TTVH Online

Chơi vơi trong mắt ai...

12/11/2009 07:46 GMT+7

Hãy nghe những khán giả đặc biệt đầu tiên đưa ra bình luận của họ về Chơi vơi.

(TT&VH Cuối tuần) - Đến Thứ Sáu (13/11) bộ phim Chơi vơi mới chính thức được công chiếu tại Việt Nam (*), tuy nhiên những LHP quốc tế danh giá mà nó đã và còn sẽ chu du giới thiệu, giải thưởng quốc tế mà phim đã đoạt được cũng như tên tuổi của ê-kíp làm phim cùng nhiều dư luận xung quanh nó, khiến buổi ra mắt phim cuối tuần qua tại TP.HCM thu hút khá đông người quan tâm, nhất là giới làm văn nghệ. Hãy nghe những khán giả đặc biệt đầu tiên đưa ra bình luận của họ về Chơi vơi.

Đạo diễn Vinh Sơn: Một kiểu làm phim rất hiện đại!

Về khía cạnh nghề nghiệp, tôi rất thích phim này. Đây là tác phẩm được làm theo kiểu rất hiện đại, cách xây dựng câu chuyện không phải là đặt vấn đề, phát triển thành cao trào và kết thúc. Nó hoàn toàn như là những khúc, đoạn, lát cắt nào đó không có mở đầu và kết thúc, trình bày như một đoạn đời của nhân vật, không đưa đến một kết luận nào cả.

Tôi có dịp trao đổi với những khán giả nước ngoài, là dân làm phim trong LHP Vancouver và Bangkok, đa phần họ rất thích, đánh giá rất cao. Phim này không nên xem với kiểu truyền thống trước nay của mình là tác phẩm phải đưa ra thông điệp, quan điểm của tác giả. Cái người xem thu lượm được là cảm xúc thật, không có cảm giác hư cấu. Người ta cảm thấy được chứng kiến một quãng đời thật của một con người trong cuộc sống thật.


Cảnh trong phim Chơi vơi

Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, điện ảnh sẽ phát triển theo hướng này, nó không phải phim tài liệu, nhưng là phim truyện được kể gần như có một chút phong cách của phim tài liệu.

Bản thân tôi rất thích và cũng muốn làm phim theo phong cách như vậy. Trên thế giới, dòng phim này đã có chỗ đứng riêng, đặc biệt với những đạo diễn Pháp. Ở mình, cũng đã có Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng rất tiêu biểu cho phong cách làm phim này.

Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn trẻ mà làm phim như thế là phải có nhiều nghiên cứu, tìm tòi lắm. Xem phim mà tôi cứ hồi hộp, tôi sợ, chỉ cần người làm xía vào câu chuyện, cho vào đó một chút kịch tính, bắt nhân vật phải thế này thế kia thì coi như hỏng. Đạo diễn phải rất bản lĩnh trong chuyện này, nếu nóng lòng mà bày ra chuyện để thay đổi không khí cho có hiệu quả gì đó thì coi như uổng công.

Trong phần hỏi đáp sau khi phim được chiếu, tôi có nghe Bùi Thạc Chuyên trả lời rất nhiều câu “tôi không biết”, không biết nhân vật đó là như thế nào và muốn gì. Cái trả lời “không biết” đó là rất hay, vì người đạo diễn không xía vào cuộc đời nhân vật. Đó là thái độ làm phim rất quyết liệt của anh ta. Cứ để nhân vật sống cuộc sống bình thường, những ngày tháng trước và sau khi phim kết thúc thì nhân vật vẫn là như vậy.

Tôi chỉ không thích chi tiết duy nhất là cái chết của cô gái trong phim. Anh có quyền làm một cái chết, một tai nạn vì cuộc sống hàng ngày cũng là như vậy, nhưng vì nó hiếm hoi nên suy cho cùng thì chi tiết này có vẻ chạy ra khỏi dòng chảy bình thường của cuộc sống hàng ngày. Còn tất cả những chi tiết còn lại thì tôi rất thích. Ví dụ như cảnh đứa bé hàng xóm mơ được tắm trong bồn tắm, bên kia là một ông già bê tha, rượu chè cờ bạc..., đó là những mảng sáng tối trong cuộc sống bình thường, rất thú vị.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Một phim không rõ “quốc tịch”

Tôi rất băn khoăn khi nhận được đề nghị cho nhận xét về phim Chơi vơi. Tôi biết anh Bùi Thạc Chuyên là một đạo diễn giỏi và rất nổi tiếng, nhà quay phim Lý Thái Dũng cũng thế. Cả hai tôi đều quý trọng. Nhưng không phải vì thế mà không nói thật những cảm nhận của mình khi xem phim của hai anh. Tôi có thể sai vì tôi chỉ là khán giả, nhưng thiết nghĩ hai anh cũng nên biết những người như tôi cảm nhận về Chơi vơi như thế nào.


Cảnh trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng

Chơi vơi có mùi vị của Trần Anh Hùng Mùa hè chiều thẳng đứng. Một phim không rõ quốc tịch, nhân vật không rõ nguồn gốc văn hóa, một thứ văn hóa lai. Có nhiều cái thiếu hợp lý về tâm lý, nó chỉ là minh họa cho những ý tưởng của tác giả (có thể đấy là một dụng ý, hoặc một đặc trưng của loại phim tác giả?). Phim có thể hấp dẫn người ngoại quốc vì nó có nhiều chất “du lịch” và hợp khẩu vị với giới sành điệu vì nó thời thượng. Một sản phẩm của một cái đầu thông minh và một tay quay tài hoa. Đấy chính là những những yếu tố mang lại thành công cho Chơi vơi khi nó ra rạp. Vì công chúng bây giờ không giống như bọn tôi, không phải vì họ trẻ hơn mà vì họ đang sống trong một thời điểm văn hóa khác nên có những khẩu vị văn hóa khác.

Có nhiều cách đọc cho một tác phẩm văn học và cũng có nhiều cách xem cho một bộ phim. Cho nên ý kiến ngược nhau cũng là chuyện thường tình. Chúng ta quen nghe ca tụng, nên sự không ca tụng có thể gây khó chịu. Nhưng phê bình thực ra phải như thế, đầy tính chủ quan. Còn chân lý lại thuộc về bộ phim, bởi nó là thực tại, anh khen chê cỡ nào thì nó vẫn luôn luôn chỉ là nó. Tôi đã khóc khi xem phim Đừng đốt bởi tính nhân bản của nó, nhưng nhiều người không như tôi. Và với Chơi vơi hay ngay cả Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng cũng thế. Rất nhiều chi tiết điện ảnh và những “câu chuyện kể” của nó đã đẩy tôi ra ngoài phim và biến tôi thành “nhà phê bình bất đắc dĩ” trong khi nhiều người khác thì bị nó lôi cuốn, mê luôn. Ở đây chẳng có ai đúng ai sai mà nó chỉ nói một điều, một điều rất quan trọng là cái ý thích tập thể kiểu cả nước “mũ cối dép nhựa Tiền Phong” đang mất dần để nhường chỗ cho những quan sát, cảm thụ đầy tính cá nhân nổi lên. Vậy thì các tác giả hãy vui lên, hãy lắng nghe để biết ai sẽ là công chúng của mình và cũng có thể để biết mình là ai, mình đã phạm những sai lầm đáng tiếc nào để mà hay hơn, hấp dẫn hơn.

Đạo diễn Lê Hoàng: Sự lạ lùng xen lẫn khó hiểu và ngây ngô!

Nếu đứng ở góc độ tác giả kịch bản phim thì tôi xin nói thẳng ra rằng viết kịch bản kiểu Chơi vơi là quá dễ. Khi người ta không cần cốt truyện, không cần tính cách nhân vật phát triển một cách rõ ràng thông qua một chuỗi sự kiện hợp lý thì bất cứ ai có khả năng “cắt dán” đều viết kịch bản được. Tôi chả ngu dại gì mà đi tuyên bố trên đời chỉ có một kiểu viết kịch bản thôi. Cũng như không dốt nát gì để nói rằng hội họa không cần xu hướng siêu thực, chỉ có tranh cổ điển là đẹp. Nhưng tôi tin chắc các bậc thầy về siêu thực rất am hiểu cổ điển.

Nếu như cần ném lên trang giấy vài ba nhân vật, với vài ba tâm trạng khó hiểu và thất thường rồi cho các nhân vật ấy liên hệ với nhau một cách tùy tiện rồi bảo như thế là kịch bản kiểu mới thì tôi tin rằng trong nháy mắt, các kịch bản kiểu này sẽ chất đầy các hãng phim.

Lối xây dựng trong kịch bản Chơi vơi theo tôi là lối “tiểu tư sản thị dân”. Trong đó hết người này tới người khác hỏi mình rồi lại hỏi nhau về những dằn vặt “sang trọng” của cuộc sống. Người nghèo thật ở ngoài đời không giống thế và người giàu thật ở ngoài đời cũng không giống thế.

Viết kịch bản kiểu này thì có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và kết thúc bất cứ lúc nào, rẽ phải hay rẽ trái hoặc lao xuống bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì. Nếu áp dụng nguyên tắc viết kịch bản đó vào giao thông thì xe cộ sẽ trở nên hỗn loạn vì thành phố có hàng trăm đường cao tốc.

Nếu đứng về góc độ đạo diễn thì xin miễn bình luận.

Về góc độ khán giả, tôi có cảm giác mình đang xem một bộ phim “Việt kiều”. Sự lạ lùng xen lẫn sự khó hiểu và sự ngây ngô. Anh Chuyên trong buổi họp báo đã khuyên người xem tới rạp thưởng thức Chơi vơi hãy dùng tình cảm, đừng dùng lý trí. Tôi rất muốn nghe lời anh nhưng khổ nỗi, lý trí của tôi, tuy chả nhiều nhặn gì, cũng không thể vứt ở ngoài cửa rạp, và nói chung, không thể vứt ở đâu cả. Lý trí khác hẳn với giày dép. Nếu như có thể mời hoặc bắt buộc thiên hạ bỏ giày dép ngoài cửa thì lý trí không thế. Bà con cứ đeo lý trí vào cổ hoặc cắp trong nách dù chả có kẻ cắp nào rình! Cái hành lý “khó chịu” có tên gọi “lý trí” luôn đeo bám tôi hay bất cứ ai khác trong hầu hết mọi hoàn cảnh của cuộc đời này dù nhiều khi ta cũng muốn xua đuổi nó cho ta yên và bạn bè ta vui. Và chút lý trí con con nhưng dai như đỉa đói đó bảo với tôi rằng xem Chơi vơi chả hiểu gì cả. Muốn hiểu thì phải “chơi vơi” nhưng khốn khổ thay hoặc may mắn thay, tôi lại mắc bệnh tầm thường là: cân bằng! Nếu nói một cách học thuật thì đây là loại phim tác giả. Tác giả không cần biết ai nghĩ gì, chả cần biết mình nghĩ gì. Xu hướng đó không phải hiếm trên thế giới, đặc biệt là nước Pháp. Nhiều nhà phê bình bảo đây là thế mạnh của điện ảnh Pháp nhưng nhiều nhà phê bình (đông hơn) bảo đây là nhược điểm chết người.

Song chúng ta không ở Pháp, mà ở Việt Nam.


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Phê bình mang lại sự tỉnh táo cho người làm phim...

* Sau khi Chơi vơi ra mắt khán giả trong nước, lập tức có nhiều lời khen, chê về bộ phim này. Còn ở nước ngoài, tại LHP Venice vừa qua, Ban giám khảo của Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc tế (FIPRESCI) đã đánh giá về bộ phim của anh: “... Phim Chơi vơi đã để lại dấu ấn đậm nét, thể hiện một sự trưởng thành về mặt cảm xúc cũng như về ngôn ngữ điện ảnh...”. Anh nghĩ sao về những đánh giá này?

- Những lời nhận xét, kể cả khen và chê, đều phải có thời gian suy nghĩ vì thật ra, phim vừa làm xong chưa bao lâu. Nhưng trước hết, tôi cảm thấy vui khi một bộ phim có thể gây ra ý kiến trái ngược nhau. Đấy là tín hiệu về một bộ phim tốt, cho mọi người thấy rằng phim này có gì đó khác biệt. Mà nghệ thuật luôn cần sự khác biệt, chứ không thể lặp lại, hay là thứ mà người ta có thể đoán được. Hơn nữa, một bộ phim có thể khiến người xem thích hoặc không thích. Nhưng có điều tôi thấy ở Chơi vơi là, cả người thích và không thích đều hăng hái nói ra điều họ nghĩ. Sẽ rất buồn nếu chẳng có gì để nói. Nghệ thuật sợ nhất sự im lặng. Điều đó còn đáng sợ hơn cả việc người ta nói rằng, phim của mày chán lắm! Tôi cũng rất hiểu cái cách phê bình của người Việt Nam ta. Một vài ý kiến đã đề cập đến tinh thần của bộ phim. Nhưng dụng tâm của những người làm phim là thế, vì chúng tôi cũng phần nào đoán được cảm giác của khán giả khi xem phim.

Còn nhận xét của các nhà phê bình thuộc FIPRESCI, họ là chuyên gia về điện ảnh, ít nhất họ nhìn nhận tác phẩm đúng với những gì họ thấy. Có khi những người làm phim không biết mình đứng ở đâu trong trào lưu điện ảnh, nhưng họ là người biết... Tôi nghĩ, những đánh giá trên xuất phát trên quan điểm nghệ thuật thuần túy. Khi được giải thưởng của FIPRESCI, những người làm ra bộ phim này, trong đó có tôi, cảm thấy tự hào. Những nhà phê bình vốn khắt khe nhất. Phê bình ở phương Tây khác ở Việt Nam. Nói thật ra, Việt Nam chưa có nhà phê bình. Ví dụ như Ban giám khảo của FIPRESCI, sau khi xem xong còn yêu cầu tôi cho họ mượn đĩa để xem lại. Khi nhận xét một bộ phim, họ sẽ không chỉ xem một lần, không nhìn một cách phiến diện mà tìm hiểu kỹ cộng với sự tinh đời và cách làm việc khoa học. Những nhận xét của họ phải nói rằng rất chính xác, đáng giá.

Trong điện ảnh, phê bình rất quan trọng. Nói thẳng, người làm phim không bao giờ tỉnh táo. Giới phê bình mang lại sự tỉnh táo cho người làm phim để họ thấy mình mạnh ở đâu, yếu ở đâu. Điện ảnh Việt Nam đang thiếu nhiều thứ, nhưng thiếu người làm phê bình cũng là một điểm đáng nói. Vì thiếu mà dẫn tới việc ra đời những bài báo buồn cười. Có bài báo gần đây nói rằng bộ phim này không thật, ngay từ đầu đã không thật, làm khán giả hẫng, mọi thứ chưng hửng... nhưng sau đó, ở đoạn kết, người viết lại cho rằng, dù sao bộ phim cũng mang lại cảm xúc mạnh mẽ... Những nhận xét đó theo tôi thật phi lý! Có lẽ người viết đã viết ra những điều họ không hiểu lắm. Cho nên, cái giỏi của những người làm những LHP như: Cannes, Venice... là hàng năm họ được xem nhiều phim nên họ biết phim nào có sự sáng tạo, kể cả những sáng tạo rất “khó nhai”.

* Một số người sau khi đọc kịch bản ban đầu của Phan Đăng Di có nhận xét rằng, bộ phim của anh đã khác xa so với kịch bản đó...

- Không khác gì cả. Nó rất đúng với những ý tưởng của tác giả. Theo tôi, đó là một kịch bản Di viết rất giỏi. Người viết kịch bản giỏi là người mang lại cảm xúc cho người làm phim. Và còn thích thú hơn khi người làm tiếp tục nhận ra những điều hấp dẫn mà ban đầu người ta không nhìn thấy ở đó.

* Nhưng như anh từng nói, kịch bản Chơi vơi lên phim đã phải sửa tới 13 lần?

- 13 lần sửa chỉ để hiểu nó hơn thôi. Ban đầu tôi không hiểu gì về nó, chỉ thấy nó hay, nhưng để lý giải nó thì rất khó vì kịch bản này mang yếu tố tác giả mạnh. Tôi và Di đã cùng sửa để hiểu hơn. Song, qua nhiều lần sửa, tôi quay trở lại kịch bản gần như ban đầu.

* Anh có biết tác giả Phan Đăng Di phản ứng thế nào sau khi xem phim?

- Di chưa xem vì anh ấy đang bận làm phim. Hai phim có cùng tác giả, và có lẽ cũng cùng phong cách nên anh ấy không muốn bị ảnh hưởng đến bộ phim của mình.

* Xin cảm ơn anh!

(*) Chơi vơi sẽ công chiếu từ ngày 13/11 tại cụm Galaxy Nguyễn Du, Cinebox Lý Chính Thắng, Thăng Long, Đống Đa (TP.HCM) và TT Chiếu phim quốc gia, Megastar (Hà Nội), mỗi ngày hai suất vào lúc 10h và 12h.

Đỗ Duy - Vân Hạc - Thu Hằng (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN