TTVH Online

Nhà văn Lý Lan: Mẹ đưa con đến trường - mãi là biểu tượng đẹp nhất!

12/04/2009 15:55 GMT+7

Trong quãng đời đi học, hầu như ai cũng đã trải qua ngày khai trường đầu tiên. Nhưng, ít ai để ý xem trong đêm trước ngày khai trường ấy mẹ mình đã làm gì và nghĩ những gì.

(TT&VH) - Lâu nay, độc giả Việt Nam, đặc biệt là các độc giả trẻ không xa lạ gì với tên tuổi nữ dịch giả Lý Lan qua bộ truyện Harry Portter. Không chỉ là một dịch giả, Tùy bút “Cổng trường mở ra” (SGK lớp 7, tập 1) của nhà văn Lý Lan cũng được các em học sinh rất yêu thích. Và, sẽ thú vị hơn khi “Con đường đến trường” được “mở ra” qua những tâm sự rất dung dị nhưng lại vô cùng cảm động như chính giọng văn của bà trong tùy bút này....

* “Cổng trường mở ra” từ khát khao của thời thơ ấu mồ côi

Trong quãng đời đi học, hầu như ai cũng đã trải qua ngày khai trường đầu tiên. Nhưng, ít ai để ý xem trong đêm trước ngày khai trường ấy mẹ mình đã làm gì và nghĩ những gì.

Tùy bút “Cổng trường mở ra” đã ghi lại những cảm xúc ấy: “Vào đêm trước ngày khai trường của con. Mẹ đã chuẩn bị nhiều tâm trạng và tưởng tượng một số tình huống sẽ xảy ra, nhưng mẹ đã không hề nghĩ rằng đêm nay mẹ không ngủ được”.

Nhà văn Lý Lan tâm sự: “Đó là một bài văn tôi viết khoảng mười năm trước, lúc cháu tôi sắp vào lớp một. Tôi chứng kiến tất cả sự chuẩn bị và cảm thông nỗi lòng của em tôi. Chị em tôi mồ cô mẹ khi còn quá nhỏ, các em tôi không hề có niềm hạnh phúc được mẹ cầm tay dẫn đến trường. Hình ảnh đó là nỗi khao khát mà khi làm mẹ em tôi mới thực hiện được. Mãi mãi hình ảnh mẹ đưa con đến trường là biểu tượng đẹp nhất trong xã hội loài người.”

Có lẽ chính bởi được viết lên bằng yêu thương và khát khao yêu thương được mẹ cầm tay đến trường mà “Cổng trường mở ra” chất chứa biết bao xúc cảm. Những câu văn chân thành xúc động như để tâm sự với đứa con bé bỏng, lại như đang nói với chính mình. Nhưng cao hơn nữa, nhà văn muốn khẳng định giá trị của giáo giục đối với một con người và với cả xã hội như bà nói: “Một con người được sinh ra, nuôi dưỡng, thương yêu, và được học hành, là nền tảng của văn minh con người. Cổng trường mở ra trên nền tảng đó, bảo đảm quyền căn bản của mọi đứa trẻ, khẳng định trách nhiệm của mọi người lớn”: Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. (SGK Ngữ Văn 7, tập 1)

* Trả lại đúng tên cho tác giả

Tùy bút “Cổng trường mở ra” của nhà văn Lý Lan được viết vào ngày 1/9/2000, sau đó được in trên báo “Yêu trẻ” – TP.HCM số 166. Khi bắt đầu chương trình cải cách, lập tức, “Cổng trường mở ra” được chọn làm bài giảng đầu tiên trong sách Ngữ Văn lớp 7. Khi đó, nhà văn Lý Lan đang du học nước ngoài. Được hỏi về cảm xúc của một tác giả có tác phẩm trong SGK, nhà văn Lý Lan cho biết: “Vào khoảng mùa hè năm 2002 hay 2003 tôi về nước, nghe nói bài học đầu tiên trong sách giáo khoa mới, môn văn lớp 7 dạy tác phẩm của tôi. Tôi vui chứ không ngạc nhiên vì người soạn sách đã liên lạc với tôi bằng email để xin phép sửa hay giải thích một số từ miền Nam tôi dùng trong bài vì SGK dùng cho học sinh cả nước. Tuy vậy, từ đó đến nay tôi không hề nhận được một cuốn sách biếu hay nhuận bút”.

Nhà văn Lý Lan sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Quê mẹ ở xứ vườn trái cây Lái Thiêu, quê cha ở huyện Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Bà có rất nhiều tác phẩm viết cho lứa tuổi học trò như: Tập truyện thiếu nhi “Ngôi Nhà Trong Cỏ” (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1984) được giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam; “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen” (NXB Văn Nghệ - 2008).

Nhưng điều khiến nhà văn Lý Lan chưa hài lòng không phải vì không có sách biếu hay nhuận bút mà là tên tác giả bị ghi thành Lí Lan. Đó là một sai xót không thể chấp nhận được: “Tôi là Lý Lan và không chấp nhận cho ai sửa tên tôi vì bất cứ lý do gì.”

* Văn học thiếu nhi khó hay chứ không khó viết

Theo nhà văn Lý Lan: Tình hình đọc sách văn học của trẻ em nước mình hiện nay không khác nhiều nước khác trên thế giới. Trẻ em ham chơi, sách văn học ngày càng khó cạnh tranh với những loại hình giải trí hấp dẫn khác. Phim ảnh, game chẳng hạn, thu được lợi nhuận lớn nên luôn có sản phẩm dồi dào và mới mẻ liên tục. Tác phẩm văn học đích thực không cách gì sản xuất nhanh nhiều như vậy.

Là một tác giả đã có khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi (cả sáng tác và dịch thuật), bà cho rằng, văn học cho thiếu nhi không khó viết, chỉ khó hay thôi, vì nỗi éo le là người viết thường không còn là thiếu nhi, và đã ở ngoài thế giới của trẻ em. Họ chỉ có thể viết nhờ quan sát thế giới không có họ, hoặc hồi tưởng thế giới mà họ đã đánh mất. Cần có một tài năng và một tâm hồn lớn để viết thành công cho thiếu nhi. Nếu cả đời tôi chỉ viết được một truyện trẻ em xứng đáng là văn học thiếu nhi, là đủ cho tôi mãn nguyện về nghề nghiệp”.

Cũng là một tác giả có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy (gần 17 năm giảng dạy Anh văn), tuy không dạy môn văn, nhưng nhà văn Lý Lan đánh giá cao vai trò của văn chương trong nhà trường: “Tôi tin là điều quan trọng của văn chương trong nhà trường là rèn luyện phát triển tiếng Việt như ngôn ngữ tư duy và diễn đạt của người Việt, qua đó nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và tâm hồn Việt Nam…”

Yên Khương

(*)Xem từ TT&VH số 111 ra ngày 20/4/2008

Kỳ sau (Chủ Nhật, 19/4): Nhà văn Trần Hoài Dương: Chắt lọc những gì trong ngần nhất để viết cho các em

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN