TTVH Online

Đến Điện Biên và bài học về lịch sử của dân tộc

07/04/2009 14:13 GMT+7

Sau khi qua Sơn La, điểm dừng chân thứ hai của chúng tôi là Điện Biên Phủ, nơi mảnh đất hào hùng với các di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên phủ 1954 như đồi A1, C1, hầm Đơcat, bảo tàng lịch sử…

(Bài dự thi) - Vào những ngày cuối năm 2008 thầy trò khoa Sáng tác, lí luận và phê bình văn học, trường Đại học Văn Hoá Hà Nội chúng tôi có chuyến đi thực tế thực tế lên Tây Bắc. Sau khi qua Sơn La, điểm dừng chân thứ hai của chúng tôi là Điện Biên Phủ, nơi mảnh đất hào hùng với các di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên phủ 1954 như đồi A1, C1, hầm Đơcat, bảo tàng lịch sử…
 
Điều gây ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là khi đến thăm quan khu di tích lịch sử Mường Phăng- Rừng Nguyên Sinh, nơi có sở chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ với hầm của đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái sống và làm việc trong chiến dịch Điện Biên Phủ nằm sâu trong rừng. Đi theo đoàn của chúng tôi không hề có một hướng dẫn viên nào mà chỉ thấy có rất nhiều trẻ con người dân tộc, vai đeo cặp sách, tay cầm túi thuốc chạy theo để thuyết minh về các di tích.
Hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Đưa bé nào mặt mũi cũng nhem nhuốc, quần áo lấm lem. Nắm bàn tay nhỏ bé của các em trào lên niềm thương cảm những bàn tay gầy còm, xanh xao ấy. Khi cả đoàn chúng tôi tách thành nhiều nhóm vừa đi vừa ngắm cảnh, tìm hiểu, chụp ảnh thì các em cũng tách thành từng tốp nhỏ đi theo chúng tôi tranh nhau hướng dẫn về các điểm di tích. Nào là điểm dường chân đầu tiên trên rừng là trạm gác, rồi đến hầm tổng đài điện thoại, tiếp đến là hầm trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thuý. Đi tiếp một đoạn sẽ là sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi vào trong hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp các em giới thiệu về vị trí của bàn làm việc, giường ngủ, lỗ thông hơi. Có một em gái lại bổ sung “ Chị ơi, còn có cả cờ tổ quốc nữa chứ”.
 
Rồi tất cả các em đều đồng thanh giới thiệu: “ Hầm của Đại tướng không còn nguyên vẹn như xưa, đã được tu sửa 2003, năm 2004 thì cụ Giáp thăm lại chiến trường xưa. Bê tông giả gỗ phần trên, thành hầm là ximăng giả đất”. Như để minh chứng cho những điều vừa nói chúng lấy tay gõ vào thành hầm và cười rất nhí nhảnh. Đi thông ra bên ngoài cửa hầm bên kia là lán ăn. Khi tôi hỏi: “ Thế lán ăn này có gì đặc biệt không?”. Các em lập tức trả lời: “ Ở tai đây khi chiến thắng các cụ đã tổ chức ăn mừng. Mổ một con trâu, dân làng Po góp gạo để làm bánh cuốn, ăn mừng trong hai ngày. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì một em đã lôi tôi ra trước một cây xung cổ thụ bảo: “Cây xung này được cụ Thái giữ gìn từ thời chiến tranh”. Khi hướng dẫn cho chúng tôi có một điều đặc biệt là giọng của các em giống như một hướng dẫn viên thực thụ, giọng trầm bổng rất biểu cảm. Khi được hỏi:

-Làm sao mà các em lại biết nhiều thế nhỉ?
-Chúng em nghe cô hướng dẫn viên từ hồi lớp một. Sáng đi học, chiều theo cô dẫn khách đi thăm khu di tích - Một em trả lời.
 

Tác giả và hai em nhỏ đi theo hướng dẫn trong khu di tích hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Các em đều là con em người dân tộc Thái thuộc bản Păng. Khi đi theo các du khách làm một hướng dẫn viên nhí các em còn mang theo hàng là khăn piêu, thuốc chữa đau lưng, cây mật gấu. Mỗi gói thuốc thường là năm nghìn, mỗi ngày may ra thì có vài du khách mua cho một vài gói, như thế là các em cũng giúp được bố mẹ phần nào.

Người dân tộc Thái bán hàng trong khu di tích.

Khi chia tay các em tôi mua mấy gói thuốc, mặc dù cũng không hiểu công dụng của chúng. Nhìn những khuôn mặt lấm lem, bé nhỏ kia không ai có thể tin rằng chính các em đang nắm giữ một trang lịch sử mà chúng ta, những người lớn được học qua các trường lớp, nhiều khi một mốc lịch sử quan trọng cũng quên. Nghe các em đọc vanh vách từng chi tiết trong địa điểm trong khu di tích tôi chợt thấy thật tự hào về mảnh đất và con người Điện Biên. Nơi mà tôi đang đứng dường như ngọn cỏ cũng đang rưng rưng khóc còn đá thì kể với tôi về các liệt sĩ vô danh.

Có lẽ bất cứ du khách nào đến đây đều có ấn tượng với các hướng dẫn viên nhí, để khi dời nơi đây tiếp tục một cuộc hành trình dài hình ảnh những em nhỏ lấm lem cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Chính các em đã tạo cho chúng tôi một cảm giác thật gần gũi với mảnh đất, con người Điện Biên. Chính các em đã dệt nên màu đẹp tươi cho lịch sử. Hy vọng rằng khi thế hệ các em lớn lên sẽ được học hành và giữ gìn những trang sử hào hùng của dân tộc.

Nghĩ về các em tôi lại nghĩ đến môn lịch sử với vấn đề giáo dục trong nhà trường, có biết bao nhiêu học sinh cứ lè lưỡi, lắc đầu mỗi khi đến giờ lịch sử. Nếu có bắt học sinh học lịch sử thì cũng chỉ là học vẹt hay quay cóp lấy điểm tổng kết cho qua, để kết quả là không biết bao nhiêu điểm liệt môn lịch sử trong các kì thi Cao đẳng, Đại học. Đó là một nỗi buồn lớn, một lời cảnh báo lớn cho toàn xã hội, đôi lúc nghe những người già giật mình thốt lên rằng “Cho khéo mấy năm nữa hỏi lũ trẻ chiến dịch Điện Biên Phủ và năm nào hay ngày thống nhất đất nước là ngày nào thì cũng nhận được cái lắc đầu của chúng”. Phải rồi! Mặc dù các phương tiện truyền thông vẫn oang oang mỗi dịp kỉ niệm ngày lễ lớn của đất nước nhưng nhiều bạn trẻ nghe như nước đổ lá khoai. Mỗi khi đi thăm các cứ điểm, các di tích lịch sử, các bảo tàng hay đọc các áng văn chương viết về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc ta trong lòng tôi trào lên một niềm tự hào dân tộc trước sự hy sinh anh dũng của biết bao nhiêu người đã đổ máu xuống dải đất cong cong hình chữ S này. Chúng ta luôn muốn để lại trong lòng bạn bè thế giới một hình ảnh nước Việt Nam anh hùng đã trải qua bao cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân và đế quốc để giữ gìn nền độc lập của dân tộc, thế nhưng biết nói thế nào đây khi chính thế hệ trẻ Việt Nam lại không biết, không hiểu về lịch sử nước nhà? Vẫn còn như in lời dạy của Bác:

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Đến Điện Biên-Mảnh đất hào hùng lịch sử, nghe những hướng dẫn viên nhí với những thông tin, những câu chuyện lịch sử và tôi nghĩ về vấn đề giáo dục lịch sử, giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi nghĩ một đất nước giàu mạnh không chỉ có sự phát triển về kinh tế mà còn có đời sống tinh thần phong phú và trong đời sống tinh thần của mỗi người bắt nguồn từ đời sống tinh thần của đất nước, của xã hội. Cần để thế hệ trẻ biết rằng trong bất kì hoàn cảnh nào dân tộc ta cũng cố gắng hết sức để vươn lên, điều đó rèn luyện chính ý trí tự cá nhân mỗi người. Tôi chột dạ khi nghĩ về vấn đề “Chảy máu chất xám” và tự hỏi “Liệu có liên quan gì về tình yêu đất nước và các bài học lịch sử hay không?”. Tôi đợi câu trả lời từ phía các bạn. Một mùa thi tuyển sinh lại đến, lòng cứ nơm nớp lo những điểm liệt trong bài thi lịch sử.

Tạm biệt Điện Biên, nơi có những hướng dẫn viên nhỏ tuổi đã khuất sau dặng núi điệp trùng, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên Tây Bắc.

Tạ Đức An
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN