TTVH Online

Tìm lại dấu ấn Eiffel tại Việt Nam và Đông Dương

18/08/2009 15:50 GMT+7

Công ty Eiffel do kỹ sư tài ba về kết cấu và nghệ thuật Gustave Eiffel sáng lập. Cty này đã thiết kế những công trình nào ở VN và Đông Dương? TT&VH xin giới thiệu các tư liệu do tác giả Hoàng Hằng sưu tầm.

(TT&VH) - LTS: TT&VH năm 2008 đã từng đăng bài viết khẳng định cầu Long Biên không phải là công trình do “người cha đẻ” của Tháp Eiffel - kỹ sư Gustave Eiffel - thiết kế mà chính là do Hãng Daydé & Pillé, hãng đã thi công cây cầu này. (Hãng Eiffel, lúc đó mang tên Levallois - Perret cũng tham gia đấu thầu nhưng không được chọn. Chỉ đến năm 1938 hãng Eiffel mới được chọn để thực hiện hợp đồng gia cố thêm các thanh dầm nhằm nâng tải trọng của cầu).

Vậy sự thực, Eiffel và Công ty Eiffel do ông sáng lập đã thiết kế những công trình nào ở Việt Nam và Đông Dương? TT&VH xin giới thiệu các tư liệu do tác giả Hoàng Hằng (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) sưu tầm từ “Tạp chí Đông Dương số 164 - 165, năm 1943”.

Gustave Eiffel không chỉ có Tháp Eiffel

Công ty Eiffel do Kỹ sư tài ba về kết cấu và nghệ thuật Gustave Eiffel sáng lập, từng tồn tại dưới 3 tên gọi là Xưởng G. Eiffel (1858-1893); Công ty Xây dựng Levallois Perret (1893-1937) và Công ty Eiffel (kể từ năm 1937). Bằng hoạt động của mình, Công ty này đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững uy tín cũng như hình ảnh của nước Pháp.

Với việc xây dựng toà tháp nổi tiếng mang tên mình (Tháp Eiffel - năm 1889), Gustave Eiffel đã chứng minh được tài năng điêu luyện của mình với thế giới đồng thời tên tuổi ông đã đi vào lịch sử ngành công nghiệp của thế giới hiện đại.

Dưới sự chỉ huy của một người tài năng như vậy, Công ty đã phát triển một cách nhanh chóng.

Hoạt động của Eiffel đã vượt qua biên giới quốc gia và phát triển nở rộ trên toàn Châu Âu và thế giới.

Người nước ngoài liên tục cần đến sự táo bạo và kiến thức của ông. Cùng với sự ra đời của hàng loạt công trình tại Hong Kong (Trung Quốc), Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Rumani, Peru, Bolivia, Ai Cập, Soudan, Mỹ, Philippines, Trung Quốc, Madagasca, Angeri..., người ta còn chứng kiến sự phát triển song song của rất nhiều hoạt động mà nhờ tài năng cũng như tính năng động của G. Eiffel đã được tiến hành thành công ở khắp mọi nơi.

Cũng vào năm 1878, ông thi công nhà ga lớn Buda Pesth; cầu Tage năm 1880; cầu Szegadin tại Hồng Kông năm 1881; cầu Vận tải Hải dương tại Sài Gòn năm 1882.


Cầu Vận tải hải dương tại Sài Gòn - cây cầu đầu tiên tại Việt Nam do Eiffel thực hiện

Ông cũng là người thực hiện việc thi công khung sắt Tượng Nữ Thần Tự Do tại New York; mái vòm chính Đài thiên văn Nice dựa trên một chiếc phao có thể dễ dàng di chuyển bằng tay mặc dù nó có trọng tải trên 100.000 kg.

Eiffel tại Việt Nam và Đông Dương

Công ty đã góp phần tích cực vào việc nâng cấp hệ thống đường giao thông liên lạc. Cây cầu vòm Vận tải Hải Dương tại Sài Gòn là công trình đầu tiên được ông thực hiện vào năm 1881. Ngoài ra, còn phải kể đến các công trình khác:

- Tại Sài Gòn, Công ty Eiffel đã thực hiện các công trình: Cầu quay Vận tải Hải dương; Bến cảng Sài Gòn (1901-1915); Bến Nhà Rồng (1927-1929); Các nhà kho bến cảng; Cầu Kinh Tẻ; Hệ thống thu dẫn nước Tân Sơn Nhất; Các bể chứa nước trên phố Pellerin;

Riêng tại Chợ Lớn, công ty đã làm các công trình như: Các bể chứa nước; Cầu Malabars; Cầu Cần Giuộc.


Cầu Joffre (cầu Lạc Long) tại Hải Phòng do Công ty Eiffel thực hiện

- Tại Hải Phòng: Cầu Joffre (cầu Lạc Long) và cầu Hạ Lý

- Tại miền Trung: Trùng tu cầu Tràng Tiền; Những cây cầu trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Phan Thiết - Phan Rang; Xây móng và lắp ráp những cây cầu lớn trên tuyến đường Đà Nẵng - Nha Trang; Cầu Gò Dầu Hạ; Cầu trên sông Srépok tại Ban Mê Thuột...

Ngoài ra, Công ty còn thực hiện việc xây móng chiếc cầu mới trên sông Stung-Slot (tuyến đường Sài Gòn - Phnôm Pênh); Các cây cầu trên tuyến đường thuộc địa số 23 từ Muongphine đến Saravane; Các cây cầu trên đường số 13 từ Paksé đến Viêng Chăn. Tại Phnôm pênh, Công ty Eiffel cũng thiết kế các bể chứa nước; Cầu trên sông Bassac; Các cầu tàu; Các bến cảng; Lắp đặt xiphông tại hồ Tonlé-Sap để cung cấp nước cho thành phố.

Công ty Eiffel cũng đã xây dựng hầu hết các chợ có kết cấu khung thép ở Đông Dương trong đó những chợ lớn nhất hiện nay (tức vào năm 1943- NV) đã được thay thế bằng các công trình bê tông cốt thép.

Cuối cùng, ai có thể biết được rằng ở Đông Dương còn tồn tại những cây cầu Eiffel với tổng chiều dài trên 100km mà vẫn có thể tháo dỡ được? Những cây cầu này hiện (tức vào năm 1943 - NV) không thể phục vụ việc đi lại trên những tuyến đường lớn nhưng chúng đã từng được sử dụng trong một thời gian dài và được đánh giá rất cao bởi tính tiện lợi và thời gian thi công nhanh chóng.

(*) Đầu bài do TT&VH đặt. Để trung thành với tài liệu gốc, tác giả để nguyên các từ chỉ thời gian.

(Theo Tạp chí Đông Dương số 164 – 165, năm 1943)

P.V
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN