TTVH Online

Mỗi người có một vai trong cuộc đời này!

11/01/2010 09:02 GMT+7

Nhiều chuyện “hậu trường văn hóa” chưa bao giờ được nói ra, lần này được Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Truyền Thông Thế Thanh chia sẻ, vẫn với tính cách thẳng thắn và nhiệt huyết quen thuộc của một cựu nhà báo.

(TT&VH Cuối tuần) - Thoắt thấy chị ở Hà Nội dự một hội thảo về di sản, lại nghe nói vừa về từ chuyến khảo sát với mục đích tham gia xây dựng trạm điện cho bà con người Mông ở một xã biên giới phía Bắc, hôm sau alô lại đang trong cuộc họp chuẩn bị một sự kiện văn hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có cảm giác Thế Thanh không hề nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ mà chỉ chuyển công tác từ vị trí Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, rồi Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TP.HCM sang chức Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Truyền Thông (Saigon Media), vị trí nào cũng dính tới toàn việc “lớn”.

Nhiều chuyện “hậu trường văn hóa” chưa bao giờ được nói ra, lần này được chị chia sẻ, vẫn với tính cách thẳng thắn và nhiệt huyết quen thuộc của một cựu nhà báo.

Sẽ tổ chức Saigon Film Festiva

* Chị có nhớ ngày nào mình được nghỉ theo chế độ không nhỉ, vì hình như chị chẳng nghỉ hưu ngày nào?

- (Cười). Nhớ chứ, ngày bàn giao công việc chính thức ở Sở VH-TT-DL TP.HCM là tháng 11/2008. Ngay sau đó thì được Đoàn Xiếc Thành phố đài thọ một vé máy bay đi Pháp, vừa là tham dự một cuộc gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Paris, vừa là khảo sát cơ hội làm một cái gì đó liên quan đến văn hóa Việt Nam. Trước đó tôi đã đi Pháp nhiều lần nhưng lần nào cũng đi như ma đuổi vì công việc, gần như không có một khoảng thời gian riêng tư nào để dừng lâu lại những chỗ mình thích, không có thời gian đi nhiều bảo tàng, ngắm sông Seine, nơi mà tôi vẫn hay đi dạo thời đi thực tập báo chí bên đó... Thế là lần này được tung tẩy tự do hoàn toàn rồi nên quyết định... đi chơi. Tôi là người rất ham chơi, chứ không phải chỉ ham làm. Những lúc được chơi với bạn bè, với gia đình thấy người sung sướng lắm.


Ảnh: Phan Quang
Trước khi đi Pháp cuối năm 2008, tôi được mời làm Tổng giám đốc Saigon Media. Vậy là xem như có kỳ nghỉ phép chứ chẳng có ngày nào nghỉ hưu cả! Tuy nhiên chuyến đi Pháp kéo dài một tháng đó thực sự thú vị với tôi, ngoài hai tuần dành cho công việc, còn hai tuần tôi dành riêng cho mình, đi từ sáng tới tối. Lang thang nhìn ngắm những con đường, những khu phố mà các kiến trúc sư đã qui hoạch, thiết kế hàng hai trăm năm rồi vẫn thấy hợp lý và tuyệt đẹp. Giữa cái giá buốt của mùa đông, anh Hà Dương Tường đã lái xe đưa tôi đi men theo sông Seine ngược lên hướng cửa sông, vùng Haute-Normandie. Đi thăm nhà thờ cổ nổi tiếng ở Rouen mà người ta mất đến gần 10 năm sửa chữa để rồi khi nhìn thấy khách tham quan ngạc nhiên kêu lên: Ôi sao sửa chữa lâu như thế mới xong mà nó vẫn... như cũ ấy nhỉ!? Thăm nhà vườn nổi tiếng của danh họa Monet. Đi ngang qua những lâu đài cổ hoang phế ngự tít trên đỉnh đồi vẫn đủ sức làm cho mình xao xuyến. Vẻ đẹp của quá khứ ngạo nghễ cùng thời gian thật kỳ lạ. Rồi lại quay về Paris cùng Dương Tường và Hà Dương Tường mặc cho gió buốt xếp hàng vào xem triển lãm Picasso. Đi cà phê vỉa hè Paris và thăm tiệm thời trang của người Việt trên đại lộ Champs-Elysees (đại lộ thời trang tại thủ đô Paris, nơi tập trung của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới-PV)...

Tiếc là lần ấy không cùng Hà Dương Tường tới thăm được Trịnh Thị Nhàn - người từng độc tấu piano trong Notre Dame De Paris và được Đài phát thanh Pháp thu nhiều đĩa độc tấu piano rất được yêu thích (chị là con gái của họa sĩ Trịnh Bích Ngọc và là em gái của dịch giả Trịnh Lữ). Tiếc nhất là không tham dự được buổi ra mắt cuốn Nhẫn thạch (giải thưởng lớn Goncourt 2008). Với bản Nhẫn thạch được chính tác giả ký tặng thông qua sự giới thiệu của chị Thanh Thiện, tôi đã có lời nhờ anh Nguyễn Ngọc Giao liên hệ về việc ký hợp đồng bản quyền để in ngay, xem đó như là tác phẩm sách đầu tiên của Saigon Media Book. Nhưng chúng tôi đã chậm hơn nhà sách Nhã Nam. Chỉ chậm hơn bằng khoảng thời gian người ta dành ra để dịch vài trang sách thông thường. Tháng 3/2009 Nhẫn thạch được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn xuất bản trên bản dịch do Saigon Media tổ chức xong từ tháng 2/2009.


* Vậy là chơi với chị cũng... ra việc. Cụ thể công việc của chị và Saigon Media là gì?

- Nhiều năm trước đây chúng ta chỉ có các công ty quảng cáo, còn truyền thông được hiểu là báo chí. Thực ra truyền thông cần hiểu rộng hơn thế: nó là việc truyền thông điệp từ người này sang người khác sao cho người nhận hiểu được thông điệp ấy như người gửi. Vì vậy truyền thông có thể thực hiện bằng rất nhiều hình thức: phim ảnh, sách, buổi diễn, triển lãm, hội thảo, hội nghị, v.v... Trong năm 2009, Saigon Media hợp tác với Báo Sài Gòn Tiếp Thị và NXB VHSG xuất bản các cuốn Nỗi nhớ con người, Người ăn rong, Tử bất ngữ, 03 cuốn mới nhất của Tủ sách Điện ảnh do đạo diễn Việt Linh chủ biên. Tới đây sẽ hợp tác xuất bản hồi ký của một số nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo. Trong năm 2010, nhân đại lễ Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội sẽ phấn đấu ra mắt cuốn biên khảo lịch sử Việt Nam từ tài liệu nước ngoài. Về mảng phim tài liệu và chương trình truyền hình, trong năm 2009, Saigon Media đã đầu tư hơn 4.000 phút phim để hợp tác phát sóng trên HTV, VTV.

Từ năm 2010, Saigon Media trở thành công ty cổ phần, có chức năng sản xuất, phát hành phim. Năm 2010 chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác sản xuất chương trình 60 phút/ngày về văn hóa, du lịch cho một kênh truyển hình. Về mảng tổ chức sự kiện, từ năm 2009 Saigon Media đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện truyền thông hoặc chủ động hoặc do các đơn đặt hàng của khách. Có thể kể đến chương trình Huyền ảo nến và nhạc nhân sự kiện Giờ Trái Đất, chương trình sản phẩm Lancel với ngôi sao điện ảnh Châu Tấn, chương trình triển lãm và hội thảo của Worldbank Việt Nam - Thiên tai và Con người, hội thảo Ngoại giao văn hóa Việt Nam và cộng động doanh nghiệp, Ngày hội Gia đình lần 4 ở Phú Mỹ Hưng… Trong quí đầu tiên của năm 2010, Saigon Media đã nhận được lời đề nghị phối hợp tổ chức 3 sự kiện lớn.


* Trong danh mục những sự kiện gắn với tên tuổi mới nổi của Saigon Media, dường như chị quên không nhắc tới một sự kiện văn hóa lớn trong năm 2009, đó là LHPVN lần thứ 16. Một sự kiện có “duyên nợ” với chị khi còn trên cương vị Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM. Có điều, khâu tổ chức của LHP này lại bị dư luận chê. Tôi nghe nói đằng sau việc đăng cai tổ chức LHPVN tại TP.HCM là một câu chuyện dài?

- Đúng là dài thật vì nó bắt đầu từ năm 2007 cơ... Ai cũng biết, LHP là sản phẩm văn hóa đẳng cấp lắm, không chỉ có ý nghĩa cho phim ảnh đâu, mà còn cho văn hóa, cho du lịch. Nếu chỉ quan tâm tới tiền và bán phim thì ai cần tới LHP làm gì, Hollywood cũng chẳng cần đến lễ trao giải Oscar... Nghĩ vậy nên khi còn làm ở Sở VH-TT TP.HCM, tôi cùng với các đồng sự đã làm đề án xin Bộ Văn hóa cho phép TP.HCM đăng cai tổ chức định kỳ LHP Việt Nam. Rất tiếc, đề nghị này bị bác bỏ, TP.HCM chỉ được đăng cai LHPVN lần thứ 16 mà thôi. Thôi thế cũng được, nhưng một LHP cần tối thiểu thời gian hai năm để chuẩn bị hàng núi việc, trong đó có việc xã hội hóa nhằm mục đích làm cho LHP phong phú hơn, sinh động hơn về hoạt động... Từ suy nghĩ ấy, chúng tôi đã tích cực thúc đẩy các thủ tục để ngay tại Lễ bế mạc LHP VN lần thứ 15 ở Nam Định năm 2007 Ban tổ chức có thể công bố TP.HCM là đơn vị đăng cai lần thứ 16. Cũng tại LHP 15 đó TP. HCM đã tổ chức được cuộc tiếp xúc quảng bá với đại diện nền điện ảnh của 7 quốc gia. Đây là việc chưa có trong tiền lệ. Chỉ có điều phải cười ra nước mắt là khi lãnh đạo Bộ VHTTDL trao cờ LHP cho đại diện TP.HCM trên sân khấu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bảo nhỏ tôi “chị nhận lá cờ đã được xếp gọn ghẽ và chớ có bung ra cho các ngôi sao điện ảnh của TP.HCM phất tung lên trên sân khấu như ý tưởng của chị nhé. Đó là lá cờ cũ đã sờn rách, không may kịp cờ mới đâu (!)”. Đã vậy, khi TP.HCM đề nghị Cục trình lãnh đạo Bộ cho phát hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức LHP 16, chậm nhất là đầu năm 2008, anh Lại Văn Sinh Cục trưởng nói ngay “Không thể sớm quá như vậy đâu chị ơi”.

Quả thật như anh Sinh nói, hết năm 2008 vẫn chẳng có một tờ quyết định nào mặc dù vào giữa năm tôi cùng anh chị em cán bộ của Sở VHTTDL có “xông ra” Cục Điện ảnh để chủ động trình bày đề án tổ chức. Đến quí II năm 2009 mới có quyết định Ban chỉ đạo, Ban tổ chức. Ngày 27/10/2009 mới có quyết định thành lập các Tiểu ban của LHP trong đó Tiểu ban vận động tài trợ mà tôi là một thành viên. Tôi lo lắng lắm, nhưng vì nghĩ đến lời hứa đăng cai hai năm trước đó, nghĩ đây là việc chung, dù mọi quyết định có muộn màng thì mọi người vẫn sẽ xúm vào lo cho tròn sự kiện văn hóa lớn này. Cũng là một kiểu tư duy “duy ý chí” đã cũ kỹ và từng mang lại cho đây đó không ít thất bại.

* Nhưng mọi chuyện không như chị nghĩ khi chị không còn ngồi ghế Phó giám đốc Sở?

- Cũng không hẳn chỉ vì tôi không còn làm PGĐ Sở. Điều cốt lõi của công tác tổ chức sự kiện là thời gian chuẩn bị, qui mô, tính chất sự kiện càng lớn thì thời gian chuẩn bị càng cần phải dài. Có chủ trương và kế hoạch tương đối cụ thể trước 2 năm thì việc ký hợp đồng nguyên tắc về tài trợ mới tiến hành được, việc mời các ngôi sao điện ảnh thế giới đến tham dự, việc tổ chức chợ phim và các hoạt động tương tác khác - trong đó có việc tổ chức “Con đường Điện ảnh” mới chuẩn bị được chu đáo, chuyên nghiệp. Việc dự kiến mời Brad Pitt, Angelina Jolie và Châu Tấn sang dự LHP không thể triển khai vì quá muộn. Vậy là tới gần giữa tháng 11/2009 mới có logo LHP (chưa phải logo cuối cùng) và bộ hồ sơ hoàn chỉnh xin tài trợ đầu tiên, mà đầu tháng 12 LHP đã khai mạc rồi, thời gian gấp rút thế ai xin tài trợ nổi, chỉ có “trấn lột” người thân quen mà thôi!

Nhưng cũng phải nói lại điều này, Công ty Saigon Media - Công ty giải trí Phước Sang và Công ty cổ phần điện ảnh Sài Gòn là 3 doanh nghiệp được ra quyết định liên kết tham gia LHPVN 16. Ba đơn vị chúng tôi chỉ tổ chức hai sự kiện mang tính tương tác mà thôi. Một là chương trình ca nhạc Ấn tượng nhạc và phim. Hai là Hội chợ triển lãm điện ảnh cùng 4 đêm giao lưu diễn viên và khán giả khá tưng bừng tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình. Ngoài ra trang trí Con đường điện ảnh bằng các pano. Lễ khai mạc, bế mạc LHP là Cục Điện ảnh, công ty New Star và đạo diễn Đinh Anh Dũng trực tiếp thực hiện bằng nguồn kinh phí ngân sách và kinh phí tài trợ chính thức.. Các chương trình tương tác do 3 đơn vị của chúng tôi tổ chức thực hiện không nhận một đồng nào từ ngân sách Nhà nước...

* Nghe thật là mệt mỏi! Thế nhưng lại nghe nói Saigon Media vẫn còn nhiều tâm huyết với LHP và định tổ chức riêng một LHP ở TP.HCM nữa, phải không chị?

- Như đã nói, LHP là một sản phẩm văn hóa đẳng cấp không chỉ cho điện ảnh. Vì vậy, quả thực là chúng tôi vẫn mơ ước được cùng các đơn vị doanh nghiệp của thành phố làm một LHP như những gì đã được thấy, đã được biết ở các LHP danh tiếng quốc tế. Nếu được phép và nhận được sự đồng thuận thì sớm nhất cũng phải tới năm 2012 mới tổ chức được LHP mơ ước ấy. Có được hoạt động này, TP. HCM có tự tin để đăng ký xây dựng thương hiệu thành phố điện ảnh của Việt Nam.

Đừng vỗ tay vô can

* Đấy, khi không còn ngồi ghế lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa, chính chị cũng vấp phải những chuyện thậm vô lý từ các cơ quan quản lý văn hóa!

- Tôi quan niệm người quản lý văn hóa phải đóng hai vai. Một vai là cảnh sát văn hóa, tức là người “thổi còi”. Nhưng vai thứ hai quan trọng nữa là vai “bà đỡ”. Anh-nhà quản lý văn hóa phải là bà đỡ cho những cái mới ra đời. Vai trò này quan trọng vô cùng. Nếu không, anh sẽ hạn chế sự phát triển.

Bây giờ ra làm công ty tư nhân, cứ chiểu luật để làm cho đúng, cái gì sáng tạo chưa được chấp nhận, ức nhưng cũng phải chịu. Quan trọng nhất, tôi nghĩ mình phải làm tròn vai. Khi còn làm quản lý văn hóa, tôi nghĩ mình đã làm tròn vai.


Hai vợ chồng song ca trong một cuộc vui với đồng nghiệp
* Một chuyện cũ, nhưng nhân chị nói về chuyện “cảnh sát” và “bà đỡ”, không rõ chị có nhớ vụ “áo hở ba phần tư ngực” mà sau đó báo chí thi nhau trích dẫn “theo lời bà Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM”, gây nên cả một cuộc tranh luận xung quanh trang phục của nghệ sĩ. Nhiều người gọi đó là cú “lỡ miệng” của Thế Thanh, nhưng cũng nhờ vậy mà báo chí có nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo Sở. Từ khi bà Thế Thanh nghỉ hưu thì những cuộc đối thoại như vậy không còn nữa...

- Chuyện này cũng phải thấy cái khổ của Sở, Sở VH-TT-DL không phải là người làm luật, chỉ là người thực hiện. Luật qui định ca sĩ, nghệ sĩ khi biểu diễn không được ăn mặc hở hang, nhưng không có qui định cụ thể: hở bao nhiêu cm thì bị gọi là hở hang? Sở phải tự đi kiểm tra, nếu “có chuyện” thì Sở bị “gõ đầu”. Mà chuyện “hở” đâu chỉ có một “vụ”. Sự cố với người mẫu V.T.P, thì khi phúc khảo, hội đồng nghệ thuật đã nhắc nhở rồi, vì bộ đồ đó rất dễ tụt, nhất là khi đi lại, phải có biện pháp an toàn. Cuối cùng thì sự cố đã xảy ra thật. Hay như ban nhạc Hàn Quốc Baby Vox biểu diễn trong chương trình Hai ngôn ngữ một vẻ đẹp ở sân khấu Lan Anh, họ hát rất hay, tuy nhiên trang phục hở quá “đặc biệt”, vì không có trang phục khác thay thế, chúng tôi đưa ra yêu cầu nhà thiết kế Việt Nam đến giúp họ khắc phục và thực tế bạn đã khắc phục được. Nếu cho phép nghệ sĩ nước ngoài mặc hở thế thì ca sĩ trong nước sẽ bắt chước ngay. Chuyện này không dễ cấm đâu, nhưng mình phải đưa ra giải pháp thuyết phục, không nên tạo nhiều ấm ức cho nghệ sĩ.

* Có khi nào, có trường hợp nào, sau khi ban hành quyết định “xử” rồi, mà sau đó chị cảm thấy băn khoăn, cảm thấy chưa an lòng?

- Có, và không chỉ một lần. Tôi nhớ lần duyệt phúc khảo một vở ở sân khấu 5B của tác giả Lê Duy Hạnh. Vở này đã từng diễn hơn 10 năm trước, giờ dựng lại, ra mắt đúng vào dịp 30 tháng 4. Hội đồng nghệ thuật góp ý và tôi đã thay mặt Sở quyết định: “vấn đề cũ, có nhiều chỗ không phù hợp, thời điểm đưa ra cũng không phù hợp, đề nghị điều chỉnh”. Lúc đó vở này đã bán vé rồi, nhà hát phải hoàn vé lại cho khán giả, chỉnh sửa lại theo yêu cầu để một tháng sau mới ra mắt lại. Lúc ấy có bài báo viết rằng “những chi tiết có giá trị phê phán của vở đã bị Hội đồng nghệ thuật “chùi” sạch”. Tôi đọc thấy đau lắm. Đến bây giờ tôi vẫn không cho rằng mình sai với quyết định ấy, nhưng vẫn không hết băn khoăn.

Một chuyện khác, là việc sử dụng bộ phim được làm từ trước giải phóng lấy bối cảnh sự kiện Tết Mậu Thân 1968, dựa theo tác phẩm Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, có Trịnh Công Sơn, Kim Cương đóng... Đây là một tác phẩm rất nhạy cảm, nhiều thứ không rõ ràng. Phim chống chiến tranh, nhưng lý do của cuộc chiến lại được nhìn phiến diện. Khi đạo diễn Đinh Anh Dũng muốn sử dụng một số đoạn phim này trong chương trình nhạc Trịnh tại Văn Thánh, tôi khuyên đợi phim được duyệt hẵng sử dụng. Tôi có cảm giác trong chuyện này anh em nghe nhưng không tâm phục khẩu phục, điều ấy cũng khiến mình băn khoăn mãi đến bây giờ, mẫu thuẫn giữa con người công chức và con người sáng tạo đấy.

* Thời còn “cầm còi”, chị có thể khiến người ta nể sợ. Bây giờ hết “cầm còi” rồi, chị có sợ những người từng bị chị “thổi” ghét không?

- Ôi, tôi ký phạt Hồ Quỳnh Hương nhưng chính cô ấy đi Mỹ biểu diễn lần đầu tiên là do Sở mời đấy. Tôi từng ký đề nghị phạt Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng và Đàm Vĩnh Hưng 50 triệu đồng vì vi phạm ở album Phố đêm. Lúc đó Hưng có phản ứng khá gay gắt. Nhưng khi Đàm Vĩnh Hưng làm nhiều chương trình ca nhạc riêng rất tốt, tôi có viết bài ghi nhận trên Báo Người Lao Động

Với tôi, mỗi người có một vai trong cuộc đời này, đừng vỗ tay vô can trong sự ù lì này hay sự hủ lậu kia. Trong mỗi sự trì trệ, lạc lậu đều có một phần trách nhiệm của mìnhcủa mình.

* Cả một cuộc trò chuyện dài toàn thấy việc là việc. Chồng chị nói sao về người vợ-công việc của mình?

- Muốn nhân danh công việc hay gì gì mà cứ suốt ngày ở ngoài đường, dường như quên mất mình có một mái gia đình, một người chồng đáng trân trọng và luôn ủng hộ cho mình làm việc thì người phụ nữ ấy có thực sự là người phụ nữ tốt không? Tôi không tin.. Tôi có may mắn gặp được người hiểu mình, đọc được mình như đọc cuốn sách từ đầu tới cuối, cả chú thích, cả phụ lục... Biết hết các nhược điểm của mình nên rất cảm thông. Tôi cũng không dám lạm dụng nhiều sự cảm thông ấy đâu. Trước khi nhận lời về Saigon Media, tôi có bảo chồng là nếu anh đồng ý tôi mới làm. Anh bảo: “Em hỏi anh nhưng lòng em muốn làm, vậy thì làm đi”. Công việc hàng ngày bận thật, nên chúng tôi cố gắng ngày cuối tuần ăn sáng với nhau, những buổi chồng và bạn ngồi bù khú với nhau nếu được rủ thì mình cũng rất hăm hở tới... nhậu cùng!

* Xin cám ơn chị với cuộc trò chuyện thú vị và cởi mở.

Phạm Thi Thu Thủy (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN