TTVH Online

Phim phiên bản Việt (Bài 2) - Phim "Remake": Vì sao cần làm lại?

18/11/2009 08:47 GMT+7

Thời gian gần đây, Hollywood có xu hướng thực hiện lại những bản phim đã cũ, thậm chí dựa trên những bộ phim nước ngoài để tìm phong vị mới.

(TT&VH Cuối tuần) - Trên thế giới, một bộ phim được làm lại từ một siêu phẩm đã thành công ra đời trước đó cả chục năm không phải là hiếm. Thời gian gần đây, Hollywood có xu hướng thực hiện lại những bản phim đã cũ, thậm chí dựa trên những bộ phim nước ngoài để tìm phong vị mới.

Dựa hơi các bộ phim kinh điển

Có nhiều lý do để các nhà làm phim quyết định thực hiện một phiên bản mới từ một bộ phim đã cũ mèm. Tuy nhiên, điều đầu tiên thuyết phục họ làm lại một bộ phim cũ là bộ phim ấy bản thân nó đã là một sự thành công, đa phần là ở khía cạnh nghệ thuật. Những bộ phim vốn đã nổi như cồn trong quá khứ và gần như đã bị đóng đinh bởi một đạo diễn trước đó không chỉ là một thách thức, mà còn có sức hút mạnh với các nhà làm phim đi sau. Có ba lý do để họ tiến hành làm lại một bộ phim cũ: 1. Dựa vào thành công vốn có của nó trước đây. 2. Muốn đưa vào bộ phim màu sắc mới. 3. Muốn chứng tỏ khả năng làm phim “cao tay” của mình.


King Kong

Trên thực tế, có rất nhiều bộ phim nổi tiếng được xếp vào hàng “kinh điển” của Hollywood được các nhà làm phim sau này thực hiện đi thực hiện lại. Khán giả hẳn vẫn chưa quên phiên bản mới nhất của bộ phim King Kong được trình chiếu tại Việt Nam năm 2005 do đạo diễn lừng danh của loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, Peter Jackson, thực hiện với sự tham gia của bộ ba diễn viên nổi tiếng: Naomi Watts, Jack Black và Adrien Brody. Peter Jackson mặc dù khi đó đã là một đạo diễn cực kỳ nổi tiếng nhưng ông vẫn không khỏi run khi quyết định làm mới King Kong trên màn ảnh Hollywood. Đơn giản vì King Kong không chỉ là bộ phim chuẩn mực của thế giới từ năm 1933 mà sau đó cũng đã được đạo diễn John Guillermin làm lại năm 1976. Thách thức quá lớn. Nhưng King Kong phiên bản 2005 lại có lợi thế hơn thời điểm thực hiện hai bộ phim trước ở chỗ kỹ thuật làm phim và kỹ xảo khi ấy đã rất phát triển. Nhờ kỹ thuật làm phim hiện đại, rất nhiều cảnh quay tưởng như không tưởng trước đó được thực hiện ngon lành. Peter Jackson đã có một bộ phim làm lại rất thành công không kém gì bộ phim đầu tiên với 3 tượng vàng Oscar cho Biên tập âm thanh, Hòa âm và Hiệu quả hình ảnh xuất sắc nhất. Rõ ràng, King Kong đã được thổi vào một màu sắc hoàn toàn mới.

Có rất nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood được thế hệ làm phim sau này thực hiện lại, đơn cử như Ben Hur, bộ phim gắn liền với tên tuổi của Sidney Olcott ra đời năm 1907. Ben Hur sau đó cũng được làm lại tới hai lần (năm 1925 và 1959). Phim Cleopatra (1934) của đạo diễn Cecil B. DeMille năm 1963 cũng được làm lại bởi đạo diễn Joseph L. Mankiewicz. Bộ phim Oliver Twist của đạo diễn The Pianist Roman Polanski thực hiện năm 2005 cũng đã là phiên bản thứ bảy của bộ phim này. Cũng ít ai biết bộ phim nhạc kịch Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street gây chú ý tại Oscar 2008 với diễn xuất của Johnny Depp từng được làm lần đầu tiên năm 1936 và đã 4 lần được làm lại trước đó. Phim Hamlet cũng được thực hiện tổng cộng 4 lần kể từ lần đầu ra mắt năm 1948.

“Xào” kịch bản của nhau

Còn nhớ bộ phim The Departed (Kẻ quá cố) của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh thế giới mùa giải thưởng điện ảnh năm 2007. Lý do không phải vì bộ phim này thu hút dàn diễn viên toàn “sao” dạng khủng của Hollywood như: Leonardo DiCaprio, Matt Damon, Jack Nicholson, Mark Wahlberg, cũng chẳng phải vì nó là bộ phim đầu tiên Martin Scorsese giành giải Oscar sau 6 lần “vồ” hụt mà vì The Departed được làm lại từ bộ phim rất thành công của Hong Kong trước đó là Infernal Affairs (Vô gian đạo).


The Departed

The Departed năm đó giành tới 4 giải Oscar trên tổng số 5 đề cử, trong đó có giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Từ kịch bản gốc do Alan Mak viết cho bộ phim Vô gian đạo năm 2002, William Monahan đã chuyển thể thành Kẻ quá cố và sau đó được Martin Scorsese đưa lên phim, nhưng với bối cảnh khác, đặt trong bối cảnh xã hội của nước Mỹ. Phải chăng Hollywood đã cạn kiệt nguồn kịch bản hay đến mức phải làm lại từ một bộ phim của châu Á? Đơn giản là vì Hollywood muốn tìm kiếm những câu chuyện mới, những dư vị mới từ những kịch bản vay mượn. Và rõ ràng là The Departed đã thành công. Kịch bản đã được thay đổi nhiều, khó lòng nhận ra nó được làm lại từ Vô gian đạo bởi bộ phim đã được mang một màu sắc mới.

Không chỉ riêng The Departed, Hollywood cũng đã làm lại khá nhiều bộ phim nổi tiếng từ trong đó đáng chú ý có And God Created Woman (Và Chúa đã tạo ra đàn bà) phiên bản 1988 làm lại từ phim Pháp Et Dieu... créa la femme sản xuất năm 1956 với diễn xuất của nữ diễn viên đình đám bấy giờ là Brigitte Bardot. Phim True Lies (Lời nói dối chân thật) rất nổi tiếng vào thời điểm năm 1994 với diễn xuất của bộ đôi Arnold Schwarzenegger và Jamie Lee Curtis cũng được làm lại từ bộ phim Pháp mang tên La Totale ra đời trước đó 3 năm. Hay như bộ phim đình đám năm 1998, City of Angels (Thành phố của những thiên thần) cũng được làm lại từ bộ phim Đức sản xuất năm 1987 là Der Himmel über Berlin. Cũng khá là thú vị khi biết rằng hai bộ phim kinh dị đình đám của Hollywood là The GrudgeThe Ring được làm lại từ các bộ phim của Nhật Bản. Còn bộ phim kinh dị mới đây của Hollywood ra mắt khán giả Việt Nam năm 2009, The Uninvited (Khách không mời) được chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc A Tale of Two Sisters (2003)...


Chuyện làm lại phim của nhau cũng chẳng là điều lạ trên thế giới. Một bộ phim của Hong Kong có thể được một nhà làm phim Mỹ “xào” lại. Và một bộ phim từng gắn liền với tên tuổi của các đạo diễn nổi tiếng của Mỹ cũng có thể được một nhà làm phim châu Á thực hiện lại, với một màu sắc khác, đặt vào một bối cảnh văn hóa khác. Mới đây, đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu đã quyết định làm lại bộ phim Blood Simple (1984) của anh em nhà Coen, cặp đạo diễn xuất sắc nhất Oscar 2008. Nếu như Blood Simple (phim giành Giải thưởng Lớn của BGK tại LHP Mỹ và LHP Sudance) xoay quanh cuộc đời của một ông chủ quán bar ở Texas quyết định thuê một thám tử tư giết người vợ và tình nhân của bà ta thì trong phim của Trương Nghệ Mưu, ông chủ quán bar được chuyển thành ông chủ hiệu mỳ Trung Quốc lên kế hoạch ám sát người vợ ngoại tình.

Làm lại đơn giản là... muốn làm lại

Rất nhiều bộ phim gần đây của Hollywood được xây dựng lại từ những bộ phim cũ với màu sắc mới và chúng vẫn dễ dàng trở thành những bộ phim ăn khách như thường. Tần suất của những bộ phim làm lại ngày càng nhiều và đáng chú ý là phiên bản mới, lấy bối cảnh hiện đại đều gây được sự chú ý. Chúng có thể được giữ nguyên tên gốc nhưng cũng có thể “núp” dưới một cái tên hoàn toàn mới và thay đổi khá nhiều chi tiết so với bộ phim ban đầu.

Ví dụ, Chicago, bộ phim nhạc kịch đình đám của đạo diễn Rob Marshall từng giành 6 giải Oscar năm 2003 là phiên bản mới của Roxie Hart (1942) của đạo diễn William Wellman; Disturbia (2007) được xây dựng lại từ phim Rear Window (1954) của đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock. I Am Legend (2007), bộ phim bom tấn của Hè 2007 với diễn xuất của Will Smith cũng từng được đưa lên màn ảnh hai lần truớc đó dưới cái tên: The Last Man on Earth (1964) và The Omega Man (1971). Bộ phim The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) do đạo diễn Phillip Noyce thực hiện năm 2002 với sự tham gia diễn xuất của Đỗ Hải Yến trước đó cũng đã được Joseph L. Mankiewicz đưa lên màn ảnh đầu tiên năm 1958. Hay như bộ phim vừa ra mắt mới đây mang tên The Taking of Pelham 1 2 3 (2009) của đạo diễn Tony Scott cũng đã có hai phiên bản khác vào năm 1974 và 1998. Thậm chí bộ phim Ocean’s Eleven (2001) với sự góp mặt của nhiều ngôi sao Hollywood như Brad Pitt, Julia Roberts... đã được xây dựng lần đầu tiên từ năm 1960.

Bên cạnh các bộ phim nhựa, tỉ lệ các bộ phim truyền hình thành công của một quốc gia được các nước khác mua bản quyền và dựng lại khá phổ biến. Ví dụ tiêu biểu nhất là series phim hài Ugly Betty rất thành công trên truyền hình Mỹ. Ugly Betty được làm lại từ tiểu thuyết phim truyền hình mang tên Betty la fea của Colombia và đặc biệt thành công trên kênh ABC của Mỹ. Series phim này gây sốt đến mức có tới 16 quốc gia trên thế giới như: Đức, Trung Quốc, Nga... đã mua bản quyền để thực hiện những phiên bản riêng và đều khá thành công. Tại Việt Nam, Ugly Betty được chuyển thể thành Cô gái xấu xí. Việc thực hiện các phiên bản làm lại của những bộ phim truyền hình ăn khách cũng đang là xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh “toàn cầu hóa”.

Bích Hạnh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN