TTVH Online

Cải lương: Còn khủng hoảng đến bao giờ? (Bài cuối)

03/12/2009 10:05 GMT+7

Bài 3 (Bài cuối): Phải cách tân, nhưng kiểu nào?

(TT&VH Cuối tuần) - Xung quanh các vở diễn Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên ngaHoàng đế Quang Trung (đang chuẩn bị) với những phá cách táo bạo từ qui mô dàn dựng, lực lượng diễn viên.v.v... có rất nhiều đánh giá, quan điểm khác nhau về việc cách tân cải lương để tiếp tục phát triển.

Không đổi mới là tự thủ tiêu!

NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ

Cách tân là cả một quá trình thuộc về lịch sử phát triển của từng bộ môn, từng cá nhân. Tôi quê gốc Mỹ Tho, nơi từng lập ra đoàn hát cải lương ở Vĩnh Lợi, nên tôi hiểu việc cách tân, phát triển cải lương rất phụ thuộc vào chủ bầu gánh. Bên kịch nói, những việc làm được của các sân khấu xã hội hóa như Kịch IDECAF, Kịch Hồng Vân, Kịch Sài Gòn… là cũng do các chủ bầu gánh này giỏi nghề và hiểu khán giả thời này. Hơn 30 năm rồi, cải lương ở ta vẫn thuộc quản lý của nhà nước, mà sự nuôi dưỡng của nhà nước thì vẫn theo kiểu cũ, nên khó mà đổi mới được. Theo nhìn nhận của tôi, chúng ta đang thiếu những nhà lãnh đạo tầm cỡ về sân khấu, thiếu một chiến lược phát triển lâu dài từ trong giáo dục và thiếu cả sự hiểu biết về vấn đề tiếp thị sân khấu cải lương, để làm sao tiếp cận được sự đa dạng và những đòi hỏi ngày một phong phú của khán giả.


Cảnh trong vở Kim Vân Kiều

Không đổi mới mà chỉ dậm chân tại chỗ thì đồng nghĩa với tự thủ tiêu. Chúng ta phải nhìn nhận rõ một sự thật là không phải tất cả các tuồng xưa tích cũ đều là hay. Trong khi sân khấu “sống” khác với một bảo tàng “chết” ở chỗ nó có thể thử nghiệm với những thứ được cho rằng chẳng có giá trị vĩnh hằng gì. Thậm chí thử nghiệm chỉ để là thử nghiệm. Khán giả mộ điệu và sành sỏi cải lương đang già đi, mỗi ngày một ít đến với sân khấu, trong khi băng đĩa thì tràn lan, nên họ có thể ngồi nhà để xem. Chính vì vậy, chúng ta không thể chỉ dựng vở cho các khán giả già, khán giả cố định, mà phải tìm khán giả trẻ ngay bây giờ, bởi vì ai rồi cũng già đi, không có trẻ thì làm sao có già!

Giám đốc NHCL Trần Hữu Trang, ông Phan Quốc Hùng:

Thời đại thay đổi thì cải lương cũng phải bắt nhịp cùng thời đại, đó là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, thử nghiệm chủ yếu là để rút kinh nghiệm, từ hai vở đã làm, được và chưa được đều có rất nhiều. Cho nên, với vở Hoàng đế Quang Trung cũng dự kiến đầu tư tiền tỷ, nhà hát đang nghiên cứu làm sao để cải lương phải ra chất cả lương, chỉ dùng cổ nhạc và giữ được sự bài bản.

GS-TS Trần Văn Khê (nhận xét về kiểu làm cải lương hoành tráng, tổng hợp, tốn nhiền tiền): Đừng xem đây là biện pháp tối ưu để thay thế những vốn quý đã thuộc về di sản của sân khấu cải lương. Cách làm mới chưa chắc đã là cơ sở để nâng cấp cải lương trong thời đại hôm nay, cái chính là phát huy nội lực của cải lương, không thể rước nhiều vị khách các nơi đến nhà rồi để vai trò của người chủ nhà mất đi. Cải lương phải mang vai trò chủ đạo. Cải lương là bộ môn nghệ thuật mang tính chất mở nhưng phải chọn lọc, không hòa tan và lẫn vào các bộ môn khác.

TS-NSƯT Bạch Tuyết: Nói một cách nghiêm túc, và có phần… nghiêm khắc, trong khoảng vài năm nay, cải lương có chịu khó đổi mới nhưng chưa đạt được tầm cách tân (đúng với nội hàm của từ này). Trong “đổi mới” thì cũng chỉ đạt được tiêu chí “lạ” nhưng chưa phải là “mới”. Một thực trạng dễ nhận thấy là các đêm diễn “sáng đèn” của cải lương vẫn chủ yếu dựa trên lực lượng “xã hội hóa”, trong đó một bộ phận nghệ sĩ “thế hệ vàng” và các “ngôi sao” trẻ. Điều đáng suy ngẫm là hầu hết vẫn khai thác trên nền kịch bản “kinh điển”. Nằm trong thực trạng chung, cải lương vẫn đang cạn nguồn kịch bản hay, có giá trị; chính điều này khi hợp cùng một đội ngũ diễn viên non nghề, không chịu khó tập tuồng, luyện nghề; đội ngũ nhạc sĩ mà tính nhạc công lấn át chất nhạc sĩ; họa sĩ thiết kế thì nghèo nàn, xưa cũ; sân khấu thì thiếu đạo diễn cải lương chuyên nghiệp (không thể là từ đạo diễn kịch được)… đã cản ngại con đường cách tân của cải lương.


Cảnh trong vở cải lương “cách tân” Chiếc áo thiên nga với sự
phối hợp của nhiều loại hình:
nhạc cổ diển, ballet, xiếc và
sự góp mặt của ca sĩ có kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng.


Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga là một trong những cách làm. Việc “ổn” hay “không ổn”, khán giả sẽ là người trả lời công tâm nhất. Cũng xin nói thêm: đưa tạp kỹ vào sân khấu cải lương thì không có gì mới, vì điều này đã được cải lương trước 1975 khai thác rồi; vấn đề là thành quả của một công trình nghệ thuật là sự tổng hòa của nhiều khâu, một quy trình có tính chuyên nghiệp cao; tiếc rằng, đôi khi, đôi chỗ xen lẫn giữa tính chính quy, bài bản lại là… lạc điệu, trật nhịp!

Đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu: Cải lương phải đi vào sự tinh tế, dù hình thức thế nào thì cũng phải đi vào câu chuyện, câu hát… bởi hát vẫn là quan trọng nhất. Hình thức mà đình đám quá, dễ làm cho cách hát “lọt thỏm” vào trong, mất bản sắc. Tôi cho rằng cải lương vẫn là nghệ thuật của thính phòng, chứ không phải là của sân khấu ngoài trời. Một trong những lý do làm cho cải lương chết là khi đưa nó ra ngoài trời, nếu làm hoành tráng quá thì thiếu phần hồn và bị lổ, mà làm đơn điệu quá thì lại thiếu phần xác, thành ra tạm bợ, èo uột. Khi đời sống phát triển, sự chỉn chu, tinh tế luôn được đề cao, vậy mà cải lương của các sân khấu ngoài trời lại làm cho khán giả có suy nghĩ rằng nó quá lèo tèo, quá nghiệp dư. Tôi ít khi dùng khái niệm hoành tráng, mà thích dùng khái niệm mỹ lệ hoặc tráng lệ. Bao giờ chúng ta mới lại có một vở cải lương mỹ lệ và tráng lệ là một câu hỏi nên được trả lời bài bản và ngay từ bây giờ.

Nhưng kiểu nào?


NSƯT Bạch Tuyết: Không có một giải pháp duy nhất và đơn nhất, mà là một chiến lược từ đào tạo - tổ chức - xây dựng phát triển, từ đội ngũ làm nghề đến sự trợ lực của toàn xã hội. Giáo dục học đường, giới truyền thông, doanh nghiệp… và cả những quy hoạch theo từng lộ trình thời gian; bên cạnh đó và là cơ bản nhất, nhà nước phải đứng trong vai trò bảo trợ. Nếu không thực hiện được những điều này, thì đừng nói chi đến chuyện cách tân, mà ngay cả một đêm nghệ thuật cải lương trữ tình, sang trọng đúng nghĩa mà bao lâu rồi chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được, vẫn chỉ là một câu hỏi không lời đáp!

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Xã hội đang có sự thay đổi nhanh chóng, trong khi cải lương lại thiếu chiến lược đường dài. Đời sống và tinh thần của cải lương vẫn hiện diện khắp nơi, trong khi các đoàn, các sân khấu thì chết dần chết mòn, đó là sự vô lý. Tôi cho rằng đột nhiên bỏ ra một số tiền lớn để dựng vở hay đột nhiên rót tiền về cho các đoàn là việc làm sai, mà vấn đề là số tiền lớn ấy phải chia ra cho hàng quý, hàng năm. Chúng ta phải nghĩ xa hơn chuyện thành tích một vở diễn, một hội diễn để hướng về tương lai xem 10 năm hay 20 năm nữa cải lương sẽ như thế nào? Qua mỗi thế hệ, chúng ta đang thiếu trầm trọng về nhân lực giỏi cho giáo dục, sáng tác, lý luận, quản lý và đặc biệt là đội ngũ làm nghề, thiếu các nghệ sĩ hát hay; chúng ta cũng thiếu sự quan tâm vào việc tìm kiếm lượng khán giả mới, mà chỉ cố chiều lòng khán giả già, các fan hâm mộ. Nếu không làm những việc này thì dù có chục tỷ, trăm tỷ… cho mỗi vở thì cũng khó mà cứu được cải lương.

Đạo diễn Hoàng Duẩn: Để làm mới cải lương phải dựa vào ba yếu tố chính. Thứ nhất, vẫn phải giữ được chất trữ tình của cải lương. Thứ hai, tiết tấu phải nhanh, xử lý hiện đại và mang hơi thở của cuộc sống đời thường, không quá cao siêu. Thứ ba đào, kép sân khấu phải đẹp, hát hay diễn giỏi (nổi tiếng thì càng tuyệt vời).

Kỷ Lục   

      Ông Phan Quốc Hùng (Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) tổng kết lại kinh phí đầu tư cho vở Kim Vân Kiều (KB: Hoàng Song Việt, ĐD: Hoa Hạ) hết khoảng 1,8 tỷ, vở Chiếc áo thiên nga (KB: Lê Duy Hạnh, chuyển thể: Hoàng Song Việt, ĐD: Hoa Hạ) hết khoảng 3,8 tỷ. Vở Kim Vân Kiều bán vé hòa vốn, riêng Chiếc áo thiên nga vé bán được khoảng 1 tỷ, các nhà tài trợ xã hội hóa phải giúp sức cật lực thì phía nhà hát mới lấy được vốn. Ông Hùng cho biết thêm, ngoài chuyện còn đắn đo về hướng dàn dựng, việc khủng hoảng kinh tế cũng đã làm cho các nhà tài trợ xã hội hóa tạm rút lui, chính vì thế mà vở Hoàng đế Quang Trung chưa thể lên sàn tập.


Văn Bảy
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN