TTVH Online

Trịnh Long - vẽ là sự cứu rỗi phi thường

06/08/2009 14:11 GMT+7

"Đã có lúc tôi cảm thấy phát điên" - họa sĩ Trịnh Long nói về 10 năm bị liệt của mình. Nhưng anh đã không để thể xác cầm tù tâm hồn bằng cách tiếp tục cầm cọ. Những nét cọ đau đớn đã giúp anh được giải phóng.

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, chiều qua 5/8, tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội) đã khai mạc một triển lãm hội họa cực kỳ đặc biệt và cảm động. Triển lãm mang tên Sức sống trưng bày 36 bức tranh sơn dầu cỡ vừa và nhỏ của một họa sĩ Hà Nội (mở cửa đến 12/8). Nếu chỉ nhìn qua những bức tranh chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, cháu nhỏ, cô gái mặc áo dài ngồi dưới nắng... với một gam màu nhẹ nhàng, tươi sáng thì người xem hẳn chưa biết điều gì gọi là lạ lùng.

Nhưng giá như có ai đó đặt thử câu hỏi: Tác giả những bức tranh này ở đâu? Tại sao lại vắng mặt trong buổi khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình? Câu trả lời của những người xung quanh sẽ cho bạn một cú sốc thật sự, nếu như bạn biết được người vẽ ra những bức tranh này là ai và chúng tôi được vẽ ra khó khăn như thế nào?


Họa sĩ Trịnh Long vẫn làm việc sau khi bị liệt mất 80% sức khỏe
1. Năm 1999, khi đang là sinh viên đại học, người viết bài báo này bị tai nạn xe máy, ngã gãy “ống đồng”. Gần một tháng nằm bất động, ăn uống vệ sinh tại chỗ, tiếp theo hai tháng sau lê la bằng nạng. Nếm thử một chút cái đời sống khổ sở đáng sợ của người tàn tật, không kiểm soát được thân thể mình, tôi khá hiểu việc đi lại bằng hai chân và có thể tự vệ sinh cho mình như một người bình thường quý giá tới mức nào.

Cùng trong năm 1999 ấy, có một đấng mày râu “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” vừa tròn 30 tuổi, chưa vợ con, đang là giảng viên dạy khoa Nội thất của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cũng bị một tai nạn, kinh khủng hơn tôi nhiều. Anh bị ngã trong khi tập xà và hậu quả là bị liệt toàn thân (cú ngã gây hậu quả tương tự với hai VĐV Trần Thanh Ngời và Lê Thị Huệ sau này). Thử hỏi có điều gì khiến cho người thân và người bị nạn bớt đau xót hơn sau tai nạn đáng tiếc này. Mới đầu thì mọi người có thể tự an ủi nhau: dù sao vẫn còn sống. Nhưng thời gian đằng đẵng chịu đựng sau đó mới thực sự khủng khiếp, và có thể có những
lúc còn khủng khiếp hơn cả cái chết... Tất cả những điều “bình thường một cách khủng khiếp” ấy được họa sĩ Trịnh Long - người họa sĩ lãnh chịu tai nạn nói trên ghi lại bằng cách vẽ tranh sau gần hai năm chờ đợi để cơ thể phục hồi lại một chút chức năng. Quãng thời gian như anh tự bạch: “Sự rỗi rãi và cảm giác bất lực làm tôi lúc nào cũng có thể phát điên”. Thực tế đau đớn là chấn thương của anh không thể phục hồi được nữa. Bị liệt mất 80% sức khỏe. Anh chỉ có thể nhúc nhích cử động được một bên vai phải...

Người xem có thể bật khóc khi xem loạt chân dung tự họa Trịnh Long vẽ năm 2007. Một bức anh vẽ chân dung mình như một cái cây, phần dưới cơ thể mình như một đống đá đang hóa thạch. Bức khác trông anh như một tù nhân ngồi trong nhà tù. Một bức khác nữa vẽ chân dung Long nhìn nghiêng, toàn một màu đỏ lửa như bốc cháy trên khuôn mặt. Những bức tranh được anh vẽ ra chỉ bằng cái nhúc nhích bờ vai bên phải ấy quả thật là vẽ bằng nghị lực sống và ý chí của lửa...

2. Để có thể làm việc, một người bạn thân của Trịnh Long đã thiết kế cho anh một dụng cụ vẽ đặc biệt. Đó là một cái ống inox buộc gá vào cánh tay phải, có một đầu rỗng để lắp bút vẽ và nẹp chặt lại. Khi vẽ, họa sĩ cũng không thể tự bóp màu, bóp dầu ra pa - let mà phải có người bóp hộ. Người bóp hộ này còn có nhiệm vụ xoay ngang hay lộn ngược bức tranh vì họa sĩ chỉ thuận tiện cử động bút vẽ theo chiều dọc. Xem anh vẽ, xem cách họa sĩ giữ bút bằng hai tay mà vẫn run bắn, một hai giờ đồng hồ mới vẽ xong một chi tiết nhỏ, những cô gái dễ xúc động chắc phải chảy nước mắt. Mỗi ngày Trịnh Long cũng chỉ có sức làm việc được khoảng 2 tiếng đồng hồ...


3 bức chân dung tự họa của Trịnh Long

Mặc dù vậy, Trịnh Long hoàn thành những tác phẩm vô cùng công phu và khó nhọc ấy của mình trong khoảng thời gian tương đối nhanh, có lẽ do những kỹ năng thiện nghệ về tạo hình được đào tạo trước đây của anh không hề mất. Từ 3 - 4 buổi cho đến 1 tuần là anh vẽ xong một bức. Bức lâu nhất như Chân dung Quỳnh Trang anh vẽ năm 2002 mất tới hai tháng, sau đó thì nhanh hơn. Bạn bè và người thân làm mẫu cho anh vẽ chân dung. Anh vẽ theo các ký họa ghi chép trước đây của mình, vẽ theo trí nhớ và sự tưởng tượng, “chơi tuốt” tất cả các trường phái, từ hiện thực cổ điển kiểu Nga, siêu thực, biểu hiện... Anh tâm sự: Mỗi bức tranh là một sự thể nghiệm, một khám phá mới và tôi cảm thấy mình đang trong một cuộc phiêu du bất tận. Chính vì thế tôi vẽ với đủ mọi phong cách mà tôi có thể thể hiện được... Những bức chân dung và phong cảnh của Long vẽ ra, cho thấy một con người thông minh, với tâm hồn trong veo ấm áp và rất nhạy cảm...

3. Trong lịch sử văn học - nghệ thuật thế giới, có không ít những nghệ sĩ bị tai nạn dẫn đến bại liệt hoặc bất động, nhưng tác phẩm của họ được sáng tạo ra sau khi họ bị tai nạn đã chứng minh cho nghị lực sống cao đẹp phi thường còn mãi với thời gian. Như nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky (1904 -1936) với tiểu thuyết nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy kể về nhân vật Pavel Corsaghin (chính là hóa thân của tác giả) đã là biểu tượng của niềm tin và nghị lực vươn lên của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới.


Tác phẩm siêu thực Sự sống


Trong hội họa, người ta vẫn biết đến nữ danh họa người Mexico, Frida Kahlo (1907 - 1954) với những kiệt tác được vẽ ra từ chính nỗi đau thân thể của bà...

Tôi không dám so tác phẩm của Trịnh Long với những sáng tác của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới kể trên. Nhưng đứng trước tác phẩm sơn dầu siêu thực Sự sống anh vẽ suốt 5 năm (2001 - 2006), thấy đau đau trong ngực khi cảm nhận được sự vĩ đại mà đau đớn của sự sống. Một cơ thể khổng lồ cuồn cuộn bứt lên gào thét từ những khối kiến trúc khổng lồ giữa trời lồng lộng, mới hay nghệ thuật là điều cao nhất mà con người có thể đạt tới, cũng như là sợi dây kỳ diệu nối những động vật phàm tục là chúng ta với những cảm giác thần thánh. Và tự hỏi nữa, sao những con người khỏe mạnh bình thường như chúng ta đang phí phạm nhiều thời gian như thế, vào những điều thường nhật ta cứ tưởng là to lớn và có ý nghĩa ghê lắm...

Vũ Lâm
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN