TTVH Online

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang: Tìm đời xuôi ở chỗ… lộn ngược

19/12/2009 10:23 GMT+7

Triển lãm Upsidedownism của Nguyễn Đại Giang đã khai mạc hôm 12/12 tại bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) thu hút được sự chú ý của nhiều người xem vì cách nhìn đời lộn ngược.

(TT&VH) - Triển lãm Upsidedownism của Nguyễn Đại Giang đã khai mạc hôm 12/12 tại bảo tàng tư nhân Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) thu hút được sự chú ý của nhiều người xem vì cách nhìn đời lộn ngược. Họa sĩ này không chỉ nghĩ ra cách vẽ ngược và định danh khái niệm upsidedownism (tạm dịch: trường phái ngược), mà còn muốn giới thiệu những hình ảnh riêng biệt của không gian văn hóa miền Bắc đến với người xem ở nhiều nơi trên thế giới.

Duyên cớ ngược của một trường phái hội họa mới

Nguyễn Đại Giang có nhiều năm học mỹ thuật tại Liên Xô và dạy vẽ, làm việc tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1992, khi sang Mỹ và định cư tại TP. Seattle, bang Washington, một năm sau đó ông nghĩ ra cách vẽ upsidedownism trong sự tình cờ - khi ông ngồi nghĩ lại mình và những câu chuyện mang theo. Sự tình cờ đó có thể bắt nguồn từ những đổi thay, sự trống vắng, sự đảo ngược... khi một giảng viên ở Hà Nội trở thành một kẻ làm thuê kiếm sống qua ngày.

Ông tâm sự: “Con người sinh ra là bắt đầu tiến tới sự chết, mà chết là bắt đầu sống lại một cuộc sống khác, là tái sinh dưới hình thức này hay hình thức kia. Không thể có sống mà không có chết, có thịnh mà không có suy... Phải đủ hai vế thì mới thành vũ trụ, mà vũ trụ hay bất kỳ vật gì cũng có mặt trái mặt phải của nó. Tôi nghĩ ra upsidedownism vì muốn nhìn ngược lại chiều thuận xem cuộc đời nó ra sao”.

Upsidedownism của Nguyễn Đại Giang đã được Phòng Bản quyền tác giả của Mỹ (Copyright Office of USA) xác nhận là một trường phái hội họa mới của thế kỷ 21. Bên cạnh đó là những công nhận của nhiều tổ chức quốc tế khác như Trung tâm Tiểu sử quốc tế (International Biographical Centre) ở Cambridge, Anh quốc. Xét các giải thưởng và công nhận lớn nhỏ, họa sĩ này thuộc diện “ông trùm”, khi 15 năm qua, danh sách khen thưởng đã quá dài. Nhưng có điều đặc biệt, trong rất nhiều triển lãm chung ở nước ngoài, những tác phẩm nổi tiếng nhờ đoạt giải, được in vào sách, họa sĩ này đều không bán, mà muốn đem về Việt Nam giới thiệu trước.

Dư luận tại Mỹ đánh giá cao sự tìm tòi này, riêng thành phố Seattle thì ưu đãi bằng cách mời ông làm khách lưu trú thường trực của tòa nhà nghệ thuật. “Upsidedownism cũng là một hiện thực, nhưng bằng cách nhìn khác, để thay đổi nhãn quan của người xem. Tất nhiên với cách vẽ này cũng sẽ có những ý kiến khác nhau, nhưng tôi nghĩ mỗi họa sĩ nên có một cách nhìn riêng. Và tôi tự tin vì có một quan niệm, một cái nhìn trong hội họa theo riêng tôi và khác biệt với họ” - Nguyễn Đại Giang nói.


Tam cúc, sơn dầu, 74x82cm, 2009

Chất hài hước “đánh đổ lịch sử mỹ thuật phương Tây”

Hôm khai mạc triển lãm, Nguyễn Đại Giang khẳng định tiếp chọn lựa của mình: “Dựa theo lý luận của upsidedownism là vạn vật thay đổi. Cái khởi đầu và cái tận cùng giống nhau, trong tranh đảo ngược có sự thay đổi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, mồm, tay chân, đằng trước ra đằng sau, cái bên ngoài thành cái bên trong, cái bên trong ra cái bên ngoài, cái trên biến thành cái dưới, cái to biến thành cái nhỏ... Tuy thay đổi như vậy nhưng vẫn là con người, câu chuyện ấy, không thể nào là một người hay câu chuyện nào khác. Ví dụ ông A vẫn giống ông A; bà B vẫn là bà B; không thể nào là bà C, ông D được. Ðặc điểm này mang tính cách mạng đầy ưu việt của upsidedownism, nó khác hẳn các trường phái khác là sự tự do đầy sáng tạo của các họa sĩ, lấy sự vô hạn phá vỡ cái hữu hạn mà mắt ta nhìn thấy hàng ngàn năm nay”.

Xem phần lớn các tác phẩm upsidedownism từ trước tới nay, đặc biệt trong triển lãm lần này, người xem thấy khá rõ cái phông nền của văn hóa miền Bắc, cái chất Hà Nội. Những tác phẩm như Ca trù, Chí Phèo - Thị Nở, Buổi chiều vàng, Đi câu, Những người bạn, Tam cúc, Ngoài vườn, Mẹ về chợ, Phụ nữ với hoa sen... là một câu chuyện đậm đặc về cái không gian sống, những hình tượng con người miền Bắc thời trước, cụ thể là đầu thế kỷ 20.


Chí Phèo - Thị Nở, sơn dầu, 55x75cm, 2008

“Tôi nghĩ rằng bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa là những điều sâu lắng ẩn tàng bên trong mỗi con người. Chúng không đơn giản như màu sắc, xiêm áo bên ngoài”. Tuy nói vậy, nhưng cách dùng màu và các xiêm áo bên ngoài đã tỏ lộ con người cùng những quan tâm của họa sĩ.

Tháng 8/2001, lần đầu đầu tiên Nguyễn Đại Giang triển lãm Upsidedownism tại Seattle, nhà phê bình mỹ thuật Anna Fahey đã viết trên tuần báo nghệ thuật Weekly Seattle một bài có tựa đề rất ấn tượng: Dai Giang’s quirky style, upsidedownism subvects the history of Westen art (tạm dịch: Phong cách hài hước upsidedownism của Đại Giang đánh đổ lịch sử mỹ thuật phương Tây). Tính cách hài hước này còn hấp dẫn hơn trong con mắt người Việt, đặc biệt là người miền Bắc, khi những câu chuyện của ông kể gắn kết sâu sắc, nhiều ẩn ý với nơi đây.

Tuy nhiên, Nguyễn Đại Giang không chỉ có miền Bắc, trong các cuộc đi của mình, ví dụ đến Hawaii hay Hội An, tất cả đều để lại dấu ấn trên những tác phẩm cụ thể.

Văn Bảy
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN