TTVH Online

Đi vào sử xanh (P2)

20/07/2009 14:44 GMT+7

Theo thông tin của những người dân đi rà phế liệu, trong phạm vi hơn 10km2 ở Chư tan Kra đều tìm thấy mũ sắt. Vậy xương cốt các anh ở đâu giữa những đỉnh cao này?

Phóng sự của Mạnh Cường – Việt Thường

(Tiếp theo kỳ trước)

>>>
Tìm lại xương cốt người lính mũ sắt Hà Nội

Theo thông tin của những người dân đi rà phế liệu, trong phạm vi hơn 10km2 ở Chư tan Kra đều tìm thấy mũ sắt. Vậy xương cốt các anh ở đâu giữa những đỉnh cao này? Điều đó phụ thuộc vào trí nhớ của những người lính già, nhưng 41 năm, cảnh sắc thay đổi, đại ngàn thành đồi nương, cỏ tranh, nứa ken đặc lối đi, việc tìm nơi các anh nằm xuống tại thực địa không hề đơn giản.

134 hài cốt trong 3 hố chôn tập thể

Mười ngày ăn chực nằm chờ, những người lính già thi gan cùng mùa mưa Tây Nguyên để tìm bạn. Một ngày đi rừng, một ngày nghỉ cho bắp chân kịp hồi phục, ngày sau lại đi. Tây Nguyên mùa này, mưa “không báo trước”. Vừa nắng khô rang, thoắt cái đã mưa như trút, đất rừng bốc hơi ngùn ngụt. Đã có tăng võng mang theo, mưa không cản được bước chân những người thương binh đi tìm liệt sĩ.

Lán dã chiến, nơi đặt tạm hài cốt liệt sỹ được tìm thấy trên đỉnh Chư tan Kra


Ban đầu các cựu chiến binh dự định cả đoàn hành quân lên đồi để tìm các hướng chính của trận đánh. Sau đó sẽ chia ra từng tổ theo hướng đánh của từng đại đội để xác định các hố chôn tại các đỉnh cao. Tại cao điểm 1124 do lính Mĩ chôn bộ đội ta 134 liệt sĩ, tại 3 hố. Tại đỉnh 996 cũng có trên 40 anh em lính mũ sắt Hà Nội do bộ đội ta tự chôn.

Hiện chúng tôi đã có trong tay tài liệu mật do Mỹ cung cấp cho Việt Nam tháng 9 năm 2000 nhằm thúc đẩy quá trình tìm kiếm liệt sĩ, hiện văn bản gốc lưu tại Sở LĐTB&XH Kon Tum. Tài liệu của Cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam (8605 Carmeron street, suite 400, silver spring MD 20910 mục 240), bằng tiếng Anh ghi rõ:

"Ngày xảy ra sự cố: 26/3/1968. Địa điểm: tỉnh Kon Tum. Làng gần nhất: Polei chuot. Tọa độ ghi trên bản đồ YA939913 - 6537IV Polei Jar sieng. Vị trí mộ, số xác chôn 134, trong 3 mộ. Đơn vị Hoa Kỳ có quan hệ: Tiểu đoàn thứ 6, Pháo binh thứ 29.Tiểu đoàn bộ binh thứ 8, trú đóng có pháo đội C, Tiểu đoàn thứ 6, Pháo bộ thứ 29 tại FSB14”.

Trước đó, trong báo cáo tác chiến của đơn vị Mỹ đồn trú ở đây ghi rõ: Ngày 12/3/1968: bị pháo kích 35 quả, loại đạn 60mm; 13/3: 13 quả đạn rốc két 122mm; 14/3: 30 quả đạn 82mm; 15/3: 6 quả đạn 120mm; 6 quả đạn 120mm; 16/3: 8 quả rốc két 122mm; 22/3: ị 8 quả đạn 75mm súng không giật.

Trận đánh ngày 26/3/1968 được ghi lại vắn tắt như sau: Tiểu đoàn thứ 3 bộ binh thứ 8 trú đóng có Pháo đội C, Tiểu đoàn thứ 6, Pháo binh thứ 29 tại FSB 14 (YA 939.913) bị OPCON đối với Lữ đoàn 3 và Tiểu đoàn 2. Đơn vị Pháo binh thứ 9 cũng bị tấn công bằng vũ khí hạng nặng gồm rốc két, B40 và khoảng 100 quả pháo 82mm. Cuộc tấn công bằng loại vũ khí này là để mở đầu cho cuộc tập trung tấn công trên bộ do khoảng 2 tiểu đoàn lính Bắc Việt. Dùng súng phóng hỏa, bộ đội Bắc Việt đã tràn vào bên trong hàng rào thép gai phòng thủ và vào bên trong một ổ súng đại bác. Họ nỗ lực đánh bật quân Mỹ ra khỏi FSB. Bằng kỹ thuật bắn trực xạ, từ những ổ súng còn lại, Pháo đội C đã khôi phục lại được vị trí đặt súng và bằng cách đó, đã phá hủy được đại bác ngắn nòng của đối phương. Loại đạn tổ ong được bắn ra 15 quả, loại đạn công phá mạnh 400 quả, đôi lúc ngay tại các điểm gần trong tầm tác xạ trống, để đẩy lính Bắc Việt ra khỏi FSB. Xác chết lính Bắc Việt đếm được là 134. Thời gian cuộc tấn công xảy ra từ lúc 03h30 đến 07h30. Ngày 28/3: tiếp tục bị pháo kích 17 quả đạn 82mm; ngày 29/3: bị 23 quả đạn 82mm. Riêng cao điểm Chư tan Kra bị 5 cuộc tấn công bằng pháo, khiến 10 lính Mỹ bị thương.

Trong báo cáo tác chiến của Tiểu đoàn thứ nhất, pháo binh thứ 92 OR-U Bộ chỉ huy tiểu đoàn ngày 5/5/1968 có chi tiết về trận đánh này như sau: Đạn pháo Shell A149 đã lần đầu tiên được bắn đi vào ngày 26/3/1968. 24 quả đạn đã được bắn đi trong tầm tác xạ 9.400m. Quan sát viên tiền phương đã yêu cầu và được báo cáo thường lệ rằng, những quả đạn ấy đã đến được mục tiêu, có hiệu quả và kết quả tuyệt hảo. Chúng được bắn đi trong việc phòng thủ căn cứ yểm trợ hỏa lực 14, tại tọa độ YA 939913 khi các đơn vị tại đây đang bị hai tiểu đoàn của quân Bắc Việt tấn công dữ dội. Họ được yểm trợ bởi súng phóng hỏa, đạn rốc két và đạn pháo. 135 địch quân bị chết, đếm được xác tại chiến trận.

Như vậy, những tài liệu này đã không nói rõ số thương vong phía Mỹ, nhưng có thể thấy rằng số người lính mũ sắt Hà Nội nằm lại trên Chư tan Kra, do Mỹ chôn, là 134 hoặc 135 người. Chưa kể số người được đồng đội chôn cất.

Trận đánh được khắc sâu vào lịch sử

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Thiếu tướng Vũ Hữu Luận, Cục trưởng Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị đã ký công văn số 401/CV-CS ngày 15/6/2009 gửi Cục Chính trị Quân khu 5, Cục Chính trị Quân đoàn 1 về việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nội dung công văn nêu rõ: Ngày 11/6/2009, đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã làm việc với đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Nhóm Cựu chiến binh Tiểu đoàn 7 và cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trên đường tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.


Sau khi nghiên cứu nội dung thư cung cấp về mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại khu vực núi Chư tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (điểm cao 995: hơn 200 liệt sỹ; điểm cao 996: 44 liệt sỹ) và trao đổi thống nhất với Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Thượng tướng Bùi Văn Huấn có ý kiến như sau: Giao Cục Chính trị Quân đoàn 1 chỉ đạo Sư đoàn 312 kiểm tra hồ sơ, tài liệu, sơ đồ mộ chí lưu trữ; tập hợp danh sách liệt sỹ hy sinh trong hai trận chiến đấu trên và các thông tin liên quan khẩn trương cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum và Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 209 để bổ sung căn cứ tìm kiếm liệt sỹ. Giao Cục Chính trị quân khu 5 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum căn cứ tài liệu được cung cấp, xây dựng kế hoạch, dùng lực lượng đội K 53 tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt Sỹ ở khu vực núi Chư tan Kra.

Đồng thời chúng tôi cũng được biết, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đại tá Hồ Cảnh Thái vừa có công văn số 539/CCT-CS ngày 26/5 gửi Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Chiến lược Quân sự Việt Nam đề nghị đánh giá ý nghĩa trận chiến đấu của Trung đoàn 209 tại Kon Tum. Trên cơ sở những đánh giá này, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ báo cáo các cơ quan chức năng của UBND TP.Hà Nội để xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại Kon Tum. Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có công văn trả lời số 149/VLS-KH ngày 6/7/2009, nội dung chính như sau: “Trung đoàn 209 chiến đấu hai trận tại Chư tan Kra vào tháng 3/1968 là có thật. Diễn biến và kết quả của các trận chiến đấu này được các tài liệu phản ánh khá thống nhất, cả phía ta cũng như phía Mỹ. Đây là trận chiến với quân Mỹ đầu tiên của Trung đoàn 209, mà phần lớn quân số là người Hà Nội. Song, điều quan trọng nhất là tuy lần đầu xung trận, đánh quân Mỹ, nhưng trong trận ngày 26/3/1968 Trung đoàn đã diệt gọn hai đại đội và một trận địa pháo Mỹ, số thương vong của ta cũng rất cao. Số liệu này là đáng tin cậy bởi Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã thống kê rõ. Hai trận chiến đấu ở Chư tan Kra là trận đánh tiêu biểu, mãi được khắc sâu vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, là niềm tự hào và tình cảm thiêng liêng đối với những người đã cống hiện trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy, việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ tại Chư tan Kra là việc cần kíp, phải làm càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đồng thời, việc xây dựng khu tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh tại Chư tan Kra là việc nên làm. Nếu được, bia đá của khu tưởng niệm nên ghi: “Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại Chư tan Kra”.

Các anh nằm xuống, và giờ đây dù muộn, cũng đã đi vào sử xanh.

Hy vọng trong mùa khô

Theo ý kiến của Đại úy Trần Đức Độ, phụ trách đội K53, người đã có thâm niên 15 năm lăn lộn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh A Tô Pơ, Xê Kông, Chăm Pa Sắc (Lào), tỉnh Ra Na Ta Ka Ri (Campuchia) và toàn bộ địa bàn Kon Tum, nếu dựng nhà bạt trên đồi thì sinh hoạt rất gian khổ. Mùa mưa, suối đục ngầu, múc lên một phần nước hai phần đất, vận chuyển nước sinh hoạt lên đỉnh đồi là điều không thể thức hiện được. Thêm vào đó chất độc da cam còn nhiều trên các cao điểm khiến việc ăn uống trở nên rất nguy hiểm. Vì vậy, đoàn sẽ đóng quân tại làng kinh tế mới dưới chân Chư tan Kra và hàng ngày dùng xe u - oat để đến chân đồi, sau đó đi bộ cắt rừng tìm kiếm.

Trước khi những người lính cũ của Tiểu đoàn 7 vào Tây Nguyên, việc tìm kiếm của K53 dựa hoàn toàn vào nguồn thông tin của dân, những người đi tìm phế liệu. Huyện, xã báo cho thôn triệu tập bà con đến đặt vấn đề vận động, ai biết thông tin về liệt sĩ ở Chư tan Kra thì thông báo.

Đại tá Hoàng Đình Nguyên – Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum cho biết, vì các anh là thế hệ về sau và trận đánh cũng ít được nhắc tới nên không nắm hết thông tin. Việc các cựu chiến binh Tiểu đoàn 7 ở Hà Nội vào Tây Nguyên là cơ sở quý báu để có thể xác định hướng tiến công, khu vực chôn cất liệt sĩ, khu vực tập kết lực luợng của ta trong trận đánh năm 1968. Đó là những nhân chứng sống để cùng lên thực địa tìm kiếm điểm chiến đấu, điểm bố trí lực lượng, và là cơ sở quan trọng nhất để xác định khu vực chôn cất hài cốt liệt sĩ.

Thông qua TT&VH, Đại tá Hoàng Đình Nguyên cũng muốn nhắn gửi với thân nhân các gia đình liệt sĩ rằng, Kon Tum sẽ làm hết sức để thực hiện ước nguyện đưa tất cả các hài cốt liệt sĩ về quê hương, làm giảm đi phần nào nỗi đau của các thân nhân. Đại tá Nguyên khẳng định, nếu có thông tin mới sẽ huy động thêm lực lượng dân quân vào cuộc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm có thể sẽ kéo dài sang đến mùa khô, phải đốt hết cây rậm chết khô, hướng quan sát mới rộng hơn.

TT&VH sẽ thường xuyên cập nhật thông tin mới để gửi tới bạn đọc và thân nhân liệt sĩ về vụ việc này.
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN