TTVH Online

Hòa Hiệp: “Làm nghệ sĩ phải đạp lên dư luận mà sống”

28/12/2009 23:50 GMT+7

Nếu như mình cứ sống vì dư luận thì làm sao mình sống được. Là một nghệ sĩ mình phải đạp lên dư luận mà sống. Quan trọng là mình đang làm gì và mình như thế nào?

Năm 2000, khi vừa nhập trường CĐ Sân khấu điện ảnh Tp.HCM, chàng tân sinh viên Hòa Hiệp đã may mắn nhận được vai diễn đầu tiên của mình trong phim Dòng sông số phận (4 tập, Đài TH Bình Dương). 

Vai diễn tuy nhỏ nhưng cũng khiến Hòa Hiệp tạo được ấn tượng để rồi khi bước sang học kỳ thứ 2, anh được thầy giáo Đức Hải chọn tham gia diễn trong vở kịch Harry Potter. Vở được công diễn nửa tháng ở Nhà hát Bến Thành và 10 ngày ở Hà Nội đã khiến cho con đường đến với nghệ thuật của Hòa Hiệp ngày càng trở nên rộng mở hơn. Anh được mời về sân khấu Nhà hát kịch Thành phố ngay ở học kỳ thứ 3.

Với vở diễn đầu tay Thông điệp xanh và chùm hài Một góc cười duyên trên sân khấu Nhà hát kịch Thành phố, Hòa Hiệp lại tiếp tục gây được ấn tượng tốt đẹp bởi lối diễn xuất thông minh, nhạy cảm trong cách xử lý nhân vật. Chính vì thế, anh được chọn là một trong 6 diễn viên tham gia vở Phiên tòa trong Liên hoan thử nghiệm quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội. Vở diễn chỉ có 6 diễn viên và phải đóng rất nhiều vai, phải đứng trên sân khấu suốt hơn 1 tiếng rưỡi nhưng Hòa Hiệp vẫn trụ vững và không hề “đuối” so với các anh, chị đi trước. Trước khi chia tay chiếc nôi nghệ thuật đầu tiên của mình, Hoà Hiệp còn kịp để lại dấu ấn với vai diễn trong vở kịch Sân ga mùa xuân.

* Những suy tính của Hiệp ở thời điểm đó như thế nào?

- Không đợi mọi người chỉ thì tôi cũng nhận ra được việc đầu quân về bên sân khấu nào cũng có cái được và cái mất. Nếu như bên Idecaf, cái được là các anh chị lớn ở bên đó rất giỏi và mình sẽ học được rất nhiều điều từ họ, nhưng cái mất là mình không được tự vùng vẫy, mình sẽ sống trong sự kèm cặp của các anh chị và khó lòng có thể vượt qua những cái bóng lớn của họ. Bên sân khấu Phú Nhuận, người giỏi tuy ít hơn nhưng lại tạo cho diễn viên trẻ nhiều đất diễn, mình có thể tự bơi.. Bên sân khấu kịch Phú Nhuận, chị Hồng Vân đã tạo điều kiện cho Hiệp một cái phao. Việc vô bờ được hay không là tùy theo sức của mình. Tuy nhiên, ở sân khấu nào cũng là môi trường tốt để cho một diễn viên trẻ như Hiệp có thể phấn đấu. Quan trọng là khả năng, đam mê và cố gắng của mình như thế nào”.Tôi luôn biết ơn “mẹ” Hồng Vân.


* Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Hòa Hiệp đã may mắn tạo được dấu ấn qua những vai diễn lớn nhỏ nên những cơ hội đến với anh khá dễ dàng. Ở thời điểm đó anh được nhiều sân khấu kịch chú ý nhưng tại sao anh lại chọn đầu quân về sân khấu kịch Phú Nhuận trong thời điểm sân khấu này còn đang khá mới mẻ?

- Hiệp cũng như nhiều bạn đồng môn, khi bước ra đời cũng phải đứng trước nhiều sự lựa chọn. Quả thật khi đang thử vai diễn đầu tiên tại sân khấu Kịch Phú Nhuận, Hiệp được sân khấu kịch Idecaf mời tham gia một vai nhỏ trong vở Chú bé người gỗ. Vở diễn đã được phúc khảo xong thì nghệ sĩ Hồng Vân, giám đốc sân khấu Kịch Phú Nhuận biết chuyện và đã hỏi thẳng Hiệp “Bây giờ em quyết định đi. Hãy lựa chọn: một là sân khấu kịch Phú Nhuận, hai là sân khấu Idecaf. Chị đang có kế hoạch để lăng xê em, nếu em lựa chọn bên kia thì chị sẽ dành xuất đó cho người khác”.

Là một diễn viên trẻ, Hiệp không tránh khỏi nhưng băn khoăn, suy tính và cả sự lưỡng lự. Hiệp đã phải mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến người thầy giáo của mình là cô Minh Ngọc cùng nhiều ý kiến của các anh chị diễn viên đi trước để đi được đến quyết định cuối cùng…

* Về sân khấu kịch Phú Nhuận, những vai diễn đến với anh nhiều hơn những người khác. Có ý kiến cho rằng anh nhận được những ưu ái đó vì anh nhận chị Hồng Vân làm mẹ nuôi?

- Khi đóng vở Vô tình, Hiệp đóng vai con của nghệ sĩ Hồng Vân và kể từ đó đến nay hai người gọi nhau là mẹ con luôn. Hiệp và “mẹ” Vân cũng thân thiết và thường xuyên tâm sự cùng nhau những điều vui buồn. Vì là “con nuôi” nên Hiệp cũng nhận được nhiều sự ưu ái của “mẹ” Vân nhưng sự tồn tại trên sân khấu kịch phải nhờ vào khả năng của mình chứ không phải nhờ vào sự thân quen. Là sân khấu của tư nhân, mình có khả năng hút được khán giả, bán vé được thì mới được trọng dụng. Nếu thử một hai vai mà không thấy hút, không bán được vé thì sẽ có người khác kế thừa mình.

* Hiệp có nhiều kỷ niệm về người mẹ nuôi này chứ?

- Kỷ niệm đặc biệt về “mẹ” Vân rất nhiều. Nhưng Hiệp nhớ nhất là khi diễn vở Em là ngôi sao, mẹ Vân ngồi dưới đã khóc khi nhìn Hiệp trên sân khấu. Bữa đó là bữa diễn chiêu đãi báo chí nên có rất nhiều nhà báo đến dự. Sau vở diễn họ đã gọi điện cho mẹ Vân để khen Hiệp. Đến nửa đêm, dù rất mệt nhưng mẹ Vân vẫn gọi điện cho Hiệp để chúc mừng, động viên Hiệp cố gắng hơn trong nghề nghiệp. Tuy chỉ là một cuộc điện thoại lúc nửa đêm nhưng mẹ đã làm cho Hiệp rất vui và là động lực để Hiệp luôn cố gắng”.

* Hiệp vẫn luôn được mẹ nuôi cưng chiều như vậy sao?


- Khi Hiệp diễn không tập trung thì vẫn bị la như thường. Trong dàn diễn viên trẻ, nếu phạm lỗi Hiệp sẽ là người bị phạt gấp đôi, gấp ba so với các diễn viên khác. “Ở sân khấu Kịch Phú Nhuận, nếu đi trễ sẽ bị phạt tiền, số tiền đó bỏ chung vào một quỹ riêng. Tuỳ theo mức độ “phạm pháp” thế nào mà mức phát sẽ là 10.000, 20.000, 50.000 đồng… Có một lần duy nhất Hiệp đến trễ và bị phạt 50.000 đồng dù người khác với mức phạm pháp đó chỉ bị phạt 10.000 đồng”.

Đạp lên dư luận mà sống

* Thời gian gần đây, Hòa Hiệp cùng Lương Thế Thành và Bá Thắng khá thân nhau. Ba anh không chỉ cùng tham gia những bộ phim mà còn lập nhóm để biểu diễn trên sân khấu ca nhạc? Hiệp có thể kể về tình bạn này được không?


- Hiệp với Bá Thắng thì đã chơi thân với nhau từ lâu rồi. Tình cờ quen nhau qua đám bạn chơi chung. Đến khi Thắng thi vào trường CĐ Sân khấu Điện ảnh thì có nhờ Hiệp chỉ bài nên chơi thân với nhau. Còn với Lương Thế Thành thì tụi Hiệp cũng có gặp nhiều lần, làm việc chung nhiều nhưng chỉ chào hỏi kiểu xã giao. Phải đến khi cả 3 đứa cùng tham gia phim Một ngày không có em và gần đây là Cổng mặt trời, thường xuyên đi ăn uống chung thấy hợp nhau mới ráp lại thành một tụ. Nhưng nhóm của Hiệp không chỉ có 3 người như mọi người vẫn lầm tưởng đâu. Còn có Thanh Ngọc, Mai Phương, Hồng Hạnh - quản lý của Thanh Ngọc nữa.

Còn về lý do lập nhóm nhạc cũng là một cơ duyên. Đạo diễn Nguyễn Quý Khang khi thực hiện chương trình Thế giới Thời trang tại NVH Thanh Niên đã mời 3 đứa hát chung ca khúc Sóng (nhạc sĩ Hoàng Vũ). Thấy khớp nhau nên cả 3 quyết định lập nhóm hát luôn. Mỗi đứa vẫn theo đuổi những công việc riêng của mình chỉ mỗi lúc rảnh rỗi thì họp lại “móc sô” đi diễn. Ngoài kịch nói ra thì cả 3 đứa đều có một đam mê chung là ca hát.

* Trong nhóm hình như chỉ có Bá Thắng là người được học về thanh nhạc trước đây?

- Thắng thì không nói nhưng cả Hiệp và Thành thì đúng là mới chỉ học qua một chút về thanh nhạc. Chính vì thế nên giờ đi hát Hiệp và Thành có Thanh Ngọc làm cô giáo và Bá Thắng làm thầy giáo. Thành và Hiệp bị hai người này rèn giũa suốt, lúc vào phòng thu hai đứa bị chửi hoài nhưng cuối buổi rủ nhau đi ăn uống thì lại hòa. Nếu như trước kia Hiệp là thầy giáo dạy Thắng diễn xuất thì giờ Thắng lại làm thầy giáo của Hiệp dạy thanh nhạc.

* Sự thân thiết của Hiệp với Bá Thắng kéo theo những tin đồn về quan hệ giữa hai người. Hiệp muốn nói gì về điều này không?

- Hiệp chẳng muốn nói gì vì tin đồn bao giờ cũng chỉ là những tin đồn. Nếu là diễn viên, khi không nổi tiếng thì chẳng ai quan tâm nhưng có chút ít danh vọng thì mình sẽ bị soi rất nhiều. Hiệp đã từng bị sốc về những dư luận kiểu đó rất nhiều, không chỉ là với Bá Thắng đâu. Nếu như mình cứ sống vì dư luận thì làm sao mình sống được. Là một nghệ sĩ mình phải đạp lên dư luận mà sống. Quan trọng là mình đang làm gì và mình như thế nào?

* Trong nhóm hiện giờ chỉ có Lương Thế Thành tiết lộ chuyện tình cảm riêng tư còn Hòa Hiệp và Bá Thắng thì tuyệt nhiên từ chối những câu hỏi về “người ấy”. Tại sao hai bạn lại chọn “luật im lặng”?

- Tại vì Thành thích nên Thành tiết lộ. Còn Hiệp và Thắng không thích nên không tiết lộ. Nói đùa vậy thôi, thực sự thì tụi Hiệp cũng mệt mỏi trong chuyện tình cảm, chuyện tình yêu. Hiện giờ Hiệp thấy mình còn trẻ nên tập trung cố gắng cho sự nghiệp nhiều hơn. Hiệp đang ở trong độ tuổi mà mình có thể làm những gì mình mơ ước, nếu cứ xoáy quanh tình yêu thì sẽ mất đi thời gian để làm những thứ mình mong muốn. Đến một độ tuổi nào đó mình sẽ chững lại và sẽ không còn sức để làm những điều đó nữa. Thành thì có tình cảm nhưng tình cảm của Thành theo kiểu “Em ở đầu sông, anh cuối sông”, chàng thì Việt Nam còn nàng ở Mỹ nên Thành thích thì cứ “vu” lên báo vậy thôi. (Cười)…

Nỗi lòng người của công chúng

* Trong lòng công chúng, Hòa Hiệp luôn được hình dung như một chàng công tử luôn sống trong nhung lụa, được ba mẹ cưng chiều, trong sự nghiệp thì cũng gặt hái được nhiều thành công. Trên thực tế thì Hiệp có luôn “sung sướng” như vậy?

- Đúng là trong mắt khán giả, Hiệp là một chàng công tử con một và được mọi người yêu mến. Nhưng thực sự thì ba Hiệp đã tạo cho Hiệp ý thức tự lập từ nhỏ và Hiệp cũng không muốn ỷ lại vào gia đình. Hiệp bây giờ rất vui và hãnh diện một điều là Hiệp có thể sống, có thể xài bằng số tìên mà bản thân mình làm ra. Từ mồ hôi, từ nước mắt, từ công sức của chính mình. Thực sự bây giờ Hiệp có thể dùng đồng tiền đó để giúp đỡ được gia đình mình.

* Là một nghệ sĩ trẻ, Hiệp có hay bị quấy rối không?

- Hiệp bị quấy rối hoài. Chuyện đó là chuyện thường ngày. Hôm nào không có mới lạ. Có rất nhiều những cuộc gọi nhá máy lúc nửa đêm. Thậm chí có những lời chọc ghẹo quấy rối với những lời lẽ tục tĩu…Có nhiều lúc Hiệp gọi điện thoại lại thì nhận được câu hỏi “Anh có phải là Hòa Hiệp không?” Hiệp trả lời đúng rồi và hỏi lại em là ai thì được hỏi ngược lại “Anh là Hòa Hiệp mà không biết em là ai thì gọi lại làm gì?”. Rồi có những cuộc gọi kiểu “Anh có phải là Hòa Hiệp – giám đốc công ty chế biến thức ăn cho gia súc không? Em muốn xin việc…”. Rồi cũng có không ít những lời tỏ tình, mời gọi. Khi không tỏ tình được thì họ quay ra chửi…

* Hiệp là một trong những nghệ sĩ rất tích cực làm công tác từ thiện. Phải chăng đó là mốt để đánh bóng tên tuổi?

- Hiệp sinh ra gặp được rất nhiều may mắn nên khi nhìn thấy xung quanh có nhiều người không được như mình nên Hiệp muốn làm một điểu gì đó. Hiệp muốn san sẻ bớt những may mắn của mình cho người kém may mắn hơn. Hiệp biết một mình sẽ không làm được gì nhiều nên Hiệp luôn cố gắng động viên bạn bè thân cùng góp sức với mình. Chính vì điều đó mà Hiệp cũng có được rất nhiều người bạn tuyệt vời, cùng nhau đi đến những trại trẻ mồ côi, những nơi còn nhiều khó khăn.

* Sau gần 9 năm theo đuổi nghệ thuật, Hiệp đã giành được giải Mai Vàng. Sau giải thưởng này Hiệp có bị gánh nặng áp lực đè lên mình không?

- Có chứ. Nhất là những vai diễn tiếp theo của Hiệp sẽ phải hay hơn, phải chín chắn hơn. Vai diễn Hiệp cũng phải lựa chọn hơn, không phải muốn đóng thế nào thì đóng, muốn diễn thế nào thì diễn. Giải thưởng như một cái mốc để mình trưởng thành hơn, phải cố gắng nhiều hơn nữa.

* Áp lực của một người nổi tiếng dường như luôn đeo đẳng người nghệ sĩ?

- Là một người nghệ sĩ thì ít ai không muốn mình trở thành người nổi tiếng. Nhưng khi nổi tiếng rồi được lâu dài hay không là cả một vấn đề. Nổi tiếng đã khó nhưng giữ được sự nổi tiếng đó dài lâu lại càng khó hơn. Chính vì thế mà Hiệp thường xuyên ngồi lại để suy ngẫm về những việc mình đã làm, những gì mình đã trải qua để lập ra một kế hoạch tiếp theo đó mình sẽ phải làm gì để mình luôn giữ vững và ngày càng tiến xa hơn.

* Hiệp đang nghĩ mình ở vị trí nào?

- Hiệp nghĩ mình đang ở vạch xuất phát tốt đẹp. Con đường nghệ thuật không có đích đến. Nó giống như một nấc thang, cần phải có sự chuẩn bị, bước rồi mới xuất phát. Phải trải qua từng bước từng bước. Hiệp hiện đang ở vị trí xuất phát được coi là tốt nhưng để tiếp theo đó sẽ gặp những chặng đường như thế nào để có những bước ngoặt, những ngã rẽ như thế nào?

* Có thể con đường đó không có đích đến nhưng nó cũng có những cái đỉnh. Hiệp nghĩ mình sẽ phải vượt qua những cái đỉnh đó như thế nào?

- Điều đó Hiệp không biết trước được mà chỉ biết mình sẽ luôn phải cố gắng. Ai mà chẳng muốn mình đi tới đích dù là nhanh hay chậm.

* Xin cảm ơn Hòa Hiệp. Chúc anh một năm mới hạnh phúc!
Theo Người Nổi Tiếng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN