TTVH Online

Nghiện game online: biểu hiện như… nghiện ma túy!

08/08/2009 07:21 GMT+7

Thị trường game online ở nước ta đang ngày càng nóng lên. Cơn sốt game thực ra đã xảy ra lâu, việc chơi game không xấu, nhưng việc chơi game quá đà đã gây nhiều hậu quả khôn lường.

TS. Nguyễn Thị Hậu - CN.Hồ Thị Luấn *

Trong báo cáo về “Thị trường game online Việt Nam” tháng 11/2008 của Cty tư vấn, nghiên cứu về Internet và công nghệ Pearl Research (trụ sở tại San Francisco, Mỹ) dự báo đến năm 2011, số lượng người chơi game online Việt Nam sẽ vượt qua con số 10 triệu. Thị trường game online ở nước ta đang ngày càng nóng lên. Cơn sốt game thực ra đã xảy ra lâu, việc chơi game không xấu, nhưng việc chơi game quá đà đã gây nhiều hậu quả khôn lường.

Và hiện nay, trong số 20,2 triệu người sử dụng Internet ở nước ta chỉ có 30% là đọc báo và tìm kiếm thông tin, nhưng lại có đến 53% chat và chơi game. Con số của dịch vụ thông tin & tư vấn trực tuyến (O.I.C) của Cty VinaGame cũng cho thấy nước ta có khoảng 4 triệu người thường xuyên chơi game online. Các chuyên gia còn cho biết thị trường game online của Việt Nam chỉ trị giá khoảng 5 triệu USD vào năm 2005 nhưng nay được dự đoán tăng gấp 10 lần.

Đặc biệt nguy hiểm với người thiếu bản lĩnh

Game online đặc biệt nguy hiểm đối với những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả khảo sát trong một cuộc điều tra xã hội học của nhóm thực hiện đề tài gần đây cho thấy, yếu tố dễ gây nghiện khi chơi game online chiếm thứ hạng thứ ba (44,60%), chỉ sau yếu tố tốn tiền (58,60%) và yếu tố tốn thời gian (48,90%). Ở các quốc gia trên thế giới, “nghiện” game online đã thực sự trở thành một vấn đề nan giải, và việc thành lập bệnh viện điều trị cho những người “nghiện” game online đã có từ một vài năm trước đây. Bà Keith Bakker, giám đốc dưỡng đường dành cho những người chữa bệnh nghiện game, khẳng định: Một số người nghiện game online có những biểu hiện tương tự nghiện cai ma tuý. Họ cũng run rẩy và toát mồ hôi dữ dội khi nhìn thấy một máy vi tính. Ngoài ra, ở người nghiện game, khi họ chơi game, não bộ họ tiết ra chất endorphine (một loại nội tiết tố mang lại sự hưng phấn), vì vậy họ thường né tránh những vấn đề cá nhân bằng game. Và khi một thiếu niên giam mình trong phòng riêng (có máy tính) hàng giờ liền mà không cần đến bất kỳ hoạt động xã hội nào khác thì khả năng nghiện game là rất lớn.

Không kịp cởi mũ đã ngồi ngay vào máy (ảnh minh họa)


Hai trường hợp sau đây đều mới xảy ra tại TP.HCM: một bệnh nhân tên T., 17 tuổi đã vào nhà vệ sinh của một điểm kinh doanh Internet ở Q.1 cắt tay tự tử. Theo thông tin ban đầu thì trước khi vào nhà vệ sinh, T. chơi game liên tục suốt 20 giờ. Và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân tên K., là học sinh, 16 tuổi,  ngụ ở Quận 6 được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, người suy kiệt do chơi game quá nhiều. Sau 3 giờ được cứu chữa, K mới hồi phục.

Việc trẻ nghiện game online về lâu dài sẽ để lại những khó khăn về mặt tâm thần. Nhiều em có biểu hiện của các rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà ra đi... Nhiều em lại rơi vào các trạng thái của trầm cảm và các bệnh lý tâm căn bởi stress trường diễn do chứng nghiện game online mang lại. Đã có những em có hành vi tự hủy hoại bản thân như tự tử chỉ vì nghiện game online.

Hiện tất cả những trò chơi trên mạng đều có tính kích thích mạnh, có sức cám dỗ rất lớn, nhất là đối với những người trẻ. Tuy nhiên, có rất nhiều người ham thích game online nhưng không phải ai cũng nghiện. Tùy tạng thần kinh và nhân cách mà mỗi người có phản ứng khác nhau. Có người say mê thích thú quá dẫn đến lệ thuộc vào nó thành nghiện, rất khó chữa. Đó thường là những người chưa chín chắn, dễ sốc nổi, hưng phấn và thuộc tạng thần kinh yếu. Những người bị chứng nghiện game online thường không muốn rời chiếc máy tính, nếu không được chơi thì nhớ, thèm, sinh ra buồn phiền, chán nản thậm chí kích động phá phách đồ đạc. Về mặt sinh lý, họ có thể có các biểu hiện như vã mồ hôi, chán ăn, mất ngủ, sút cân nhanh. Khi say sưa sống trong thế giới ảo... sẽ làm lệch trí tưởng tượng, thị hiếu bình thường của người chơi, nhất là trẻ em. Căng thẳng tâm lý sẽ là điều tất yếu khi chơi game online. Một cuộc chơi kéo dài từ 12 đến 24 tiếng, não của người chơi sẽ không thể chịu nổi.

Theo một nghiên cứu của chúng tôi, khi đặt câu hỏi: “Thái độ của cha mẹ và người thân của em như thế nào khi em chơi game online?” thì (38,35%) - chiếm tỉ lệ cao nhất, phụ huynh biết con em chơi game online nhưng vẫn để cho các em chơi thoải  mái. Thái độ không quan tâm khi các em chơi game online xếp thứ hạng hai (22,58%).  Hầu như phụ huynh chỉ thực sự quan tâm khi con em mình đã say mê, thậm chí “nghiện” một hình thức giải trí nào đó.

Rất khó chữa!

Thanh thiếu niên chơi game online ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, không ít người đã “nghiện” nên nhu cầu tư vấn và chữa trị về căn bệnh này là cần thiết. Nhiều nước phát triển đã quan tâm nghiên cứu và tìm cách giải quyết tình trạng này. Các nhà tâm thần và tâm lý học Mỹ đã nghiên cứu và tranh cãi rất nhiều về chứng nghiện game online, có hay không nên đưa tình trạng trên vào bảng xếp loại các bệnh tật? Chính phủ Thái Lan cũng đã có những đạo luật để hạn chế tình trạng này. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những chương trình và trại cai nghiện game online. Tại Amsterdam, Hà Lan cũng đã có Dưỡng đường tư vấn và điều trị các thiếu niên nghiện game online nhằm đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của các phụ huynh có con em nghiện trò chơi điện tử trực tuyến.

TP.HCM đã có một Trung tâm chữa nghiện game online miễn phí. Dịch vụ thông tin và tư vấn trực tuyến OIC - Online Information and Consulting Service là tên gọi trung tâm tư vấn về game online (VinaGame) tại 557-559 Sư Vạn Hạnh (P.13, Q.10, TP.HCM). Đây là trung tâm đầu tiên có dịch vụ tư vấn và chữa chứng nghiện cho các game thủ và phụ huynh. Hiện nay, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn) cũng đã mở lớp cai nghiện game online dành cho thanh thiếu niên. Tại đây, các chuyên gia tư vấn tâm lý và xã hội học sẽ hướng dẫn cách chơi game hợp lý để có thể đảm bảo sức khỏe, đưa ra các giải pháp để chữa nghiện game. Các loại hình trung tâm này muốn giúp các bạn trẻ xác định được liều lượng chơi một cách hợp lý và khoa học nhất mà vẫn đảm bảo nhu cầu giải trí. Đây là một giải pháp hợp lý để họ thoát ra khỏi cuộc sống ảo hiện tại.

Xã hội và nhà trường cần cùng nhau giải quyết vấn đề từ gốc. Cần phối hợp nhau xây dựng, tuyên truyền và giáo dục các giá trị sống: đây chính là việc nâng cao tầm nhận thức, ý thức của các em về hành vi và nhân cách của mình, để qua đó có thể nhận thức được những hậu quả do những tác động xấu mà game online mang lại, đồng thời xây dựng môi trường giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên. Tăng cường nhiều hình thức hoạt động giải trí lành mạnh, hấp dẫn đối với học sinh.

Khi phát hiện trẻ sa đà chơi game, phụ huynh không nên ngay lập tức cấm cản bằng thái độ gay gắt, càng không nên quát mắng. Bởi khi ấy trẻ đang say mê và dễ có phản ứng chống đối, nhất là với các em ở tuổi thanh thiếu niên. Nếu như mọi biện pháp không có hiệu quả, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa con đến các chuyên gia tư vấn và phòng khám tâm thần. Ở đó, họ sẽ có những liệu pháp phù hợp, giúp trẻ dần dần “cai” chứng nghiện game và hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Cũng như nghiện bất kỳ thứ gì khác, nghiện game online rất khó chữa, và khi chữa phải trải qua quá trình rất lâu dài và không có cách nào tốt hơn là đề phòng từ trước.

Gia đình phải tìm cách gần gũi, quan tâm đến tâm – sinh lý lứa tuổi của các em để ngăn ngừa từ trước, tránh để các em quá sa đà vào các trò chơi trên mạng. Ngoài ra, một không khí gia đình thân mật, ấm cúng làm chỗ dựa vững chắc cho các em cũng là một tiêu chí quan trọng để giúp các em vượt qua được những khó khăn trong nhiều mặt cuộc sống.

Hầu hết những trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ game online đều ít có kỷ luật trong cuộc sống, hay lúng túng, hung hăng và thiếu giao du với người ngoài. Và một khi các em chọn chơi game online là hình thức giải trí chính của mình thì tính cách vốn đã rất dễ tác động của các em sẽ là một môi trường tốt cho những ảnh hưởng tiêu cực tác động, đôi khi là không thể thoát ra được tình trạng “nghiện” game.

Tuy vậy, tình trạng này cũng có cách để kiểm soát. Đó là những người trẻ mê game cần đặt ra cho mình những mục đích trong cuộc sống riêng, gia đình, học tập, công việc, xã hội và những vấn đề tài chính. Gia đình phải luôn tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia sinh hoạt tập thể, giúp các em luyện tập được những đức tính và xây dựng những mối quan hệ con người tốt đẹp cần thiết cho cuộc sống trong tương lai, nhất là tinh thần ý thức và kỷ luật.

Các triệu chứng ban đầu dễ nhận thấy
Ngồi chơi game online hơn năm giờ/ ngày hoặc không có cảm giác về thời gian, không gian khi đang chơi. Luôn bị thôi thúc bởi các hình ảnh trong trò chơi, cố gắng giảm thiểu thời gian ngồi trước máy vi tính nhưng đều thất bại. Giấu gia đình hoặc người thân để thường xuyên chơi. Quên mất các sự kiện quan trọng hoặc không thực hiện đầy đủ các công việc không liên quan đến máy tính do dành quá nhiều thời gian vào việc chơi. Chăm chút cho nhân vật hơn là quan tâm đến bản thân và những người xung quanh, hầu như không có bạn bè và không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Khi tách khỏi game, phản ứng của họ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt. Tiếp tục chơi game online bất chấp những trục trặc trong cuộc sống. Có những dấu hiệu của chứng suy nhược và có xu hướng hành xử theo các mối quan hệ trong trò chơi game online. Một số người còn thường xuyên không ngủ liên tục nhiều tiếng đồng hồ vì những cuộc ganh đua trong game.


(*Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Tựa bài do TT&VH đặt).
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN