TTVH Online

Tôi là Nhung

16/12/2009 13:38 GMT+7

Trong trường bắn Khu liên hợp Trung tâm Thể thao QG Lào, người ta thấy một phụ nữ tóc ngắn vuốt keo, ăn mặc lịch thiệp có gương mặt thanh tú chẳng mấy khi ngồi yên một chỗ. Đấy là Nguyễn Thị Nhung, Phó TTK LĐBS VN, HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng Việt Nam.

(TT&VH) - Trong trường bắn Khu liên hợp Trung tâm Thể thao QG Lào, người ta thấy một phụ nữ tóc ngắn vuốt keo, ăn mặc lịch thiệp có gương mặt thanh tú chẳng mấy khi ngồi yên một chỗ. Đấy là Nguyễn Thị Nhung, Phó TTK LĐBS VN, HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng Việt Nam.

Khói súng ám cả giấc mơ

Hôm qua, HLV Nguyễn Thị Nhung được mời lên trao HCV cho các học trò, khoảnh khắc đó thấy chị thật rạng rỡ với nụ cười thật quyến rũ. Bình thường, những ngày đội tuyển thi đấu, ít khi thấy chị cười, nói. Thay vào đó, là tâm trạng căng thẳng. Nhất là hai ngày thi đấu đầu tiên. Phải đến phút cuối ngày thứ hai, Hoàng Xuân Vinh mới mang về tấm HCV đầu tiên khiến ai cũng thở hắt. Có lẽ, việc đội tuyển trong một ngày giành đến 4 tấm HCV vượt qua chỉ tiêu, đã khiến người phụ nữ này không kìm nén được hạnh phúc. Chị cười nói thật vui vẻ.


Tôi thực sự muốn biết sâu về Nguyễn Thị Nhung, người đàn bà “thép” 44 tuổi của bắn súng VN. Sở dĩ vậy bởi để ý thấy trong các nước tham dự có HLV trưởng đội tuyển bắn súng QG là nữ nhi cả. “Chị đã thử buôn bán, kinh doanh đủ thứ nghề, nhưng rốt cuộc đã không thể bỏ nghiệp súng ống được. Chị nghiện mùi khói. Nghiện nghe tiếng đạn nổ”. Chị bảo hồi mới tập bắn, có “tật” “rất xấu” là quá cưng súng. Hở tí là lôi súng ra lau. “Khói súng nó ám cả trong giấc mơ”. Nguyễn Thị Nhung trải lòng.


Đã đắm đuối như thế thì làm sao mà bỏ được. 13 tuổi năm 1977, Nguyễn Thị Nhung bắt đầu đến với nghiệp bắn súng. Cũng đơn giản vì bố bộ đội gốc Bình Định tập kết ra Bắc. Khẩu súng treo lủng lẳng bên người bố đã mê hoặc Nhung. Cô bé nhận lời trở thành VĐV bắn súng ngay khi được tuyển thay vì điền kinh. 16 tuổi, nghĩa là mới tập bắn 3 năm, Nhung đã trở thành VĐV cấp 1. Trong 6 năm (1977-1983) ở thời điểm đó bắn súng VN không có điều kiện thi đấu nước ngoài, ở các giải trong nước, Nguyễn Thị Nhung không có đối thủ ở môn súng ngắn nữ. Chính những năm tháng ấu thơ gắn với Trung tâm Thể thao Quần Ngựa, với sự hồn nhiên chưa va chạm với cuộc đời nên đến chiều qua, chị Nhung bảo đấy mới là quãng đời sôi nổi, hạnh phúc nhất.



 “Người đàn bà thép” Nguyễn Thị Nhung. Ảnh Hoàng Hà

Đang đầy hoài bão như thế, đùng một cái, năm 1983 nội dung bắn súng ngắn nữ mà chị “kết duyên” bị bỏ, không nằm trong hệ thống thi đấu của LĐBS thế giới và trong nước (nay nội dung này được khôi phục). “Một cú sốc quá nặng. Tôi khóc cạn nước mắt. Tập gì đây. Có người khuyên nhảy sang súng trường, nhưng tôi không thể”. Một năm ròng nghỉ súng (1984) là quãng thời gian khủng khiếp với Nguyễn Thị Nhung. Niềm vui chỉ trở lại khi năm 1985, chị trúng tuyển sang Liên Xô học Trường Đại học TDTT Moskva,  chuyên ngành bắn súng. Tại đây, chị vẫn có mặt trong đội tuyển bắn súng của trường tung hoành tại các giải ở nước bạn.

Bà sếp mát tay


Bên lề trường bắn, tôi đã nghe một học trò của Nguyễn Thị Nhung khen “sau lưng” cô giáo: “Chị Nhung ngoài chuyên môn quá giỏi, hết mình vì bắn súng Việt Nam thì còn mát tay lắm”!


Bắn súng là bộ môn ngốn kinh phí khá lớn. Mỗi năm, trung bình 3 tỷ đồng tiền đạn, 1 tỷ đồng tiền thiết bị chưa kể tiền ăn, lương thưởng và kinh phí tham dự các giải.

Đúng vậy, chuyên môn chẳng ai chê được Nhung bởi chị được đào tạo, học hành  bài bản ở cường quốc bắn súng Liên Xô. Từ năm 2006 đến nay được bầu làm HLV trưởng ĐT bắn súng QG. Năm 2008 được tín nhiệm ghế Phó TTK LĐBS VN. HLV nữ này dẫn quân đi đâu thắng to đó. ASIAD 16 tại Doha (Qatar), lần đầu tiên bắn súng VN có  HCB và đồng (1 HCB, 3 HCĐ) ở đấu trường danh giá này. SEA Games 2007, với 7 HCV vượt chỉ tiêu 2 HCV, xếp thứ nhất. SEASA 2008 (giải vô địch bắn súng Đông Nam Á), BSVN giành 23 HCV, 2009 mới đây là 18 HCV. Trong năm này, Nguyễn Mạnh Tường được bầu chọn là VĐV đứng thứ 6 thế giới.


Và nay, còn hai ngày thi đấu nữa nhưng quân của Nguyễn Thị Nhung đã vượt chỉ tiêu. Theo tính toán của vị HLV trưởng, VN sẽ đoạt khoảng 3 HCV nữa, nâng tổng 11 HCV cho BSVN.


Tuy thế, HLV Nguyễn Thị Nhung vẫn nói thẳng rằng còn rất nhiều nỗi lo mà về nước sẽ phải quyết liệt đề xuất với lãnh đạo. Đấy là, phải bổ sung, thay đổi lực lượng khi các đối thủ đã tiến bộ rất nhanh, trẻ hóa mạnh mẽ ở SEA Games này. “Phải như thế mới mong có VĐV đến được đấu trường Olympic bằng cửa chính và hy vọng có thành tích. Chấp nhận thành tích bị chững lại vài ba năm”.


Theo dõi trường bắn mấy ngày qua, nếu ai đó bảo VĐV bắn súng nhàn hạ là nhầm. Tôi thấy HLV Nguyễn Thị Nhung than thở vai bên phải của chị gần như tê liệt, vôi hóa cột sống cổ còn trí nhớ hay quên, mới thấu hiểu sự căng thẳng của những xạ thủ. Bản thân vị đầu lĩnh này bảo thời gian dành cho gia đình quá ít. 6 h sáng phi xe lên Nhổn, trưa ở lại, chiều đến Tổng cụ TDTT làm việc tối mịt mới về, mới hiểu thế nào là “lỡ mang cái nghiệp vào thân”.


Chúc mừng HLV Nguyễn Thị Nhung và BSVN đã lập chiến công vang dội.


NGỌC HÒA
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN