TTVH Online

Phía sau chiều cao của Nkemi Arim: Bóng đá chứ không phải bóng chuyền

01/07/2009 10:05 GMT+7

Cho tới thời điểm này, có thể coi Nkemi là một thất bại, một bản hợp đồng tồi nhất của Bình Dương trong 5 mùa bóng gần đây.

(TT&VH) - Khi những cú đá phạt của Vũ Phong (nhất là từ 2 cánh và phạt góc) chuẩn mực tới mức một người cao chỉ hơn 1m7 như Kesley cũng ghi bàn dễ dàng hay Helio lần đầu tiên lên tham gia tấn công liền có bàn thắng và Anh Đức vào sân chưa kịp thấm mồ hôi cũng lập công, thì đương nhiên, một người lênh khênh như Nkemi Arim (hơn 1m9) hẳn phải là sự lựa chọn tuyệt hảo?

Nhưng bóng đá không phải là trò chơi cầm thước đo chiều cao, ai nhiều centimet hơn thì thắng. Bởi thế mới không có chuyện các vận động viên bóng chuyền chạy hết sang đá bóng để từ chỗ nhận lương chỉ vài triệu đồng chuyển sang nhận lương hàng chục triệu và thưởng có thể gần trăm triệu một tháng.

Bởi thế Nkemi Arim mới chỉ ghi được 1 bàn thắng cho Bình Dương kể từ ngày anh ta chuyển đến chơi từ đầu giai đoạn lượt về. Bởi vậy Nkemi mới phải ngồi trên ghế dự bị trong những trận gần đây, dù cho cũng xét về lý thuyết thì một tiền đạo lực lưỡng rất thích hợp với vai trò trung phong cắm trong sơ đồ 4-2-3-1.

HLV Mai Đức Chung ở Lạch Tray đấu với XMHP đã bố trí một sơ đồ như thế và Nkemi chỉ vào sân ở những phút cuối cùng, để câu giờ bằng chiến thuật và để Bình Dương xài nốt quyền thay người thứ ba cho... đỡ phí.

Và cũng bởi thế nên Nkemi Arim đã bị Thể Công từ chối ở giữa mùa giải 2008 khi cầu thủ này tới thử việc. Ngày ấy, Thể Công đá tập với HPHN trên sân Hàng Đẫy, các cầu thủ bảo nhau dồn bóng cho Nkemi nhưng tiền đạo cao kều này vẫn thất bại.
 
Chiều cao chưa phải là yếu tố sống còn để làm nên 1 cây ghi bàn siêu hạng, và Nkemi là 1 dẫn chứng tiêu biểu.
Cho tới thời điểm này, có thể coi Nkemi là một thất bại, một bản hợp đồng tồi nhất của Bình Dương trong 5 mùa bóng gần đây. Nhưng, vấn đề lớn nhất của câu chuyện này không phải là Bình Dương phung phí bao nhiêu tiền và sức mạnh của họ thế nào (vì Bình Dương vốn dĩ đã mạnh rồi), mà nó nằm ở chỗ, ông Mai Đức Chung không phải là người đưa Nkemi từ Maldives (nơi anh chơi bóng) về. “Tôi về đây thì Nkemi đã có mặt”, ông Chung nói thế sau trận đấu với Thể Công ở vòng 16.

Chí Công suốt thời gian qua vẫn ngồi trên khán đài như một người hâm mộ. Khi hàng thủ Bình Dương liêu xiêu vì chấn thương (như vắng Quang Thanh) thì họ vẫn phải mài sức già của Văn Hải ra để bù đắp (sau khi thử Phong Hòa thất bại). Trận đấu với XMHP, Hải đá cánh phải và đá rất tròn vai với nỗ lực tới cái trán khá nhẵn của anh mồ hôi cứ chảy thành dòng.

Chí Công cũng không phải là người của ông Chung đưa về. Công cũng chẳng phải là sản phẩm của ông Vital. Khi ông thày người Bồ về đây thì Công đã có sẵn ở Gò Đậu. Và Bình Dương mua Chí Công cũng không phải vì anh có tem tuyển thủ. Họ mua xong rồi Chí Công mới được Minh Phương, Tài Em chìa ra 2 cánh tay kéo lên đội tuyển tiến cử cho ông Calisto.

Ở đây, chỉ có người Bình Dương biết với nhau ai là tác giả của những bản hợp đồng ấy, và dù là ai khi đã không phải là những HLV thì đó rõ ràng là một điều đáng bàn.

Có một điều mà BĐVN đã học được từ rất lâu rồi, rằng bóng đá chuyên nghiệp nghĩa là công việc của ai người đó làm. Tuyển chọn cầu thủ phải là HLV, bởi nó phải phục vụ lối chơi, ý đồ chuyên môn, trừ phi cầu thủ đó là một ngôi sao hoặc là một phi vụ làm thương hiệu.

Chiều nay, nếu Vũ Phong lại đá phạt và lại tạt cánh chuẩn xác tựa như một cái máy bắn bóng, nhưng không phải Nkemi đánh đầu ghi bàn, thì đó cũng không phải là điều bất ngờ.

Phong Vũ

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN