TTVH Online

Chủ tịch HĐQT NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội, Đỗ Quang Hiển: Đã thích thì phải “chơi” tới cùng !?

10/08/2009 19:04 GMT+7

Trên thương trường, cái tên Đỗ Quang Hiển luôn được nhắc đến với danh nghĩa một doanh nhân thành đạt. Còn trong bóng đá, người ta gọi ông là “bầu Hiển” có phần nể phục.

(TT&VH cuối tuần) – Trên thương trường, cái tên Đỗ Quang Hiển luôn được nhắc đến với danh nghĩa một doanh nhân thành đạt nắm trong tay hàng chục công ty cổ phần hàng đầu về ngân hàng, chứng khoán, lắp máy…Còn trong bóng đá, người ta gọi ông là “bầu Hiển” một cách trìu mến và có phần nể phục. Cũng đúng thôi, ông quả là mát tay khi giúp SHB.Đà Nẵng và T&T Hà Nội bay cao tại V-League năm nay.

 Bóng đá có sức mạnh riêng

 * Nhiều người tay trắng khi nhảy vào đầu tư bóng đá, tại sao một doanh nhân như ông lại đầu tư mạo hiểm sang lĩnh vực “tiền nhiều, lãi ít” vậy?

 - Gần 20 năm lao ra vào thị trường để làm ăn, tôi cũng đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng vững chắc. Lúc ấy lại nhớ tới giấc mơ thời trai trẻ. Tôi máu xem bóng đá và muốn có một đội bóng cho riêng mình. Vì lẽ đó tôi quyết định thành lập đội bóng T&T.Hà Nội. Tôi coi đó là đứa con tinh thần, phải tập bò, tập đi rồi mới tập chạy được. T&T.Hà Nội đi lên từng nấc thang một, giờ là lúc để hoàn thiện cơ cấu - tổ chức để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đã là một nhà kinh doanh, tôi đều có tính toán nhằm giảm thiếu tối đa rủi ro. Khi đã đầu tư cho một việc gì đó phải có sự chuẩn bị và nhất là phải có người tâm phúc hiểu mình cần phải làm gì. Tính tôi đã làm phải làm triệt để, thấu đáo và tùy hoàn cảnh mà có đối sách. Cứ nhìn vào lúc tôi nhận đội bóng Đà Nẵng vào tháng 12/2007. Ở đó đã sẵn có cơ sở vật chất và con người nên chỉ cần thực hiện ổn định nội bộ và xây dựng cách thức quản lý phù hợp nữa là ổn. Làm thế thì còn lo gì không thành công nữa chứ.

 * Chắc chắn ông cũng phải nghĩ tới hiệu quả thương mại trong đó chứ? Bởi bầu Đức (HA.GL) hay bầu Thắng (ĐT.LA) cũng trở nên nổi tiếng thông qua việc xây dựng hình ảnh thông qua bóng đá còn gì.

 - Bạn cũng biết môn bóng đá có sức hút lớn lao tới nhường nào. Người ta có thể không nhớ rõ tới tên tuổi của chính khách này, doanh nhân nọ nhưng lại nhớ vanh vách tên tuổi và đời tư các cầu thủ. Thế mới biết sức mạnh và sự lan tỏa của trái bóng vào cuộc sống hàng ngày lớn đến nhường nào.

 Tôi thấy việc phát triển thương hiệu thông qua việc tài trợ có tác dụng ít hơn hẳn việc trực tiếp làm bóng đá. Chỉ cần một cái tâm thật sự và một đầu óc quản lý tầm vĩ mô để biến điều hành tốt các hoạt động. Bản thân tôi hay anh Thắng, anh Đức... cũng muốn nâng tầm cho nền BĐVN. Chúng tôi không tiếc tiền nhằm nâng cao chất lượng giải đấu, thay đổi toàn diện cơ cấu lương thưởng giúp các cầu thủ có được cuộc sống tốt hơn.

 * Đã có T&T.Hà Nội, SHB.Đà Nẵng mà vẫn còn muốn thu nhận thêm SLNA hay đội bóng Cố đô Huế nữa. Ông nghĩ sao khi người ta bảo ông đa đoan nhỉ?

 - Quản lý bóng đá cũng như là kinh doanh thôi. Cũng phải có BLĐ và những cơ chế quản lý đặc thù của một doanh nghiệp tự thu, tự chi. Bản thân về mặt hành chính, T&T Group, NH Hà Nội- Sài Gòn (SHB) và LILAMA có hoạt động độc lập và có con dấu riêng, tài khoản riêng. Tôi chỉ là người đứng đầu HĐQT quản lý hoạt động nên phải bao quát hết. Công việc đều do dưới đó đảm nhiệm, mình thay mặt Tập đoàn chịu trách nhiệm giám sát và hỗ trợ tài chính cho các đội là chủ yếu.  

Chủ tịch T&T HN và SHB.ĐN, Đỗ Quang Hiển

* Đã gần 5 năm xắn tay vào làm bóng đá, ông tự thấy bản thân mình đã làm được gì và chưa làm được gì?

 

- Năm nay, tôi đã thu được những mùa quả ngọt sau nhiều năm đổ tiền đầu tư làm bóng đá. SHB.Đà Nẵng đang hướng tới cú đúp tại giải nội địa, còn T&T.Hà Nội đang có những chuỗi thi đấu ấn tượng trong năm đầu tiên lên sân chơi chuyên nghiệp. Tôi thấy những tâm huyết của mình đều trở thành hiện thực. Còn những chuyện chưa hài lòng ư? Đó là những CLB mình dày công xây đắp có một hướng đi vững chắc. Phải biến mình thành CLB mạnh nhất ở tầm quốc gia cũng như tạo được tiếng vang trên trường châu lục là ý định của tôi.

 

Đồng tiền phải tiêu đúng chỗ!

 

* Nghe nói BLĐ T&T .Hà Nội đã chi rất nhiều tiền nhằm đưa Công Vinh đi tư nghiệp tại Bồ Đào Nha. Ý định của ông trong vấn đề này ra sao thưa ông?

 

- Tôi coi Công Vinh là “biểu tượng” cho CLB nên muốn đầu tư nhằm nâng cao kỹ năng chơi bóng của Vinh ở một môi trường chuyên nghiệp như ở Bồ Đào Nha. Không chỉ là chiến dịch nhằm quảng bá cho CLB hay bản thân Công Vinh một cách đơn thuần. Tôi muốn các cầu thủ của mình tiếp cận dần với những môi trường đầy cạnh tranh và khốc liệt. Như vậy cầu thủ mới “lớn” theo cả hai nghĩa được.

 

* Mùa rồi, T&T.Hà Nội chi tới gần 7 tỷ để có Công Vinh. Vậy mùa giải tới, ông có làm những vụ chuyển nhượng gây sốc như vậy không, như việc đem một ngôi sao cấp quốc tế về đây chẳng hạn?

 

- Theo chủ kiến của tôi, việc xây dựng một đội hình chất lượng và đồng đều là hợp lý nhất lúc này. Trong bóng đá, một đội bóng được cho là vĩ đại khi tạo dựng được một sự ổn định trong thời gian dài. Xây dựng cho mình bản sắc và tính truyền thống thì mới gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Tôi cần một đội hình có chiều sâu sau đó mới tìm những ngôi sao đủ khả năng lĩnh xướng. Nếu thấy việc tuyển mộ một ngôi sao là hợp lý thì tôi cũng không tiếc tiền để đưa về. Nhưng phải đúng chỗ, chứ không thể bộp chộp được. Tính tôi nó thế rồi !

 

* Có thông tin, T&T.Hà Nội bí mật liên hệ với tiền đạo Việt Thắng (ĐT.LA). Cảm giác của ông ra sao khi một cầu thủ khác bị đối thủ lôi kéo kiểu vậy?

 

- Tôi không rõ về chuyện này vì CLB đang đề ra một danh sách dài những cái tên cần mang về trong mùa giải mới. Khi cầu thủ còn 6 tháng trong bản HĐ thì phía đối tác hoàn toàn có thể tiếp xúc và thỏa thuận chuyện ký kết HĐ sau khi cầu thủ hết hạn. Tôi chẳng lo người khác lôi kéo được cầu thủ của mình bởi chế độ lương thưởng của T&T.Hà Nội khó có CLB nào sánh kịp. Nội bộ yên ổn là lẽ đương nhiên rồi.

 

* Năm sau, T&T.Hà Nội sẽ tung tiền mua sắm lực lượng để chinh phục VLeague. Ông nghĩ sao khi dư luận xì xầm ông sẽ quên “con nuôi” SHB.Đà Nẵng nhằm tập trung tất cả cho “con đẻ” của mình?

 

- Tôi chưa bao giờ phân biệt đội nào là con nuôi hay con đẻ cả. Tùy vào thời điểm chín muồi, tôi sẽ đề ra những kế hoạch riêng. SHB.Đà Nẵng đã có được dàn cầu thủ chất lượng nên chuyện chuyển nhượng không cần phải lo lắng, còn T&T.Hà Nội đang định hình lối chơi và con người nên việc chi tiền nhiều hơn là có thể hiểu. Tôi tăng cường sức mạnh và tiềm lực kinh tế cho cả hai, còn ai giành chiến thắng thì tùy chứ (cười).

 

Giờ là lúc tiến ra châu lục…

 

* Sau mỗi chiến thắng, ông thưởng cao quá. Lý do vì sao ông lại “hào phóng” thưởng đậm tới gần tỷ, nửa tỷ như vậy?

 

- Tôi thưởng như thế có rất nhiều lý do. Cầu thủ sẽ có thêm động lực mà đá, thứ hai là không bị phân tâm từ bên ngoài. Cái quan trọng nhất đó chính là cách chia thưởng như những cơ chế mà bóng đá tại châu Âu đang áp dụng. Phải nâng tầm giải đấu, thu hút được sự quan tâm của khán giả khi tới sân hay qua màn ảnh nhỏ. Đó là cách hay nhất nâng tầm CLB và sự thu hút của V-League.

 

* Năm sau, SHB.Đà Nẵng đủ “chuẩn” của AFC để tham dự Cúp C1 châu Á. Ông có mạnh dạn đặt chỉ tiêu lọt vào giải càng sâu càng tốt cho thầy trò Lê Huỳnh Đức hay không ?

 

- Mùa giải chưa kết thúc nên tôi chưa thể đề ra bất cứ mệnh lệnh nào cả. Còn chuyện SHB.Đà Nẵng phải chơi hết mình là chuyện đương nhiên. Tôi không thể chấp nhận chuyện đội thua tới chục bàn trước đối thủ như trước đây. Đã ra sân thì phải thắng hoặc chí ít giành được 1 điểm thì mới được. Tôi muốn các cầu thủ, các đội bóng của mình phải thường xuyên được cọ xát tại đấu trường quốc tế. Khi đó tên tuổi cầu thủ, CLB sẽ nổi như cồn và thu hút được sự chú ý từ giới hâm mộ và truyền thông. Hình mẫu một đội bóng chuyên nghiệp là phải vậy chứ.

 

* Ông tin Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng) và Hữu Thắng (T&T.Hà Nội) sẽ giúp ông biến những tham vọng của ông thành hiện thực chứ ?

 

- Có tin tưởng thì tôi mới giao cho họ quản lý cả hai đội bóng cho họ. Họ có đủ năng lực và kinh nghiệm để biến những dự trù của tôi trở thành hiện thực. Lê Huỳnh Đức sẽ là người lĩnh ấn đầu tiên trong buổi đầu bước chân ra biển lớn. Còn Nguyễn Hữu Thắng sẽ tiếp tục đảm nhận những gì đang còn dang dở tại T&T.Hà Nội. Con đường phía trước còn rất dài và chông gai là điều chắc chắn.

 

* Vậy còn việc ông sẽ mời ông Calisto về làm GĐKT tại T&T.Hà Nội thì sao?

 

- Không có chuyện đó. Hiện tại ông “Tô” vẫn đang đảm nhận chức vụ HLV trưởng tại ĐTVN cơ mà. Tôi chỉ thưởng xuyên nhờ ông ấy giúp đỡ về chuyên môn cũng như những học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý và xây dựng bóng đá tại Bồ Đào Nha. Cái tôi cần là những con người “biết” việc. Họ sẽ giúp CLB đạt được cái tầm mà tôi mong ước. Cái đó quan trọng hơn tiền là cái chắc rồi.

 

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi ! Chúc cho những dự định của ông trở thành hiện thực một cách sớm nhất.

 

Nhã Nam (thực hiện)

 

Vào năm 2005, ông Hiển quyết định thành lập CLB T&T.Hà Nội và chính thức nhận trách nhiệm ông bầu quản lý đội bóng. Hai năm sau, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tiếp quản đội bóng Đà Nẵng từ UBND thành phố. Trong khi đội bóng đất Hà thành lập kỷ lục 3 năm thăng 3 hạng và đang có cơ hội đoạt vị trí thứ nhì tại VLeague 2009 thì SHB Đà Nẵng đã vươn lên trở thành tân vương trước 3 vòng đấu. Các công ty cổ phần khác của bầu Hiển là SHS, LILAMA 10 hay LILAMA-SHB còn hướng sự đầu tư vào bóng đá Tiền Giang, Huế, Nghệ An nhưng chưa đem lại hiệu quả như trên...

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN