TTVH Online

Sách của Thái Bá Vân dạy tôi yêu mến nghệ thuật và nghệ sĩ

21/12/2009 12:25 GMT+7

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân ra đi đã 10 năm, nhưng cuốn sách Tiếp xúc với nghệ thuật của ông in từ 11 năm trước vẫn có sức ảnh hưởng lớn.

(TT&VH) - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân ra đi đã 10 năm, nhưng cuốn sách Tiếp xúc với nghệ thuật của ông in từ 11 năm trước vẫn có sức ảnh hưởng lớn. Và không phải ngẫu nhiên, buổi ra mắt “phiên bản” mới in song ngữ cuốn sách này vào tối 17/12 được xem là một “sự kiện mỹ thuật”.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, người khởi xướng, và cấp kinh phí cho việc tái bản cũng như tham gia biên tập lại cuốn sách của nhà phê bình tài hoa đã quá cố...


Thái Bá Vân qua nét vẽ của họa sĩ Quang Tỉnh (ảnh trái) và Trần Hậu Tuấn

* Thưa ông, ông có cảm nhận gì về những đóng góp của nhà phê bình Thái Bá Vân vào việc xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam nói chung, và nền phê bình mỹ thuật nói riêng?

- Cái đánh giá ấy rất là khó nói. Bởi vì trong giới nghệ thuật người ta hay xếp bằng miệng những “bộ tứ” phân vai phân vế. Phê bình mỹ thuật cũng có bộ tứ của nó. Nhưng ấy chỉ là những lời bàn trên chiếu rượu mà thôi. Tôi nghĩ bác Vân là người được đào tạo chính thức về phê bình mỹ thuật trong một giai đoạn sơ khởi và đầy khó khăn của phê bình mỹ thuật.

Ông là người nổi tiếng giản dị, thân cận với nhiều nghệ sĩ, cũng được nhiều người yêu mến. Tác phẩm của ông ghi lại trọn vẹn một giai đoạn đầy “khốn khó” của nghệ sĩ cũng như đầy hào hùng của mỹ thuật. Đó là điều rất là quý rồi... Bác Vân là người “đọc sách hộ nghệ sĩ” ở cái thời thông tin nghệ thuật rất thiếu thốn. Và ông cũng để lại cho đời những trang sách đó thôi.

* Thưa ông, cuốn sách tái bản lần này có gì mới so với lần in đầu?

     “Tôi nghĩ cuốn sách vẫn là một nguồn cảm hứng rất hữu ích cho lớp trẻ hiện nay nếu họ muốn đến với nghệ thuật” (nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn).

- Cuốn sách này ra đời 1 năm trước khi Thái Bá Vân mất. Tôi biết hồi ấy bác Vân rất vui, nhưng sách ít lắm, tôi nghĩ rằng ông tặng bạn bè cũng không đủ. Khi làm lại sách, để tôn trọng tác giả, chúng tôi để nguyên tất cả như lần một, mặc dù cũng phải chỉnh trang khá nhiều. Lần in này, ngoài phần tiếng Anh, còn có thêm bài viết của bác Vân về cố họa sĩ Dương Bích Liên chưa kịp đưa vào trong lần in đầu. Theo ý muốn của nhóm biên tập, thì đáng nhẽ đưa minh họa bổ sung, viết về họa sĩ nào thì có tranh của họa sĩ đó sẽ hay hơn, nhưng gia đình bác Vân muốn để dành điều đó cho một cuốn khác.


* Tác phẩm của Thái Bá Vân đã đem lại những gì cho công việc sưu tập của riêng ông, thưa ông?

- Con người sinh ra không phải ai cũng biết hết mọi điều. Công việc sưu tập của tôi phải động đến rất nhiều sách vở về nghệ thuật. Thú thật là khi đọc sách của Thái Bá Vân thì tôi luôn cảm động. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào cũng vậy. Cuộc đời giống như một tổ ong vậy, đẻ ra ở ô nào thì phải làm công việc ấy, đẻ ra ở lỗ ong thợ thì cứ làm ong thợ suốt đời, đẻ ra ở ô “ong nghệ sĩ” thì phải làm nghệ thuật... Cuốn sách của bác Vân dạy tôi yêu mến nghệ thuật và nghệ sĩ. Mà nghệ thuật cũng chỉ dạy người ta yêu mến con người mà thôi. Ví dụ như bài viết của bác Vân về họa sĩ Bùi Xuân Phái, bài viết về họa sĩ Trọng Kiệm rất là thương...

Lúc bác Vân còn sống, tôi tiếp xúc cũng chưa nhiều. 10 năm nay, tôi sống với những trang viết của bác ấy, càng hiểu thêm về nghệ sĩ qua những bài viết về các họa sĩ hiện nay mà tôi có sưu tập tranh như Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, hoặc qua bác Vân mà tôi hiểu về những bậc thầy lớp trước như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn. Càng đọc càng phục và thương. Qua cách nhìn của bác ấy, tôi trưởng thành rất nhiều trong việc tiếp xúc với nghệ thuật.

* Cảm ơn ông!

Vũ Lâm
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN