TTVH Online

Nhà thơ Trần Quốc Minh (Kỳ 1): Mẹ là ngọn gió của con suốt đời

18/10/2009 16:09 GMT+7

Bài thơ Mẹ in trong SGK văn học là của một tác giả giàu nghị lực.

(TT&VH) - Cách đây gần một năm, khi tiếp xúc với tác giả bài thơ Ở nhà máy gà - nhà thơ Vân Long (TT&VH số 19/11/ 2008), ông hỏi tôi có biết tác giả bài thơ Mẹ in trong SGK không? Tôi ậm ờ, nhà thơ Vân Long giới thiệu luôn: Bài thơ Mẹ in trong SGK văn học là của một tác giả giàu nghị lực. Dù không thể đi lại bình thường như bạn bè, nhưng chú ấy vẫn có thể thi đỗ đại học, làm công việc nghiên cứu văn học mà mình yêu thích, không chịu thua kém bạn bè cùng lứa... Đó là nhà thơ Trần Quốc Minh, quê Hải Phòng…”.

Vịn câu thơ mà đứng dậy

Nhà thơ Trần Quốc Minh sinh năm 1943 (Quý Mùi). Mỗi lần được hoặc bị ai nhắc lại tuổi thơ của mình, ông luôn trào nước mắt. Ông xúc động: “Cha tôi có hai người vợ. Tôi là cậu cả con bà hai, trên tôi là hai chị, dưới tôi là ba cô em gái. Mẹ tôi vốn là cô gái nhan sắc. Bà yêu bố tôi vì thương ông không có con trai khi chia tay với mẹ cả. Cha tôi vô cùng hạnh phúc khi tôi hiện diện trên đời! Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, năm tôi chưa tròn một tuổi sau một cơn sốt ác tính đã bị liệt hai chân, teo cơ tay! Cha mẹ tôi bàng hoàng và đau đớn. Ông cụ là người trầm tính, tuy không hốt hoảng như mẹ, những tôi biết ông vô cùng đau đớn. Chính ông đã tìm đường đi cho con mình: học chữ!


Nhà thơ Trần Quốc Minh

Năm lên bốn tuổi, tôi đã bập bẹ đọc được báo. Bố dạy tôi hết lớp 1 cho tôi. Kể từ năm lớp 2 cho đến khi tôi học cấp 3 (THPT bây giờ) rồi vào Đại học Tổng hợp văn năm 1962, cha vẫn thường phải đèo tôi đến trường bằng xe đạp. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe, tôi không thể theo học được nữa. Và cũng từ đấy, cuộc đấu tranh để tồn tại và tự khẳng định trong tôi đã bắt đầu!”

Năm1959, cậu bé Trần Quốc Minh thi vào lớp 8 (tương đương lớp 10 hiện nay) bị điểm liệt môn Văn vì nhầm nghị luận sang miêu tả trần thuật khi chứng minh chủ đề tình cảm mẹ con. Ông nhớ lại: “Tôi đã kể mẹ tôi thương yêu tôi như thế nào! Giá là đề mở như bây giờ chắc là tôi đã đỗ. Một năm ở nhà, tôi suốt ngày trên thư viện thành phố đọc hầu hết các truyện nổi tiếng, thuộc rất nhiều bài thơ hay và năm sau thi vào lớp 8 tôi được điểm 5+ môn văn (thang điểm của Liên Xô cũ). Người chấm bài lần ấy cho tôi là nhà thơ Thúc Hà. Ba năm học cấp 3 tôi học văn rất giỏi, luôn được điểm cao nhất và cao hơn nữa tôi đã đỗ vào Đại học Tổng hợp (ban Văn) cùng với Nguyễn An Định và Đinh Tiếp - ba thí sinh duy nhất của cả miền duyên hải. Ấn tượng về môn Văn thời đi học thật lạ lùng. Thầy luôn “cháy” giáo án còn trò thì nghe say mê đến quên cả giờ ra chơi! Người truyền lửa văn chương cho chúng tôi thời đó cũng chính là nhà thơ Thúc Hà (giải nhất thơ tại Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới năm 1956 tại thủ đô Warszawa (Ba Lan): Bài Chờ con má nhé được nhà thơ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet làm chủ khảo rất khen ngợi). Cách giảng của Thầy luôn gợi mở, không áp đặt, vì thế ai đã yêu văn chương là yêu suốt đời. Học trò của Thầy Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà) nhiều người đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Phạm Đức, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Ngà, và tôi, Trần Quốc Minh. Riêng thầy vì lý do này khác nên chưa gia nhập Hội”.

     Các tác phẩm chính đã xuất bản của nhà thơ Trần Quốc Minh: Thành phố con tàu (1974), Trồng nụ trồng hoa (1986), Tôi chỉ mong (1995), Bắc cầu (2000), Tuần hoàn của đất (2003), Gió thổi từ biển (2006).

Nhà thơ Trần Quốc Minh bắt đầu làm thơ từ năm 1962, chủ yếu là những bài ca dao, vần vè... Đến năm 1965 hạnh phúc đến với ông là được gặp nhà thơ Vân Long. “Anh Vân Long coi tôi như em. Anh đèo tôi đi khắp thành phố Hải Phòng, khuyến khích, động viên tôi. Chính sự quan tâm, tình cảm của anh Vân Long dành cho đã là một phần rất lớn để tôi tự tin bước vào nghiệp văn chương khi mới 19 tuổi. Tôi đã gánh chịu và tự vượt để vào Đại học. Và đó cũng như là “tiêu chí” của đời tôi vậy. Cả cuộc đời tôi là triền miên những vất vả, đắng cay, tủi nhục. Tôi mong sống như một người bình thường lấy văn chương làm điểm tựa! “Vịn câu thơ mà đứng dậy!” (Phùng Quán)”


Bài thơ cho nhiều thế hệ

Nhà thơ Trần Quốc Minh cho biết: Bài thơ Mẹ ra đời trong một hoàn cảnh rất kỳ lạ: Ngày 16/4/ 1972 giặc Mỹ đánh phá ác liệt TP. Hải Phòng. Tôi theo gia đình em gái - bác sĩ Trần Thị Hồng sơ tán sang bệnh viện An Hải. Tôi nhớ rất rõ khi đó cô Hồng mới sinh cháu Nguyễn Đức Thiện (nay đã là doanh nhân thành đạt). Đêm ấy trời nóng. Còi báo động, bom nổ rung trời. Cháu Thiện khóc ngằn ngặt. Cô Hồng thương con, mắc võng vào hai thân cây, dùng chân đạp võng, tay quạt cho con. Cô quạt đến khi hai mẹ con thiếp đi thì cũng là lúc câu thơ đầu tiên hình thành trong đầu tôi: Lặng rồi cả tiếng con ve - Con ve cũng mệt vì hè nắng oi... Sáng ra, cô sang bệnh viện, tôi ở nhà cùng bố cháu Thiện. Tôi viết rất nhanh bài thơ Ngọn gió của con, sau này in SGK Tiếng Việt Lớp 2 - tập 1 tôi đổi lại đầu đề là Mẹ.  

MẸ

Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa Thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

(Trần Quốc Minh - 1972)


Có một đêm tôi nhận điện thoại, đầu dây bên kia là tiếng trẻ con bi bô - chính là con của cháu Nguyễn Đức Thiện, cháu nội của em gái tôi. Nó nói: “Ông Minh ơi! Mẹ Thủy cháu bảo bài Mẹ cháu đang học thuộc lòng ông viết cho bố Thiện cháu phải không?” Tôi vừa trả lời cháu mà nước mắt giàn giụa “Đúng đấy cháu Nhân ạ!”. Giọng bé con vui sướng: “Mai cháu ra khoe với các bạn trong lớp cháu. Cháu chào ông và chúc ông ngủ ngon”.

Đêm ấy những ngày gian khổ và tươi đẹp lại ùa về trong tôi. Con trai tôi năm nay 30 tuổi, là thủy thủ tàu viễn dương rồi nhưng vẫn thuộc làu làu bài thơ của bố sáng tác từ năm nảo năm nào. Con dâu tôi là một kỹ sư điện tử, ngày 12/10/2009 về làm dâu, câu đầu tiên con dâu tôi hỏi bố chồng, tức là tôi ấy mà, “Bố viết bài thơ Mẹ ạ?”. Hỏi có hạnh phúc nào hơn?

Bài thơ Mẹ viết về mẹ nhưng nhân vật người mẹ trong bài thơ lại không phải là mẹ của nhà thơ Trần Quốc Minh mà là... em gái của nhà thơ, cô Trần Thị Hồng. Nhưng với nhà thơ, điều đó dường như không quan trọng, vì ông quan niệm rằng; “Các bà mẹ Việt Nam đều có đức hy sinh giống nhau. Tôi tự hào vì mẹ tôi - người đã sinh ra tôi và nuôi dạy tôi nên người. Tôi rất quý mến hai bà chị, ba cô em gái, vợ tôi, con dâu tôi; đấy là những người mẹ đã và sẽ là ngọn gió của con suốt đời! Tình yêu thương của người mẹ với con là nền tảng của mọi thứ tình cảm thiêng liêng có được trên đời. Ai được mẹ yêu thương chắc chắn người đó sẽ NÊN NGƯỜI”.

Kỳ sau: Sách giáo khoa là sách dạy làm người

Yên Khương (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN