TTVH Online

Tranh khỏa thân trên tem

31/12/2009 14:26 GMT+7

Với người có thú đam mê sưu tập thì tem đề tài “tranh khỏa thân nghệ thuật” không có gì là lạ, thấy hoài, ngắm nghía săm soi cũng từ lâu rồi, thậm chí lưu giữ trong album cũng khẳm bộn rồi. Nhưng, với rất nhiều người “ngoại đạo với thú chơi tem” thì sẽ ngạc nhiên.

(TT&VH Cuối tuần) - Với người có thú đam mê sưu tập thì tem đề tài “tranh khỏa thân nghệ thuật” không có gì là lạ, thấy hoài, ngắm nghía săm soi cũng từ lâu rồi, thậm chí lưu giữ trong album cũng khẳm bộn rồi. Nhưng, với rất nhiều người “ngoại đạo với thú chơi tem” thì sẽ ngạc nhiên, nhướng mắt, trố mắt há miệng: "Ủa, có cái vụ đó hả", hay "Thế à, thật không?". Vậy mới có chuyện để... tán gẫu!

Tem bưu chính là “sản phẩm văn hóa công cộng”, nghĩa là một mặt hàng tiêu dùng phổ biến, công khai rộng khắp, được sử dụng thay cho tiền đóng lệ phí vận chuyển, thường dán lên góc trên bên phải mặt trước của bì thư, vậy mà sao lại “ịn” lên trên đó mấy hình ảnh “lõa thể lõa lồ”, “bất nhã bất tịnh”… trông “hơi bị kỳ” vậy? Xin thưa, không có kỳ cục kỳ dị kỳ quái hay kỳ đà gì đâu! Những hình ảnh trên tem đều đã qua sự chọn lựa kỹ càng, sự chắt lọc đắn đo, và cũng không thiếu sự… trân trọng hết mức. Vì đó đều là hình ảnh được thế giới văn hóa, chứ không riêng gì thế giới hội họa, ca tụng tán thưởng rất nhiều qua bao thế hệ; đó đều là những tuyệt phẩm của các danh họa lẫy lừng, và đều là những bức họa giá trị nghìn vàng đã và đang được lưu giữ một cách kính cẩn và nghiêm ngặt trong các viện bảo tàng nghệ thuật, trong những tòa nhà “bất khả xâm phạm” của giới thượng lưu, của những gia đình danh gia vọng tộc, hay của giới nghệ sĩ phong nhã hào hoa, của những tay chơi sành điệu khắp thế giới…


Từ khi các họa sĩ phương Tây khám phá lại thân thể con người vào thế kỷ XV, thì hình ảnh khỏa thân đã là chủ đề trung tâm cho một loạt những kiểu thể hiện độc đáo khác nhau. Tranh khỏa thân đã được đưa lên tem nhiều quốc gia trên thế giới từ nhiều năm qua. Dĩ nhiên đó chỉ là những phiên bản, những bản sao chép, bản “nhái”, đã được trang điểm lại qua kỹ thuật in ấn và công nghệ vi tính cho rõ đẹp hơn. Vậy còn trên tem của Việt Nam, có không? Chắc chắn có nhiều người đã tự hỏi câu ấy, và cùng tự trả lời trong đầu là… không có. Xin thưa: Có! Không chỉ mới có đây, mà đã có từ năm… 1989. Trong dịp tham dự Triển lãm Tem Thế giới tại Pháp vào năm 1989, Bưu chính nước ta phát hành bộ tem Danh họa Pháp gồm bảy mẫu và một bloc tem, trong đó mẫu mang mã số (MS) 2079 đưa tác phẩm Một cảnh bán nô lệ của họa sĩ lừng danh Pháp Jean- Léon Gérôme (1824-1904). Nhưng, đó chưa phải là “tranh khỏa thân nghệ thuật” trên tem mà bài viết này muốn đề cập. Đó chỉ là một tuyệt phẩm của bút pháp hiện thực tả chân, nhằm phê phán một xã hội bất bình đẳng, chứ không hề có ý nhấn mạnh đến những đường cong nét lượn yêu kiều trên thân thể của phận liễu yếu hồng nhan.

Bức tranh mà giới hội họa thường gọi là Nàng Maja khỏa thân của danh họa Tây Ban Nha Francisco de Goya (1746-1828) mới thật sự là một bức tranh art nude được đưa lên trên tem. Bản gốc bức tranh là chân dung của Công tước phu nhân Alpa được Goya vẽ bằng chất liệu sơn màu dầu, vẽ thành hai bức, một bức “khỏa thân” và bức kia là “có mặc áo”. Bưu chính Mông Cổ có phát hành bộ tem Danh họa châu Âu, giới thiệu chân dung Goya cùng với bức họa Nàng Maja có mặc áo. Vào ngày 15/6/1830, để tưởng niệm hai năm ngày danh họa Goya qua đời (1828), nhà cầm quyền Bưu chính của Vương quốc Tây Ban Nha cho phát hành bộ tem ba mẫu, với ba màu và giá mặt khác nhau, đưa bức họa Nàng Maja khỏa thân trình ra trước công chúng. Chuyện bắt đầu “ì xèo”. Đó là lần đầu tiên tem Tây Ban Nha xuất hiện tranh “trần truồng lõa thể”, bị dư luận trong và cả ngoài nước phê phán gay gắt là “bất nhã, tổn hại đến thuần phong mỹ tục”, và một số người tẩy chay không sưu tầm, cũng như không dùng những mẫu tem đó dán lên thư từ gửi đi. Ghê gớm chưa? Chưa ghê lắm bằng chuyện sau đó, phe Cộng Hòa nắm bắt cơ hội mà mang chuyện bộ tem ba mẫu “tục tĩu dâm đãng” để tuyên truyền bôi nhọ vu cáo khắp những vùng nông thôn, kết tội cho phe Bảo Hoàng nhân đến mùa đại tuyển cử. Vậy là sau đó, phe Cộng Hòa thắng cử tiến vào hoàng cung lật đổ một triều đại phong kiến, vua Alfonso XIII “rớt ghế” cũng vì có cái máu thưởng ngoạn nghệ thuật hội họa và đam mê sưu tập tem, giai cấp tư sản Tây Ban Nha tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa. Trong bộ tem Hội họa Tây Ban Nha của Việt Nam phát hành ngày 30/5/1992, bức họa Nàng Maja khỏa thân được đưa lên mẫu tem MS 2453, giá mặt 6.000đ, khuôn khổ 50x40, do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế. Chỉ có điều, do giá mặt của mẫu tem này đến 6.000 đ, chúng không được dùng phổ biến để dán lên thư gửi thông thường, nên dân chúng trong nước ít được thấy để mà ngắm nghía.

Bức tranh art nude xuất hiện tiếp theo trên tem Việt Nam trong bộ tem Những bức tranh nổi tiếng thế kỷ XX, chính là bức Cung nữ màu đỏ của Henry Matisse (1869-1954), một họa sĩ hội họa - đồ họa - điêu khắc tài danh vang lừng của Pháp, được xem là một thủ lĩnh của phái Dã thú, ông còn có một bộ tranh Phồn thực rất được dư luận chú ý và ngợi ca. Mẫu tem này mang MS 2533, giá mặt 10.000đ (lại là giá cao) do các họa sĩ Nguyễn Thị Sâm và Vũ Kim Liên thiết kế, được phát hành ngày 7/5/1993.

Một loạt các bức tranh “phụ nữ khỏa thân” của họa sĩ nổi tiếng Edgar Degas (1834-1917) của nước Pháp, được vẽ bằng chất liệu phấn tiên trên giấy trong thời gian từ năm 1883 đến 1895 là hình ảnh mà Bưu chính của nhiều quốc gia đã quan tâm đến để giới thiệu lên tem nước mình. Điều đặc biệt, danh họa Edgar Degas nổi tiếng là “rất ghét phụ nữ” trong quan hệ cuộc sống, nhưng lại say mê thân mình khỏa thân của của phụ nữ một cách lạ lùng. Chính ông đã thú nhận “thích vẽ người mẫu của mình như được nhìn qua lỗ khóa cửa!”. Chúng ta có thể nhìn ngắm các bức họa trên tem của Ajman: Cái thùng tắm (1886) được khen ngợi là “tư thế tuyệt vời vì chân thực”, Tắm sáng (1895), Người đàn bà lau mình (1895), hay các bức Cô gái đã tắm đang chải tóc (1895), Sau khi tắm người đàn bà lau mình (1883) được ca tụng là “tính chất gợi tình kỳ lạ”…

Thật là thiếu sót nếu không kể đến một loạt tranh khỏa thân của họa sĩ Pháp phái ấn tượng: Auguste Renoir (1841-1919), được vẽ từ năm 1870 đến năm 1918. Các bức họa artnude được đưa lên tem của Cộng hòa Guinea Xích Đạo và các nước khác như: Khảo họa- bán thân-tác dụng nắng (1875) Khỏa thân (1876), hay bức Những người đàn bà tắm (1887) dựa theo bức phù điêu Nữ thần sông suối tắm của Giradon.

Không thể không kể đến các tuyệt tác hội họa khác được Bưu chính các nước đưa lên trên tem, như của danh họa Pháp Paul Gauguin (1848-1903) với hình ảnh các cô gái Tahiti ngực trần mộc mạc, qua những bức Hai thiếu nữ Tahiti trên bãi biển (1892), Đất ngọt ngào (1892), hay trích đoạn của bức Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là cái gì? Chúng ta đi về đâu? (1897)… Họa sĩ trường phái lập thể của Tây Ban Nha Pablo Ruiz Picasso (1881-1973), với Tấm gương, Người đàn bà đang chải tóc, Các cô gái Avignon…

Ta cũng có thể tìm thấy tranh của Họa sĩ “Phong trào Rococo” Pháp Francois Boucher (1703-1770) với các trích đoạn Nữ thần Diane và người hầu, Thần Vénus an ủi thần ái tình Cupidon… Hay tranh của Georges Rouault (1871-1958), họa sĩ Pháp trường phái biểu tượng với bức cô gái lầu xanh Khỏa thân trước gương… Tranh của danh họa Paul Cézanne (1893-1906) với Ba người đàn bà tắm (1879-1882), Nàng Olympia tân thời, Phụ nữ khỏa thân trên trường kỷ (1886-1890)… Những tuyệt phẩm của Gustave Courbet (1819-1877), họa sĩ đứng đầu trường phái hiện thực thế kỷ XIX ở Pháp, với Giấc ngủ, Nguồn suối, Xưởng vẽ… Còn có tranh của họa sĩ trường phái tân cổ điển Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867) của Pháp với Nàng cung phi, Người đàn ba tắm, Tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ… Họa sĩ-điêu khắc- kiến trúc sư Ý Raphael tức Raffaello Sanzio (1488-1520), với Ba vẻ yêu kiều… Ngoài ra còn có những bức họa khỏa thân không hề có chút bụi phàm tục về đề tài phúng dụ, thần thoại của các danh họa: Lucas Cranach (1472-1533), Giorgio da Castelfranco tức Giorgione (1477-1510) với Vénus (1509), Tiziano Vacellio tức Titien (khoảng 1488-1567) với Tình yêu thiêng liêng và tình yêu phàm tục (1514) và Vénus ở Urbino (1538)…
Mãn Đường Hồng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN