TTVH Online

Mắt phố: Dàn "sao" của kịch Hà Nội "tái xuất"

20/09/2009 12:27 GMT+7

Mắt phố, Nhà hát Kịch Hà Nội, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đã đánh dấu những gương mặt tên tuổi của Nhà hát Kịch Hà Nội thêm một lần tỏa sáng.

(TT&VH) - Lâu lắm rồi mới có một vở kịch về Hà Nội hay đến thế. Mắt phố, Nhà hát Kịch Hà Nội, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đã đánh dấu những gương mặt tên tuổi của Nhà hát Kịch Hà Nội thêm một lần tỏa sáng. Và Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc khai màn vào 26/9 này là hội diễn cuối cùng trong cuộc đời sân khấu của họ, trước lúc... về hưu!


 Hoàng Cúc và Tiến Đạt
trong vở Mắt phố

1.
Các thành viên trong gia đình, mỗi người một cách, một tâm trạng đều mong đợi, chờ đón Hoàng Quyên về nước sau chục năm bôn ba làm ăn nơi xứ người. Chỉ ông bố là lo lắng ra mặt, khi ngôi biệt thự cổ bị chia năm sẻ bảy để bán, để xây khách sạn... sẽ làm Quyên không vui...

NSƯT Hoàng Cúc đã diễn thật hay những trạng huống cảm xúc biến đổi phong phú của nhân vật Hoàng Quyên. Vừa cười đã khóc. Vừa tỉnh bỗng hóa mê... Cả cái rành mạch, dứt khoát trước tình cảm mê đắm của “cậu em” chỉ bằng nửa tuổi “bà chị” cho đến lúc tặc lưỡi ban thưởng... “sex” như một “ân huệ”. Cách chị chọn màu sắc trang phục ăn nhập với những mảng tâm trạng sáng - tối của nhân vật cũng thật tinh tế...

Nhiều người yêu mến Hoàng Cúc bắt gặp trong nhân vật Hoàng Quyên thấp thoáng vẻ lạnh lùng, ghê gớm của Thủy trong Tướng về hưu hay sự lưu manh, tha hóa của Tám Bính trong Bỉ vỏ - những nhân vật trên màn ảnh làm nên nên tuổi của Hoàng Cúc trong lòng khán giả cách đây nhiều năm.

Trong vai ông Minh, NSƯT Tiến Đạt hóa thân thành ông bố, như nhiều ông bố trí thức khác ở Hà Nội, thương con và có trách nhiệm với gia đình. Nhưng ông Minh không chỉ hoài cổ, nặng tình nghĩa với những con đường, ngõ phố của Hà Nội mà còn rất tỉnh táo, thức thời... Biết trước việc các con lập mưu bày kế giành giật đất biệt thự để mưu lợi cá nhân, ông đã âm thầm chuẩn bị trả lại biệt thự cho ban quản lý nhà và phố cổ để đổi lấy mấy căn hộ chung cư. Và khi các con biết thì việc đã rồi... Một ông bố không bị con cái “dắt mũi” dù chúng có từng trải trên thương trường hay dạn dày buôn bán ở xứ người... Vì đơn giản, như ông nói: “Bố là người sinh ra các con”.


2. Còn một Hà Nội trong trẻo, yên lành và nên thơ trong những “người xưa” như ông Minh, bà Nhung... Họ lưu giữ và nâng niu biết bao hồi ức đẹp đẽ về Hà Nội, dẫu rằng phố phường Hà Nội hôm nay đã trở nên quá tải, xuống cấp... Và người Hà Nội cũng đã khác xưa rất nhiều, như lời than thở của nhân vật trong vở này. Có cả sự trách cứ nữa, khi ai cũng chỉ biết đến nhà mình, ngõ nhà mình, từ ngõ ra đến phố là của người khác, chuyện của người khác, nên ai nấy nói yêu Hà Nội nhưng Hà Nội đang dần phôi phai...

Vở diễn đánh dấu sự trở lại của đạo diễn-NSND Phạm Thị Thành. Không chỉ sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội, phải là người hiểu và yêu Hà Nội đến mức nào bà mới dựng được vở kịch thấm đẫm hơi thở Hà Nội đến thế. Có lẽ Hà Nội luôn có sức quyến rũ kỳ lạ, nên tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh - “dân” Quảng Bình nhưng viết về Hà Nội thân thương và đầy trách nhiệm đến vậy. Họa sĩ Doãn Châu sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch VN, đã tạo nên một phần không gian Hà Nội cổ khá ấn tượng, với nhà cổ chen lấn nhà cao tầng và dây điện nhằng nhịt cùng với chảo ăng ten lô nhô...

Cùng góp phần vào thành công của vở diễn, làm ra “chất” Hà Nội của vở kịch là dàn diễn viên trẻ với từng nét diễn chững chạc làm toát lên hồn vía của nhân vật, như Tiến Minh (vai Tràng), Trung Hiếu (Dũng), Thu Hạnh (Hạnh Ngân)... Có thể coi họ là lớp diễn viên kế cận đủ sức đảm đương những vai “nặng ký” khi thế hệ những Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Tiến Đạt... không còn trẻ nữa.

Hải Đông
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN