TTVH Online

Dòng họ khai sinh cải lương tuồng cổ

11/06/2009 11:23 GMT+7

Gia tộc bầu Thắng - Minh Tơ được gọi là dòng họ khai sinh ra loại hình cải lương tuồng cổ. Tối 16/6, dòng tộc đã có 5 đời theo nghề hát này sẽ có đêm diễn chuyên đề sân khấu Dòng nghề tâm sử tại TP.HCM.

(TT&VH) - Tối 16/6, chuyên đề sân khấu Dòng nghề tâm sử của “gia tộc cải lương” bầu Thắng - Minh Tơ do NSND Thanh Tòng làm đạo diễn sẽ ra mắt khán giả tại rạp Hưng Đạo, TP.HCM. 

Gia tộc bầu Thắng - Minh Tơ đã có 5 đời theo nghề hát và thế hệ thứ 6 của gia đình cũng đang là những mầm non đầy hứa hẹn cho loại hình nghệ thuật đặc sắc: cải lương tuồng cổ (trước đó là cải lương hồ quảng) loại hình mà cách đây hơn nửa thế kỷ đã được chính gia đình khai sinh.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với NSND Thanh Tòng, hậu bối của dòng họ được xem là đã sáng tạo ra loại hình cải lương tuồng cổ.
NSND Thanh Tòng trong vai Triệu Đà (vở Chiếc áo Thiên Nga tết 2007)
* Từ đâu mà ông có ý định thực hiện một chương trình cho cả gia đình?

- Trước đây khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cải lương Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ, tôi đã có ý định cụ thể hóa nó thành một đêm diễn thực sự nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Năm 2009 này là tròn 10 năm Quế Trân, con gái út của tôi đoạt HCV Trần Hữu Trang, tôi dự định sẽ thực hiện một chương trình kỷ niệm cho Trân. Nhưng Quế Trân lại mong muốn làm chương trình cho tôi. Với sự ủng hộ của con gái, tôi quyết định không làm chương trình riêng nữa mà mong muốn có một đêm mà bà con dòng họ bầu Thắng - Minh Tơ hội tụ về trên sân khấu cùng tái dựng lại truyền thống của gia đình.
* Cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Thường người ta chỉ viết gia phả bằng chữ nhưng tôi muốn viết gia phả của gia đình bằng những hình ảnh nghệ thuật. Ở đó mọi người sẽ được thấy lại những hình ảnh, những thước phim tư liệu về những nghệ sĩ tiền phong của gia đình như: Minh Tơ, Đức Phú, Huỳnh Mai... cũng như “viết” lên quá trình phát triển từ cái gốc hát bội lên cải lương tuồng cổ ngày nay. Đêm diễn này cũng là để các thế hệ con cháu có thể lưu giữ lại cho mình những kinh nghiệm quý báu từ những bậc tiền bối mà chỉ có thể tiếp thu được qua dạng “nghề truyền nghề” chứ không có trường lớp nào dạy cả...
NSND Thanh Tòng cùng các nghệ sĩ trên sân khấu
* Vậy cuốn “gia phả bằng nghệ thuật” này sẽ được viết như thế nào, thưa ông?

- Tiết mục mở màn là Nghệ thuật giao hòa - Khởi đầu lập nghiệp sẽ tái hiện lại hình ảnh những đoàn hát bội theo chân các chúa Nguyễn vào phương Nam đã 300 năm, rồi nội tổ của tôi lập Vĩnh Xuân - bầu Thắng từ những năm 30 thế kỷ trước qua phần trình diễn các bộ, các điệu, lời hát đặc trưng của hát bội. Tiếp theo là các trích đoạn từ những kịch bản kinh điển đã làm nên tên tuổi của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ được khán giả rất yêu mến và cũng thể hiện quá trình phát triển của cải lương tuồng cổ là: Quan Công phó hội Chu Du - hát bội pha hồ quảng, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ - hát cải lương tuồng Tàu,Tào Tháo tam ban Đổng Quý Phi, Quan Công phò nhị tẩu - cải lương hồ quảng hát nhạc Đài Loan cải biên do nghệ sĩ Đức Phú sáng tác, Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương - cải lương tuồng cổ về sử Việt, Thánh Gióng - giới thiệu thế hệ thứ 6 của gia đình.
Cha con nghệ sĩ Thanh Tòng và Quế Trân - ngôi sao trẻ của sân khấu cải lương tuồng cổ, thuộc hế hệ thứ 5 của gia tộc bầu Thắng - Minh Tơ
Và cuối cùng là tiết mục Kế thừa truyền thống: đời nối đời, nghề truyền nghề với sự tham gia của nhiều thế hệ thành viên trong gia đình. Đây cũng là lời khẳng định, các thế hệ của gia đình bầu Thắng - Minh Tơ (đã đến thế hệ thứ 6) sẽ quyết tâm giữ gìn, kế thừa và phát huy tinh hoa của nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

Xen giữa những tiết mục sẽ là những clip tư liệu xưa về truyền thống nghề hát của gia đình. Đặc biệt sẽ có 4 dàn nhạc là: hát bội, hồ quảng, cổ nhạc và tân nhạc được sử dụng trong chương trình.

* Đây là chương trình hoàn toàn “nội bộ”?

- Chương trình quy tụ gần 100 nghệ sĩ, diễn viên, vũ đoàn trong đó chủ yếu đều là thành viên của gia đình từ thế hệ thứ tư: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Xuân Thu, Công Minh, Thanh Sơn, Chí Bảo, Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Long, nhạc sĩ Minh Tâm, đạo diễn Phương Hoàng... Thế hệ thứ năm gồm những nghệ sĩ trẻ nòng cốt của sân khấu cải lương tuồng cổ hiện nay: Xuân Trúc, Trinh Trinh, Quế Trân, Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Ngọc Trinh... Và thế hệ thứ sáu là: các bé Tú Quyên, Hồng Quyên, Thanh An... Đặc biệt, cô tôi là nghệ sĩ Huỳnh Mai, vợ của NSND Thành Tôn, mẹ của NSƯT Thành Lộc, hiện là người lớn nhất của gia đình, đã hơn 80 tuổi sẽ có mặt chung vui cùng con cháu. Các em Bạch Long, Thành Lộc mặc dù rất bận rộn với sân khấu kịch cũng đến tham dự.

* Cảm ơn ông! Chúc chương trình thành công!

Những năm 50 thế kỷ 20, sân khấu cải lương phát triển mạnh. Nghệ thuật hát bội lâm vào lao đao. Gánh hát bội của ông bầu Thắng đóng tại đình Cầu Quan từ những năm 20 cũng gặp nhiều khó khăn. Lúc này, con trai ông là Minh Tơ (cha NSND Thanh Tòng) đang phụ trách gánh hát nhận ra rằng nếu không thay đổi theo thị hiếu của khán giả thì khó mà tiếp tục giữ được nghề của gia đình.

Ông Minh Tơ cùng những người em đã đưa bài bản cải lương vào hát bội, đơn giản bớt các vũ đạo, giảm tính ước lệ của hát bội sản sinh ra lối hát bội pha cải lương. Khi phim ảnh và tuồng Đài Loan, Triều Châu, Quảng Đông du nhập vào nước ta thì những điệu nhạc Đài Loan, nhạc Quảng cũng được tiếp thu đưa vào làm ca khúc trong tuồng hình thành nên cải lương hồ quảng.

Sau năm 1975, để phù hợp với xã hội mới, ngoài những kịch bản kinh điển cũ, Thanh Tòng cũng chuyển sang sáng tác đề tài sử Việt, đơn giản và Việt hóa các vũ đạo, cũng như đưa thêm nhiều bài bản, điệu lý của dân tộc vào các vở tuồng hình thành một phong cách biểu diễn rất riêng được gọi là cải lương tuồng cổ. Những vở diễn kinh điển của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ có thể kể đến: Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Bão táp Nguyên phong, Má hồng soi kiếm bạc, Bức ngôn đồ Đại Việt, Lưu Bị cầu hôn Giang tả, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Trảm Trịnh Ân...
Ninh Lộc (thực hiện)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN