TTVH Online

Nghệ thuật hàn lâm (Bài 1): Điểm mặt anh tài

07/09/2009 14:24 GMT+7

Chương trình Giai điệu mùa Thu (lần thứ năm vừa diễn ra tại TP.HCM) ngay từ khi được khởi xướng đã hướng đến cuộc hội ngộ những tài năng nghệ thuật hàn lâm của TP.HCM ở trong và ngoài nước.

NGHỆ THUẬT HÀN LÂM

Nhân tài như lá mùa... Xuân?

Có nhà đầu tư nước ngoài, khi tới Đà Nẵng, câu hỏi đầu tiên dành cho các lãnh đạo thành phố năng động nhất miền Trung, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vì nhà đầu tư này không hỏi về GDP hay về năng lực sản xuất của thành phố, mà là: Thành phố các ngài có dàn nhạc giao hưởng không?


Đằng sau câu hỏi này là một vấn đề lớn, đó chính là “vị trí thượng tầng” của nghệ thuật hàn lâm (với các loại hình như giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch...) trong kết cấu của “ngôi nhà văn hóa” một thành phố, một quốc gia. Một ngôi nhà văn hóa sẽ không có đỉnh cao nếu như chủ nhà chỉ mải miết xây những tầng trệt.

Biết vậy, nhưng xây được tầng cao không phải là chuyện dễ, mà một trong những chất liệu quan trọng để “xây”, đó chính là con người, hay nói cách khác, là những tài năng của nghệ thuật hàn lâm. Việc đào tạo những ngôi sao nhạc pop vốn không hề đơn giản, nhưng để có được một ngôi sao nhạc hàn lâm, lâu dài, tốn kém và gian khó hơn nhiều.


Giai điệu mùa Thu 2009

Trong chuyên đề Âm nhạc hàn lâm - Định hướng “không định hướng” trên TT&VH Cuối tuần số 20 (tháng 5/2009), chúng tôi đã đề cập tới một khía cạnh đáng quan tâm của nghệ thuật hàn lâm, đó là công chúng của nghệ thuật hàn lâm và quan điểm đầu tư cho nghệ thuật hàn lâm hiện nay ở Việt Nam.

Trong chuyên đề Nghệ thuật hàn lâm: Nhân tài như lá mùa... Xuân số này, nhân sự kiện trên sân khấu Hà Nội và TP.HCM đồng loạt vừa diễn ra các chương trình: Khúc giao mùa (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam), Giai điệu mùa Thu (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM), Beethoven Cycle 2 (nằm trong dự án của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tất cả các giao hưởng của Beethoven), Vietnamnet Concert: Điều còn mãi, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh đáng quan tâm khác của khu vực nghệ thuật này, đó là người tài. Và trong phạm vi cho phép, chuyên đề xin giới hạn nhân tài ở nguồn lực các nghệ sĩ hàn lâm đã và đang được đào tạo tại nước ngoài, nhìn từ khu vực TP.HCM.

Tổ chức chuyên đề: PHẠM THỊ THU THỦY - HỮU TRỊNH

Ảnh: Danh Ngọc, HT, Nhà hát giao hưởng



(TT&VH Cuối tuần) - Chương trình Giai điệu mùa Thu (lần thứ năm vừa diễn ra tại TP.HCM) ngay từ khi được khởi xướng đã hướng đến cuộc hội ngộ những tài năng nghệ thuật hàn lâm của TP.HCM ở trong và ngoài nước. Hơn những buổi trình diễn đơn thuần, đây còn là cuộc “điểm binh lực lượng” làng nhân tài phương Nam trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm. Và từ những đêm Giai điệu mùa Thu này, người ta thấy, nhân tài của TP.HCM trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm không hề như lá mùa Thu, mà ngược lại.



Nguyễn Hữu Nguyên và Hoàng Linh Chi (phải)

Ra đi

Sau thời gian đứt đoạn, kể từ thập niên 1990 trở về trước, với một lực lượng khá hùng hậu được Nhà nước gửi đi đào tạo tại các nước XHCN, hơn 10 năm trở lại đây, phong trào du học nghệ thuật hàn lâm bắt đầu trở lại. Ban đầu là những học sinh du học tự túc, với các điểm đến chủ yếu là Nga, Pháp và Mỹ. Sau đó nhờ một số học bổng của các tổ chức nước ngoài, học bổng của UBND TP.HCM trong Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ tiến sĩ, đã có khá nhiều học sinh nghệ thuật hàn lâm TP.HCM đi học tại những cái nôi của nghệ thuật hàn lâm thế giới như Nga, Mỹ, Pháp, Australia... Một số khá lớn trong nhóm này sau khi kết thúc chương trình học tập hiện đã làm việc tại nước sở tại. Được nhắc đến nhiều nhất trong số này là hai anh em Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam (violin). Cả hai hiện là nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp - một vị trí khá danh giá mà không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội, nhất là những nghệ sĩ không quốc tịch Pháp. Hoàng Linh Chi (violin) hiện làm việc ở Dàn nhạc Giao hưởng Cordoba, Tây Ban Nha. Hoàng Tuấn Cương (violon) làm việc tại dàn nhạc Philharmonie Staatsorchester Hamburg, Đức. Nguyễn Quốc Trường (violin) hiện làm việc tại Mỹ. Trần Hữu Quốc (violin) đang dạy học ở Hàn Quốc. Văn Hùng Cường (piano) hiện giảng dạy tại Đại học cộng đồng Bắc Virginia và Đại học Shenandoah, Mỹ. Nguyễn Bích Trà hiện là nghệ sĩ biểu diễn, sống ở Anh quốc... Nhưng cũng đã có nhiều người trở về. Ngoài Bùi Công Duy (violin), thạc sĩ Nhạc viện Tchaikovsky, từng đoạt giải nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng violin trẻ U18 mang tên Tchaikovsky Saint Petersburg (Nga) năm 1997, vốn là cựu học sinh Nhạc viện TP.HCM, nhưng khi trở về lại đang đầu quân cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì TP.HCM là điểm trở về của không chỉ những tài năng đã ra đi từ TP.HCM.


Hoàng Tuấn Cương (trái) và Nguyễn Hữu Khôi Nam

Trở về  

Trong số những sinh viên đã tốt nghiệp các nhạc viện nước ngoài trở về TP.HCM, có hai nghệ sĩ du học ở Pháp sớm nhất trong “trào lưu” du học các nước Anh, Pháp, Mỹ. Đó là Lê Hồ Hải (piano) tốt nghiệp đại học tại Nhạc viện TP.HCM. Du học Pháp từ năm 1995 đến 2000, tốt nghiệp thủ khoa bậc cao học tại Nhạc viện quốc gia vùng Saint Maur, anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi âm nhạc Ile De France tổ chức tại Paris. Hiện nay Lê Hồ Hải là Phó trưởng khoa piano của Nhạc viện TP.HCM. Nhân vật thứ hai là Tăng Thành Nam (violin). Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhạc viện TP.HCM, Nam du học tại Nhạc viện quốc gia Boulogne Billancourt (Pháp) từ 1998 đến 2002, tốt nghiệp thủ khoa bậc sau đại học chuyên ngành biểu diễn violin. Từng đoạt giải Nhất cuộc thi Âm nhạc mùa Thu tại Hà Nội (1993), hiện Tăng Thành Nam là concert maitre (trách nhiệm cao nhất trong dàn nhạc chỉ sau người nhạc trưởng) của Dàn giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM.

Một người không xuất thân từ Nhạc viện TP.HCM nhưng lại đầu quân về Nhạc viện là Đỗ Kiên Cường, một nhạc trưởng năng động, được giới nhạc nhẹ biết đến qua live show Unlimited Symphony kết hợp dàn nhạc giao hưởng với ban nhạc rock. Trước lúc nhận học bổng của trường Brooklyn (Mỹ), Đỗ Kiên Cường là giảng viên kèn hautbois và chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội. Tuy học hautbois trước, sau đó mới học chỉ huy nhưng giới âm nhạc Hà Nội biết nhiều đến anh trong vai trò thành lập và chỉ huy dàn nhạc thính phòng tại Hà Nội, xuất hiện trên nhiều chương trình của VTV. Đỗ Kiên Cường tốt nghiệp thạc sĩ hautbois tại trường Brooklyn, anh có tiếng kèn đẹp và giàu biểu cảm. Nhưng thời gian học tại đây anh lại ăn lương trợ lý dàn nhạc, chuyên chỉ huy biểu diễn những tác phẩm mới của sinh viên.


 Vũ Việt Anh
Sau Đỗ Kiên Cường, từ nước ngoài trở về còn có thêm bốn nghệ sĩ trẻ khác, và cả bốn đều là dân chỉ huy và sáng tác - hai lĩnh vực rất “khó sống” tại nước ngoài.


Vũ Việt Anh được biết đến với tư cách tác giả của nhiều ca khúc Top ten Làn sóng xanh như: Mưa phi trường, Dòng sông lơ đãng, Những mùa hoa bỏ lại... nhưng đó chỉ là “nghề tay trái”. Việt Anh tốt nghiệp đại học piano Nhạc viện TP.HCM năm 1999. Năm 2001 anh du học New Zealand, hoàn thành chương trình cử nhân và sau đại học chuyên ngành sáng tác tại trường Auckland. Ngay sau khi hoàn tất chương trình học tập tại xứ người, Việt Anh lặng lẽ về nước và đầu quân về Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Anh từng được trao giải Nhạc sĩ trẻ cho phần âm nhạc viết cho vở múa Tiếng chuông trong cuộc thi múa ít người do Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức năm 2007.

Một gương mặt trẻ khác cũng thuộc giới sáng tác, là Nguyễn Mạnh Duy Linh. Sau khi tốt nghiệp piano trung cấp 11 năm tại Nhạc viện TP.HCM, năm 2000 Linh bắt đầu học sáng tác tại Nhạc viện quốc gia Magnitogorsk (Nga), tốt nghiệp “bằng đỏ” bậc đại  học và cao học tại trường này. Trong thời gian anh học ở Nga, nhiều tác phẩm của anh đã được biểu diễn ở các thành phố như: Magnitogorsk, Chelyabinsk, Perm và Moscow. Năm 2006, Linh được mời tham gia Festival các nhạc sĩ trẻ nước Nga với tác phẩm Passing-by viết cho tứ tấu đàn dây. Đặc biệt với bản Concerto cho violin và dàn nhạc anh đã đoạt giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất của Liên hoan âm nhạc quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Chelyabinsk (Nga) năm 2007. Năm 2008 anh đã hoàn thành chương trình cao học năm 2008 và ngay năm sau đã đầu quân về Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM.


Nguyễn Anh Sơn

Hai chỉ huy trẻ vừa bổ sung vào lực lương của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM là Nguyễn Anh Sơn và Trần Nhật Minh. Nguyễn Anh Sơn đang học đại học piano năm thứ hai thì được học bổng du học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Sau đó Sơn tốt nghiệp xuất sắc ngành chỉ huy giao hưởng - nhạc kịch năm 2006 và về Việt Nam năm 2007. Về khả năng của Sơn, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Phó giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM nhận xét: “Nguyễn Anh Sơn là nhạc trưởng trẻ có năng lực và được đào tạo rất bài bản. Trong Giai điệu mùa Thu vừa qua đã dàn dựng nhiều tác phẩm, trong đó Giao hưởng thơ Những khúc dạo đầu của F.Liszt là một tác phẩm rất khó, nhưng Anh Sơn đã làm việc với tinh thần độc lập và mang lại hiệu quả cao”. Còn Trần Nhật Minh, một chỉ huy hợp xướng đẹp trai của Nhà hát, tốt nghiệp xuất sắc đại học chỉ huy hợp xướng Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (2004), sau đó tốt nghiệp thạc sĩ tại Nhạc viện Tchaikovsky năm 2007. Trong Giai điệu mùa Thu 2009, với phong thái chững chạc, đầy sức lôi cuốn, anh đã tạo ấn tượng đậm nét cho mọi người với 11 chương của đại hợp xướng Carmina Burana, khẳng định một tài năng mới trên bục chỉ huy. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch hết lời ca ngợi chỉ huy trẻ này: “Trần Nhật Minh nổi bật với một phong cách chỉ huy xông xáo, không ngại những “phá cách” với việc dựng chùm tác phẩm a cappella theo phong cách jazz (năm ngoái) và đại hợp xướng hiện đại Carmina Burana”. Hiện Trần Nhật Minh đã được giao chức Phó đoàn Nhạc kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch. Cả Trần Nhật Minh và Nguyễn Anh Sơn hiện đang xúc tiến hồ sơ để có thể tiếp tục tu nghiệp ở nước ngoài theo Chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM.

   Thời gian học ở Nga và làm việc ở Hàn Quốc, tôi thấy các nước đầu tư rất nhiều cho các tài năng âm nhạc hàn lâm, họ được xem là những người quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa của đất nước. Cầm tấm bằng nhạc hàn lâm là niềm tự hào và đi đâu cũng được mọi người tôn trọng.

    Ở Nga và cả ở Hàn Quốc cũng có một số nghệ sĩ ở hẳn nước ngoài, một số về làm việc tại quê nhà, tỷ lệ này khoảng 50-50. Tuy nhiên những người làm việc tại quê nhà có điều kiện ra nước ngoài giao lưu kể cả giảng dạy nhiều hơn so với Việt Nam"
Có một trường hợp khá đặc biệt trong nhóm các tài năng trở về là nghệ sĩ clarinet Đào Nhật Quang. Quang học sơ cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, năm 1982 bắt đầu học trung cấp tại trường trung cấp âm nhạc trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky, tốt nghiệp trung cấp và đại học tại đây. Sau đó anh học thạc sĩ biểu diễn tại Nhạc viện Glinka Novosibirsk. Sau khi tốt nghiệp, anh đến làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc cùng bà xã người Hàn là Cho Hae Ryong (thạc sĩ thanh nhạc), anh từng là giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Pusan (2003-2008), giảng viên Đại học Inje và Đại học Kyongnam (2006-2008), thành viên dàn nhạc giao hưởng thành phố Yangsan (2004-2007). Năm 2007 anh đoạt giải thưởng Văn hóa Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc. Năm 2008 anh đã cùng vợ về đầu quân cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Hiện Nhật Quang là solist clarinet của dàn nhạc, còn vợ anh, Cho Hae Ryong cũng là solist và kiêm vai trò hướng dẫn thanh nhạc cho Đoàn Nhạc kịch của nhà hát.


Cho Hae Ryong
 
Ngoài ra, có một gương mặt tuy chỉ được đào tạo ở trong nước nhưng có thể được xem là một tài năng mà TP.HCM đang “sở hữu”. Đó là Nguyễn Tuấn Lộc, một tiếng kèn bay bướm, nhiều màu sắc và đầy cá tính    nghệ sĩ. Ông nội và bố của anh đều là nghệ sĩ kèn clarinet, còn bản thân Tuấn Lộc tốt nghiệp clarinet Nhạc viện Hà Nội, từng theo dàn nhạc trẻ châu Á biểu diễn tại Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và hiện là bè trưởng bè clarinet trong dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

Còn dùi mài kinh sử

Trong số những tài năng được đặt nhiều hy vọng và hiện vẫn còn đang dùi mài kinh sử ở xứ người, “cựu trào” nhất là Tạ Tôn (violin), hiện đang ở Mỹ. Anh vừa kết thúc chương trình cao học sư phạm âm nhạc (hiện đang đi thực tập), trước đó anh đã tốt nghiệp cao học biểu diễn. Phạm Thiên Bảo trước đây học violin nhưng sang Pháp được phát hiện là rất có tố chất về viola, hiện đang học viola ở Nhạc viện Paris. Trần Đức Minh, tuy học contrebasse ở Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng gia đình ở TP.HCM, là con trai của Trần Đức Nguyên, nghệ sĩ contrebasse của Nhà hát GH Nhạc Vũ kịch TP.HCM, du học ở Singapore, tốt nghiệp đại học và hiện nay đang học thạc sĩ ở Mỹ. Bùi Anh Sơn hiện đang học cao học viola tại Australia. Võ Hồng Quân, con gái nhạc sĩ Võ Đăng Tín hiện đang học thanh nhạc tại Nhạc viện Lyon (Pháp).

     Theo Nguyễn Nhật Quỳ, hiện đang học đại học piano tại Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore: “Ngoài việc mời những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến dạy, họ còn cấp học bổng cho các học sinh nước ngoài (trong đó có Việt Nam) có năng khiếu tốt, với cam kết sau khi tốt nghiệp phải làm việc tại Singapore ít nhất là ba năm. Nhật Quỳ và một số sinh viên Việt Nam đang học tại Singapore với học bổng này. Đặng Thanh Trung và Lê Hoàng Hải Vân tốt nghiệp violin tại Singapore và hiện đang giảng dạy tại đây”.

     Dàn nhạc giao hưởng Petronas Malaysia thì trả lương cho nhạc công rất cao, mức lương hấp dẫn đến mức nhiều nghệ sĩ giỏi ở châu Âu đến ký hợp đồng làm việc lâu dài với dàn nhạc.
Về piano cũng có khá nhiều sinh viên đang học tập ở nước ngoài, như Trần Thị Tâm Ngọc đang học thạc sĩ tại Nhạc viện Boston (Mỹ), Nguyễn Huệ Hương đang học thạc sĩ tại Pháp. Nguyễn Nhật Quỳ và em trai Nguyễn Tiên Khải đang học đại học tại Singapore. Đặc biệt có Trương Hoàng Huy đang học thạc sĩ tại Bỉ, người đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế tại Italia năm 1997 và Trần Ngọc Nguyên Trinh hiện đang học thạc sĩ tại Nhạc viện Paris (đoạt giải Nhì cuộc thi piano quốc tế tại Italia năm 1997).

Những sinh viên này một số là nhận học bổng của Singapore, theo cam kết họ phải làm việc cho Singapore ba năm để “trả nợ”. Một số đi học với học bổng Chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM thì phải trở về. Nằm ngoài hai đối tượng này thì tất cả các cánh cửa đều mở trước họ: trở về hay không phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Có thể thấy, chưa khi nào, lực lượng trẻ với nghệ thuật hàn lâm ở TP.HCM, nơi đời sống nghệ thuật vẫn được xem là khá xô bồ, lại lộ diện một cách đông đảo và ấn tượng như thế. Thay vì lo lắng “nhân tài như lá mùa Thu”, có thể nhìn thấy ở đây một mùa Xuân với những cành non và lộc biếc... Có điều, để những cành non và lộc biếc ấy phát triển mạnh mẽ thay vì thui chột, lại là một câu chuyện khác.


CHÚNG TÔI ĐÃ TRỞ VỀ

Chỉ huy hợp xướng Trần Nhật Minh: “Với nghề chỉ huy, ở nước ngoài khá nhiều, nhưng mỗi dàn hợp xướng thì chỉ có một chỉ huy, vì vậy sự cạnh tranh rất khắc nghiệt, rất khó để có một chân chỉ huy đàng hoàng. Nghề chỉ huy thì không thể sống “lang thang, vất vưởng”. Năm 2007, Minh về tham gia Giai điệu mùa Thu, thấy không khí hào hứng, thế là về. Ở Việt Nam, Minh đã thật sự được tạo cơ hội để làm việc, có điều kiện để phát huy năng lực dù mới ra trường, còn ở nước ngoài có cảm giác mình chỉ là công dân hạng hai.

Về những tài năng trẻ ở Nga, họ được thừa hưởng môi trường học tập và truyền thống âm nhạc hàn lâm lâu đời, chúng ta cũng không thể so sánh với họ về mọi mặt. Còn đời sống hiện nay của bản thân tôi, nó cũng giống như rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm khác ở Việt Nam mà nhiều người đã nói, mọi người cũng đã biết. Chỉ có điều muốn nói, là với những điều kiện như vậy chúng tôi đã trở về...”.

Nghệ sĩ clarinet Đào Nhật Quang: “Tuy có việc làm ổn định ở Hàn Quốc, nhưng tôi quyết định về Việt Nam với nhiều lý do. Ngoài việc đưa con cái về nguồn cội để tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, tôi rất muốn vợ chồng mình góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật hàn lâm Việt Nam. Tôi quyết định về nước sớm vì nghĩ rằng, khi còn trẻ thì sự cống hiến của mình nhiều hơn và thiết thực hơn. Mặt khác, ở nước ngoài, dù có giỏi gì đi nữa mình vẫn là công dân hạng hai”.

NGHÊ SĨ MÚA: ĐI LÀ VỀ


 Đặng Linh Nga
Đặng Linh Nga con của nghệ sĩ Đặng Hùng - Vương Linh và Tạ Thùy Chi con của GS Tạ Bôn và NGND Nguyễn Kim Dung (nguyên Hiệu phó Trường Múa TP.HCM) là hai tài năng trẻ du học tự túc ngành múa đầu tiên ở TP.HCM. Cả hai theo học trung cấp múa sáu năm tại Trường Múa Quảng Đông (Trung Quốc) từ 1998. Sau khi tốt nghiệp, Đặng Linh Nga tiếp tục thi vào đại học múa thuộc Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh học về múa dân gian các dân tộc Trung Quốc (2004-2008), rồi trở về công tác tại Nhà hát Bông Sen. Cô từng đoạt giải Diễn viên ưu tú của cuộc thi múa toàn Trung Quốc năm 2003, giải Diễn viên xuất sắc các trường Đại học Nghệ thuật Bắc Kinh 2005.


Còn Tạ Thùy Chi, sau khi tốt nghiệp, từ 2004 đến 2007 là diễn viên múa của Đoàn Nghệ thuật Trung Hoa Cẩm Tú tại Thẩm Quyến. Tháng 4/2007, Chi về công tác tại Trường Múa TP.HCM và tháng Chín năm nay sẽ tiếp tục đi học đại học biên đạo múa tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh theo học bổng của Bộ VH, TT&DL. Tạ Thùy Chi từng đoạt giải Diễn viên ưu tú của cuộc thi múa toàn Trung Quốc năm 2003.

Một cặp đôi đẹp khác của làng múa TP.HCM là Phan Thị Hồng Châu và Nguyễn Phúc Hùng. Cả hai từng là solist của nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, từng đoạt Huy chương vàng và giải Diễn viên xuất sắc trong Liên hoan tác phẩm kịch múa toàn quốc lần I (2001) và giải Tài năng trẻ xuất sắc (1997). Năm 2007, cả hai đi học đại học biên đạo múa tại Hà Lan theo chương trình đào tạo được UBND TP.HCM đầu tư kinh phí. Hiện Hồng Châu đã trở về, Phúc Hùng còn một năm thực tập ballet cổ điển tại Hà Lan.

Ngoài ra còn phải kể đến Ngô Thanh Phương, tốt nghiệp Trường Múa TP.HCM năm 1999, đi học múa đương đại ở Cao đẳng nghệ thuật Folkwang (Đức) từ 2004. Năm 2008 Phương tốt nghiệp về nước nhưng không có việc làm bởi Trường Múa và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đều chưa có bộ phận chuyên về múa đương đại! Phương hoạt động tự do và đến đầu năm học này (2009-2010) Trường Múa mở môn học múa đương đại, cô mới có đất dụng võ đúng sở trường.

Hiện nay đang đi học nước ngoài còn có Lê Thị Mai Anh đang học múa đương đại tại Diplôme Etat de Professeur de Danse Contemporaine (Pháp), Việt đang học ở Học viện Múa Lyon (Pháp). Cả Mai Anh và Việt đều theo học diện tự túc. Ngoài ra còn có nhóm 10 thiếu nhi lứa tuổi 10-11 đang học năm thứ hai trung cấp múa tại trường múa Quảng Tây (Trung Quốc) được đoàn múa Những ngôi sao nhỏ gửi đi học. 

Bình Minh

Hữu Trịnh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN