TTVH Online

Ba “báu vật nhân văn sống” của Nhã nhạc

03/05/2009 11:55 GMT+7

Thành công lớn nhất của Nhã nhạc Huế trong thời gian qua là biến nó từ một loại hình âm nhạc chỉ chuyên phục vụ trong cung vua xưa, nay đến được rộng rãi với công chúng.

(TT&VH) - Người ta đã nói nhiều về nhã nhạc, cũng như về các nghệ nhân cuối cùng của di sản thế giới này, thế nhưng mỗi lần được gặp các cụ - những báu vật nhân văn sống ấy – chúng tôi không khỏi kính phục trước tâm huyết của họ dành cho di sản.

Bởi thế mà việc bảo tồn Nhã nhạc Huế được UNESCO xem là một mô hình mẫu về bảo tồn di sản phi vật thể để triển khai rộng cho các di sản phi vật thể khác trong khu vực.

* Ba nghệ nhân ở tuổi… cửu thập

Người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ Nhã nhạc Huế lâu nay là nghệ nhân Trần Kích, năm nay đã 91 tuổi. Ông là một trong số ít các nghệ nhân còn lại trên đất Huế đã góp phần cùng với Trường Đại học Nghệ thuật Huế ( nay là Học viện âm nhạc Huế) đào tạo được 2 khoá Nhã nhạc Huế hệ đại học với sự trợ giúp về kinh phí từ phía Nhật Bản. Hiện ông đã nghiên cứu, ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc để truyền nghề cho học trò. Ông nêu tấm gương sáng, mẫu mực về tinh thần lao động hết mình để giữ gìn cho Huế những bài nhạc lưu truyền trong dân gian, không bị thất truyền.

Kế đến là 2 nghệ nhân cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn, đồng thời là 2 anh em ruột, cũng đã ngoài hoặc suýt soát tuổi… cửu thập. Đó là cụ Lữ Hữu Thi (92 tuổi)và Lữ Hữu Cử (86 tuổi). Cũng như nghệ nhân Trần Kích, họ đều là những “Báu vật nhân văn sống” của Nhã nhạc Huế. Các cụ đều là những tay chơi nhạc cự phách của đội nhạc Hoà Thanh trong cung đình (còn gọi là Tiểu nhạc).


Hai anh em cụ Lữ Hữu Thi - Lữ Hữu Cử

Cụ Lữ Hữu Thi nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp. Mỗi khi cất lên, tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xoà, lúc bay bổng âm thanh nghe như bướm lượn trong các đoạn Nam ai, Nam bình, trong Đăng đàn cung, thu phục lòng người đến mê hoặc.

Cụ Cử cũng là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, ngoài các loại nhạc cụ như kèn, sáo, địch, cụ còn thổi được kèn Tây (Saxsophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng. Những người nhạc công cuối cùng của trong đội nhạc của triều Nguyễn bây giờ lại bận rộn hơn trong công việc giúp nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của âm nhạc cung đình Huế. Cụ Cử hiện nay hơi nặng tai, nên việc truyền dạy có phần hạn chế, riêng cụ Thi ngày ngày vẫn nhờ con cháu chở vào nhà hát truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công của nhà hát Duyệt Thị Đường - Huế. Cụ Thi hiện còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, có dịp chứng kiến cụ đàn ca, mới thấy hết ngọn lửa đam mê vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm hồn người nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn này. Nhà cụ nghèo lắm, ở bên con sông Bạch Yến, khách đến chơi vẫn thiếu chỗ ngồi, nhưng khi hỏi đến suy nghĩ của mình, cụ chỉ ao ước nhà hát tạo điều kiện để cụ sớm truyền bài "ngũ lôi nhạc nữ", đây là bài ứng tiếp mà triều đình thường dùng khi có khách quý, để cụ được an lòng lỡ khi nhắm mắt xuôi tay cũng được mãn nguyện. Cụ lý giải:"đã mang lấy kiếp cầm ca, thì mấy ai màng đến sang hèn", có lẽ, cái khí phách ấy giúp cụ sống thanh thản, trường thọ ở đời.

* Nhiều điệu múa, điệu nhạc được phục hồi!

Khẳng định giá trị to lớn của loại hình văn hoá độc đáo này, nhất là sau 5 năm, kể từ khi nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đầu tư hơn 8 tỉ đồng để trùng tu và đưa Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) vào sử dụng. Đây cũng là một trong những địa chỉ góp phần đưa Nhã nhạc Huế hàng ngày đến với công chúng, nhất là khách du lịch đến tham quan di tích Cố đô Huế. Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn. Thời đó, đây là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung. Hiện nhà hát đã quy tụ được hơn 170 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để tiếp tục sứ mệnh vốn có của mình.
Nghệ nhân Trần Kích

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự. Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như: Trống Thái Bình,  Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá…

Giám đốc Nhà hát Duyệt Thị Đường, đạo diễn sân khấu Trương Tuấn Hải cho biết, có 15 điệu múa cung đình đã được biên soạn; đồng thời phục hồi được một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyện Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân. Hiện có những bài "thài" như Trầm Hương (An thần) một trong 8 bài nhạc lễ trong lễ tế đàn Nam Giao, trong đó có đoạn như: Long nghi cáo bị/Nhạc chương đại thần/Tư văn dĩ phước/ Minh đức duy hinh...đã được bảo tồn và phục dựng thành công.

Thành công lớn nhất của Nhã nhạc Huế trong thời gian qua là biến nó từ một loại hình âm nhạc chỉ chuyên phục vụ trong cung vua xưa, nay đến được rộng rãi với công chúng. Trong đó, nhiều tiết mục được trình diễn ở nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nhã nhạc Huế vừa được "tiếp sức" thêm trong  dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế (Theo đó, UNESCO thông qua Quỹ uỷ thác Nhật Bản đã tài trợ nguồn kinh phí 154.900 USD). Dự án tập trung nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu, như Thái Bình cổ nhạc, các bản ca “Thài” trong lễ tế Nam Giao; chuyển biên các bài bản Nhã nhạc; lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu là những "báu vật nhân văn sống"....

Quốc Việt
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN