TTVH Online

Nhạc sĩ Vĩnh Lai: Rhapsody Chăm - sẽ dùng gần hết “kho” nhạc cụ mới mua

07/09/2009 12:57 GMT+7

Từ năm 1972, nhạc sĩ Vĩnh Lai đã sáng tác bản Rhapsody Chăm với đầy đủ các nhạc cụ như kèn basson trầm, clarinet trầm, clarinet giọng La, đàn harpe.

(TT&VH) - Nhiều năm trước đây, những dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội và gần đây là dàn nhạc giao hưởng TP.HCM không có các nhạc cụ “tăng cường” như kèn basson trầm, clarinet trầm, clarinet giọng La, đàn harpe. Vì vậy, các nhạc sĩ thường viết tác phẩm mà không có những nhạc cụ này. Nhưng từ năm 1972, nhạc sĩ Vĩnh Lai đã sáng tác bản Rhapsody Chăm với đầy đủ các nhạc cụ kể trên.

Đây cũng là một trong những lý do để Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (GHNVK) TP.HCM chọn biểu diễn vào đêm 9/9/2009 nhằm sử dụng hết các chủng loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng mới được mua về. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Vĩnh Lai.

* Là tác giả của tác phẩm Việt Nam duy nhất trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 15 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM và cũng là dịp ra mắt dàn nhạc cụ mới mua. Ông có thể nói cảm tưởng của mình?

- Đây là bản Rhapsody Chăm viết cho dàn nhạc, tôi sáng tác năm 1972. Khi được Nhà hát GHNVK TP.HCM thông báo sẽ biểu diễn tác phẩm này, tôi vô cùng hạnh phúc, bởi đây là lần đầu tiên tác phẩm được biểu diễn trên quê hương mình, với dàn nhạc cụ rất hay mới được mua, và do dàn nhạc của thành phố mình trình diễn cho “bà con” mình nghe...


Các nhạc cụ Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM

* Tại sao ông viết tác phẩm với nhiều nhạc cụ mà thời đó dàn nhạc không có để biểu diễn?

    Chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (1994-2009) diễn ra tại Nhà hát TP.HCM lúc 20h ngày 9/9/2009. Chương trình gồm 2 phần: Phần Opera gala gồm những trích đoạn từ những nhạc kịch bất hủ của Bellini, Mozart, Verdi, Strauss, Gershwin do Đoàn Nhạc kịch và Đoàn Vũ kịch biểu diễn. Phần hòa tấu dàn nhạc gồm các tác phẩm của A.Vivaldi, F.Krommer, L.v.Beethoven và Rhapsody Chăm của nhạc sĩ Vĩnh Lai.
- Thứ nhất, tôi viết từ suy nghĩ xây dựng một tác phẩm nghệ thuật như ý mình mong muốn, chứ không phải chạy theo yêu cầu, hoặc tính toán để dàn nhạc trong thời điểm đó có thể biểu diễn hay không. Thứ hai, nó xuất phát từ nội dung muốn diễn tả. Ví dụ để diễn tả sự sâu nặng như âm ỉ từ lòng đất, cần những âm thanh thật trầm, tôi dùng nhạc cụ trầm nhất của dàn nhạc là kèn basson trầm (contrebasson)...

Trong dàn nhạc, tôi đã sử dụng những nhạc cụ mà thời đó rất ít người viết cho nó như: basson trầm, clarinet trầm, clarinet giọng La, đàn harpe... Đây là tác phẩm viết cho dàn nhạc “3 quản” có những nhạc cụ tăng cường, nó là biên chế của một dàn nhạc lớn. Nếu biểu diễn, bảo đảm là sử dụng hết những loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng mà Nhà hát GHNVK mới mua về.

 
    Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết: “Rhapsody Chăm là một tác phẩm ngắn gọn và rất hấp dẫn, lần đầu tiên được dàn dựng nhưng anh em dàn nhạc rất hứng thú. Điểm đặc biệt của tác phẩm là ngôn ngữ âm nhạc mới lạ mang màu sắc Chăm. Phối khí khai thác những nét đẹp của bộ kèn và bộ gõ. Đặc biệt, việc sử dụng 3 trống tom tom thay cho trống ghi-năng dân tộc Chăm rất hiệu quả và ấn tượng”. 
* Ngoài việc sử dụng nhiều nhạc cụ, có điều gì đáng nói về mặt nghệ thuật?


- Tôi sáng tác nhiều bản giao hưởng và nhiều tác phẩm khác cho dàn nhạc. Nhìn chung trong mỗi tác phẩm, tôi đều có những tìm tòi về ngôn ngữ, thể loại âm nhạc. Đây là một tác phẩm ngắn gọn, nhưng có tầm vóc nghệ thuật, đặc biệt những chủ đề âm nhạc được xây dựng từ chất liệu và điệu thức của dân ca Chăm. Điều đặc biệt của thể loại rhapsody là dùng chất liệu âm nhạc dân gian để xây dựng tác phẩm. Thời đó, rất nhiều tác phẩm khí nhạc được sáng tác với chất liệu âm nhạc vùng Tây Nguyên, nhưng tôi lại chọn dân ca Chăm, đây cũng là điều mà tôi ấp ủ từ lâu. Nó vừa lạ với mọi người nhưng vừa gần gũi đối với tôi, bởi dân ca Chăm có những nét “họ hàng” với dân ca vùng Nam Bộ - nơi tôi được sinh ra.

* Ông nghĩ gì về tình hình sáng tác nhạc giao hưởng hiện nay ở TP.HCM?

- Ở TP.HCM và cả ở Hà Nội tình hình cũng giống nhau. Xuất phát từ thực tế cuộc sống, ngoài việc thù lao tác phẩm quá ít còn những vấn đề khác cũng rất quan trọng như: tác phẩm rất ít khi được dàn dựng biểu diễn, chương trình biểu diễn thì ít người xem. Vì vậy, nó không kích thích được lĩnh vực sáng tác nhạc giao hưởng. Sinh viên các nhạc viện viết một giao hưởng tốt nghiệp như là nhiệm vụ bắt buộc, ra trường hầu như các nhạc sĩ trẻ không ai viết giao hưởng nữa. Các nhạc sĩ lớn tuổi thì một số đuối sức, một số hao mòn nhiệt huyết. Nếu có dàn nhạc và kế hoạch dàn dựng một số tác phẩm Việt Nam, có nhạc cụ tốt, nhà hát tốt để biểu diễn, nó cũng là điều kích thích việc sáng tác giao hưởng của các nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Vĩnh Lai sinh tại TP.HCM, tốt nghiệp Khoa lý luận, sáng tác, chỉ huy Học viện Âm nhạc Quốc gia, học sáng tác tại Nhạc viện Leipzig và học kỹ thuật điện thanh và đạo diễn âm thanh tại Viện Điện thanh Leipzig. Ông có nhiều tác phẩm giao hưởng đã được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn như: Giao hưởng thơ Niềm tin, Ouverture Ngày hội non sông, Symphonique Suite... Ngoài ra nhiều tác phẩm thính phòng được dùng trong chương trình giảng dạy của các nhạc viện như: Khúc nhạc chiều quê viết cho flute và piano, Người em gái quê hương viết cho violin và piano... 

Bình Minh (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN