TTVH Online

Nữ đạo diễn (Bài 3): Việt Linh - Khi làm phim tôi là... gã đàn ông lem luốc, xấu xí!

08/10/2009 08:10 GMT+7

Việt Linh nói: Có thiên hướng nghệ thuật từ nhỏ, 13 tuổi đã “chủ trò” các hoạt động viết lách trong trường, nên khi vào chiến khu gặp cha (nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Việt Tân) là bị hút luôn vào điện ảnh.

(TT&VH Cuối tuần) - * Ai đưa chị đến với nghề đạo diễn?

 - Có thiên hướng nghệ thuật từ nhỏ, 13 tuổi đã “chủ trò” các hoạt động viết lách trong trường, nên khi vào chiến khu gặp cha (nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Việt Tân) là bị hút luôn vào điện ảnh.

* Còn ba chữ “nữ đạo diễn” gợi cho chị điều gì?

 - Tôi thường nói đùa với chồng là nếu anh gặp tôi lần đầu tiên ở trường quay thì có lẽ anh đã... bỏ chạy. Thật vậy, qua hình ảnh được ghi lại thì khi làm phim tôi hoàn toàn là một... gã đàn ông lem luốc, xấu xí! Nhiều lúc nhìn lại, tôi cũng không ngờ mình đã có thể tồn tại như vậy trong cái nghề buộc người phụ nữ phải hi sinh nhiều thứ, phải luôn có lỗi với gia đình, với bản thân.


* Vậy có khi nào chị thấy ngã lòng?

- Không chỉ ngã lòng mà đôi khi tưởng sắp ngã quỵ. Nhưng chỉ đôi khi thôi. Còn lại là mãn nguyện, hạnh phúc được làm nghề mình yêu thích: Năm 1980, tôi không được nhà nước gửi đi Liên Xô học khoa đạo diễn mà học biên kịch, nhưng sang đến nơi tôi đã liều mạng xin thi tự do, và đỗ.

* Để làm một “nghề của đàn ông”, chị có gặp khó khăn gì? Khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài nhìn nhận thế nào về phim của các đạo diễn nữ?

- Người ta xem phim chứ đâu có xem đạo diễn! Cho dù biết đạo diễn là nữ thì cũng thấy hay hay, đặc biệt với những nước Đông phương - nơi mang tiếng xem thường phụ nữ. Lần sang Tokyo, tôi cũng nghe các đồng nghiệp nữ than phiền rất khó hành nghiệp trên đất Nhật. Phụ nữ làm đạo diễn, ngoài sức khỏe, còn phải biết giải quyết ổn thỏa công việc và thiên chức làm mẹ, làm vợ ở gia đình. Khi được hỏi có lời khuyên nào cho những cô gái muốn hành nghề đạo diễn, tôi hay nửa đùa, nửa thật: “Phải biết xả thân vì phim và tìm một ông chồng biết xả thân vì... vợ!”. Một khó khăn nữa đối với chúng tôi - những kẻ “dám đèo bồng” làm đạo diễn là sự đố kỵ. Nhưng với tôi, đố kỵ rất phù du và vô nghĩa. Khó khăn nhất là tự đối diện, tự vượt lên chính mình.

* Chị có thấy “thương” những người phụ nữ đã và đang làm đạo diễn?

- Đạo diễn điện ảnh là một nghề (có thể) đem đến vinh quang nhưng (chắc chắn) đào thải phũ phàng. Với phụ nữ, tính nghiệt ngã đó càng gấp bội nên hiếm phụ nữ theo đuổi nghề đến tận cùng. Tôi rất cảm phục thế hệ đàn chị như cô Bạch Diệp, hay thế hệ đàn em như Nhuệ Giang, bởi hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn của người phụ nữ khi hành nghiệp.


Mê Thảo thời vang bóng

* Theo chị, trong phim các đạo diễn nữ có dấu ấn nữ tính?

- Chắc có, dù vô thức. Thí dụ như một bình luận trên site Cineasie về Mê Thảo: “Việt Linh đã từng làm Chung cư - phim Việt Nam đầu tiên phát hành thương mại ở Pháp - về sự thay đổi của xã hội Việt Nam thông qua một vũ trụ thu nhỏ. Mê Thảo là bức tranh sống động, phong phú của nền văn hóa Việt Nam... Từ một câu chuyện tình song song, phim toát ra một sức mạnh nữ tính mãnh liệt thông qua số phận các  nhân vật nữ - những người bị kiềm chế, giam cầm, song có sinh khí của một tình yêu vô tư”.
 
* Chị làm phim vì cái gì? Động cơ và đối tượng của chị?

-Tôi tin rằng bất cứ nghệ sĩ nào làm phim cũng xuất phát từ đam mê của bản thân, dù có thể vì lý do nào đó, họ nói khác đi. Tôi làm phim trước tiên là cho mình, để thỏa mãn cảm xúc của mình. Sau đó là khán giả Việt Nam. Sau đó mới đến Hội đồng duyệt. Sau đó mới đến chuyện chu du đây đó... Bất luận trình tự này đôi khi vô tình đảo ngược, thì tôi vẫn nghĩ như thế. Tôi làm điện ảnh để được nói tiếng nói công dân bằng nghệ thuật.

* Chị làm phim ít và trong phim chị thường thấp thoáng bóng dáng những phụ nữ có thân phận cay đắng?

- Ít thì đúng, nhưng không phải phim nào cũng nói đến thân phận phụ nữ. Thí dụ Gánh xiếc rong là câu chuyện của cậu bé, Chung cư là chuyện của một ông già. Tuy nhiên khi đã chủ ý nói đến, thì đúng là các nhân vật nữ của tôi đều có số phận đắng cay. Với tôi đó không phải là cái nhìn bi quan mà là thái độ chia sẻ.

* Một phụ nữ mạnh mẽ, “như đàn ông”, sẽ thế nào trước dư luận khen chê? Thí dụ như với Mê Thảo, có rất nhiều lời khen nồng nhiệt, nhưng cũng có những lời chê...

- Không phải chê, mà... phỉ báng, nhục mạ nữa kia (?!). Nhưng đã chọn làm nghệ thuật thì phải biết điềm tĩnh và chịu đựng. Tôi rất thích câu nói của đạo diễn Nhật Ozu: Phàm ở đời, cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo ý mình. Với nghề nghiệp, tôi chỉ biết mình luôn tận tâm, tận sức. Cái gì quá lố tự nó sẽ cân bằng lại.

* Cái gì đã giúp chị trụ lại trong nghề đạo diễn nhọc nhằn như vậy?

- Người ta gọi đó là đam mê. Tôi thì thấy giống sự... si tình! Nhưng si mê không chưa đủ, theo tôi muốn làm đạo diễn cần phải hội đủ ba yếu tố: đam mê, kiến thức và ám ảnh. Không có những ám ảnh, người ta không thể làm phim nói riêng và làm nghệ thuật nói chung.

     Việt Linh là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam được bảo tàng Queensland Art Gallery mời giới thiệu toàn bộ công trình (retrospective) điện ảnh tại chương trình Tam niên nghệ thuật cận đại châu Á - Thái Bình Dương (APT) ở Brisbane, Australia với bốn phim: Dấu ấn của quỷ, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng “với tính cách là một người làm phim đầu đàn” như nội dung thư mời của giám đốc Doug Hall. Chị cũng là đạo diễn Việt Nam duy nhất hiện nay có ba phim phát hành thương mại ở châu Âu, trong đó Gánh xiếc rong là phim Việt Nam đầu tiên ra rạp ở Thụy Sĩ (1992), Chung cư là phim Việt Nam đầu tiên lọt vào mạng lưới thương mại Pháp (2000). Ngoài ra còn nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác cho Gánh xiếc rong (Giải đạo diễn xuất sắc LHP quốc gia 1990. Giải nhất LHP Phụ nữ Madrid -Tây Ban Nha 1992. Grand prix LHP Fribourg - Thụy Sĩ 1992), Chung cư (Giải B Hội điện ảnh Việt Nam 2000. Giải đạo diễn, Ban giám khảo Francophonie LHP Namur - Bỉ 2000), Mê Thảo thời vang bóng (Giải họa sĩ, diễn viên phụ LHP quốc gia 2004. Bông hồng vàng LHP Bergamo - Ý 2003. Giải nhì Quỹ cổ động phát hành quốc tế Francophonie 2004).


Vân Hạc (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN