TTVH Online

Tự hào Abêxê

28/11/2009 08:10 GMT+7

Tuần này, Diễn đàn xin giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Trần Toán với nhiều ý kiến chủ quan của người viết, có thể gợi ra nhiều suy nghĩ và nhiều tranh luận thú vị.

(TT&VH Cuối tuần) - LTS : Với tinh thần cởi mở và dân chủ của Diễn đàn văn hóa, tiếp tục chủ đề : Người Việt có sáng tạo hay không? tuần này, Diễn đàn xin giới thiệu bài viết của tác giả Đinh Trần Toán với nhiều ý kiến chủ quan của người viết, có thể gợi ra nhiều suy nghĩ và nhiều tranh luận thú vị.

Tác giả Nguyễn Tiến Văn với Câu chuyện sáng tạo nhìn Việt Nam, in chưa đầy hai trang báo, nhưng hàm lượng trí tuệ cao, cái tâm sâu nặng, mở ra vô cùng cho tôi, một kẻ học ít, hiểu biết hạn hẹp, nể trọng. Trước khi theo câu chuyện sáng tạo…, xin lạm bàn cái sự, mà nói cho gọn là TỰ HÀO “abc” do tác giả Nguyễn Tiến Văn đề cập. Nội dung vấn đề kích thích tôi, buộc tôi cầm bút.


 Hiện còn rất ít người đọc được
văn bản chữ Nôm từ nguyên tác

1. Chả là, mới đầu năm 2009 này,
vào chiều tối chủ nhật, tôi được dự ké một bữa cơm Huế. Gia chủ là một lão bà ngoại tám mươi xởi lởi, cá tính, một mạnh thường quân “vô danh” của một số văn nghệ sỹ hàng đầu trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong bữa cơm ấy, có vị là giáo sư, có vị là nhà nghiên cứu, có nhà báo, nhà thơ, có con cháu…cùng thưởng thức cơm Huế và tham gia câu chuyện.


Thiện ý của gia chủ là cho xem những chứng cứ lịch sử mới đưa từ Pháp về khẳng định “chữ quốc ngữ” là công cụ xâm lược của thực dân, thông qua việc truyền đạo của giới tu sỹ, đại diện là Alexandre de Rhodes. Cái ông de Rhodes này theo cách suy nghĩ thông thuờng thôi thì không thể là người tạo ra chữ quốc ngữ được, mà chỉ là người có sáng kiến, tổ chức, chấp bút, đứng tên. Bởi vì, chỉ với đặc trưng có hai thanh bằng và trắc cùng 5 dấu sắc – huyền – hỏi – ngã – nặng trong âm Việt thì phải là người uyên thâm Dịch lý mới biết cách áp đồ hình của Dịch vào việc “hình” thành các dấu của tiếng Việt. Chúng tôi vui sướng nhận ra điều này : dấu sắc – có tính của hình (hành) kim (kim loại…sắt thép) hình một nhát chém xuống, dấu huyền – có tính của hình (hành) thủy (lưu chất, nước) hình mặt nước nằm ngang lặng lẽ, dấu hỏi – có tính của hình (hành) mộc (cây gỗ, mộc, thảo mộc) hình cái cây đứng thẳng, dấu ngã – có tính của hình (hành) hỏa (lửa) hình ngọn lửa ngả theo cơn gió nhẹ, cuối cùng là dấu nặng – có tính của hình (hành) thổ (nặng, chìm, lặn xuống…) hình của đất, cát, khoáng chất …Thứ tự các dấu hiện hành theo đúng chu trình: kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ và thổ sinh kim chính là quan hệ “tương sinh”. Ấy vậy mà, chỉ vì không biết cái “lý” xếp thứ tự dấu nào trước dấu nào, các nhà chủ định La tinh đã tạo ra một cuộc tranh luận khoa học sôi nổi, kéo dài nhiều tháng, trên diễn đàn, trong hội trường, ở các phương tiện thông tin rất hoành tráng. Những quan sát hình dáng của tự nhiên theo cái sự hợp “lý” và áp dụng vào việc tạo hình dáng các dấu trong tiếng Việt chỉ có thể là người Việt tinh thông Dịch lý mới có thể “dụng” đúng quy luật, chứ còn anh “mắt xanh mũi lõ” không có hoặc chưa biết có Lý dịch thì làm sao tạo ra quốc ngữ?! Sự kiện tạo ra “chữ quốc ngữ” một công cụ xâm lược là tàng văn chắc chắn đã được nhà thờ Thiên chúa giáo lưu trong văn khố! Không khó xác định việc này và chứng cứ nêu trên khó bác bỏ!

Rồi mạch câu chuyện tiếp đến là việc đặt tượng “ông mũi lõ” ở đâu cho hợp ý…Nghe xong chuyện (nói ở trên) tôi tức khí, quyết liệt phản đối việc đặt tượng (mà tượng thì đã nặn xong) đại diện cho một công cụ xâm lược “chữ quốc ngữ”, người chủ mưu hủy chữ Nôm (Hán Nôm) - hủy luôn cái phương tiện tư duy bằng biểu tượng là chữ hình khối, kiểu chữ tượng hình có hình khối chữ vuông đặc biệt diệu dụng, cái người đã trốc gốc, diệt tận gốc văn bản gốc Nôm - Hán. May mà một số văn bản gốc đang còn chất đống trong kho tư liệu Hán Nôm. Hán Nôm là nguồn mạch xác tín dẫn tìm về cội nguồn dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa của chính người Việt, thế mà chẳng mấy ai…! Để đến…như bây giờ, trong bốn nước có chung gốc văn hóa phương Đông, có chung nguồn chữ khối vuông Hán tự, thì vẫn còn đấy chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn đều có gốc “vuông” - tượng hình, đang tồn tại và phát triền bền vững, ba nước ấy hiện là những nước phát triển hàng đầu thế giới hiện đại, cùng có biểu tượng Rồng châu Á. Còn ta?

Thế mà “trí thức Việt Nam tự hào là chỉ có tiếng Việt mới có chữ viết abc theo mẫu tự La tinh của phương Tây tiện lợi cho việc bình dân học, và xóa nạn mù chữ…” ư? Thế còn tính hiệu quả khi chúng ta hiện vẫn còn ở mức cố thoát nghèo nàn, lạc hậu trong kinh tế, ứng xử văn hóa…?

Để định danh cho ngang tầm với sự tự hào kia, tôi gọi đó tự hào “abc” cho phải phép.

Những ý kiến này hợp sự lập lý của tác giả Nguyễn Tiến Văn. Chữ tượng hình - khối vuông ghi hình - diễn nghĩa khác hẳn với kiểu chữ gốc La tinh là chỉ ghi âm, “độc” âm rồi mới gán nghĩa vào!…Chứng cớ nhãn tiền là vào năm 1949, nhà lãnh đạo Mao Trach Đông đã chỉ thị La tinh hóa chữ Hán, nhưng tới năm 1956 thì buộc phải bỏ việc La tinh hóa này vì “lấy âm làm chính và chữ làm phụ thì sẽ xé nát đất nước và văn hóa thành nhiều mảnh…”. Ba nước Trung, Nhật, Hàn “…từ khi bãi bỏ chế độ khoa cử (cựu học) để theo Tây học (tân học) người dân các nước kia không mất sợi dây kết nối với truyền thống.” Còn ở ta, từ ngày quốc ngữ lên ngôi độc tôn theo chủ định La tinh, đã triệt tiêu Nôm Hán, dứt mạch cội nguồn văn hóa, dứt luôn sợi dây kết nối truyền thống (tôi chủ ý dùng chữ “dứt”, dứt là chủ động cắt bỏ, khác chữ “đứt”, đứt là có phần bị động, không chủ ý! Có lẽ dứt thuộc phần ý thức, còn đứt thuộc phần vô thức chăng?).

2. Chuyển sang chuyên đề Câu chuyện sáng tạo…

Sách vở chỉ cho tôi: Sáng tạo là bắt chước tự nhiên, là “phi lôgic” và cũng là “phi lý thuần”! tôi thì không biết rõ đúng hay sai.

2.1. Tác giả Tiến Văn dẫn chứng năm 1898 Alfred Nobel, một người Thụy Điển đã phát minh chất nổ cùng với những hệ lụy do chất nổ gây ra, đã sám hối bằng việc lập giải thưởng Nobel. Tiền đề “chất nổ” tiếp dẫn tôi vào cái lý kinh điển của Dịch khi khẳng định: “vạn vật xuất hồ chấn” nghĩa là muôn vật ban đầu hình thành nhờ “nổ” mà vụ Big bang - ba giây hình thành vũ trụ là điển hình…nhưng không phải là duy nhất. Quan sát quanh, hiện tất cả mọi hoạt động hiện đại đều phụ thuộc vào “chấn -nổ”, tất cả đều là máy “nổ” từ tàu lên vũ trụ đến cái xe máy chạy phành phạch hoặc êm ru đều tuân theo nguyên lý “chấn - nổ”. Ngoài ra còn bao nhiêu loại hình “nổ” khác đang vây bủa con người trong tiếng ồn, khói bụi (hậu quả của máy “nổ”, hầu hết các loại hình giải trí hiện đại Tây Âu đều phô hình hài, kích động cơ thể, sẵn sàng bùng nổ, nào rốc mêtan, nào phim hành động, nào xe đua công thức 1, vũ khí nguyên tử, khinh khí…chợt nghĩ tới đã ớn lạnh. Phải chăng thế giới hiện đại là thế giới “chất nổ” do điện tạo ra, những kho lửa chiến tranh đang đầy ắp chất nổ và gây nổ…? Liệu có sai lầm chăng khi khái quát: Thời mông muội chuyển sang thời văn minh nhờ có lửa, thời văn minh chuyển tới thời hiện đại và hậu hiện…là do “chấn - nổ” giữa trời quang?

2.2. Sáng tạo trước hết là thuận theo tự nhiên, quan sát tự nhiên, gom góp kinh nghiệm sống giữa tự nhiên rồi rút ra quy luật, căn cứ vào đó để tồn tại và phát triển. Bắt chước tự nhiên là sáng tạo? Chả thế mà đã có ngành khoa học Phỏng sinh học đó sao?

2.3. Sáng tạo có thể là hai quá trình, từ vô thức tới ý thức và ngược từ ý thức trở về vô thức qua các trạng thể kiểu “thần nhập” và “nhập thần”, “say đồng” và “lên đồng” tới mức “thần hứng” sẽ mở lời, phát ngôn “thánh, thần phán bảo” và… sẽ là sáng tạo? Ông Tiến Văn đã cho hay chữ “thần hứng tức inspiration thì vừa được phiêm âm vừa được dịch là “yên sĩ phi lý thuần”. Đúng là một gợi ý cho cách tôi hiểu sáng tạo là phi lôgic, là phi lý thuần! Nhưng Thần hứng phải chuyển qua giai đoạn Nhân hứng mới tạo nên hình hài thơ phú, xướng họa, kể cả phán truyền lời …

2.4. Từ cội nguồn sâu thẳm người Việt, như tác giả Tiến Văn đã liệt kê, đã có “ba đại sáng tạo, phi thường, một là tạo một đất nước, hai là tạo nền tảng nhà nước Văn Lang và ba là mở mang đất nước…”. Song việc củng cố và phát triển thì “một bộ phận giới ưu tú và trí thức chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Mà hình như trào lưu hiện đại người ta chẳng những ưa mà còn thích, rất thích hàng hiệu may sẵn, khoái dùng cái có sẵn, ít dùng hàng nội hóa? Một xu hướng không biết tiến hay thoái?

Đinh Trần Toán
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN