TTVH Online

Chuyện rắc rối từ một bức tranh

11/09/2009 08:55 GMT+7

Chuyện xảy ra ở Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc xung quanh một bức tranh khỏa thân bị nhấc lên hạ xuống tới ba, bốn lần, gây nên một cuộc tranh luận.

(TT&VH Cuối tuần) - Chuyện xảy ra ở Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, vừa diễn ra trong tháng Tám tại thành phố Việt Trì - Phú Thọ, xung quanh một bức tranh bị nhấc lên hạ xuống tới ba, bốn lần, gây nên một cuộc tranh luận. Và ngay cả khi Triển lãm nói trên đóng cửa (25/8), thì “câu chuyện ly kỳ” về bức tranh vẫn còn được truyền tụng râm ran…


 Nữ họa sĩ - tác giả Hà Quỳnh Nga hôm khai mạc triển lãm, đứng bên tác phẩm Dậy thì gây nhiều "sóng gió".
1.
Bức tranh sơn dầu khổ lớn (1,5m x 2m) này của một tác giả còn rất trẻ, tuổi chưa đầy 20. Đó là nữ họa sĩ Hà Quỳnh Nga, hiện đang học năm thứ hai khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tranh có tên là Dậy thì, vẽ một thiếu nữ khỏa thân... trăm phần trăm, đứng thẳng nhìn đối diện vào khán giả với đôi mắt rất nhiều nỗi niềm (bàng hoàng, nghi hoặc, sợ hãi, liều lĩnh, phân vân, lì lợm...). Phụ họa cho cái trạng thái “lắm chuyện” của tuổi thiếu nữ dậy thì ấy là một khoảng nền màu lam và những mảng màu đỏ rực cắt ngang dữ dội. Bên cạnh đó là hình một cây đèn hiệu giao thông ngã tư, đang ở trạng thái “đèn vàng”... Có thể “diễn đạt” ra rất nhiều nghĩa mang “ý văn học” của bức tranh này. Nào là sự đe dọa lững lờ đối với tuổi mới lớn tò mò và rực lửa, những nguy hiểm đáng báo động về lối sống cần cảnh báo dừng lại (hình ảnh đèn vàng ẩn dụ)... Còn về chất lượng nghệ thuật tạo hình, thì đa số những họa sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi trong Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Hội MTVN) đều chung đánh giá là tốt, (hình vững, màu đẹp) với sự thể hiện cá tính nghệ sĩ rất mạnh bạo... Có phiếu còn đề nghị là nên đưa tác phẩm vào xét giải...


2. Nếu chỉ đơn giản như thế, thì đã chẳng có gì xảy ra. Thế nhưng đúng theo thủ tục trước khi triển lãm, phải có khâu duyệt cấp phép của Sở VH, TT&DL tỉnh Phú Thọ. Việc duyệt này diễn ra ngày 8/8, trước khi Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật lên chấm giải. Duyệt cấp phép cũng có một hội đồng của Sở, gồm sáu người (trong đó có một họa sĩ). Khi hội đồng duyệt này đứng trước bức tranh Dậy thì, mới đầu không ai có ý kiến gì. Tất cả những người không có chuyên môn về mỹ thuật chỉ hơi... chờn chợn, vì bức tranh thể hiện quá mạnh bạo, thẳng thắn (chứ màu sắc hình thể bức tranh tuyệt không gây nên cái gì gọi là cảm giác đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục gì cả). Thế nhưng, sau đó có một ý kiến (không biết của ai trong hội đồng duyệt) nêu ra là: Không hiểu sao cái đồng chí tác giả này lại vẽ cô gái “cởi truồng đứng trước ngã tư” nhỉ? Nhà nước vừa ban hành một nghị định mới về giao thông. Hay là bức tranh này có ngầm ý chỉ trích phản đối gì chăng? Ý kiến này làm cho hội đồng bắt đầu lo ngại. Thế là sau một hồi bàn bạc, hội đồng duyệt này quyết định cấp phép triển lãm, nhưng lập biên bản không cho treo bức tranh này...

3. Sáng hôm sau, HĐNT của Hội MTVN lên Việt Trì, bắt đầu chấm giải. Khi đụng bức tranh Dậy thì mới hay là bức tranh đã bị hạ xuống. Hầu hết các thành viên trong HĐNT đều tỏ ý không đồng tình với quyết định này. Cùng lúc đó, Hội VHNT Phú Thọ gửi văn bản hỏi lên Sở VH, TT&DL, đề nghị trả lời lý do không cho treo tác phẩm Dậy thì, nhưng cũng chưa nhận được văn bản trả lời.

HĐNT chia làm hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nên đồng ý với tỉnh và tôn trọng quyết định của Sở. Bởi trong 14 lần tổ chức triển lãm khu vực, với số lượng trên 20.000 tác phẩm, thì mới chỉ có ba trường hợp bị hạ xuống (vì lý do tác phẩm dung tục hoặc nhem nhuốc), thế nên để đảm bảo cho triển lãm này diễn ra thì một bức tranh trên 268 bức bị hạ xuống cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng triển lãm, tác giả bức tranh cũng chưa phải hội viên Hội MTVN. Bởi vì tuy Hội đứng ra tổ chức và chấm giải, nhưng tiền tổ chức triển lãm là của tỉnh cho, bày trên đất Việt Trì, nếu HĐNT làm “phật ý” chủ nhà, thì sợ ảnh hưởng quan hệ về sau...

Luồng ý kiến thứ hai của đa số chuyên viên HĐNT thì cho rằng bức tranh phải được treo, vì trách nhiệm của HĐNT là lựa chọn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có cách tân để treo và được giải, chứ không phải là theo ý lãnh đạo... HĐNT sẽ vẫn làm nhiệm vụ, là treo và chấm tác phẩm này...

Cuộc tranh cãi diễn ra có vẻ gay cấn, cuối cùng bức tranh vẫn bị hạ xuống như quyết định của Sở Văn hóa.


Ông chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ đang dẫn các vị lãnh đạo tỉnh đi xem bức tranh ở góc cầu thang
4.
Thế nhưng lúc này lại xảy ra một sự việc bất ngờ. Cô họa sĩ tác giả là thủ khoa thi vào trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Nếu như Sở không đưa ra được câu trả lời thích hợp về việc cấm treo bức tranh này thì... có lẽ sẽ to chuyện.


Chả hiểu Sở sẽ quyết định thế nào. Mọi người về ăn cơm, câu chuyện rôm rả về bức tranh “cởi truồng đứng ngã tư” suốt hai ngày trời. Không biết sáng mai khai mạc bức tranh có được treo không?

Sáng hôm sau, bức tranh có được treo, nhưng treo... ở vị trí khá khiêm tốn ở một góc cầu thang khuất lấp. Mọi người tranh đấu vì nó cũng mừng. Sau khi khai mạc, ông chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ liền dẫn ngay các vị lãnh đạo tỉnh đến góc cầu thang này để mời các vị xem, dẫn giải về bức tranh và xin ý kiến... Các vị lãnh đạo tỉnh đều nhận xét tốt và đồng tình với việc treo tranh.

5. Cuối cùng thì cũng là một cái “happy ending” cho bức tranh “cởi truồng đứng giữa ngã tư” của một họa sĩ thiếu nữ. Nhưng qua đây lòi ra rất nhiều vấn đề. Đó là cách ứng xử văn hóa đối với nghệ thuật và cách nhìn nhận đối với tranh nude. Những chuyện gán ghép ý nghĩa tranh nude, ảnh khỏa thân với... khiêu dâm, đồi trụy chứng tỏ nhận thức về mỹ thuật (và cả tình dục nữa) ở ta còn có nhiều điểm đáng bàn. Ảnh nude và ảnh khiêu dâm có sự phân biệt tương đối rõ nét hơn đã đành. Ngay trong ảnh nude, tranh nude cũng có nhiều cấp độ rất mong manh, từ biểu hiện một cách thanh khiết, cao quý cho tới trần tục, “xôi thịt”,... phải được phân định rõ bằng văn hóa, thẩm mỹ và chuyên môn nghề nghiệp. Ở đây, chúng tôi không cho rằng mọi thứ tranh, ảnh nude đều là... phải hô hào ủng hộ để chứng tỏ rằng mình cấp tiến. Cũng cần phải xem xét thận trọng trong từng trường hợp. Như vụ triển lãm ảnh khỏa thân hụt của một tay máy gần đây được nhiều báo làm rùm beng và ca ngợi hết lời. Tuy nhiên, không ít nhà nhiếp ảnh chân chính thì đánh giá ảnh của tác giả này chỉ thuộc loại “ảnh phong cảnh có yếu tố đàn bà cởi truồng”.

Cách đây hàng chục năm cho tới bây giờ, quả thực, sự không phân biệt nổi đâu là tranh ảnh nude và tranh ảnh khiêu dâm, đâu là nghệ thuật và văn hóa phẩm đồi trụy đã khiến xảy ra nhiều vụ việc phức tạp. Nhà nhiếp ảnh Trọng Thanh sau khi không may qua đời bởi chuyện ghen tuông thì ảnh nude của ông bị kết luận đánh giá hết sức bôi bác...

Cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức để một tác phẩm hội họa khỏa thân đẹp, chính đáng, có ý nghĩa và chất lượng nghệ thuật đừng bị gọi, và bị đối xử như là “cái tranh cởi truồng đứng giữa ngã tư”!!!...

Hà Châu Sơn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN