TTVH Online

Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Kỳ 2)

25/08/2009 08:57 GMT+7

Khoảng 21 giờ Trung đoàn hỏi, hạ máy bay có thu tang vật gì không? Tôi nói có. Sau đó mới biết đơn vị đã bắn tan xác tướng Mỹ Két – u – e.

(Tiếp theo kỳ trước)

Cao tập – thấp bắn

Chúng tôi qua cầu Sài Gòn và có mặt ở đầu xa lộ Hà Nội. Đường đông nghẹt, nhích từng chút. Anh Chiến đã chờ sẵn để đưa tới nhà của chiến binh Nguyễn Thanh Tân, nơi ông ở nằm ngay gần cổng chào của thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và tượng đài đặc công chiến thắng Long Bình.

Nhà ông Tân nhỏ, trong lối rẽ từ một ngõ chợ nhỏ, phía trước có một cây dừa lửa cao vừa phải, trái đã chín vàng. Cánh cổng sơn xanh nước biển. Ngoài cửa lủng lẳng mấy cái lồng chim. Trên cửa ra vào có dòng chữ dán bằng xốp xanh đỏ: “Chào mừng quý khách” đã rơi mất chữ G. Có lẽ nó rụng sau đám cưới của cô con gái ít lâu. Hàng xóm nói rằng, ở đây 80 – 90% là gia đình của những người lính đã qua thời trận mạc tìm chỗ an cư. Ông Tân người cao lớn, nằm trên võng, khi chúng tôi vào, hai người láng giềng đang đợi ông ra “chỉ đạo” bóng chuyền, còn vợ và chị gái đang chăm chú phục vụ ông khoản ngoáy tai. Vợ ông bảo, vừa từ cõi chết trở về đấy các chú ạ. Ông ấy bị ung thư xoang, đi xạ (chiếu xạ) ở BV Chợ Rẫy hết 35 – 36 tia, điều trị hai tháng, nằm bốn tháng vừa về nhà. Ra viện đâm nghễnh ngãng, tai thì ra mủ, mắt sụp mí, hay chảy nước miếng; châm cứu, day huyệt, thuốc nam đủ cả, giờ mắt mới mở to to ra được đấy! Nghe cách nói, rõ là một người phụ nữ yêu chồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tân


Đại tá Tân năm nay 71 tuổi, mắt phải đã mờ, nhưng cái giọng quê gốc của một ngư dân vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn còn nguyên. Ông kể: “1960 tôi “đi”, 1961 “về” cưới nàng, đánh trận tới 1975 lại về, 1976 có đứa con gái đầu, sau có thêm hai đứa nữa. Tôi mà không đi đánh nhau, ở nhà chắc phải có 1 tiểu đội bà nhỉ”. Ông chỉ bàn tay trái cụt ngón cái: “Bị pháo năm 1966, nghe mát một cái đã không thấy ngón tay đâu. Các ông quân y cứ đòi cắt, một ông xui tôi đấu tranh không cho cắt. May mà còn cái để đào hầm. Có bận tôi ốm, tiêu chuẩn được “nằm” ở BV Thống Nhất, mấy chú bác sĩ gần nhà hỏi, anh làm gì mà được vô đó? Tôi bảo chả biết, thấy người ta ghi vậy thì cứ chui vô chữa thôi” - ông Tân tủm tỉm – “à mà các chú định hỏi tôi cái vụ thằng tướng Mỹ Két – u – e có phải không? Trận ấy nó nằm ở cao điểm Gờ Lơ, gần làng 2, Lộc Ninh của Tây Ninh”.

Hồi ký chiến tranh cá nhân của Đại tá Tân về những ngày tháng này ghi:

“Tháng 2 năm 1968, cả Trung đoàn được lệnh hành quân vào chiến trường Nam Bộ. 15 ngày hành quân đã đến suối đá bằng - mũi Ken nơ đi, nơi đây là Bộ chỉ huy Sư đoàn 7 (tên khác là Công trường 7). E209 còn ở ngoài Bắc chưa vào chiến trường, Sư 7 có 165 và 141, cái tên thường gọi là Ba Vì và Thành đồng Biên giới. Hai Trung đoàn của Sư 7 cơ động ở chiến trường Miền Đông, còn E320 mới từ Tây Nguyên vào, coi như một Trung đoàn của Sư 7. Trận đánh đầu tiên làm rạng rỡ E320 và chúng tôi coi đó là niềm tin của đơn vị khi nằm trong đội hình Sư 7. Tôi lúc này không ở đại đội 18 cao xạ nữa mà đã là cán bộ tổ chức của E320, với quân hàm tiểu đoàn bậc phó – thượng úy bây giờ. Do yêu cầu, tôi lại trở về đại đội 18, vừa súng 12 ly 7 vừa đại liên, vừa bắn máy bay vừa làm nhiệm vụ chốt điểm diệt viện. Trong lúc 165 và 141 còn thọc sâu xuống đồng bằng (Lái Thiêu), hai E chưa về căn cứ, đại đội tôi chia từng khẩu đội phục kích bắn máy bay. Ngày 12/9/1968, tôi chỉ huy 4 khẩu 12 ly 7 đi phục kích. 8h sáng máy bay Mỹ đã quần trên bầu trời, nhưng không đi vào hướng phục kích. Khẩu hiệu “Cao tập – thấp bắn” là một tư tưởng chỉ đạo do tôi đặt ra để vừa nâng cao kỹ thuật vừa xây dựng ý thức sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Vào khoảng trưa ngày 13/9, một tốp máy bay trực thăng HU1A và loại “cá lẹp” chuyên phóng rốc két tới, đi rất thấp. Tôi cho bộ đội bắt mục tiêu chờ lệnh. Vòng thứ 3, một chiếc HU1A đi rất thấp vào đúng tầm ngắm của 2 khẩu 12 ly 7. Sau mấy loạt đạn, chiếc HU1A bốc cháy rơi tại chỗ. Liền sau đó 6 chiếc phóng rốc két vừa bắn lại vừa hạ thấp để cứu giặc lái. Tôi hạ lệnh bắn rơi tiếp 1 chiếc, số còn lại phóng bừa rốc két và chuồn luôn. Tổ bộ binh do Chế phụ trách có nhiệm vụ đi thu tang vật. Nhiệm vụ là bắn máy bay chứ không biết nó là chỉ huy giặc lái. Khoảng 21 giờ Trung đoàn hỏi, hạ máy bay có thu tang vật gì không? Tôi nói có. Sau đó mới biết đơn vị đã bắn tan xác tướng Mỹ Két – u – e”. 


Chỉ mất 40 viên đạn

Trong cuốn hồi ký tự viết cho chính mình dày mấy trăm trang đã sờn gáy đó, về trận đánh này ông Tân còn viết rằng, đơn vị được tặng Huân chương Quân công Hạng 3, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng 1 và một số đồng chí được tặng huân chương các loại. Đơn vị lấy xác máy bay Trung tướng Mỹ làm lược, làm ấm pha trà, gạt tàn thuốc lá tặng ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình ở hội nghị Paris. Cộng với các thành tích trong chiến đấu năm 1967 ở Tây Nguyên, ông Tân được đi dự chiến sĩ thi đua toàn Miền, và ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi đi và về mất 2 tháng. Thật vinh dự cho lần đó”. Ông được ngồi cùng đoàn chủ tịch với Y Lan, cô gái mang hàng trên 100 ký và Hồng “biệt động”, bên cạnh các vị Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái, chị Ba Định… và ông là người đầu tiên đọc báo cáo của mình. Nhưng có một chuyện buồn khiến ông không được tuyên dương anh hùng: một người cùng quê đã báo lên trên, ông là con phú nông, dù cha ông là một dân chài chính hiệu, vợ chết sớm phải đi mót cá của nhà giàu nuôi con. “Chuyện đã qua rồi” – ông Tân viết.

Những dòng hồi ký cá nhân về trận đụng độ Trung tướng Mỹ


Ông Tân cười: “Mình đứng trong bụi tre, đi qua thế này thấy ngon là bắn. Thằng HU1A này có biết nó chở Trung tướng đâu, nhưng tôi nhớ màu kính máy bay của nó lại khác so với các màu khác, xanh lè. Hai khẩu, chỉ điểm xạ ngắn chứ không điểm xạ dài. Khi chiếc máy bay này vào, hắn đi hùng hổ lắm, còn mấy chiếc máy bay mang rôc két thì đi cao hơn. Vào là anh em bắn, gãy cái trục quay, nó kêu ùng một cái, tôi bảo: cháy rồi. Anh em ra thu được một tập hồ sơ của nó đấy, từ cấp tướng cấp tá ở Miền Đông Nam bộ là đầy đủ hết. Còn có cả mấy cái cờ và một cái bật lửa khắc chữ. Có đọc được đâu, sau một ông dân vận đọc cho thì tôi nhớ là “Trung tướng Két – u – e” và câu Anh có thể chết nếu anh muốn, câu này có thể đọc xuôi rồi đọc lộn ngược lại. Hồi đó anh em bị bom B52, thương vong rất nhiều, nhưng nhờ bắn rơi Trung tướng nên khí thế bốc lên. Tốt. Ông Vương Thế Hiệp phát động toàn Sư đoàn bắn máy bay khắp trời, đừng có sợ gì nó, không trúng cũng làm cho chúng không tự tung tự tác được. Sau này tôi nói chuyện với các đơn vị của Sư 9, bên rừng cao su, rồi nói chuyện với H14  cách bắn, ngắm như thế nào, khi nó đi thấp mình nhớ lấy lá cây che mặt không nó nhìn thấy, và khi đạn 12 ly 7 bắn, cứ 4 viên nó có 1 viên đạn lửa vạch đường, nhớ phải chỉnh theo viên đạn lửa, như rứa như rứa… Hôm đó bắn rơi kiểm lại mất có 4 chục viên thôi”.

Ngoài cuốn hồi ký cá nhân, ông Tân còn có một tập bản thảo, in chữ rất to ngoài bìa: Ký của Nguyễn Thanh Tân – Hành trình của một chiến binh. Chiến binh - ông gọi mình hai từ như vậy. Cuốn ký in một mặt, dày chỉ có 27 trang, phần về bắn Keith Lincoln Ware ông chỉ viết có đúng 8 dòng, nhưng dành tới 1/3 số trang cuối cùng để viết về vợ. Khi bà bế đứa con đầu lòng trên tay, lúc ấy đã ở tuổi 35, người phụ nữ làng chài Vũng Áng này làm thơ: “Chiếc áo lọt lòng của con, mẹ khâu bằng áo cha nắng mưa bao mùa đánh giặc/ Ngày mẹ mới thương cha, chưa dám nhận cái hôn thầm vui trong tóc/ Những năm tháng xa, đợi chờ, chờ đợi người đi/ Con là lứa quả muộn mằn, niềm vui đến muộn/ Trời đã chuyển sang thu, con là nắng xuân về”.

Bà ngồi bên cạnh ông, xót xa: “Các chú thấy không, ốm một trận tưởng chết, sút một lúc 20 ký”. Nét phương phi trên mặt ông Tân vẫn còn ẩn hiện mỗi khi cười, bởi các lớp thịt trên má xô nhẹ vào nhau.


(Còn nữa)

Việt Thường – Mạnh Cường
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN