TTVH Online

Bí ẩn về tấm vải liệm thành Turin đã được giải mã?

07/10/2009 09:34 GMT+7

Mới đây, nhà khoa học người Italia Luigi Garlaschelli cho biết ông đã làm được một bản sao giống hệt tấm vải liệm thành Turin.

(TT&VH) - Mới đây, nhà khoa học người Italia Luigi Garlaschelli cho biết ông đã làm được một bản sao giống hệt tấm vải liệm thành Turin. Ông cũng sẽ chứng minh rằng tấm vải lanh mà tín đồ Thiên Chúa giáo coi là vải liệm Chúa Jesus Christ chỉ là đồ giả từ thời Trung cổ.

Tấm vải này in hình một người đàn ông bị đóng đinh vào cây thập giá mà nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng đó là hình ảnh Chúa Jesus. Nhưng đảo ngược lại thì hình ảnh này trông như thể một âm bản. “Tôi muốn chứng minh rằng mình có thể làm ra tấm vải mang những đặc tính giống như tấm vải liệm thành Turin”, Luigi Garlaschelli nói và ông muốn chứng minh điều đó tại một hội nghị về những hiện tượng huyền bí sẽ diễn ra cuối tuần này ở miền Bắc Italia.

Là một giáo sư hóa hữu cơ tại Đại học Pavia, Garlaschelli đã trao cho hãng Reuters bài thuyết trình mà ông sẽ đọc và những hình ảnh so sánh kèm theo.

Tấm vải liệm thành Turin in hình một người đàn ông có râu, tóc dài, với những dấu máu chảy ra từ cổ tay, chân và sườn. Tuy nhiên, theo kết quả xác định niên đại bằng carbon của các phòng thí nghiệm ở Oxford (Anh), Zurich (Thụy Sĩ) và Tucson (Mỹ) hồi năm 1988 thì tấm vải này được làm vào khoảng từ năm 1260 đến 1390. Những người hoài nghi cho rằng tấm vải liệm là trò lừa bịp để kiếm lợi. Song từ lâu các nhà khoa học vẫn lúng túng không giải thích được làm thế nào mà tấm vải lại in hình người bị đóng đinh.

Garlaschelli đã làm ra phiên bản của tấm vải liệm bằng cách sử dụng nhiều chất liệu và phương pháp có từ thời Trung cổ. Ông phủ tấm vải lên “người mẫu” và chà lên đó một chất màu trộn lẫn với a-xít. Sau đấy, chất màu được “cổ hóa” bằng cách hơ miếng vải trên lò rồi giặt đi giặt lại nhiều lần. Quy trình này làm cũ bề mặt của miếng vải và để lại một hình mờ mờ. Garlaschelli tin rằng chất màu trên tấm vải liệm thành Turin đã mờ đi một cách tự nhiên qua nhiều thế kỷ, rồi người ta thêm vào đó những vệt máu, các vết cháy sém...

Cho đến nay, nhà thờ Công giáo vẫn không tuyên bố tấm vải liệm thành Turin là đồ thật, nhưng nói rằng nó gợi cho các tín đồ nhớ tới những khổ nạn mà Chúa Jesus từng trải qua. Trong khi đó, Garlaschelli đang mong chờ những cuộc tranh luận về phát hiện của mình. “Nếu người ta không muốn tin vào kết quả xác định niên đại bằng carbon của một số phòng thí nghiệm có tiếng nhất thế giới thì chắc chắn họ cũng không tin tôi”, ông nói.


Tấm vải liệm thành Turin

Là một trong những di sản gây tranh cãi nhất của cộng đồng Thiên Chúa giáo, tấm vải liệm này được cất cẩn thận trong nhà thờ Turin ở Italia và hiếm khi được trưng bày. Lần gần đây nhất nó xuất hiện trước công chúng là vào năm 2000 và dự kiến sẽ được trưng bày lại vào năm sau.

Tấm vải liệm thành Turin có một bề dày lịch sử lâu dài. Sau khi xuất hiện ở Trung Đông và Pháp, nó đã được gia đình hoàng gia Italia - Savoy - mang về dinh thự của họ ở Turin vào năm 1578. Năm 1983, cựu hoàng Umberto II đã trao lại tấm vải này cho Giáo hoàng John Paul II. Năm 1997, nó suýt bị hủy hoại khi một trận hỏa hoạn đã tàn phá nhà nguyện Guarini trong nhà thờ Turin, nơi tấm vải được cất giữ. Một người lính cứu hỏa đã liều mạng cứu được tấm vải huyền thoại này.

Lương Tuấn Vĩ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN