TTVH Online

Học giả Hoàng Xuân Việt - Quái kiệt với 180 tác phẩm và 1 vạn học trò

18/11/2009 14:18 GMT+7

Hôm 15/11, buổi giao lưu mừng thọ 80 của GS Hoàng Xuân Việt đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

(TT&VH) - Hôm 15/11, buổi giao lưu mừng thọ 80 của GS Hoàng Xuân Việt đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Dịp này, cũng công bố 180 tác phẩm trong hơn 60 năm cầm bút của học giả Hoàng Xuân Việt nhằm “cảnh báo” tình trạng vi phạm bản quyền sách của ông hiện nay.

“Viết lén” để thành nhà văn

Học giả Hoàng Xuân Việt sinh năm 1930 tại Bến Tre. Ông tốt nghiệp cao học tại hai trường Đại chủng viện Saint Joseph và Saint Sulpice. Ông còn theo học và nghiên cứu một cách chuyên sâu những môn như triết học, thần học, xã hội học, phụ nữ học, thiên văn học và năng lực hạnh tâm...; sử dụng thành thạo 7 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Hán - Nôm, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và cổ ngữ La tinh.

Nói đến GS-học giả Hoàng Xuân Việt, người đọc tại miền Nam trước 1975 và sau này hầu hết đều ít nhất một lần đọc các tác phẩm thuộc loại sách “học làm người” của ông. Thế nhưng, xuất thân của ông không phải học để cầm bút, ngược lại học để làm linh mục. Năm 11 tuổi, ông bắt đầu vào tiểu chủng viện. Năm 18 tuổi bắt đầu viết sách với những tác phẩm, như: Đức tự chủ, Ngón nghề để luyện lâm, Đức điềm tĩnh... Trong khoảng thời gian ở dòng tu từ năm 1950 - 1957, ông đã viết khoảng 9 tác phẩm. Sau khi không được thụ phong linh mục vào năm 1957 GS Hoàng Xuân Việt nguyện với lòng: Không thành linh mục thì phải thành... văn hào. Và ông đã toại nguyện khi trở thành một nhà chuyên viết loại sách “học làm người” nổi danh không lâu sau đó, cùng với: Phạm Cao Tùng, Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Hiến Lê. Ngoài sách “học làm người”, ông còn nhiều đầu sách giá trị bởi tính học thuật, như: Từ điển Việt - Bồ - La, Lịch sử chữ quốc ngữ... Thời kỳ Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, GS Hoàng Xuân Việt được mời tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của phong trào này.

Giai thoại trong “làng cầm bút” còn lưu truyền với nhau: Năm 1979, một lần vào Nam, học giả Đào Duy Anh có buổi nói chuyện với học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong câu chuyện, cụ Đào Duy Anh đánh giá: “Ông Hoàng Xuân Việt này (nhỏ hơn cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê khoảng 20 tuổi) cũng là loại “quái kiệt” trong làng văn học miền Nam đây. Sao đất Sài Gòn nảy sinh nhiều quái kiệt và kỳ nữ thế nhỉ? Nào là quái kiệt Trần Văn Trạch, Ba Vân và kỳ nữ Kim Cương. Nay nghe số sách xuất bản đồ sộ của Hoàng Xuân Việt, thì tôi cho rằng đây cũng là một quái kiệt về sách đấy nhé!”. Sau đó, cụ Đào Duy Anh nhờ người chở đi tìm nhà Hoàng Xuân Việt nhưng không gặp. Cụ Đào nhại Kiều: “Người đâu nghe kể làm chi/ Vô duyên tìm mãi sáng chừ bặt tăm”.

180 tác phẩm và 10.000 môn đệ


 Các tác phẩm của Hoàng Xuân Việt
đã xuất bản

Nếu đem số đầu sách ông đã viết chia cho số tuổi “bát tuần” hiện giờ của ông, tức khoảng 2,25 đầu sách/1 tuổi, có thể thấy sức làm việc của ông kinh khủng và khoa học như thế nào. Số đầu sách tính trên từng năm của Hoàng Xuân Việt đủ làm tất cả những ai cầm bút phải nể phục. Đó là chưa tính đến khoảng 20 đầu sách của GS bị thất lạc bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong số sách ông đã hoàn thành còn khoảng 90 tác phẩm chưa xuất bản.


Nhưng GS Hoàng Xuân Việt không chỉ dành toàn bộ thời gian của cuộc đời để viết và dịch sách. Ông còn là một nhà giáo với 55 năm làm thầy. GS cho biết ông đã làm thầy của khoảng 10.000 học trò, và nếu nhắc lại thì ông có thể nhớ từng người đã học ông vào thời điểm nào. Vì GS từng làm hiệu trưởng hai trường Nhân xã học làm người (từ 1966 - 1975) và Hán-Nôm Nguyễn Trãi (1993 - 2001). Hiện nay, GS vẫn thường xuyên mở các lớp học như thế tại nhà riêng. Và trong khoảng thời gian gần 60 năm làm thầy, GS đi thuyết giảng khắp nơi trên toàn quốc ở các trường ĐH, cơ quan, công ty, cơ sở giáo dục cũng như viết trên 1.000 bài về phát triển con người toàn diện.

Không chỉ là một học giả viết về nhiều lãnh vực của đời sống hoặc một người thầy của chừng ấy học trò, GS Hoàng Xuân Việt còn làm thơ với một tập thơ mang tên ông dày 600 trang. Chính vì sẵn có “chất thơ” trong người, nên rất nhiều đầu sách của GS nói về những đề tài khô khan nhưng nghe vẫn rất... “mượt mà”. Có thể ví dụ bằng những tựa sách: Văn hóa và văn minh hồn xiêu phách lạc, Bà là thiên đường hay khám lạnh của ông?, Vợ chồng khác miền khác chủng, Việc của ếch giao cho nhái, Ôi! Phù vân, tất cả... đều phù vân, Quân tử khác lòng người ta, Thăng hoa nhân phẩm, Trăm năm nào có gì đâu...

Rất nhiều đầu sách của ông bị vi phạm bản quyền

     Hiện có rất nhiều đầu sách của GS Hoàng Xuân Việt bị vi phạm bản quyền. Có “đầu nậu sách” khi được hỏi bản quyền đã hồn nhiên trả lời: “Tưởng ông Hoàng Xuân Việt chết lâu rồi”. Vậy, từ nay trở đi, NXB nào in sách của GS, xin liên lạc với GS tại 48M Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình, TP.HCM” - Luật sư Hoàng Cao Sang, học trò của GS Hoàng Xuân Việt.

     Trong buổi giao lưu, nhà báo Đinh Phong - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu: Hôm nay tôi cũng là một học trò của GS Hoàng Xuân Việt. Vì tôi vừa học được một câu của GS: “Không nên dạy thế hệ sau ăn rồi “quẹt mỏ” với thế hệ trước”. Việc này nhắc chúng ta phải ứng xử có tình có lý hơn với bản quyền các tác phẩm của GS. Tôi tự hỏi, người ta bỏ nhiều công sức truy tìm người bán da heo thối, trong khi lại quá nhẹ nhàng truy tìm người làm, bán sách giả?


Hoàng Nhân
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN