TTVH Online

Nhật ký hành trình tìm mộ cha

13/05/2009 10:34 GMT+7

Nhật ký hành trình này nhằm hồi âm bài viết “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” do báo TT&VH đăng tải thời gian vừa qua do con trai duy nhất của liệt sĩ Đặng Quốc Giám cung cấp.

(TT&VH) - Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”, chúng tôi nhận được bài viết của anh Đặng Thanh Hải, trung tá, hiện công tác tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc, là con trai duy nhất của liệt sĩ Đặng Quốc Giám - lính mũ sắt Hà Nội.

>>>
Hồi âm loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”: Người lính không tên
>>> Không thể chìm vào quên lãng
>>> Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 3)

Liệt sĩ Đặng Quốc Giám hy sinh ở dãy Chư tan Kra trong trận đánh đỉnh Chư Pen, và do thiếu thông tin (giấy báo tử chỉ ghi: hy sinh tại chiến trường miền Nam, an táng tại nghĩa trang mặt trận) nên anh đã đi từ Nghệ An tới Bình Phước  để tìm hài cốt của cha mình. Xin gửi tới độc giả bài viết này để cùng chia sẻ nỗi đau mất chồng, mất cha của một  gia đình và mong mỏi rằng khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội nằm xuống ở Chư tan Kra sớm được xây dựng.

Đoàn tìm mộ chúng tôi gồm 3 người: Đặng Ngọc Sửu - em trai liệt sỹ; Đặng Thanh Hải - con trai, sinh năm 1965; Đặng Trường Thành cháu gọi liệt sĩ bằng bác, lái xe phương tiện đi bằng ô tô 4 chỗ.

Ngày thứ nhất: Chúng tôi xuất phát lúc 0h 15 phút ngày 24/3/2008, đã sang giờ tý, thành phố Vĩnh Yên mọi người đang ngon giấc, đến quốc lộ 1A xe chúng tôi bị hỏng phải sửa mất một tiếng đồng hồ. Vào đến quân khu 4 thành phố Vinh, Nghệ An lúc 9h 30 phút, chúng tôi gặp phòng chính sách tìm trong danh sách liệt sĩ nhưng không có tên Đặng Quốc Giám. Chúng tôi đi tiếp vào tỉnh đội Quảng Trị, vẫn làm như vậy nhưng cũng không thành. 17 giờ 30, chúng tôi đến trạm tiếp đón thân nhân liệt sỹ tại thị xã Đông Hà và nghỉ tại đó.

Ngày thứ hai: 7h ngày 25/3/2008, chúng tôi làm việc với trạm tiếp đón gia đình liệt sỹ, tìm danh sách lại không có. 13 giờ vào đến thành phố Đà Nẵng đến quân khu 5 làm việc với phòng chính sách cũng không có tên liệt sĩ. Tại đây chúng tôi liên lạc với sở LĐTBXH Vĩnh Phúc tìm giấy báo tử cha tôi và fax vào máy phòng chính sách quân khu 5 (vì giấy báo tử cũ không đúng), khi có giấy báo tử chính thức mới biết được đơn vị để đi tìm. 15 giờ, chúng tôi xuất phát từ Tây Nguyên đi theo đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, trên đường đi trời đổ mưa rào, xe chúng tôi gần hết xăng, may quá đến một quán nhỏ ven đường, cả quán chỉ có 5 lít xăng đổ tạm và lại tiếp tục đi qua đèo Lò Xo rồi đi tiếp đến huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum, lúc đó là 22 giờ đêm. Chúng tôi nghỉ và ăn cơm tại gia đình người nhà tại xã Tân Cảnh huyện Đắc Tô.

Dãy Chư tan Kra, nơi liệt sĩ Đặng Quốc Giám và các đồng đội hy sinh và đến nay vẫn còn nằm lại trên mảnh đất này.


Ngày thứ ba: Ngày 26/3/2008 chúng tôi tiếp tục đi đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy lúc 9 giờ, làm việc với quản trang và xin phép thắp hương tại tại đài tưởng niệm liệt sỹ, ở đây đa phần là mộ liệt sĩ vô danh và mộ liệt sĩ chưa biết tên. Chúng tôi đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy vì đồng đội của cha tôi cho biết thông tin cha tôi hy sinh tại cao điểm Chư Pen – Chư tan Kra thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum. Ở đây chúng tôi có gọi điện về cho cô Nguyệt, nhà ngoại cảm, nhưng cả ngày không xác định được, buổi trưa chung tôi ăn tạm bánh mỳ, buổi chiều lại tiếp tục tìm kiếm nhưng không thấy. 16h cơn mưa Tây Nguyên đổ xuống, chúng tôi đi tìm nhà trọ và nghỉ cách nghĩa trang khoảng 3km.

Ngày thứ tư: 7h ngày 27/3/2008 chúng tôi tiếp tục sắm hương đăng hoa quả vào nghĩa trang thắp hương tại đài tưởng niệm và nhờ nhà ngoại cảm tìm giúp, nhưng không có kết quả. Đến 12 giờ nghỉ ăn cơm trưa và buổi chiều tiếp tục nhờ nhà ngoại cảm chỉ giúp nhưng vẫn không thấy, chúng tôi thất vọng đi về thị xã Kon Tum. Lúc chúng tôi đến nghĩa trang tỉnh Kon Tum đã là 16h. Đến 17h chúng tôi vào nhà khách sư đoàn 10 quân đoàn 3 nghỉ nhờ tại đó.

Ngày thứ năm: 7h ngày 28/3/2008, chúng tôi làm việc với ban chính sách sư đoàn 10, trong danh sách không có tên liệt sĩ. Chúng tôi lại tìm đến tỉnh đội Kon Tum lúc 9 giờ tìm danh sách cũng không có tên. Chúng tôi lại tìm đến Sở LĐTBXH Kon Tum đề nghị cung cấp danh sách và thông tin liệt sĩ nhưng cũng không có thông tin gì. Chúng tôi ăn uống qua loa và tiếp tục hành trình vào tỉnh Gia Lai gặp ban chính sách tìm danh sách liệt sĩ cũng không có tên, chúng tôi tiếp tục tìm đến Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai tìm nhưng cũng không thấy. Chúng tôi tiếp tục tìm đến quân đoàn 3, lúc đó là 16h xin gặp ban chính sách nhưng các chiến sỹ gác cổng không cho vào với lí do: đã hết giờ, các sếp đi đánh tennis và cầu lông. Chúng tôi buồn bã quay lại Sở LĐTBXH Gai Lai được các anh chị niềm nở đón tiếp cho mượn phòng nghỉ để nghỉ đêm ở đó.

Ngày thứ sáu: 7h  ngày 29/3/2008, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến quân đoàn 3 vào gặp phòng chính sách tìm danh sách nhưng không có tên cha tôi. Chúng tôi tiếp tục đi vào tỉnh Đắc Lắc và đến Sở LĐTBXH Đắc Lắc lúc 11 giờ trưa tìm danh sách cũng không có. 12 giờ trưa chúng tôi tiếp tục đi Bình Phước, đến 19 giờ vào đến nghĩa trang tỉnh Bình Phước tìm chỗ nghỉ nhưng chưa có nhà nghỉ, chúng tôi đến nhà khách công an tỉnh Bình Phước nghỉ nhờ lúc đó là 21 giờ đêm.

Ngày thứ bảy: 7h sáng ngày 30/3/2008 chúng tôi đến Sở LĐTBXH tỉnh Bình Phước tìm thông tin về mộ liệt sĩ nhưng cũng không có tên. 9 giờ sáng chúng tôi đi sang tỉnh Bình Dương về đến Thị xã Thủ Dầu Một, tìm đến ban chính sách sư đoàn 7 và sư đoàn có cử cán bộ đưa chúng tôi đến trung đoàn 209, lúc đó là 12 giờ trưa, đơn vị đang ăn cơm trưa, chúng tôi chờ đơn vị ăn cơm xong xin được làm việc. Kiểm tra toàn bộ danh sách cũ và mới do E 209 quản lí - là đơn vị trực tiếp báo tử cha tôi nhưng cũng không có danh sách liệt sỹ Đặng Quốc Giám. Danh các các liệt sỹ hy sinh cùng ngày với cha tôi rất nhiều, đều hy sinh ở trận đánh ở cao điểm Chư Pen hy sinh ngày 15, 16 tháng 5 năm 1968, quê các liệt sỹ chủ yếu ở Đông Anh, Hà Nội. Khi chúng tôi hỏi chỉ huy đơn vị tại sao không có danh sách liệt sỹ Đặng Quốc Giám thì đơn vị không trả lời được. Lúc này, sự thất vọng quá lớn, 3 chú cháu tôi trong đoàn không kìm được nước mắt, không nói được nên lời, chỉ biết khóc và buồn. Tôi ghi vội danh sách 21 liệt sỹ hy sinh cùng ngày, cùng trận địa với cha tôi với hy vọng là không tìm được cha tôi thì tìm xem đồng đội của cha tôi có ai đã được quy tập hay chưa.

Đến 15h, chúng tôi đến quân đoàn 4 hỏi danh sách của cha tôi cũng không có. 16h, chúng tôi đến Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương tìm danh sách cha tôi và 21 liệt sỹ nhưng cô nhân viên phòng thương binh liệt sỹ nói là hết giờ làm việc và hẹn sáng mai làm việc. Chúng tôi ra về lòng hơi buồn vì các cơ quan chức năng quá thờ ơ với các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước. Đến 18h, chúng tôi về nhà khách công an tỉnh Bình Dương để nghỉ nhờ.

Đi tìm đồng đội ở Chư tan Kra


Ngày thứ tám: 7h sáng ngày 31/3/2008 chúng tôi đến Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương gặp cô nhân viên phòng thương binh liệt sỹ khá xinh đẹp nhưng có gương mặt lạnh lùng, thái độ hách dịch quát nạt chúng tôi và trả lời miễn cưỡng rất khó chịu. Chúng tôi buồn bã ra về, trên đường vừa đi vừa khóc vừa buồn, đến Sở LĐTBXH tìm danh sách 21 liệt sỹ nhưng cũng không có tên.

Chúng tôi về Sở LĐTBXH tỉnh Đắc Nông tìm danh sách 21 liệt sỹ nhưng cũng không có tên. Trên đường quay về, chúng tôi vào Sở LĐTBXH tỉnh Đắc Lắc để tìm danh sách 21 liệt sỹ nhưng cũng không thấy. Sau đó về Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum tìm nhưng cũng không thấy tên 21 liệt sỹ. Đoàn chúng tôi ra về lúc 16h từ Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum chạy dọc đường Hồ Chí Minh về đến hầm đèo Hải Vân lúc 22 giờ đêm. Chúng tôi ăn uống qua loa và tìm nhà nghỉ trọ tại bắc đèo Hải Vân.

Ngày thứ chín: 5h ngày 1/4/2008, chúng tôi lên đường, ra đến Đông Hà lúc 7h rồi ra đến đường 9, đến nghĩa trang Khe Sanh lúc 11h. Ở đây có 2 khu nghĩa trang A và B, chúng tôi phân công nhau đi tìm cũng không có tên cha tôi và 21 liệt sỹ, ở đây phần đông là mộ vô danh. Rồi chúng tôi ra về, về đến Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc đã là 2h sáng ngày 2/4/2008. Lúc này mọi người đang yên giấc ngủ. Hành trình đã kết thúc, ngày chúng tôi đi dài nhất khoảng 900 km. Nỗi đau đớn thất vọng quá lớn, 10 ngày không tìm thấy cha và đồng đội của cha, chúng tôi chỉ biết khóc và nghẹn ngào không nói được lên lời.

Sau khi về chúng tôi đã xuống Hà Nội và gặp đồng đội cũ của cha tôi là Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc Phòng và ông Địch, ông Trinh ở Đông Anh, Hà Nội là đồng đội cha tôi để tìm thông tin. Sau đó chúng tôi đến Cục chính sách Bộ quốc phòng để tìm thông tin  và được trả lời là cha tôi hy sinh tại trận đánh Chư Pen theo danh sách báo tử của đơn vị.

Qua chuyến đi tìm cha này, tôi thấy số cán bộ chiến sĩ đơn vị tiểu đoàn 7 hy sinh ngày 14, 15, 16 tháng 5/1968, tại trận Chư Pen hiện nay chưa được quy tập. Tôi xin kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam nên phát động địa phương nơi các liệt sĩ hy sinh cung cấp thông tin và tìm kiếm hài cốt cán bộ chiến sỹ hy sinh tại trận Chư Pen để đưa các liệt sĩ về nghĩa trang địa phương, trông coi, hương khói trong các ngày kỉ niệm, lễ tết để linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát nơi chín suối và cũng là nghĩa tình đồng đội đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Đặng Thanh Hải
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN