TTVH Online

Kỳ nhân phố Hội

01/10/2009 14:06 GMT+7

Gọi “kỳ nhân phố Hội” là muốn nói đến những con người “lạ lùng”, yêu thơ, yêu văn chương một cách mãnh liệt.

(TT&VH Cuối tuần) - Gọi “kỳ nhân phố Hội” là muốn nói đến những con người “lạ lùng”, yêu thơ, yêu văn chương một cách mãnh liệt. Tình yêu đó nếu có sánh với nghìn năm rêu phong mái cổ hay nhỉnh hơn trên dưới thế kỷ của Fai- Fô thì trước sau như một, bền bỉ, âm trầm, hừng hực sức sống. Nó đã góp phần bồi đắp làm nên giao diện hay sắc thái văn hóa của một vùng đất nằm êm đềm bên dòng sông Thu…

Từ hương trong lòng thành cổ…


 Nhà thơ Chế Lan Viên (trái) và nhà thơ
Đông Trình chụp tại Chùa Cầu - Hội An,
 tháng 4/1985

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã có một thời gian lưu trú hoặc học tại Hội An như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Châu Ký đến Phan Huỳnh Điểu, Nguyên Ngọc, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ... Rất tiếc đến bây giờ vẫn chưa có một thống kê nào hoàn chỉnh dạng “biên niên ký” sưu tầm lại những câu chuyện, giai thoại văn nghệ huy hoàng và rực rỡ đó.


Ví dụ như câu chuyện mà khi thực hiện bài viết này, qua tìm hiểu, chúng tôi mới phát hiện nhà thơ Chế Lan Viên khá “nặng nợ” với Hội An: ông đã từng có mối tình đầu ở đây. Biết thế, để cảm những câu thơ của ông “Hội An không là quê/ Mà là hương, khổ thế!/ Quên quê - ai có thể/ Hương ư? Ôi dễ gì...!”. Năm 1985, Chế Lan Viên có dịp trở lại chùa Cầu và kể cho bạn bè nghe “bí mật” say lòng về chiếc hôn thời trẻ.

Hay với Đông Trình, nhà thơ có tên tuổi ở miền Trung thì ông may mắn có được những bài thơ hay viết về Hội An vì thời đi học của ông ở đây:“Hồn phố sâu nên đường phố không dài/ Những ô cửa vàng đèn mờ mái đợi/ Em đi học về tóc xõa mềm vai...”. Có lẽ “hồn phố sâu” đã giúp cho nhiều văn nhân không cảm thấy Hội An là quá bé với những con đường quá ngắn mà mỗi bước như quán tưởng, rền vang cùng rêu phong năm tháng.

Đến kỳ nhân phố Hội

Nhà thơ cao niên nhất Hội An hiện nay là Vũ Minh. Ông sinh năm 1924 và được xem như “kẻ gác đền” nắm giữ chìa khóa mở nhiều bí mật lòng thành cổ. Hội An xưa phục hiện trong những bài thơ Thôn Nhỏ, Âm vang lòng biển... có dư vị riêng. Đặc biệt bài Người thắp đèn, nhà thơ giúp bạn đọc “soi về” những lớp điển tích để làm sống lại những sắc tố huyền diệu của văn hóa. “Dưới ngọn đèn chùa Cầu rực rỡ/ gươm thần Bắc Đế khua vang/ để ếm sống lưng con cù nổi dậy/cái đầu ở tận bên Ấn Độ/ cái đuôi quẫy mạnh đất Phù Tang...”.

Ông Vũ Minh là người có tình yêu thơ kỳ lạ. Ông sẵn sàng đọc thơ bất cứ lúc nào. Nếu bị dập tắt tình yêu thơ ca, không cho đọc thì ông sẽ khóc vật vã và tức tưởi. Một lần tôi chứng kiến và đã sửng sốt trước tình yêu đó của ông. Đó là buổi tọa đàm văn học, vì thời gian hạn hẹp nên chỉ có phần giới thiệu các nhà thơ mà không có phần giao lưu đọc thơ. Nhưng ông Vũ Minh đã đến từ rất sớm, ăn mặc chỉnh tề sang trọng, đợi sẵn. Và điều gì tới đã tới. Ông muốn lên sân khấu để đọc thơ nhưng bảo vệ ngăn ông lại. Thế là ông vừa khóc, vừa vùng vẫy đến ngất đi. Nếu chứng kiến tình yêu thơ của ông lần đầu tiên chắc chắn cảm giác là “khủng khiếp”. Nhưng với những ai đã quen chỉ mỉm cười bởi điều đó không lạ lẫm gì! Tôi thì thấy rất lạ lùng. Hình như có một điều gì đó vượt lên hay chưa thể diễn đạt hết trong thơ. Đó là tình yêu của ông với quê hương sông Hoài, phố cổ. Gọi ông “kỳ nhân” cũng xứng vậy!

Ngày xưa chảy quanh phố cổ có sông Hoái bây giờ chuyển thành sông Hoài. Đó là ngụ ngôn hiện đại mà bạn bè văn chương đùa khi nói về chuyện tình của cặp vợ chồng nhà thơ Phùng Tấn Đôngnhà văn Khiếu Thị Hoài. Phùng Tấn Đông là “quái kiệt”, anh đã quá nổi tiếng với bạn đọc yêu thơ miền Trung bởi sự tìm tòi, khẳng định một nhánh riêng. Vạm vỡ, cô đơn, những bài thơ lành như đất nhưng cũng sống động sắc màu như đất khi được “hóa kiếp” luân chuyển thành muôn hình vạn trạng như làng gốm Thanh Hà nổi tiếng quê anh. Anh làm việc ở phòng văn hóa thông tin Hội An, tham gia viết nhiều kịch bản, biên soạn các chương trình giao lưu văn hóa lễ hội. Và qua thơ thì “khối trầm” đó nung nấu dữ dội hơn. Như nhánh sông Hoài đổ dồn, quành ra biển: “Thu Bồn ơi tôi đã gặp những người già suốt một đời chưa kịp lên bờ/ những chiếc ghe bầu không sinh nở nằm úp mặt sông/ cũng chính là em đã phả vào tôi mùi thịt da dậy thì ngào ngạt suốt đời trăng/ Thu Bồn chảy miên man những rừng lục bình không kịp dừng để tím...”. Khiếu Thị Hoài viết văn, quê Thái Bình, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du. Vì yêu tài năng và cá tính ngang tàng của “chàng thơ”, “nàng văn” đã trở thành “dâu phố Hội”.

Một “kỳ nhân” khác được nhiều bạn trẻ hay du khách nước ngoài ngưỡng mộ là nhà văn Cao Kim. Ông được mệnh danh “Pavel Corsaghin” nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Nga Nicolai Alexeevich Ostrovsky. Ông là tấm gương phấn đấu chiến thắng nghịch cảnh đầy nghị lực. Là một người lính, trong chiến tranh, ông đã bị thương rất nặng. Thương binh ¼. Trong những ngày kề cận cái chết, câu nói của Pavel “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã hoài phí. Để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...” (Thép đã tôi thế đấy) đã “cứu sống” ông. Ông tập viết văn, làm thơ. Đến nay, nhiều tác phẩm ông như Mẹ và đồng đội (1999), Chiến đấu giữa đòn thù (2005), Thơ viết trên xe lăn (1998)... được bạn đọc yêu quý. Ông tự học tiếng Anh để bây giờ là Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng Tân An, chuyên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. “Phá rào cản ngôn ngữ cũng là bước tự khẳng định mình với thế giới...”. Ý chí và sức làm việc của ông thật đáng trân trọng.

Hội An còn có “kỳ nhân” Nguyễn Miên Thượng. Nhà thơ mù. Cuộc đời giang hồ nhiều gay cấn ly kỳ bởi ông đi đây đi đó nhiều nơi, đã từng làm xiếc, ảo thuật, bán thuốc Sơn Đông mãi võ... Với căn bệnh kỳ lạ như một lời tiên tri, ông đã bị mù hoàn toàn. Giờ đây sáng tạo trong bóng tối những bài thơ là cách thế của ông với đời. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ Tình yêu và màu nắng, Một chút mùa Thu bay, Trăng sang mùa... Có bài ông viết về Hội An đáng yêu: “Chiều qua phố cổ chùa Cầu/ Dịu dàng tiếng guốc Triều Châu rơi đều/Người qua ngã nón nghiêng chào/Hội An nhè nhẹ thấm vào tim ta...”.

Các cây bút yêu thơ, yêu nghệ thuật “quên bờ bến” có thể xem là những “kỳ nhân” khác như Phạm Phù Sa (Phạm Phú Sương), Đinh Lê Vũ, Huỳnh Thị Nhung, Trần Nghi Hoàng... là những nét điểm xuyết, dễ thương cho văn đàn phố Hội. Dễ thương như tửu điếm có cái tên A Rồi trên đường xuôi về biển Cửa Đại mà cả họ hay ngồi. Đây là một quán đồ biển bốn bề lộng gió. Cái tên “a, rồi” gắn liền với hai điển tích một là tìm kiếm mãi câu thơ đồng vọng trong hồn bây giờ chợt hiện và hai là nhậu xong, sờ tay vào túi để lấy tiền mới “a rồi” quên mất ví ở nhà(!). “Hô - mơ” Nguyễn Miên Thượng là nhà thơ thường quên một cách dễ thương như vậy! Cái giọng Quảng Nam thốt lên hai chữ “a rồi” nghe êm ái và cũng đầy bí mật như một bài thơ...

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN