễn viên ngôi sao trẻ đẹp ăn khách, mà 99% diễn viên trong phim lại toàn là đàn ông! Chỉ có một bóng hồng duy nhất (vợ của nhân vật chính) xuất hiện khoảng 3 phút ở đầu phim… rồi bị giết chết không kịp nói một lời thoại! Còn từ đầu đến cuối phim toàn tù với tù…: nhà tù, bạn tù, cai tù, quản giáo, vượt ngục…

Nhưng sẽ là may mắn cho những ai thử “liều” với phim này, bởi sau đó họ sẽ được biết thế nào là thưởng thức một tác phẩm điện ảnh thực thụ.

Đạo diễn Frank Darabont và định mệnh với Stephen King

Thập niên 1980 và 1990 là thời của “ông vua truyện kinh dị” Stephen King - tất cả những gì nhà văn này viết ra đều được các hãng phim tranh nhau chuyển thể lên màn ảnh. Lúc ấy Frank Darabont bắt đầu được biết tới với vai trò viết kịch bản.

Đến năm 1983, Darabont kịp gây ấn tượng với Stephen King bằng bộ phim ngắn chuyển thể từ truyện ngắn The Woman in the Room của ông. Hai người trở thành bạn bè và khiến Stephen King tin tưởng đồng ý cho Darabont quyền chuyển thể truyện ngắn Rita Hayworth and Shawshank Redemption lên màn ảnh vào năm 1987.

Đạo diễn Rob Reiner, người trước đó từng đạo diễn và chuyển thể thành công tiểu thuyết The Body của Stephen King thành bộ phim nổi tiếng Stand By Me, đã được hãng phim đề nghị trả 25 triệu đô-la để viết và đạo diễn The Shawshank Redemption. Rob Reiner định mời hai ngôi sao nặng ký Tom Cruise thủ vai Andy Dufresne và Harrison Ford vai Red Redding.

Darabont đã nghiêm túc xem xét và thích tầm nhìn của Rob Reiner, nhưng với sự ủng hộ tuyệt đối của Stephen King, Darabont linh cảm The Shawshank Redemption là "cơ hội để làm điều gì đó thật sự vĩ đại", và ông quyết định chính mình sẽ đạo diễn bộ phim này. (Darabont sau này tiếp tục chuyển thể và đạo diễn phim The Green Mile (1999) - một tác phẩm khác về nhà tù - và The Mist (2007) cũng của Stephen King).

Một kịch bản “trong mơ” của các diễn viên

Bộ phim miêu tả nhân vật Andy Dufresne một chủ ngân hàng bị án oan phải sống gần hai thập kỷ trong nhà tù cấp tiểu bang Shawshank (một nhà lao hư cấu tại Maine) và tình bạn của anh với Red Redding, một người bạn tù bị án chung thân. Sự chính trực của Andy Dufresne là chủ đề quan trọng trong suốt chiều dài câu chuyện, đặc biệt là khi ở tù, nơi luôn thiếu sự chính trực.

Rất nhiều ngôi sao lúc đó “mê tít” kịch bản này. Tom Hanks rất muốn được thủ vai Andy Dufresne nhưng cuối cùng đành phải từ chối để chuyên tâm vào phim Forrest Gump (thật trớ trêu sau này Forrest Gump chính là bộ phim đánh bại hoàn toàn The Shawshank Redemption tại giải Oscar 1994).

Kevin Costner cũng rất thích vai này nhưng đành phải bỏ cuộc vì kẹt bộ phim nổi đình đám Waterworld vẫn còn đang làm dang dở. Trong khi ấy Tom Cruise, Nicolas Cage và Charlie Sheen… lúc ấy đều là những ngôi sao được các hãng phim sủng ái, nhưng lại bị Darabont lơ đi vì ông cho rằng họ không hợp vai. Cuối cùng Darabont đã chọn Tim Robbins - một diễn viên đến giờ vẫn ít ai biết - gây sửng sốt cho mọi người.

Vai Ellis Boyd "Red" Redding - một nhân vật chính khác của phim và là người dẫn chuyện - trong kịch bản là một người Ireland trung niên có mái tóc đỏ xám (giống như trong nguyên tác tiểu thuyết). Những tên tuổi lớn như Clint Eastwood, Harrison Ford, Paul Newman và Robert Redford đã được hãng phim đề nghị, nhưng Darabont lại gây bất ngờ khi chọn diễn viên da màu Morgan Freeman vì vẻ ngoài phù hợp và cách diễn đầy uy quyền, và ông khẳng định rằng không tìm thấy ai khác phù hợp hơn với vai Red bằng Morgan Freeman!

Hiện tại, đĩa phim The Shawshank Redemption vẫn có thể tìm mua tại nhiều cửa hàng băng đĩa, với tựa tiếng Việt là Tử tù. 

Với tiêu chí hợp vai là trên hết, Darabont đã khước từ rất nhiều tên tuổi (trong đó có cả Brad Pitt) sẽ là một đảm bảo cho bộ phim khi ra rạp. Những vai diễn quan trọng còn lại trong phim như những người bạn tù của Andy Dufresne, cai ngục, quản giáo… Darabont đều chọn những cái tên rất xa lạ với khán giả, nhằm tạo ra cảm giác đây là một nhà tù thật sự, chứ không phải những gương mặt đã quá quen thuộc với mọi người đóng vai tù nhân…


Ra đời trong bất công và đoạn kết có hậu

Với kinh phí sản xuất khiêm tốn là 25 triệu USD, The Shawshank Redemption hầu như chỉ dựa vào kịch bản và diễn xuất chân thật của các diễn viên để lôi cuốn khán giả. Mặc dù phần lớn câu chuyện diễn ra ở nhà tù và nhân vật chỉ toàn là đàn ông, nhưng đường dây câu chuyện rất mạch lạc hấp dẫn, và được khai thác đến tận cùng.

Tuy nhiên, hãng Columbia phát hành phim này đã lỗ nặng, khi phim chỉ thu về 28.341.469 USD. Khán giả đón nhận The Shawshank Redemption rất lạnh nhạt, mặc dù bộ phim được các nhà phê bình đánh giá và xếp hạng 5 sao! Bộ phim chỉ bắt đầu được khán giả lưu ý chút ít khi bất ngờ nhận được đến 7 đề cử Oscar năm 1994: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Morgan Freeman), Kịch bản chuyển thể, Quay phim, Dựng phim, Nhạc phim và Âm thanh.

The Shawshank Redemption quá xui xẻo khi được đề cử cùng với 2 ứng cử viên rất nặng ký năm đó là Forrest GumpPulp Fiction. Trong đó hào quang của Forrest Gump đã hoàn toàn làm lu mờ tất cả những bộ phim khác trong năm 1994, khi bộ phim này thắng lớn tại các quầy vé và chiếm trọn vẹn tình cảm của khán giả. The Shawshank Redemption ra về tay trắng khi thất bại trong cả 7 đề cử!

Vẫn chưa hết bất công, năm 1998, The Shawshank Redemption thậm chí còn không có tên trong danh sách 100 phim hay nhất thế kỷ của Viện phim Mỹ! Nhưng 9 năm sau (2007), The Shawshank Redemption đã được xếp ở vị trí thứ 72 trong danh sách được chỉnh sửa, vượt lên trên cả Forrest Gump (thứ 76) và Pulp Fiction (thứ 94), hai bộ phim đã từng lấy hết những lời tán thưởng và vinh quang trong năm The Shawshank Redemption được phát hành (1994).

Năm 1999, nhà phê bình điện ảnh danh tiếng Roger Ebert đã đưa The Shawshank Redemption vào danh sách "Những bộ phim vĩ đại" của ông. Và trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả của tạp chí điện ảnh Empire (Anh), bộ phim đứng thứ năm vào năm 2004, thứ nhất vào năm 2006, và thứ tư năm 2008 trong các danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Fan điện ảnh của Yahoo!, và thính giả của đài Capital FM ở London đã bình chọn phim này đứng số 1 trong danh sách những phim phải xem của mọi thời đại.

Sau này, những nhà viết biên niên sử của giải Oscar đã thu thập ý kiến của các thành viên Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ, và độc giả của các tạp chí điện ảnh danh tiếng thế giới, để chọn ra danh sách những bộ phim trượt giải Oscar đáng tiếc nhất trong lịch sử 80 năm. Kết quả The Shawshank Redemption đứng đầu, trước cả kiệt tác bất hủ Citizen Kane của thiên tài Orson Welles.

Gần đây nhất, năm 2008, trang web điện ảnh lớn nhất thế giới IMDB.com (Internet Movie Database) đã chọn ra danh sách những bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời đại. Có hai phim được xếp đồng hạng với điểm số trung bình 9.0: Đó là The Shawshank RedemptionThe Godfather (Bố già)!

Nhờ sự “sáng suốt” của công luận và sự lớn mạnh của internet toàn cầu mà The Shawshank Redemption đã được trả lại đúng vị trí mà lẽ ra nó phải xứng đáng được hưởng từ 15 năm trước đây. Đến giờ này, bộ phim vẫn thu hút người xem trên truyền hình cáp, và các định dạng video gia đình phổ biến như DVD và Blu-ray.

Có một chi tiết thú vị là năm 2007, tại nhà tù Union County (Mỹ), 2 tên tù Jose Espinosa và Otis Blunt đã vượt ngục, bằng cách sử dụng những kỹ thuật tương tự như trong phim The Shawshank Redemption. Tuy nhiên, những kẻ vượt ngục đã bị bắt lại!

Từ những thước phim đầu tiên được chiếu bán vé tại tầng hầm Grand Café (Paris, Pháp) vào ngày 28/12/1895, giờ đây Nghệ thuật thứ bảy đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trên toàn thế giới. Từ số này, chuyên mục Thế giới điện ảnh sẽ mang tới cho bạn đọc mỗi tuần một câu chuyện của thế giới nghệ thuật kỳ diệu này.


Bá Vũ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN