TTVH Online

Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài cuối)

01/05/2009 18:14 GMT+7

Chư tan Kra là trận đánh hay nhất của toàn miền Nam đợt 2, đánh bại đơn vị con cưng địch, khiến cho nước Mỹ chấn động, và từ đây bắt đầu bùng nổ phong trào phản chiến.

10. Biết chúng tôi ở Chư tan Kra về, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Giám đốc Học viện Quốc phòng vừa nghỉ hưu, nhắn qua nhà. Ông nói: các cậu vào tận Tây Nguyên tìm anh em, ở lại ăn với anh chị bữa cơm, vừa ăn ta vừa nói chuyện.
 
Cùng luyện tập, cùng hành quân với nhau vào Nam, thời điểm xảy ra trận chiến Chư tan Kra, tướng Trị là chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 8. Ông nói: Ai có vào Nam ngày ấy mới thấy câu thơ này chính xác: Trường Sơn mây núi lô xô/ Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng. Bọn mình phải gọi là lính trung đoàn mũ sắt mới phải, toàn giục nhau đi nhanh nữa lên, không mũ sắt chưa bong sơn thì đã giải phóng rồi.  
 
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị tiếp đồng đội tại nhà riêng
 
Chư tan Kra có lẽ là trận đánh duy nhất ở miền Nam thổi kèn đồng xung phong, và là trận đánh đầu tiên của cả trung đoàn, chủ công là tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 9 dự bị, tiểu đoàn 8 không tham gia, do còn cách khoảng 1 - 2 trạm giao liên. Nếu tổng công kích Mậu Thân đợt 1 là đánh vào sào huyệt diệt Ngụy ở các thành phố lớn, thì trận này là đánh Mỹ, mở ra một hướng không chỉ đánh địch vận động bên ngoài đồn bốt mà ngay cả trong căn cứ, buộc Mỹ phải tung quân ra ngoài sông Sa Thầy, tạo điều kiện cho các đơn vị khác đánh vận động, đánh điểm diệt viện.

Tướng Trị ngậm ngùi: Sau trận này, B52 ném bom phá đường tiếp tế, anh em bị bao vây đói nửa tháng trời. Lính Hà Nội mà phải bắt cua, hái môn thục, đọt sắn, lá tàu bay, rau dớn để ăn. Không chỉ có người dương đi tìm người âm đâu các cậu ạ, mà người âm cũng đi tìm người dương đấy. Khi các cậu đi tìm mộ, tôi ở nhà cũng bàn với cậu Toàn - trợ lý quân lực trung đoàn, phải lấy cho được hồ sơ của anh em nằm lại ở trận này.

Cách tiến hành là lọc danh sách qua ngày hy sinh (26/3/1968) và ngày nhập ngũ (27/3/1967), lại là con em gốc Hà Nội thì đúng rồi. Tôi sẽ vào Kon Tum làm bia, đưa vong linh anh em về nghĩa trang liệt sĩ.

Tướng Trị đưa các đồng đội cũ qua nhà vị Trung tướng Lê Hữu Đức, người nổi tiếng với biệt danh “hổ cụt Tây Nguyên”. Tướng Đức ngày ấy là Sư phó, trung tá, và là người trực tiếp đốc chiến (Thay lời kết cho loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”) trận Chư tan Kra. Ông nói: Tôi được gọi về để chuẩn bị cho trận đánh Kleng, tôi và 3 đặc công bò vào trinh sát, đến đêm thứ 3 thì bị lộ, một trinh sát bị pháo hi sinh. Mỹ thấy động, nhảy ra tạo cứ điểm Chư tan Kra. Tôi điện cho anh Hoàng Minh Thảo, tư lệnh mặt trận Tây Nguyên: “cá đã vào lờ, xin đánh”. Khi trung đoàn 209 vào, anh em báo với tôi là có đơn vị chân đi ghệt, đầu đội mũ sắt, mặc áo Tô Châu, tưởng là địch. Khi tôi nhìn thấy ông Toàn thì mới biết là không phải, bí mật tới cỡ đó. Sau Mậu Thân đợt 1, tướng tá Mỹ ở miền Nam rêu rao, chiến tranh chỉ cần 5 - 6 tháng nữa là kết thúc.

Chư tan Kra phải gọi đúng là tập kích chiến lược, trận đánh hay nhất của toàn miền Nam đợt 2, đánh bại đơn vị con cưng địch; kết quả của nghệ thuật quân sự và ý chí quyết thắng vượt sự tưởng tượng này đã khiến cho nước Mỹ chấn động, và từ đây bắt đầu bùng nổ phong trào phản chiến.

11. Trong quá trình ráp nối tư liệu, chúng tôi gặp lại khá nhiều lính mũ sắt Hà Nội đã tham gia trận Chư tan Kra, mà mỗi người trong số họ thực sự là một cuốn tiểu thuyết sống.
 
Đinh Tiên Phong, người bị Mỹ bắt trong trận này kể: “Sau khi đơn vị nổ súng khoảng 30 phút, tớ qua được hàng rào thì dính đạn AR15 vào tay trái. Khi cậu Linh đang băng cho tớ thì pháo dập tới, tớ gãy tiếp cả hai chân. Tớ bảo Linh đi đi, tớ chắc không sống được. Khi tớ tỉnh dậy khoảng lờ mờ sáng thì đã thấy xác lính ta, lính Mỹ nằm đầy xung quanh. Tớ cố bò xuống chân núi, bò qua cả xác ta và xác Mỹ, được khoảng 100m. Tớ cứ bò được mấy mét thì lại một lần ngất. Đến lòng suối cạn, tớ bị vướng một cái cây đổ không bò qua nổi, cứ trườn lên lại trượt xuống. 4h chiều ngày 26/3/1968, tỉnh lại tớ thấy mình đang nằm dưới rệ, xung quanh có tiếng Mỹ xì xồ. Nhắm mắt nằm im, thôi thế này mình chết chắc rồi. Lật lên thấy tớ còn thở, 4 thằng cắt võng sau lưng tớ, khiêng ngược lên đỉnh. Xung quanh không thấy xác Mỹ nữa, chỉ thấy xác anh em. Tụi nó tiêm cho tớ một mũi, rồi quẳng lên trực thăng đưa về bệnh viện Pleiku, khoảng 7h tối thì bác sĩ Mỹ gây mê và làm phẫu thuật. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì đã thấy quấn băng đầy mình, nằm giữa không biết bao nhiêu là lính Mỹ, cả da trắng lẫn da đen, cũng quấn đầy băng như tớ. Hai ngày sau, tớ bị chuyển về Quy Nhơn. Thằng Mỹ hỏi cung qua phiên dịch người Việt, thi thoảng lại vặn cái chân bị thương của tớ một cái, nhưng bác sĩ Mỹ đứng cạnh can thiệp, không cho làm như thế. Tớ khai tên là Vũ Thế Hải, người Hà Nam, lính mới chả biết gì. Cái tên ấy tớ phải cố mà nhớ lấy nó, lần sau khai khác đi thì chết. Sau 5 tháng, các vết thương của tớ lành thì bị chuyển về nhà tù Biên Hòa, rồi nhà tù Phú Quốc. Vào tù rồi thì bị cai ngục Việt Nam Cộng hòa đánh cho cẩn thận, chi tiết lắm. Tớ được trao trả tù binh năm 1973, bay bằng C130 từ Phú Quốc ra vĩ tuyến 17. Đời mình kể cũng lạ, vào chiến trường bằng xe Giải phóng, ra khỏi chiến tranh bằng máy bay. Lính Mỹ mà không tìm thấy thì tớ cũng đã chết trên đỉnh Chư tan Kra ấy rồi”.

Đặng Nhiên, Trung đội phó trinh sát trung đoàn kể: “Tớ bò vào trinh sát Chư tan Kra, thấy hớ hênh lắm, và còn tranh thủ lôi ra được một tải đồ hộp đánh chén. Không biết tiếng Anh nên tớ đưa nhầm cho ông Cảnh một thùng thìa, bị ông ấy mắng mỏ là tớ chơi đểu. Trận này mình diệt gọn nhưng cũng chết gần gọn, riêng 5 trinh sát bọn tớ đã lôi được gần 10 anh em bị thương ra khỏi trận địa, dọc đường gặp vận tải Miền lôi đỡ. Trên đài quan sát M2, tớ nhìn thấy Mỹ sau đó đã đánh bom suốt gần 3h, thả cả bom xăng để hủy trận địa, rồi lại cẩu máy ủi lên, làm lại chiến hào, công sự”.

Đỗ Đức Văn, trung đội đại liên K57 kể: “Tớ bị thương nằm ở trận địa gần 3 ngày mới được anh em đi mò xác lôi ra. Tớ thấy anh em tử sĩ bị thu gom lại, đẩy xuống hố bằng máy ủi, rồi dùng xăng đặc đốt, sau đó lấp đất. Độ sâu anh em nằm khoảng 2m”.

Đến thăm nhà, những người lính mũ sắt vẫn gọi ông Hoàng Đăng Dỹ, chính trị viên phó tiểu đoàn 7 năm ấy là “thủ trưởng”, như ngày nào còn trong đơn vị. Trong giải phóng Điện Biên, ông Dỹ là chính trị viên của đại đội bắt sống tướng De Castries. Trận Chư tan Kra, ông Dỹ khi đang ra lấy thương binh ngay đêm ấy cùng trưởng ban tác chiến trung đoàn thì cảm thấy ngực trái bị đập rất mạnh, sờ thấy máu. Khương ơi, tao bị pháo rồi. Rồi phải lần theo đường dây thông tin về hầm chỉ huy trận đánh.

Râu tóc bạc phơ, ông Dỹ vẫn giữ được phong độ thủ trưởng ngày nào. Như tướng Trị, ông Dỹ lắng nghe anh em báo cáo chuyến đi, rồi bảo với các cấp dưới của mình: Chúng ta nhìn lên thì thiệt thòi rồi, nhưng phải nhìn xuống đồng đội mà sống. Còn sức thì đi tìm anh em đi, chưa đưa về được thì phải vào gặp già bản, cho gửi đồng đội mình ở đó. Đồng đội mình nghĩ về trận này đều hận, vì chết nhiều quá, nhưng phải có lúc tìm và nói lại để thấy rằng, mạng đổi mạng, 204 Mỹ lấy hơn 200 Việt Cộng, anh em đã không nằm xuống vô ích.

Mà này, có đứa nào thích cây cảnh ra vườn mà đánh. Vợ tớ thích hoa, nhưng tớ chỉ thích xương rồng. Xương rồng phải trồng trong cối đá mới gọi là xương rồng đá, nhé.
 
Trung tướng Lê Hữu Đức (phải) trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Thế Trị về trận Chư tan Kra 
 
12. Chư tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Nhiều người còn sống sau đó đã đi sâu mãi vào chiến trường miền Nam, rồi sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc đánh tiếp cả trăm trận, người thì khi ra quân lao vào kinh doanh trở thành Tổng giám đốc, có người chỉ đơn giản làm nghề lái xe ôm. Họ giản dị, lẫn vào đám đông, lẫn vào dòng đời vĩ đại. Nhìn bề ngoài không thể nào đoán được họ đã một thời hào hùng, máu lửa.
 
Có người kể với tôi rằng: Tớ ra quân năm 1979, xin đi học lái xe, hồ sơ của tớ tụi phường ỉm béng đi phần tớ đã đi lính, chỉ còn trơ trụi mỗi bản khai và tờ đơn. Mất một năm ở nhà suông, bạn tớ thấy tớ đang đứng lơ ngơ ở bản tin phường, mới hỏi ngọn ngành, rồi xui lên đòi lại giấy tờ. Tớ lên phường, hồi ấy vẫn còn hay đội chiếc mũ vải mềm gắn sao, thằng bảo vệ nó bảo, các ông tưởng các ông là cái đếch gì, rồi giật mũ tớ vứt xuống đất. Tớ chỉ mặt: Này, Tổ quốc tao đội trên đầu, sao mày dám làm thế? Rồi tớ nhảy lên bàn đấm nó.
 
Có người kể: Con tớ thi đại học thiếu nửa điểm, nó xin tớ đưa hồ sơ thương binh cho nó. Tớ lục tủ, bày tất cả lên bàn và nói, con hãy đứng trên đôi chân của mình, chứ đừng dựa dẫm vào quá khứ của bố. Đời bố vì chiến chinh đã bị coi là thất học rồi, con phải có thành quả học vấn từ học lực của chính mình. Nó không dám cầm cậu ạ. Giờ nó làm cho Pháp, thu nhập cũng ổn lắm. Cũng lại có người để yên tất cả kỷ niệm đời lính trong hộp sắt, chưa một lần mở ra xem lại.
 
Lính mũ sắt Hà Nội như tôi biết là như vậy, một chút về những người còn sống và cả những người nằm xuống. 
 
Ghi chép của Việt Thường
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN